Bộ trưởng mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin nghĩ gì về nước Đức

Nghe bài này

Luke Coppen, rên tạp chí The Pillar, ngày 21 tháng 7 năm 2023, cho rằng: Kể từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng tín lý của Vatican vào ngày 1 tháng 7, Hồng Y tân cử Víctor Manuel Fernández đã trả lời ít nhất 20 cuộc phỏng vấn.

Một chủ đề mà ngài thường đề cập là Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì Công Giáo Đức đã thu hút sự chú ý đáng kể trên hoàn cầu kể từ khi ra mắt “Con đường đồng nghị” họ vào năm 2019.

Sáng kiến này, chính thức kết thúc vào tháng 3 năm nay, đã quy tụ các giám mục Đức và một số giáo dân chọn lọc để thảo luận về những thay đổi sâu rộng đối với giáo huấn và thực hành Công Giáo.

Những người tham gia tán thành các nghị quyết kêu gọi phụ nữ làm phó tế, xem xét lại tình trạng độc thân của linh mục, giáo dân giảng trong các Thánh lễ, ban phép lành cho người đồng tính, xem xét lại đạo đức tính dục Công Giáo và công nhận nhiều hơn về “sự đa dạng giới tính”.

Có lẽ đề xuất táo bạo nhất kêu gọi thành lập một “công đồng đồng nghị” thường trực gồm các giám mục và giáo dân có quyền ra quyết định áp dụng khắp Giáo hội ở Đức. Nếu cơ quan này được thành lập, nó sẽ mang lại cho những người ủng hộ Con đường Đồng nghị một chỗ đứng lâu dài về mặt định chế.

Nhưng Con đường Đồng nghị liên tục vấp phải sự phản đối ở Rome, đôi khi được dẫn dắt bởi người tiền nhiệm của Fernández với tư cách là bộ trưởng tín lý, Hồng Y Luis Ladaria Ferrer.

Fernández — người còn được biết đến với biệt danh “Tucho” — đã nói gì về Giáo hội Đức trong các cuộc phỏng vấn vội vã của mình? Và những bình luận của ngài có báo hiệu một sự thay đổi trong đường hướng của Vatican về Con đường Đồng nghị hay không?

Ngài đã nói những gì

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của mình, được công bố vào ngày 5 tháng 7 bởi trang mạng InfoVaticana của Tây Ban Nha, Fernández giải thích rằng ngài quá bận rộn với vai trò tổng giám mục Tổng giáo phận La Plata của Á Căn Đình kể từ năm 2018, nên ít theo sát Con đường Đồng nghị.

Ngài nói, “Người Đức luôn thu hút sự chú ý, và theo phong cách của tôi với tư cách tổng giám mục, không có mối quan tâm nào về việc phong chức cho phụ nữ hay những thứ tương tự như vậy. Rõ ràng bây giờ tôi phải bắt kịp vấn đề, lắng nghe, nói chuyện, tham khảo ý kiến.”

Ngài nói thêm rằng ngài không hoàn toàn bác bỏ phong trào Đức.

Fernández nói, “Có lần Đức Hồng Y Ladaria nói với tôi rằng ngài hy vọng có một kẻ dị giáo nào đó sẽ buộc chúng ta phải đào sâu đức tin của mình. Vấn đề lịch sử này sẽ để lại điều gì đó tốt đẹp cho chúng ta mặc dù có thể cần phải đánh bóng mọi thứ, xác định rõ chúng, làm chúng chín mùi”.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng hai ngày sau đó với trang mạng tin tức chính thức của Giáo hội Đức Katholisch.de, Fernández nhấn mạnh rằng ngài cần phải làm quen với các yêu cầu của Con đường Đồng nghị.

Ngài nói: “Bởi vì, theo quan điểm của tôi, sẽ không khôn ngoan và có hại nếu đưa ra những đánh giá vào lúc này. Xét cho cùng, tôi sống cách xa 12,000 km [khoảng 7,500 dặm] và vẫn chưa nói chuyện với những người chịu trách nhiệm.”

Vào ngày 8 tháng 7, hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE dẫn lời Fernández nói rằng “người Đức đủ thông minh để không vượt qua ranh giới” khi nói đến sự hiệp nhất của Giáo hội và rằng “mặt khác, nhiều người trong số họ có ý định chính đáng và thiện chí.”

Trong một cuộc trò chuyện ngày 9 tháng 7 với tờ báo La Repubblica của Ý, Fernández đã được hỏi liệu ngài có chia sẻ lập luận của Con đường Đồng nghị rằng giáo huấn Công Giáo về tính dục là “một tập hợp những lời ‘không’ xa rời thực tế hay không”.

Ngài trả lời: “Luôn có nguy cơ biến đạo đức thành những điều cấm đoán đơn thuần, và điều này chắc chắn sẽ không khiến nó trở nên hấp dẫn hay thuyết phục. Điều tốt hơn hết là trước tiên hãy thể hiện vẻ đẹp của đề xuất, mục tiêu, lý tưởng cần thực hiện, bữa tiệc mà Thiên Chúa phục vụ chúng ta.”

Sau đó, Fernández nói với Rome Reports trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13 tháng 7 rằng cách tiếp cận của ngài đối với Con đường Đồng nghị sẽ bao gồm “lắng nghe để hiểu ý định hợp pháp đằng sau các đề xuất và phân tích các con đường thay thế khác nhau có thể đáp ứng, ít nhất là một phần, đối với những mối quan tâm này”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 16 tháng 7 với Alfa y Omega của Tây Ban Nha, ngài nói: “Tôi tin rằng vấn đề về Con đường Đồng nghị của Đức vẫn chưa hoàn toàn khép lại chừng nào chưa có câu trả lời nào cho dân Chúa ở Đức, những người đang đòi hỏi nhiều không gian thực sự hơn cho phụ nữ và những điều khác mà sẽ không tệ nếu chú ý nhiều hơn”.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng cùng ngày với tờ báo trực tuyến La Gaceta de la Iberosfera của Tây Ban Nha, Fernández đã được hỏi rằng ngài sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” của mình ở đâu.

“Tôi nghĩ có những lo ngại chính đáng và tôi muốn hiểu rõ hơn về chúng,” ngài trả lời. “Nỗ lực tạo ra một cơ quan đồng nghị có thể song song với hội đồng giám mục Đức hoặc tự đặt mình lên trên các giáo phận sẽ không phù hợp với hiến pháp của Giáo hội.”

“Hơn nữa, chúng ta biết rằng Đức Phanxicô không thích những cấu trúc quá mức, và cách ngài luôn chống lại việc mọi thứ phải trở thành chuẩn mực kinh điển. Có lẽ họ vẫn cần hiểu rõ hơn về tinh thần của Đức Phanxicô. Tất cả chúng ta cần hiểu ngài nhiều hơn”.

Thêm vào những đề cập trực tiếp đến Đức, Fernández thường xuyên được hỏi về phán quyết năm 2021 của bộ giáo lý về việc ban phép lành cho các cặp đồng tính, mà nhiều nhà bình luận tin rằng nhắm vào Đức.

Tóm tắt vị trí của mình trong một Cuộc phỏng vấn ngày 17 tháng 7 với The Pillar, ngài nói rằng “sẽ không tệ nếu ‘suy nghĩ lại về nó’, không có gì hơn.”

“Tôi sẽ phải nói chuyện với nhiều người, và lắng nghe chính thánh bộ, chú ý đến những gì được đưa ra trong thượng hội đồng [về tính đồng nghị], v.v.,” ngài nói. “Nhưng – không nhất thiết phải mâu thuẫn với những gì tài liệu đó nói, mà có lẽ để làm phong phú và mở rộng nó.”

Năm bước của Fernández

Xem xét toàn bộ các nhận xét của Fernández, có thể tóm tắt lập trường của ngài về Giáo hội Đức như sau.

Đầu tiên, ngài nhận ra rằng ngài chưa được thông báo đầy đủ về Con đường Đồng nghị. Nhưng ngài cam kết sẽ xem xét nó một cách chi tiết sau khi bắt đầu phục vụ trong tư cách bộ trưởng giáo lý vào tháng Chín.

Thứ hai, ngài cho rằng sáng kiến này thể hiện một số ý định “chính đáng”, đặc biệt liên quan đến việc mở rộng vai trò của phụ nữ trong Giáo hội nhưng có lẽ cũng trong các lĩnh vực khác.

Thứ ba, ngài nghĩ rằng chương trình nghị sự của Con đường Đồng nghị chứa đựng những yếu tố mâu thuẫn với sự tự hiểu của Giáo hội hoặc sẽ không dẫn đến sự đổi mới đích thực, chẳng hạn như Hội đồng đồng nghị.

Thứ tư, ngài tin rằng thông qua quá trình “lắng nghe”, ngài sẽ có thể nhận ra điều gì là tốt trong phong trào của Đức và sau đó xem xét “các con đường thay thế khác nhau” để giải quyết các mối quan tâm, ít nhất là một phần.

Thứ năm, ngài tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo của phong trào đủ “thông minh” để không cho phép Giáo hội ở Đức rơi vào tình trạng ly giáo.

Thay đổi hay không thay đổi?

Đọc một chiều, Fernández dường như đang báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận theo Con đường đồng nghị.

Theo cách đọc này, người đứng đầu về tín lý của Vatican sẽ không còn xem sáng kiến của Đức chủ yếu với sự nghi ngờ nữa, mà đúng hơn là một phong trào hơi sai lầm tuy nhiên có khả năng truyền cảm hứng cho cuộc cải cách đích thực.

Fernández sẽ đưa ra một sự lắng nghe công bằng cho những nhân vật chính của Con đường Đồng nghị— điều mà họ thường xuyên cáo buộc Rome đã từ chối họ. Và ngài sẽ tự tin rằng sáng kiến của Đức sẽ không chia rẽ Giáo hội vì nó được lãnh đạo bởi những người hợp lý với ý định tốt.

Nhưng có một cách khác để đọc nhận xét của Fernández: Bằng cách nhấn mạnh tính liên tục của chúng với đường lối đã được thiết lập của Vatican.

Chẳng hạn, vị Hồng Y tân cử dường như bác bỏ hoàn toàn sáng kiến “mối quan tâm về việc phong chức cho phụ nữ hoặc những thứ tương tự” – một yếu tố chính của dự án của Đức.

Về điều này, Fernández dường như đồng ý với người tiền nhiệm của mình là Hồng Y Ladaria, người đã nói với các giám mục Đức vào tháng 11 năm ngoái rằng các văn bản của Con đường Đồng nghị đã không thực thi công lý đối với giáo huấn của Giáo hội rằng việc truyền chức linh mục được dành riêng cho nam giới.

Tương tự, vị Hồng Y tân cử cũng bác bỏ “Hội đồng đồng nghị” được đề xuất, một cơ chế có thể không thể thiếu để áp đặt tầm nhìn của Con đường Đồng nghị trong Giáo hội Đức. Trong khía cạnh này, ngài cũng đang theo Ladaria, người đã ký một lá thư vào tháng Giêng nói rằng Con đường Đồng nghị không có thẩm quyền thành lập một cơ quan như vậy.

Nhưng còn cam kết lắng nghe của Fernández thì sao? Đó không phải là mới sao? Nó không hứa hẹn một mức độ cam kết mới giữa Vatican và các nhà lãnh đạo theo đường lối đồng nghị hay sao?

Không nhất thiết. Mặc dù Vatican đã nhiều lần can thiệp vào Con đường Đồng nghị, nhưng Vatican vẫn cẩn thận giữ cho các kênh liên lạc với các giám mục Đức luôn mở.

Ngay cả điều được cho là động thái mang tính hệ quả nhất của Rôma – việc bác bỏ Hội đồng đồng nghị – đã đi kèm với một lời hứa rằng “các bộ của Giáo triều Rôma… vẫn luôn sẵn sàng tiếp tục đối thoại sâu rộng và sâu sắc hơn”.

Tuy nhiên, Fernández có thể tìm cách phá vỡ quan điểm hiện tại, trong đó Vatican chỉ thảo luận về Con đường Đồng nghị với các giám mục Đức, loại trừ người đồng bảo trợ sáng kiến: Ủy ban Trung ương Công Giáo của giáo dân Đức (ZdK) có ảnh hưởng.

Vị Hồng Y tân cử cũng có thể muốn có Ủy ban Trung ương Công Giáo của giáo dân Đức ở bàn đối thoại. Nhưng các viên chức của bộ có thể sẽ phản đối điều này, lập luận rằng nó sẽ làm phức tạp thêm một cuộc đối thoại vốn đã căng thẳng.

Một lưỡng nghĩa hữu ích

Tóm tắt những nhận xét gần đây của Fernández về nước Đức, Katholisch.de đã chọn thuật ngữ “có ý nghĩa lưỡng nghĩa”. Điều đó rất thích hợp: Những gì ngài đã nói cho đến nay có thể là khúc dạo đầu cho một sự mở cửa mới của Vatican hướng tới con đường đồng nghị hoặc những nỗ lực tiếp theo để vô hiệu hóa sáng kiến.

Trong mọi trường hợp, Fernández khó có thể chỉ dựa vào bản năng của mình. Ngài có thể sẽ đi theo sự dẫn dắt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã chỉ trích dự án của Đức với mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết trong vài năm qua.

Mặc dù nước Đức thường được mô tả là một trong những mục lớn nhất trong nghị trình của bộ giáo lý, nhưng Fernández có thể thấy có nhiều vấn đề cấp bách hơn khi ngài đã ổn định tại văn phòng của mình vào giữa tháng 9.

Vài tuần sau, ngài sẽ nhận mũ đỏ Hồng Y và thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ bắt đầu. Bộ trưởng tín lý có thể thấy mình bị cuốn hút bởi sự kiện gồm hai phần, được coi là cuộc tụ họp Công Giáo quan trọng nhất kể từ Công đồng Vatican II.

Đồng thời, Con đường Đồng nghị đang ở trong một tình trạng lấp lửng kỳ lạ sau khi một số ít giám mục chặn nguồn tài chính của cơ quan kế nhiệm từ một quỹ chung. Cơ quan, được gọi là “ủy ban đồng nghị,” được dự kiến sẽ gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11. Nhưng ngay cả khi nó đảm bảo nguồn tài trợ thay thế kịp thời, nó có thể tỏ ra không có khả năng thực hiện các nghị quyết của Con đường Đồng nghị trong toàn Giáo hội ở Đức.

Bất kể Con đường Đồng nghị đã đi vào ngõ cụt hay sắp rẽ sang một ngã rẽ mới, Fernández đã cẩn thận trong các nhận xét của mình trong tháng này để bảo vệ quyền tự do hành động của mình khi thấy phù hợp.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS