Tôn trọng sự sống của tất cả mọi người và khả năng hoán cải là những lý do để bãi bỏ án tử hình.
Trong ý cầu nguyện dành cho tháng 9, Đức Thánh Cha nói rằng “án tử hình không đem lại công lý cho các nạn nhân, nhưng khơi thêm sự trả thù”.
ĐTC chỉ ra rằng án tử hình là điều không cần thiết về mặt pháp lý và cảnh báo về những sai lầm có thể xảy ra khi thực thi công lý.
Trong video ý cầu nguyện, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện “để án tử hình, sự tấn công trực tiếp vào phẩm giá con người, có thể được bãi bỏ theo pháp lý ở mọi quốc gia”.
Án tử hình vẫn đang tồn tại trên thế giới
Trong sứ điệp, ĐTC ca ngợi việc bãi bỏ án tử hình đang lan rộng khắp thế giới, điều mà Giáo hội xem là “dấu chỉ của hy vọng.” Trên thực tế, theo dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc, khoảng 170 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình, áp đặt lệnh cấm thi hành án tử hình trong hiến pháp hay trên thực tế, hoặc đã đình chỉ việc thi hành án trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, án tử hình hiện vẫn đang được áp dụng ở 55 quốc gia trên các lục địa khác nhau.
Quan điểm của Giáo hội về án tử hình
Từ thánh Gioan Phaolô II đến Đức Biển Đức XVI, các Giáo hoàng đã kiên quyết lên tiếng trong những thập kỷ gần đây nhằm chống lại việc các chính phủ áp dụng án tử hình. Vào năm 2018, ĐTC Phanxicô đã tiến xa hơn nữa qua việc phê chuẩn một đoạn mới trong sách giáo lý, công khai lên án án tử hình và bày tỏ sự dấn thân của Giáo hội để án tử được bãi bỏ hoàn toàn.
Ý cầu nguyện tháng này được đưa ra khi những tin tức về các án tử hình và các vụ hành quyết ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang xảy ra, do đó Đức Thánh Cha kêu gọi không chỉ các Kitô hữu, mà tất cả những người có thiện chí cùng cầu nguyện cho việc bãi bỏ án tử hình. Ngài nhắc lại rằng “án tử hình không đem lại công lý cho nạn nhân, nhưng khơi thêm sự trả thù.” Từ góc độ đạo đức, án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì “nó phá hủy món quà quan trọng nhất mà chúng ta đã nhận được, là sự sống”.
Cuối cùng, “dưới ánh sáng Tin Mừng, án tử hình là không thể chấp nhận được. Điều răn “chớ giết người, ám chỉ đến cả người vô tội và người có tội.” Ngoài ra, có những lý do khác để bãi bỏ án tử hình: vẫn có nguy cơ xảy ra sai lầm khi thực thi công lý, và thực tế rằng “cho đến giây phút cuối cùng, một người có thể hoán cải và thay đổi.” ĐTC giải thích “Trong mọi bản án hình sự, luôn có một cửa sổ cho sự hy vọng”.
Án tử hình nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất
Cô Krisanne Vaillancourt Murphy, giám đốc điều hành của Mạng lưới Vận động Công giáo, nói: “Ý cầu nguyện của ĐTC Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng án tử hình tiếp diễn vòng luẩn quẩn độc hại, bạo lực và kéo dài sự tồn tại của văn hóa vứt bỏ. Thảm kịch trong án tử hình là việc nó thực sự nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: những người mắc bệnh tâm thần, những người không đủ đại diện pháp lý và những người sống trong nghèo đói hoặc những người bị gạt ra ngoài lề xã hội .
“Việc bãi bỏ án tử hình là điều nằm trong khả năng và đây là cách rõ ràng chúng ta có thể xây dựng văn hóa sự sống. Mỗi người, bất kể những tổn hại mà họ có thể gây ra hoặc phải gánh chịu, đều có phẩm giá được Thiên Chúa ban cho và họ xứng đáng có cơ hội để phục hồi.
“Tháng này, xin cho mỗi chúng ta vốn là Thân thể Chúa Kitô, đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để cùng liên kết trong lời cầu nguyện và hành động – không chỉ xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới, nhưng còn thúc đẩy các hình thái công lý, điều có thể chữa lành và biến đổi.”
Án tử hình giống như tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa
Cha Frédéric Fornos, S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, chia sẻ: “Tháng này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta cầu nguyện cho việc bãi bỏ án tử hình, nhắc lại những gì ngài đã nói trong thông điệp Fratelli tutti và được quy định trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: Giáo hội ‘làm việc với quyết tâm bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới.’ Tại sao? Bởi vì cho đến giây phút cuối cùng, một người có thể hoán cải, nhận ra tội ác của mình và thay đổi. Tuy nhiên, án tử hình giống như tự đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Án tử hình như lời khẳng định rằng một người sẽ không thể thay đổi được nữa, đây là điều mà chúng ta không thể biết được.”
Văn Cương, SJ – Vatican News