John L. Allen Jr., chủ bút Cruxnow, ngày 27 tháng 8 năm 2023, có bài nhận định nhân hội nghị của khối BRIC tại Sandton ở Johannesburg Nam Phi, Thứ Tư, ngày 23 tháng 8 năm 2023
Một trong những câu chuyện thành công vĩ đại của Vatican trong nửa thế kỷ qua là sự phát triển theo cấp số nhân trong quan hệ ngoại giao. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhậm chức vào năm 1978, Tòa Thánh có quan hệ đầy đủ với 84 quốc gia; với sự bổ sung mới nhất của Oman vào tháng 2, tổng số đó hiện là 184, có nghĩa là Vatican đã bổ sung thêm 100 quốc gia chỉ sau 45 năm.
Ở một mức độ lớn hơn, sự tăng trưởng đó là một minh chứng cho sự liên quan về mặt địa chính trị được nhận thức của Đức Gioan Phaolô II. Số quốc gia công nhận Tòa Thánh đã lên tới 174 vào thời điểm Đức Gioan Phaolô qua đời năm 2005, nghĩa là chỉ có 10 quốc gia được thêm vào trong 18 năm qua.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, điều đó phần lớn là do Vatican sắp sửa hết mục tiêu để tìm kiếm. Liên Hợp Quốc chỉ công nhận 195 quốc gia trên thế giới, bao gồm 193 quốc gia thành viên và hai quan sát viên không phải thành viên (Vatican và Palestine).
Điều đó có nghĩa là chỉ còn 11 quốc gia mà Vatican không có quan hệ ngoại giao đầy đủ. Tại bảy quốc gia trong số đó, không có đại diện nào của Vatican:
1. Afghanistan
2. Bhutan
3. Trung Quốc
4. Maldives
5. Bắc Triều Tiên
6. Ả Rập Saudi
7. Tuvalu
Trong khi đó ở bốn nước khác, có các đại biểu tông tòa, nghĩa là đặc phái viên của Giáo hoàng tại cộng đồng Công Giáo địa phương nhưng không với chính phủ, ít nhất là về mặt chính thức:
1. Bru-nây
2. Comoros
3. Lào
4. Somali
Trong số 11 nước đó, mục tiêu lớn của Vatican rõ ràng là Trung Quốc và Ả Rập Saudi. Ả Rập Saudi là chìa khóa của Trung Đông và các mối quan hệ với toàn bộ thế giới Hồi giáo, trong khi Trung Quốc là một siêu cường kinh tế và chính trị hoàn cầu ngày càng trở thành trung tâm của hầu hết mọi thứ.
Về hậu cảnh, tất cả những điều đó đưa chúng ta đến câu chuyện ngoại giao quan trọng của tuần qua – sự mở rộng của khối các quốc gia “BRICS”, có ý nói đến Ba Tây, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, để bao gồm sáu quốc gia mới : Á Căn Đình, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Cùng với nhau, liên minh mới gồm 11 thành viên đại diện cho 36% Tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và 47%, hay gần một nửa dân số hoàn cầu, khiến nó trở thành một liên minh khổng lồ có tiềm năng – nghĩa là nếu các quốc gia thành viên thực lo liệu được việc hoạt động như các đồng minh.
Về mặt chính thức, Vatican không có quan điểm nào về việc mở rộng liên minh BRICS, mặc dù liên minh này được các phương tiện truyền thông chính thức của Vatican chú ý khá rộng rãi. Tuy nhiên, một cách không chính thức, có mọi lý do để tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không chỉ mỉm cười với điều đó mà còn coi đó là một phần quan trọng trong bàn cờ địa chính trị dưới triều giáo hoàng của ngài.
Trong tương lai, tháng 8 năm 2023 có thể được coi là một bước ngoặt trong việc mở đường cho mối quan hệ của Vatican với cả Trung Quốc lẫn Ả Rập Saudi, và rộng hơn là trong quá trình Vatican chuyển từ việc được coi là trụ cột của nền văn minh phương Tây trở thành một thể chế thực sự hoàn cầu và không liên kết, có khoảng cách đều với Washington và Brussels cũng như với Moscow và Bắc Kinh.
Nhìn chung, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là động lực thúc đẩy sự mở rộng của BRICS, như một biểu hiện chính cho mục tiêu chiến lược tổng thể của nước này nhằm chống lại sự kiểm soát của phương Tây đối với nền kinh tế hoàn cầu và các tổ chức lớn trên thế giới. Khát vọng của Trung Quốc là xây dựng một trật tự thế giới đa phương hơn, một trật tự không chỉ được thanh toán bằng đồng đô la và không bị Hoa Kỳ thống trị.
Khi điều đó xảy ra, tầm nhìn đó khá phù hợp với chương trình nghị sự của Đức Thánh Cha Phanxicô về các vấn đề hoàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đức Giáo Hoàng tự mô tả mình là “viên đá ở trong giày” đối với nhiều người vì những lời chỉ trích của ngài đối với các đế quốc – và, vì ngài đang nói trong bối cảnh Châu Mỹ Latinh, nên khá rõ ràng việc ngài đặc biệt chỉ “đế quốc” nào.
Càng ngày, Trung Quốc càng có thể coi Vatican dưới thời Đức Phanxicô như một đồng minh trong nỗ lực xây dựng một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới phương Tây. Đương nhiên, việc Đức Giáo Hoàng sẵn sàng ký và ủng hộ một thỏa thuận gây tranh cãi với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục ở nước này, bất chấp những khó khăn trong việc áp dụng nó, làm tăng thêm ấn tượng về mục đích chung, cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa Rome và Bắc Kinh về cuộc xung đột ở Ukraine.
Hơn nữa, một liên minh BRICS bao gồm không chỉ Ba Tây mà còn cả Á Căn Đình có thể ở vị thế mạnh mẽ hơn để chứng minh với ông Tập rằng Giáo Hội Công Giáo, và đặc biệt là Vatican, có thể là một tài sản ít nhất cũng ngang bằng với sự khó chịu. Lula, một người bạn thân và đồng minh chính trị của Đức Phanxicô, có thể ở vị trí đặc biệt mạnh mẽ để giúp thúc đẩy lập luận đó.
Đối với Ả Rập Saudi, họ đã suy nghĩ lại các chiêu thức ngoại giao truyền thống của nó. Vương quốc này gần đây đã khởi động lại quan hệ ngoại giao với Iran, sau một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, và được cho là ít nhất về mặt lý thuyết đang cân nhắc mở cửa mới cho Israel.
Sau thỏa thuận của Vatican với Oman, Ả Rập Saudi vẫn là quốc gia duy nhất trên Bán đảo Ả Rập mà Tòa thánh không có quan hệ. Việc một thành viên BRICS mới khác là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một quốc gia có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Đức Phanxicô và Vatican sau khi ký kết Văn kiện về tình huynh đệ con người năm 2019 ở Abu Dhabi, có thể giúp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thúc đẩy Saudi Arabia tiến tới hòa dịu với Rome..
Sự quan tâm của Ả Rập Saudi đối với một thỏa thuận với Vatican cũng có thể được tăng cường nhờ sự mở rộng dấu chân Kitô giáo ở quốc gia này, hiện ước tính khoảng 2.1 triệu người trên tổng dân số 36 triệu người. Hầu hết là lao động nước ngoài đến từ các quốc gia như Philippines, Lebanon, Sri Lanka và Ấn Độ. Người Ả Rập Saudi, những người khao khát sự ổn định, có thể coi thỏa thuận với Vatican là một cách để ổn định địa vị của họ.
Đúng là thật khó để nói rằng liên minh BRICS mới có thể có hiệu quả như thế nào trong các vấn đề hoàn cầu. Trung Quốc và Nga từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng, Ấn Độ và Trung Quốc là những đối thủ rõ ràng ở châu Á, còn Ả Rập Saudi và Iran, mặc dù đã thiết lập lại gần đây, vẫn mâu thuẫn về nhiều vấn đề, bao gồm cả quan hệ với Mỹ.
Chắc chắn dự án đồng tiền BRICS thống nhất thay thế cho đồng đô la Mỹ dường như sẽ không sớm thành công. Trớ trêu thay, Á Căn Đình gia nhập liên minh vào thời điểm ứng cử viên tổng thống hàng đầu của họ, Javier Milei, thực sự đang đề xuất chuyển sang hướng khác, loại bỏ đồng peso của Á Căn Đình và thay thế nó bằng đồng đô la.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Vatican trong kỷ nguyên Giáo hoàng Phanxicô, sự tăng trưởng của BRICS là đầy hy vọng không chỉ như một dấu hiệu báo trước về một thế giới đa phương hơn, mà còn là một thế giới trong đó những hạn chế cuối cùng về quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh cuối cùng có thể được giải quyết – bởi vì, dưới thời Đức Phanxicô, một lợi ích cho Vatican không còn nhất thiết được coi là một lợi ích cho phương Tây, và chắc chắn không phải cho Hoa Kỳ.