Theo Courtney Mares, Hannah Brockhaus, Daniel Ibañez của hãng tin CNA, trên chuyến bay trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới hôm Chúa nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giải thích lý do tại sao ngài quyết định bỏ qua việc đọc một lời cầu nguyện ở Fatima dâng hiến Giáo hội và “các quốc gia có chiến tranh” cho Đức Trinh Nữ Maria.
Khi được một nhà báo hỏi tại sao ngài không cầu nguyện công khai để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong chuyến viếng thăm đền thánh Fatima, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng ngài cầu nguyện cho hòa bình nhưng không muốn “quảng cáo” lời cầu nguyện riêng tư của mình.
“Tôi đã cầu nguyện, tôi đã cầu nguyện. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, và tôi cầu nguyện cho hòa bình. Tôi đã không quảng cáo điều này, nhưng tôi đã cầu nguyện. Và chúng ta phải liên tục lặp lại lời cầu nguyện này cho hòa bình,” Đức Giáo Hoàng nói như thế trong cuộc họp báo trên chuyến bay khi ngài trở về từ Lisbon vào ngày 6 tháng 8.
“Ngài [Đức Mẹ] đã đưa ra yêu cầu này trong Thế chiến thứ nhất. Và lần này tôi kêu xin Đức Mẹ và tôi cầu nguyện. Tôi không quảng cáo.”
Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Đức Trinh Nữ Maria tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với lời cầu xin hòa bình cho thế giới, một tháng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, yêu cầu tất cả các giám mục trên thế giới cùng tham gia với ngài.
Ngay sau chuyến viếng thăm Fatima vào sáng thứ Bảy của Đức Giáo Hoàng, nơi ngài chọn chỉ đọc một kinh “Kính mừng Maria” thay vì đọc một lời nguyện dâng hiến đã chuẩn bị sẵn, Vatican đã công bố một đoạn trích của lời cầu nguyện trên tài khoản Twitter chính thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hiện được gọi là X. Lời nguyện đó như sau:
“Lạy Mẹ Maria, chúng con yêu Mẹ và tín thác nơi Mẹ. Và giờ đây, chúng con phó thác chúng con cho Mẹ một lần nữa. Với những tấm lòng như trẻ thơ, chúng con dâng hiến cho Mẹ đời chúng con, mãi mãi. Chúng con dâng hiến cho Mẹ Giáo Hội và thế giới, đặc biệt các nước đang có chiến tranh. Xin Mẹ tìm hòa bình cho chúng con. Lạy Mẹ, Trinh nữ chỉ đường, xin Mẹ mở những nẻo đường ở những nơi không có nẻo đường nào. Mẹ, Đấng vốn cởi các nút thắt, xin Mẹ tháo gỡ mớ bòng bong lấy mình làm trung tâm và cạm bẫy quyền lực. Mẹ, Đấng không bao giờ thua kém về lòng quảng đại, xin mẹ đổ đầynơi chúng con sự âu yếm, xin đổ đầy nơi chúng con lòng trông cậy và giúp chúng con nếm trải niềm vui không bao giờ chấm dứt, niềm vui Tin Mừng. Amen”
Buổi cầu nguyện bị bỏ qua là một trong nhiều trường hợp mà Đức Thánh Cha đã ra khỏi các bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn cho ngài trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Bồ Đào Nha từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8. Nhận thấy Đức Giáo Hoàng thường hay làm như thế, một nhà báo đã hỏi ngài về sức khỏe và đặc biệt là thị lực của ngài.
“Sức khỏe của tôi vẫn ổn,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô trả lời, giải thích rằng ngài đã cắt ngang một trong những bài phát biểu của ngài vì “có ánh sáng trước mặt tôi và tôi không thể đọc được.”
Trong những trường hợp khác, ngài nói ngài đã rút ngắn hoặc thay đổi các bài giảng của mình dựa trên phản ứng của khán giả.
Ngài giải thích: “Khi tôi nói chuyện, tôi không giảng theo kiểu học thuật, nhưng tôi cố gắng trình bày rõ ràng nhất có thể.
Ngài nói, “bạn nhận thấy tôi đã hỏi một số câu hỏi và ngay lập tức phản hồi cho tôi biết nó đang đi đến đâu, liệu nó có sai hay không. Những người trẻ tuổi không tập trung lâu được. Thử nghĩ mà xem: Nếu bạn nói rõ ràng với một ý tưởng, một hình ảnh, một tình cảm, họ có thể theo dõi bạn trong tám phút.”
Đức Giáo Hoàng cũng chia sẻ những ấn tượng của ngài về Ngày Giới trẻ Thế giới — lần thứ tư ngài tham dự trong tư cách giáo hoàng.
Ngài nhận định rằng số người tham dự ở Lisbon gây “ấn tượng”, cho biết ước tính có tới 1.4 triệu người trở lên đã tham dự buổi canh thức tối thứ Bảy. Ngài nói thêm, ngoài việc biến cố giới trẻ này “có nhiều người nhất”, nó còn là biến cố “được chuẩn bị tốt nhất”.
Ngài nói, “Những người trẻ tuổi là một bất ngờ. Người trẻ là người trẻ, họ hành động trẻ, cuộc sống là như vậy. Nhưng họ đang tìm cách tiến về phía trước. Và họ là tương lai. Ý tưởng là đồng hành cùng họ”.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp, “Vấn đề là biết cách đồng hành với họ. Và họ không nên tách mình ra khỏi gốc rễ của mình. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh rất nhiều vào cuộc đối thoại giữa già và trẻ, giữa ông bà với các cháu. Cuộc đối thoại này quan trọng, quan trọng hơn cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Ông bà, cội nguồn. Thanh niên có tinh thần đạo. Họ tìm kiếm đức tin chứ không phải điều gì giả tạo… Họ tìm kiếm một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.”
Ngài nói thêm: “Một số người nói, ‘Nhưng những người trẻ tuổi không phải lúc nào cũng sống đạo đức.’ Nhưng ai trong chúng ta mà không phạm phải lỗi lầm về đạo đức trong đời? Mọi người đều có”.
Ngài nói, “Phải có các điều răn. Mỗi chúng ta đều có những nhược điểm riêng trong đời mình. Cuộc sống là vậy. Nhưng Chúa luôn chờ đợi chúng ta vì Người là Đấng giàu lòng thương xót và [Người là] Cha và lòng thương xót vượt trên mọi sự”.
Trong cuộc họp báo kéo dài 25 phút trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng sức khỏe tâm thần và tự tử là những vấn đề nghiêm trọng mà giới trẻ ngày nay phải đối đầu và ngài không tin rằng các phương tiện truyền thông đã thảo luận đủ về vấn đề này.
Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng một thanh niên đã tâm sự với ngài (không phải trong bối cảnh xưng tội) rằng anh ta đã nghĩ đến việc tự tử vào năm ngoái.
“Ngày nay giới trẻ tự tử là một vấn đề lớn,” Đức Thánh Cha nói thêm.
“Rất nhiều người trẻ tuổi lo lắng và chán nản… Ở một số quốc gia có yêu cầu rất cao ở trường đại học, những người trẻ tuổi không thành công trong việc lấy bằng cấp hoặc tìm việc làm, (và) tự tử vì cảm thấy vô cùng xấu hổ.”
Trong cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đề cập đến tư cách thành viên của Giáo Hội Công Giáo và khả năng lãnh nhận các bí tích. Một nhà báo đã nhắc lại lời của chính Đức Giáo Hoàng trong buổi lễ chào mừng Ngày Giới trẻ Thế giới vào ngày 3 tháng 8, rằng, “Trong Giáo hội, có chỗ cho mọi người, cho mọi người,” và hỏi tại sao phụ nữ và người đồng tính luyến ái không thể tiếp cận mọi bí tích.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết câu hỏi liên quan đến hai khía cạnh khác nhau của giáo hội học: tư cách thành viên của Giáo hội và các quy định của Giáo hội.
Đức Phanxicô nói, “Những gì bạn nói là một sự đơn giản hóa: ‘họ không thể dự phần vào các bí tích.’ Điều này không có nghĩa là Giáo hội đóng cửa [đối với họ]”.
Ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội chào đón tất cả mọi người, kể cả những người đồng tính luyến ái.
Ngài nói, “Chúa rất rõ ràng: người bệnh và người khỏe mạnh, người già và người trẻ, người xấu và người đẹp, người tốt và người xấu. Ngay cả [người] vô đạo đức, vốn là điều xấu, nhưng cũng vô đạo đức”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mô tả Giáo hội như một người mẹ hướng dẫn con cái của mình trưởng thành trong đức tin thông qua cầu nguyện, đối thoại nội tâm và đối thoại với các mục tử.
Ngài nói: “Trong [thừa tác vụ], một trong những điều quan trọng là sự kiên nhẫn: đồng hành cùng mọi người từng bước trên con đường trưởng thành của họ. “Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm này: Mẹ Giáo hội Mẹ vốn đã đồng hành và đang đồng hành với chúng ta trên con đường trưởng thành của chúng ta.”
Ngài nói thêm, “Tôi không thích sự giản lược. Đây không phải là giáo hội, nó là ngộ đạo. … Một thuyết Ngộ đạo nào đó giản lược thực tại giáo hội, và điều đó không giúp ích được gì. Giáo hội là ‘mẹ’, tiếp nhận mọi người, và mọi người đều có cách riêng của mình trong Giáo hội, không quảng cáo, và điều này rất quan trọng.