Một năm trước, một chiếc thuyền rời Thổ Nhĩ Kỳ mang theo khoảng 200 người di cư đã đâm vào một bãi cạn cách bãi biển Calabria của Ý 100 mét, khiến cho hơn 90 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 35 trẻ vị thành niên.
Thảm kịch này vẫn còn đánh động lương tâm con người, lay động họ mỗi khi những thảm kịch khủng khiếp tương tự lại xảy ra. Từ biến cố này, một ý tưởng đã ra đời: biến một mảnh của chiếc thuyền đó, một biểu tượng của cái chết, thành một lời kêu gọi hy vọng.
Ông Giuliano Crepaldi, chủ tịch hiệp hội thánh Vinh Sơn ở Roma, đã nghĩ đến việc làm một bàn quỳ từ gỗ của chiếc thuyền để tặng cho Đức Thánh Cha. Ông chia sẻ: “Đau buồn trước thảm kịch này, tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để đưa ra một dấu hiệu liên đới và gần gũi. Hơn nữa, vấn đề người tị nạn là ưu tiên hàng đầu của tôi vì tôi làm việc trong một tổ chức chuyên tiếp nhận và hội nhập những người chạy trốn chiến tranh, đàn áp và đói khát, bị buộc phải từ bỏ quê hương của họ”.
Alireza, một người tị nạn Iran, được Hội Thánh Vinh Sơn đón tiếp, đã làm chiếc bàn quỳ dựa trên thiết kế của kỹ sư Guglielmo Zamparelli, cộng tác viên của tổ chức từ thiện. Alireza giải thích: “Việc làm chiếc bàn quỳ, đối với tôi, là một bằng chứng về tình yêu, một cách để tưởng nhớ những người đã mất mạng trong những thảm họa khủng khiếp này và những thảm họa khủng khiếp khác”.
Họ đã tặng chiếc bàn quỳ đầu tiên làm từ gỗ chiếc tàu đắm ở Cutro cho Đức Thánh Cha với lời hứa sẽ tặng cho tất cả các giáo phận ở Ý những bàn quỳ khác được đóng bằng gỗ của những chiếc thuyền chở những người di cư. Món quà hôm nay là món quà đầu tiên trong một chuỗi dài các món quà, dấu hiệu cho thấy từ một vết thương, từ một vết thương bi thảm, một cơ hội cầu nguyện, một ánh sáng hy vọng, có thể nảy sinh. Chỉ cần con người có đủ can đảm để quỳ gối xuống.
Cũng trong buổi Tiếp kiến chung sáng ngày 28/4/2024, cha Sauro Profiri, cha sở giáo xứ Thánh Martino ở Apecchio, tỉnh Pesaro, đã tặng Đức Thánh Cha cây gậy mục tử làm bằng gỗ, được trang trí hoàn toàn bằng tay bởi các chàng trai Uganda đến từ Karamoja, được hỗ trợ bởi tổ chức Truyền giáo Châu Phi, một hiệp hội được thành lập cách đây 50 năm bởi cha Vittorio Pastori. Cha Profiri nhấn mạnh: “Ba lá cờ nổi bật trên hiện vật – Uganda, Vatican và Ý – để nhấn mạnh mối liên kết giữa các quốc gia này”.
Vatican News