Đây là năm thứ 10 liên tiếp ngân hàng Vatican công bố báo cáo thường niên.
Tuy lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2021 giảm so với 44 triệu đô la vào năm 2020 và 46 triệu đô la vào năm 2019, ngân hàng Vatican nói rằng lợi nhuận cho năm 2021 là “phù hợp với kỳ vọng” sau khi mô hình kinh doanh “giữ các tài sản để sinh lời và bán các sản phẩm” được “áp dụng cho các khoản đầu tư và với ít rủi ro.”
Trong báo cáo thường niên, Viện Giáo vụ nhấn mạnh sự cống hiến của mình trong việc quản lý tài sản tài chính của khách hàng theo các giá trị và nguyên tắc Công giáo.
Đức Hồng y Santos Abril y Castelló, chủ tịch Ủy ban Giám sát của các Hồng y, đã viết trong báo cáo rằng lợi nhuận 18,1 triệu euro (19,3 triệu đô la) là “một kết quả quan trọng khi xét đến lãi suất thấp trên thị trường tài chính.” “Những lựa chọn khôn ngoan và thận trọng của ban quản trị tiếp tục mang lại kết quả.”
Theo báo cáo dài 138 trang được công bố trực tuyến ngày 7/6/2022, ngân hàng Vatican cho biết đã củng cố và phát triển “chất lượng và tiêu chuẩn của quy trình đầu tư quản lý tài sản của mình nhằm cải thiện hơn nữa kết quả đầu tư của khách hàng.”
Báo cáo cho biết, chi phí quản lý cho năm 2021 tổng cộng là 19,2 triệu euro (20,5 triệu đô la).
Báo cáo tài chính năm 2021 của ngân hàng Vatican đã được kiểm toán bởi công ty Mazars Group và được xem xét bởi Ủy ban Hồng y giám sát công việc của ngân hàng.
Ngân hàng Vatican có trụ sở tại thành Vatican, có 110 nhân viên và 14.519 khách hàng, quản lý 5,2 tỷ euro (5,6 tỷ đô la) tài sản của khách hàng.
Theo báo cáo, “Ngân hàng Vatican cố gắng phục vụ sứ mạng toàn cầu của Giáo hội Công giáo thông qua việc quản lý các tài sản được giao phó và bằng cách cung cấp các dịch vụ thanh toán cho Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican, các tổ chức liên quan, các dòng tu, các tổ chức Công giáo khác, các giáo sĩ, nhân viên của Tòa thánh và các cơ quan ngoại giao đã được công nhận.” (CSR_2414_2022)
Hồng Thủy – Vatican News