Trung quốc cấm các Giám mục Lục địa tới Mông Cổ nghinh đón Đức Phanxicô

Nghe bài này

Tờ America của các Cha Dòng Tên Mỹ cho hay: Không có giám mục nào từ Trung Quốc đại lục được phép đến Mông Cổ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới quốc gia không giáp biển rộng lớn này nằm giữa Trung Quốc và Nga.

Tờ America đã biết được từ Vatican và các nguồn thông tin khác, những người không được phép phát biểu công khai, rằng mặc dù chính quyền ở Bắc Kinh đã cho phép máy bay ITA Airways chở Đức Giáo Hoàng bay qua không phận Trung Quốc trên chuyến bay từ Rome đến Ulaanbaatar và trên chuyến bay trở về của ngài, họ đã không cho phép bất cứ giám mục hay người Công Giáo nào từ Trung Quốc đại lục đến thủ đô Mông Cổ để đón Đức Giáo Hoàng đến thăm. Lệnh cấm các giám mục và người Công Giáo đến Mông Cổ để hội ngộ với Đức Giáo Hoàng phát xuất từ Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc và Tòa thánh đã ký một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc đại lục vào ngày 22 tháng 9 năm 2018, và một cuộc đối thoại đã diễn ra giữa hai bên, mặc dù mối quan hệ không phải là không có khó khăn. Lệnh cấm sẽ là nguồn gốc gây thất vọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tòa Thánh, đặc biệt vì kể từ khi ký kết thỏa thuận tạm thời, đã được gia hạn hai lần—vào tháng 10 năm 2020 và tháng 10 năm 2022—tất cả các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc đại lục hiện đang ở trong hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, bao gồm cả những vị ban đầu được chính phủ bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican. Lệnh cấm nói rõ rằng các giám mục Trung Quốc đại lục không được hưởng quyền tự do giống như các giám mục ở các quốc gia khác nay được gặp Đức Thánh Cha hoặc tham gia các sự kiện phổ quát của giáo hội.

Đồng thời, tờ America được biết rằng ba giám mục Trung Quốc từ Hồng Kông và Ma Cao đã đến thủ đô của Mông Cổ. Đức Hồng Y John Tong Hon, vị giám mục danh dự của Hồng Kông, đã đến cùng với một nhóm 30 người Công Giáo từ giáo phận đó. Giám mục hiện tại của Hồng Kông, Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow, S.J., cũng đã đến, cũng như giám mục của Ma Cao, Stephen Lee Bun-sang.

Một nguồn tin thông thạo nói với tờ America rằng chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra lý do cấm các giám mục đại lục đến Mông Cổ. Với mối quan hệ tốt đẹp giữa Mông Cổ và Trung Quốc, lệnh cấm này dường như không chỉ phản ảnh tình trạng khó chịu hiện tại trong mối quan hệ Trung Quốc-Vatican mà còn phản ảnh nỗi sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng. Mặc dù Mông Cổ đã theo đuổi một chính sách độc lập hơn kể từ khi giành lại được độc lập hoàn toàn vào đầu những năm 1990 (nước này là một quốc gia vệ tinh của Liên Xô trong phần lớn thế kỷ 20), tuy nhiên Mông Cổ vẫn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và ngược lại, theo Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng trở thành đối tác thương mại và nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Mông Cổ.

Các giám mục từ một số quốc gia châu Á cũng sẽ cùng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Ulaanbaatar, thủ đô nơi gần một nửa trong số 3.4 triệu công dân Mông Cổ sinh sống và là nơi Đức Giáo Hoàng sẽ ở lại cho đến ngày 4 tháng 9 khi ngài trở về Rome. Các giám mục này bao gồm Đức Hồng Y Yeom Soo-Jung và các giám mục khác đến từ Hàn Quốc, Đức Hồng Y Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij đến từ Thái Lan, và các giám mục đến từ Việt Nam, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Azerbaijan. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Yangon, Myanmar, Charles Maung Bo, chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, cũng dự kiến sẽ có mặt tại Mông Cổ trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.

Ngoài nhiều người trong số hơn 1,400 người Công Giáo Mông Cổ từ chín giáo xứ trên vùng đất rộng lớn này, nơi Giáo Hội Công Giáo đã tồn tại trở lại trong 30 năm qua, cũng sẽ có những người Công Giáo đến từ Hàn Quốc, Hồng Kông và các quốc gia khác trong cộng đoàn chừng 3,000 tín hữu sẽ tham dự Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Steppe Arena ở Ulaanbaatar vào chiều Chúa nhật, ngày 3 tháng 9.

Vào sáng Chúa nhật, một sự kiện đại kết và liên tôn quan trọng sẽ diễn ra tại Nhà hát Hun của thủ đô. Người Công Giáo sẽ cùng với đại diện của các tôn giáo khác, bao gồm cả Phật giáo chịu ảnh hưởng của Tây Tạng ở Mông Cổ, vốn là tôn giáo của khoảng 50% dân số.

Trên chuyến bay kéo dài gần chín tiếng rưỡi từ Rome đến Ulaanbaatar, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được sự tháp tùng của Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh; Miguel Ángel Ayuso Guixot, Bộ trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn; Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Quan hệ Đại kết; và Tổng giám mục Edgar Peña Parra, phó quốc vụ khanh, và Paul Gallagher, ngoại trưởng phụ trách quan hệ với các chính phủ. Đức Hồng Y Luis Tagle, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc, đã đến thủ đô của Mông Cổ. 66 nhân viên truyền thông được Vatican công nhận, bao gồm cả phóng viên Vatican của tờ America, cũng tháp tùng Đức Thánh Cha trên máy bay, cùng với các nhân viên an ninh và y tế của Vatican.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS