Đức Hồng y Sako nhắc lại trong Thánh lễ có khoảng 300 Kitô hữu tham dự rằng ngài đã điều hành nhà thờ này và tài trợ cho trường học trong 15 năm và cảm thấy như là một gia đình giữa những Kitô hữu và các tín hữu Hồi giáo.
Mosul, thành phố thứ hai của Iraq, về mặt lịch sử là một trong những thành phố đa dạng về văn hóa nhất thế giới Ả Rập – nơi có các đền thờ Hồi giáo, nhà thờ, đền thờ và lăng mộ. Nhưng khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn vào Iraq vào năm 2014, họ đã công bố “vương quốc Hồi giáo” của họ từ Mosul, và cuộc tấn công dữ dội của họ đã buộc hàng trăm ngàn Kitô hữu ở tỉnh Ninivê phải chạy trốn.
Thánh lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nhà chính trị Kitô giáo, Hồi giáo, Yazidi và Sabei ở Mosul và vùng bình nguyên Ninivê, cũng như các nhân vật quốc tế, bao gồm cả những người tài trợ cho việc tái thiết nơi thờ phượng, và ít nhất 300 tín hữu.
Trong số các nhân vật trong Giáo hội có Đức Giám mục Nicodemus Daoud Sharaf của Giáo hội Chính thống Syria, Đức cha Imad Khoshaba, hiện là Tổng Giám mục Teheran của Kitô hữu Canđê, và Đức cha Michael Najib Michael, Tổng giám mục Mosul, cũng như các linh mục và tu sĩ nam nữ.
Trong bài giảng, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh vai trò “tiên phong” của các Kitô hữu trong việc xây dựng nền văn minh, xã hội, văn hóa Iraq và sự phát triển của chính quyền Mosul. Ngài nói rằng hoàn cảnh khó khăn đe dọa sự tồn tại của các Kitô hữu và hy vọng một hệ thống chính trị phục vụ công dân và các biện pháp nhắm đến công lý và bình đẳng để khắc phục chủ nghĩa bè phái. Ngài kết luận, điều cần thiết là đấu tranh chống tham nhũng, việc phổ biến vũ khí và xóa bỏ hệ tư tưởng cực đoan.
Chia sẻ với hãng tin AFP trong ngày khánh thành nhà thờ, Ilham Abdullah, cựu giám đốc trường học nói: “Tôi đã chờ đợi ngày này”, đồng thời nhấn mạnh rằng ông hy vọng rằng “các gia đình Kitô giáo sẽ quay trở lại và cuộc sống sẽ tiếp tục như xưa” ở Mosul, trụ sở của một trong những cộng đồng Kitô hữu lâu đời nhất trên thế giới.
Hồng Thủy – Vatican News