Vatican tài trợ cho hội nghị chưa từng có về quan hệ với Trung Quốc

Nghe bài này

Loup Besmond de Senneville của La Croix International, ngày 14 tháng 5, 2024, đưa tin: Tòa Thánh sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề quốc tế vào ngày 21 tháng 5 về mối quan hệ với Trung Quốc, nơi Giám mục Thượng Hải sẽ tham gia với sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Mối quan hệ của Vatican với chính phủ Trung Quốc là một vấn đề thường được thảo luận kín đáo đằng sau bức tường Vatican. Tuy nhiên, trong một diễn biến mới, Phủ Quốc vụ khanh Vatican đang tổ chức một hội nghị cấp cao về quan hệ giữa Rome và Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 5. Thông tin về hội nghị sẽ diễn ra tại Giáo hoàng Đại học Urbano ở Rome, đã được lặng lẽ đăng tải trực tuyến vào ngày 10 tháng 5. Tuy nhiên, Vatican vẫn chưa đưa ra bất cứ thông báo công khai nào về việc này.

Hội nghị có tựa đề “100 năm Công đồng toàn thể Trung Quốc: Giữa lịch sử và hiện tại”, là một sự kiện chính trị lớn với sự tham dự của một số viên chức cao cấp của Trung Quốc. Về phía Giáo hội, đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của Giám mục Joseph Shen Bin của Thượng Hải, người chỉ có thể thực hiện chuyến đi nếu có sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Giám mục Shen Bin từng là chủ đề căng thẳng giữa Vatican và Trung Quốc khi chính quyền Trung Quốc đơn phương quyết định bổ nhiệm ngài vào tháng 4 năm 2023. Một số người giải thích điều này là vi phạm thỏa thuận với Tòa thánh năm 2018, theo đó cả hai bên phải đồng ý trước đó việc bổ nhiệm bất cứ giám mục nào ở Trung Quốc. Tuy nhiên, như một dấu hiệu xoa dịu, Rome cũng công nhận Đức Giám Mục Shen Bin là người đứng đầu giáo phận Thượng Hải.

Đại diện Chính quyền Trung Quốc

Về phía chính phủ Trung Quốc, hội nghị sẽ có sự tham dự của một nhân vật chủ chốt trong việc giám sát các tôn giáo trong nước – Zheng Xiaojun, giám đốc 50 tuổi của Viện Tôn giáo Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Cô cũng là chủ tịch của một hiệp hội tôn giáo Trung Quốc.

Hai tổ chức này đóng vai trò dẫn đầu trong phong trào “Hán hóa” các tôn giáo, nhằm mục đích mang lại cho tất cả các tôn giáo hiện diện trong nước một đặc tính dân tộc Trung Hoa. Phong trào này được khởi xướng vào những năm 1950 bởi chế độ Mao, họ đã thành lập các hiệp hội tôn giáo chính thức và cắt đứt mọi quan hệ với Vatican vào thời điểm đó. Đó là một động lực thân thiết đối với chủ tịch hiện tại, Tập Cận Bình, người tiếp tục thúc đẩy phong trào.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong đó Zheng Xiaojun là thành viên cao cấp, được thành lập vào năm 1964 để giám sát các nghiên cứu học thuật về tôn giáo ở Trung Quốc. Viện thể hiện mình như một nền tảng để làm việc về “quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Mác”. Đáng chú ý là nó bao gồm một “phòng thí nghiệm nghiên cứu về quan điểm tôn giáo của chủ nghĩa Mác”.

Một nguồn tin Công Giáo ẩn danh quen thuộc với quan hệ Vatican-Trung Quốc cho biết: “Một nhân vật Trung Quốc ở cấp độ này tham gia ở Rome, trong một biến cố công khai do Vatican tổ chức, là chưa từng có”. Ý nghĩa chính trị thậm chí còn lớn hơn vì hội nghị sẽ diễn ra tại một trường đại học của giáo hoàng, tức là trên lãnh thổ Vatican. Nguồn tin cho biết: “Đó không phải là một chi tiết (nhỏ)”.

Chính sách xoa dịu

Tòa Thánh có kế hoạch phát đi một thông điệp video của Đức Thánh Cha tại hội nghị. Đức Phanxicô hiếm khi nói về Trung Quốc, mặc dù vấn đề này rất gần gũi với ngài. Tuyên bố cuối cùng của ngài về chủ đề này là tháng 9 năm 2023, trong chuyến đi tới Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ. Vào thời điểm đó, ngài kêu gọi người Công Giáo Trung Quốc hãy trở thành “những công dân tốt”. Một số người giải thích những lời này là mong muốn cho Bắc Kinh thấy rằng Rome không tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ.

Các bài phát biểu cao cấp khác sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 5. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, dự kiến sẽ kết thúc phiên họp buổi sáng trong khi Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Phó Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, sẽ phát biểu vào cuối ngày. Hai người này chính thức chịu trách nhiệm về hồ sơ Trung Quốc gây tranh cãi do Bộ Ngoại giao và Bộ Truyền giáo quản lý. Bộ sau này giám sát các nỗ lực truyền giáo và hỗ trợ cho các Giáo hội đặc thù trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Theo thông tin từ La Croix, hội nghị cũng có thể dẫn đến một “thông báo quan trọng” trong những ngày tới liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican. Ở Rome, một số người suy đoán về việc thành lập một văn phòng liên lạc giữa Bắc Kinh và Tòa thánh. Nếu được xác nhận, tin tức này sẽ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS