Câu chuyện hang đá Giáng sinh của ông Giuseppe Ianni, một công nhân dọn vệ sinh ở Roma

Nghe bài này

Cách Quảng trường Thánh Phêrô khoảng 5 phút đi bộ, có một hang đá Giáng sinh hiện diện khiêm tốn trong một sân xung quanh là các toà nhà của khu dân cư, nhưng lại được nhiều người biết đến vì câu chuyện đặc biệt của người thực hiện cũng như tương quan của cảnh Giáng sinh với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1972, khi ông Giuseppe Ianni, một công nhân dọn vệ sinh ở Roma bắt đầu tái tạo cảnh Palestine vào thời Chúa sinh ra. Với mong muốn truyền bá thông điệp hoà bình, khi đặt viên đá đầu tiên cho công trình, ông Giuseppe không nghĩ rằng hang đá của mình sẽ nổi tiếng trên thế giới.

Từ năm 1972, cảnh Giáng sinh này đã được mọi thành phần đến kính viếng. Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến 2002, vào ngày 06/01 hàng năm Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô, và một số chính trị gia Ý đã đến chiêm ngắm và cầu nguyện tại đây. Mặc dù ông Giuseppe đã qua đời vào tháng 6/2022, nhưng công việc và đức tin của ông vẫn tiếp tục sống động trong cảnh Giáng sinh, tiếp tục làm chứng rằng Chúa Kitô có thể được sinh ra ngay cả những nơi người ta không ngờ tới.

Ông Salvatore Ianni, 61 tuổi, một trong 6 người con của ông Giuseppe Ianni nói: “Cha tôi luôn so sánh giữa công việc dọn vệ sinh đường phố với việc chuẩn bị hang đá đón Chúa đến trong tâm hồn. Cảnh Giáng sinh này có thể được coi là người con thứ bảy của cha tôi”.

Hang đá được tạo thành từ 2.234 viên đá, trong đó có 350 viên do người Công giáo từ khắp nơi trên thế giới muốn đóng góp mang đến. Cảnh Palestine thời Chúa Giêsu gồm 100 ngôi nhà, nhiều con đường dài hơn 52m, ba con sông, bảy cây cầu và bốn cống dẫn nước, tất cả đều có nước chảy. Những hình ảnh đầy màu sắc của dân làng, những người chăn cừu và nhiều hình ảnh khác bằng bằng đá.

Hang đá bắt đầu hiện diện vào năm 1972 khi ông Giuseppe xin các vị lãnh đạo xây cảnh Giáng sinh tại nơi ông làm việc gần Vatican. Với sự hỗ trợ của các bạn đồng nghiệp giúp mua vật liệu, trong thời gian rảnh rỗi, tại khu vực nơi các công nhân vệ sinh để dụng cụ dọn vệ sinh, ông bắt đầu thực hiện công trình Bêlem xưa của mình.

Người con của ông giải thích: “Cha tôi quyết định mang hang đá đến một nơi khiêm tốn, vì nghĩ rằng đây cũng là điểm gặp gỡ tốt cho cả khu phố. Vào thời điểm đó trong cái nhìn của xã hội, dường như những người dọn rác là thành phần rốt cùng. Cảnh Giáng sinh thực sự được hình thành từ một hành vi đức tin. Và quả đúng như vậy, đức tin đã thúc đẩy cha tôi viết một lá thư đơn sơ đến Đức Giáo Hoàng, mời ngài đến viếng thăm hang đá và các công nhân dọn vệ sinh”.

Trước sự ngạc nhiên của ông Giuseppe, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận lời mời và là vị Giáo hoàng đầu tiên đến viếng thăm vào năm 1974. Sau đó, ông Giuseppe tiếp tục lặp lại lời mời này, vì thế vào năm 1978, vài tháng sau khi được bầu chọn Giáo hoàng, Thánh Gioan Phaolô II đã đến theo lời mời. Ngài không chỉ đến vào năm đó nhưng trong 24 năm tiếp theo mỗi năm đều lặp lại cử chỉ thân tình này cho đến năm 2003 khi sức khoẻ yếu.

Thánh Gioan Phaolô II là một trong những nhân vật nổi tiếng thường xuyên đến viếng thăm. Ngoài ra còn có những người nổi tiếng khác như Mẹ Têrêsa vào năm 1996, Thủ tướng Ý vào năm 1991, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào năm 2006, và Tổng thống Ý vào năm 2007. Khi cảnh Giáng sinh này ngày càng được nhiều người biết đến, nhóm công nhân dọn vệ sinh ở Roma đã quyết định dành toàn bộ khu vực này cho cảnh Giáng sinh và di chuyển máy móc và dụng cụ dọn vệ sinh ra một nơi khác. Mọi người đều có thể viếng thăm miễn phí. Ước tính mỗi năm có khoảng 1.000 khách viếng thăm.

Sinh năm 1935, ông Giuseppe đã trải qua những khó khăn và tổn thương trong Thế chiến thứ hai, mồ côi cha mẹ vào năm 9 tuổi và sau đó phải xa các anh chị em khác cho đến tuổi thiếu niên. Trải qua những năm tháng đau thương này ông tin rằng cảnh Giáng sinh sẽ được dành riêng cho hoà bình của mọi dân tộc.

Khi khách đến viếng muốn ủng hộ tiền, ông Salvatore chỉ vào một tấm bảng có hàng chữ “Xin vui lòng không dâng cúng tiền nhưng cầu nguyện cho hoà bình”, ký tên: Các công nhân dọn vệ sinh. Ông Salvatore giải thích: “Cha tôi khi còn sống luôn từ chối mọi khoản đóng góp. Hang đá luôn được dành cho hoà bình thế giới”. Vì thế, thay vì tiền mọi người bắt đầu mang đá từ khắp nơi đến để xây dựng thêm. Và khi không còn chỗ, những viên đá được đặt trên những bức tường của căn phòng.

Khi được hỏi điều gì khiến ông Salvatore tin rằng cha của ông và hang đá vẫn sống động cho đến ngày nay. Ông trả lời:  “Đức tin, nghiên cứu và hy vọng. Đức tin của cha tôi không phải là điều gì trống rỗng hay ma thuật. Đức tin này dựa trên thực tế cụ thể. Cảnh Giáng sinh thuộc về các công nhân, như cha tôi mong muốn. Thực tế, hang đá không phải là một địa điểm chỉ để thưởng thức như một công trình nghệ thuật nhưng là thông điệp thiêng liêng ẩn chứa bên trong”.

Ngọc Yến – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS