Đức cha Gassis cho biết chính mẫu gương sống bác ái của cha mẹ là động lực hướng ngài dấn thân không ngừng cho người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ, bị gạt ra bên lề. Đức cha kể khi còn nhỏ, một ngày kia khi mở cửa cha mẹ ngài thấy một người đàn ông gục ngã trước cửa nhà. Người này đến từ Nam Sudan, với bề ngoài khác những cư dân ở thủ đô Khartoum của Sudan, nơi chủ yếu là người Ả Rập. Ngay lập tức cha mẹ ngài đã đưa người gặp nạn vào nhà chăm sóc cho đến khi khoẻ mạnh vào ngày hôm sau. Dụ ngôn người Samari nhân hậu này đã theo suốt cuộc đời mục tử của Đức cha Gassis.
Được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận El Obeid của Sudan vào năm 1988, Đức cha Gassis là thành viên nói tiếng Ả Rập duy nhất của Hội đồng Giám mục, giữ vai trò là người liên lạc giữa chính phủ Sudan và Hội đồng Giám mục. Tuy nhiên vì đã can đảm tố cáo các hành vi vi phạm nhân quyền ở đất nước của quân đội, ngài bị chính phủ kết tội hình sự.
Sau khi ra nước ngoài điều trị bệnh, ngài được khuyên không nên trở về quê hương vì tính mạng có thể gặp nguy hiểm. Nhưng vì muốn giúp người dân, Đức cha không những quyết tâm trở về mà còn tìm cách để thế giới biết đến thực trạng khó khăn của đất nước. Trước hết Đức cha đã trình bày những khó khăn này trước Uỷ ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Genève và sau đó đi khắp nơi tổ chức các hội nghị về nhân quyền, bách hại Kitô hữu và chủng tộc châu Phi, chế độ nô lệ.
Khi trở về, đau lòng chứng kiến hoàn cảnh nghèo khổ của người dân ở Dãy núi Nuba, trước tiên là thiếu nước, Đức cha đã kêu gọi các các tổ chức hỗ trợ người dân nhưng vô ích. Không thất vọng ngài đã đi khắp nơi và cuối cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã giúp một dàn khoan di động. Đến nay Đức cha đã khoan được 250 địa điểm để cung cấp nước sạch cho người dân.
Ngoài ra, khi nhận thấy ở đây không có bệnh viện và việc di chuyển bệnh nhân đi các nơi khác gặp rất nhiều khó khăn, Đức cha đã xây dựng bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót ở Gidel, và sau đó các bệnh viện khác ở trong khu vực.
Ngay cả khi đã chính thức nghỉ hưu vào năm 2013 ở tuổi 75, Đức cha vẫn không ngừng hoạt động tông đồ, đặc biệt làm trung gian cho những căng thẳng giữa các đảng phái và nhóm vũ trang. Thực tế, mặc dù đã có Thoả thuận Hoà bình Toàn diện vào năm 2005, nhưng xung đột vẫn xảy ra ở những khu vực nơi các vị mục tử của giáo phận El Obeid không thể đến, nhưng Đức cha Gassis lại đến đó để cung cấp các dịch vụ nhân đạo cho dân chúng.
Bác sĩ Catena đến từ New York, trong nhiều năm là bác sĩ duy nhất phục vụ khu vực rộng lớn của Dãy núi Nuba, đã nhận xét rằng Đức cha Gassis là một người thẳng thắn cương quyết bảo vệ các Kitô hữu và những người bị gạt ra bên lề của Sudan. Ngài đã phải trả giá bằng việc phải rời Sudan vào đầu những năm 90 và sống lưu vong ở Kenya. Phần lớn là nhờ những nỗ lực của Đức cha Gassis mà Giáo hội có được như ngày nay.
Theo bác sĩ, mặc dù thánh Daniel Comboni đã thành lập Giáo hội ở Sudan hơn 140 năm trước, nhưng chính Đức cha Macram Gassis là người đã đưa Giáo hội đến vùng này của Dãy núi Nuba. Ngoài việc thành lập ba giáo xứ trong cuộc nội chiến trước đó, ngài đã xây dựng bệnh viện này, một số trường học và khoan giếng. Tất cả sự phát triển trong phần này của Nuba đều do Giáo hội bắt đầu và Đức cha Macram là chất xúc tác đằng sau.
Hoạt động không mệt mỏi của Đức cha đã có ảnh hưởng cả ở Sudan và quốc tế. Gabriel Meyer, người đã nhiều lần đến Sudan và viết kịch bản cho bộ phim The Hidden Gift: War and Faith in Sudan năm 2001, làm chứng rằng chính Đức cha là người đã nỗ lực để tiến tới thực hiện một vùng cấm bay trên Dãy núi Nuba trong suốt nhiều thập kỷ của cuộc nội chiến kéo dài giữa miền Bắc và miền Nam; tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn thuyết phục, và mở cửa khu vực cho các tổ chức cứu trợ và nhà báo hoạt động.
Nhờ hoạt động và chứng tá, ngoài việc được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2012, Đức cha Gassis đã nhận được nhiều giải thưởng. Năm 2000, ngài được vinh danh tại Washington với Giải thưởng William Wilberforce hàng năm lần thứ 12 từ Hiệp hội Nhà tù vì những nỗ lực chấm dứt cuộc bách hại tôn giáo ở Sudan. Năm 2001, Đại học San Francisco đã trao cho ngài bằng tiến sĩ danh dự về những bức thư nhân đạo.
Ngọc Yến – Vatican News