Từ tháng 01 đến tháng 9/2023, tại thủ đô, cảnh sát Nhật đã bắt giữ khoảng 80 phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm, ở độ tuổi từ 20 đến 46: tăng đáng kể so với 51 vụ trong cả năm 2022. Khu phố đêm Kabukicho ở thủ đô là khu vực được cảnh sát xác định ngày càng có nhiều phụ nữ bị buộc phải bán thân. Hầu hết đều ngập trong nợ nần và “làm thuê” trong các câu lạc bộ cung cấp dịch vụ giải trí cho người lớn. Thường đằng sau những nơi này có những mạng lưới tội phạm thu hút và gài bẫy những phụ nữ trẻ mắc nợ.
Những nơi này, đặc biệt ở Tokyo và Osaka, gia tăng sau đại dịch. Lợi dụng lỗ hổng trong pháp luật Nhật Bản, quy định hoạt động mại dâm chỉ bị cấm ở nơi công cộng, nên các câu lạc bộ không kinh doanh bán rượu nhưng bán thân thể phụ nữ.
Các hiệp hội Giáo hội Công giáo đang cố gắng lấp đầy những lỗ hổng pháp luật này. Ở tuyến đầu trong nhiều năm, ngay tại Kabukicho, có hiệp hội Nippon Kakekomidera do Hidemori Gen đứng đầu, một trung tâm tiếp nhận phụ nữ bị khai thác tình dục, và trong những tháng gần đây đã tiếp nhận 300 người đến trung tâm. Theo người sáng lập hiệp hội, cha mẹ của các thiếu nữ muốn con mình thoát khỏi các câu lạc bộ, nhưng do xấu hổ không dám nói điều này với ai, vì vậy các thiếu nữ tiếp tục bị lừa gạt.
Trong bối cảnh này, Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản, dựa vào mạng lưới rộng lớn của các nhóm và sáng kiến bác ái, là một trong số ít tổ chức hiện diện để hỗ trợ những phụ nữ đang trở thành nô lệ mại dâm. Trong những năm qua, nhiều nhóm khác nhau liên kết với Giáo hội Công giáo đã đi đầu trong việc quản lý những ngôi nhà an toàn cho những thiếu nữ muốn bỏ nghề mại dâm. Tại các trung tâm này, các thiếu nữ không chỉ nhận được nhà ở tạm thời mà còn được tư vấn pháp lý, các chương trình phục hồi, dạy nghề và hỗ trợ tinh thần để bắt đầu lại cuộc sống. Trong số các tổ chức, tích cực nhất có Caritas và Talitha Kum Nhật Bản.
Vatican News