Nếu Chúa Giêsu không chết, làm sao Thánh Lễ là lễ hy sinh?

Nghe bài này

Trên Website newtheologicalmovement.blogspot.com.au, Cha Ryan Erlenbush cho đăng một bài báo rất có giá trị về khía cạnh hy lễ của Thánh Lễ.

Trong nền thần học bí tích của Giáo Hội, ta phải nhìn nhận sự phân biệt sau đây giữa Res, Sacramentum, Res et Sacramentum, nghĩa là giữa sự vật, bí tích, sự vật và bí tích. Sự vật là ơn thánh vô hình được bí tích thông ban. Bí tích là dấu hữu hình được dùng trong nghi thức. Còn sự vật và bí tích là sự vật vô hình nhưng lại là một dấu chỉ của một điều gì sâu xa hơn. Thí dụ, dấu thánh của phép rửa là một thực tại trong linh hồn người được rửa nhưng cũng là một bí tích chỉ việc cá nhân tham dự vào Chúa Kitô.

Để hiểu cách thế trong đó Thánh Lễ là lễ hy sinh, ta phải hiểu mỗi một yếu tố này liên hệ ra sao với Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể. Điều này sẽ làm rõ việc cho dù Chúa Giêsu không chết trên bàn thờ nhưng mãi mãi sống và vinh hiển trong Phép Thánh Thể, Thánh Lễ vẫn là lễ hy sinh trên Thập Giá.

Res tantum (sự vật hay thực tại xét riêng): ơn thánh của bí tích

Sự vật hay thực tại của Phép Thánh Thể có hai điều: Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô và Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Đàng khác, ta có thể nói rằng thực tại của bí tích này là ơn thánh ban cho người lãnh nhận nó cách xứng đáng.

Sacramentum tantum (dấu chỉ hay bí tích xét riêng): Hình bánh và hình rượu hữu hình.

Nơi Phép Thánh Thể, dấu chỉ đơn giản hay bí tích bề ngoài là bánh và rượu hữu hình. Chúng là dấu chỉ bao lâu còn là lương thực nuôi dưỡng thân xác. Cũng thế, Mình và Máu Chúa Kitô cũng là của dưỡng nuôi linh hồn. Đàng khác, những ai tới tham dự bữa ăn chung trở nên một thế nào; thì Giáo Hội cũng hợp nhất nơi bàn tiệc thánh này như thế.

Res et Sacramentum (thực tại hay sự vật đồng thời là dấu chỉ hay bí tích chỉ một sự vật sâu xa hơn): Mình và Máu Hiển Vinh của Chúa Kitô.

Như đã nói trên đây, Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể là một thực tại của bí tích này. Tuy nhiên, Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô không phải chỉ là một thực tại, nó còn là sự hiện diện bí tích nữa. Cho nên, hiển nhiên, sự Hiện Diện Thực Sự ấy là thực tại và bí tích của Phép Thánh Thể.

Ta cần nói rõ hơn: Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể là thực tại và bí tích bao lâu Thân Xác vinh hiển của Chúa Kitô (dưới dấu chỉ hữu hình là bánh) và Máu vinh hiển của Người (dưới dấu chỉ hữu hình là rượu) là thực tại và bí tích của Phép Thánh Thể.

Dĩ nhiên, mình và máu, linh hồn và thần tính Chúa Giêsu hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình và trong từng phần của chúng. Ấy thế nhưng, không phải là không có lý do khi ta gọi điều này là bí tích mình thánh Chúa Kitô điều kia là bí tích máu thánh Người. Trong các nghi thức thánh của mình, Giáo Hội gọi điều này là “Mình Thánh Chúa Kitô”, điều kia là “Máu Thánh Chúa Kitô” (như khi phân phối Mình Máu Thánh lúc rước lễ)

Bây giờ, ta chỉ tập chú vào một điểm sau đây mà thôi: Thân Xác vinh hiển và sống động của Chúa Kitô và Máu vinh hiển và sống động của Người không phải chỉ là các thực tại, mà còn là dấu chỉ và bí tích của một thực tại khác nữa.

Trên bàn Thánh Lễ, Thân Xác vinh hiển và sống động của Chúa Kitô được phân cách một cách bí tích ra khỏi Máu vinh hiển và sống động của Người (sự thực, chúng vẫn hợp nhất với nhau, vì trọn vẹn Chúa Giêsu vẫn hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình). Chúng được tách rời nhau một cách bí tích, bao lâu điều này vẫn là bí tích chỉ Thân Xác Người và điều kia là bí tích chỉ Máu Người. Như thế, dưới dấu chỉ bí tích, ta thấy mình và máu Chúa Kitô được tách biệt trên bàn thờ.

Việc tách biệt hai hình Thánh Thể này là bí tích Thập Giá, lúc và nơi duy nhất trong đó mình và máu Chúa Kitô bị tách biệt bởi lưỡi đòng của Longinus đâm thấu Trái Tim Đấng Cứu Thế để máu và nước cùng chẩy ra.

Như thế, mình và máu Chúa Kitô đã được tách biệt (trong hình riêng và tự nhiên của chúng) trên bàn thờ Thập Giá thế nào, thì trên bàn thờ Thánh Lễ, chúng cũng được tách biệt như thế (trong hình bí tích của chúng) như vậy. Chính vì thế, Thánh Lễ là lễ hy sinh, vì nó là lễ hy sinh có tính bí tích.

Không phải là hai mà là một lễ hy sinh

Thánh Lễ là lễ hy sinh bí tích, không phải lễ hy sinh thể lý và đẫm máu. Cũng như không có hai thân xác Chúa Kitô thế nào (một trên thiên đàng một trong bí tích), thì cũng không thể có hai lễ hy sinh như vậy (một trên Can-vê một trong Thánh Lễ).

Không, chính vì Thánh Thể là một bí tích và lễ hy sinh là lễ hy sinh bí tích, nên không có việc nhân thừa của lễ hay cái chết. Chúa Giêsu chỉ chết một lần cho mọi người, và cái chết một lần đó được làm cho trở thành hiện diện một cách bí tích qua việc tách biệt mình và máu Chúa Kitô trên bàn thờ.

Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh vẫn sống động, nhưng sự Hiện Diện của Người đã là một bí tích khi Người qua đời rồi.

Theo Thánh Tôma Tiến Sĩ

Khi tự hỏi liệu có dư thừa không khi trọn vẹn Chúa Kitô (cả mình và máu, cả linh hồn và thần tính) hiện diện trong mỗi hình, Thánh Tôma cho rằng: “Dù trọn vẹn Chúa Kitô ở trong mỗi hình, nhưng như thế không phải là không có mục đích. Vì trước hết, việc đó có mục đích biểu tượng cho Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, trong đó, máu được tách ra khỏi thân xác; do đó, trong mô thể truyền phép máu thánh có nhắc tới việc đổ ra” (ST III, q.76, a.2, ad 1)

Nếu trọn vẹn Chúa Kitô hiện diện dưới cả hai hình của Thánh Thể, thì tại sao ta lại nói “Mình Thánh Chúa Kitô” và “Máu Thánh Chúa Kitô”?

Khi ta nhận xác quyết sau đây làm tín điều “toàn bộ và trọn vẹn Chúa Kitô hiện diện dưới hình bánh, và dưới bất cứ thành phần nào của hình này; cũng vậy, toàn bộ Chúa Kitô hiện diện dưới hình rượu, và dưới bất cứ thành phần nào của nó” (Công Đồng Trent, Phiên XIII, Chương III), đến nỗi mình và máu thánh Chúa Kitô đều hiện diện trong cả Mình Thánh lẫn Máu Thánh, ta hẳn ngạc nhiên tại sao linh mục lại gọi hình này là mình Chúa Kitô hình kia là máu Chúa Kitô. Và vì ta lãnh nhận trọn vẹn Chúa Kitô (cả mình và máu, cả linh hồn và thần tính) lúc hiệp lễ, thì tại sao linh mục lại không cho hiệp lễ với những lời như “mình và máu Chúa Kitô”?

Nhờ xem sét cách Chúa Giêsu hiện diện toàn bộ và trọn vẹn dưới cả hai hình Thánh Thể, ta sẽ biết cách đánh giá thực hành của Giáo Hội. Hơn nữa, ta sẽ thấy rằng điều xem ra có vẻ chỉ là suy lý thần học, thực sự rất quan trọng đối với cái hiểu Công Giáo về mầu nhiệm Thánh Lễ là lễ hy sinh.

Giáo huấn của Công Đồng Trent

“Và niềm tin vốn có trong Giáo Hội Thiên Chúa là ngay sau khi truyền phép, chính Mình Thánh Chúa thật, và chính Máu Thánh Chúa thật, cùng với linh hồn và thần tính của Người đều hiện diện dưới các hình bánh và rượu; nhưng Mình Chúa quả thực dưới hình bánh, và Máu Chúa dưới hình rượu, nhờ ex vi verborum [hiệu lực của lời]; nhưng chính mình cũng hiện diện dưới hình rượu, và máu cũng hiện diện dưới hình bánh, và linh hồn hiện diện dưới cả hai hình, nhờ hiệu lực của việc nối kết và đồng kết (per concomitantiam) tự nhiên nhờ đó các phần của Chúa Kitô Chúa chúng ta, Đấng nay đã sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, đã kết hợp với nhau; và thần tính, nhờ sự kết hợp ngôi vị (hypostatic union) đầy kỳ diệu với Mình và Máu Người” (Công Đồng Trent, Phiên XIII, Chương III).

Điều đặc biệt đáng lưu ý trong phán quyết của Công Đồng Trent là mình Chúa Kitô hiện diện trong Mình Thánh “nhờ hiệu lực của lời” (ex vi verborum) trong khi máu Chúa Kitô hiện diện “nhờ hiệu lực việc nối kết và đồng kết tự nhiên” (per concomitantiam). Nói cách khác, vì mình và máu Chúa Kitô (cùng với linh hồn Người) kết hợp trong cách hiện hữu riêng của Người hiện diễn ra trên trời, nên chúng cũng kết hợp trong Bí Tích Cực Thánh. Nhờ hiệu năng của lời truyền phép, bản thể của bánh đã biến thành mình Chúa Kitô và bản thể của rượu đã biến thành máu Chúa Kitô, nhưng nhờ hiệu năng của sự kiện (đang diễn ra trên trời) trong đó mình và máu Chúa Kitô, trong các hình riêng của chúng, đã kết hợp với nhau và cùng nhau kết hợp với linh hồn nhân tính của Người, thì chúng cũng kết hợp với nhau như thế dưới các hình bí tích của chúng.

Điều trên muốn nói: Thánh Thể cũng là một thực tại trên trời, bao lâu sự hiện diện của Chúa Kitô ở trên trời này là yếu tố xác định sự hiện diện của Người trong bí tích. Chính vì nay Người đang sống và được hiển vinh trên trời, nên mình và máu Chúa Cứu Thế trong Phép Thánh Thể cũng được kết hợp với nhau và đang sống và được hiển vinh như vậy.

Cuối cùng, nhờ hiệu lực của sự kết hợp ngôi vị, có một sự đồng kết siêu nhiên khiến cho thần tính chúa Kitô cũng được kết hợp với mình và máu Người trong các hình Thánh Thể.

Tuy nhiên, khi linh mục truyền phép các yếu tố và cho hiệp lễ, ngài không nói tới Thánh Thể theo sự đồng kết thật sự, nhưng đúng hơn theo hiệu lực của lời truyền phép. Do đó, vì trong Bánh Thánh chỉ mình Chúa Kitô hiện diện ex vi verborum [nhờ hiệu lực của lời], nên phụng vụ chỉ nhắc tới Bánh Thánh như “Mình Thánh Chúa Kitô” chứ không như “mình, máu, linh hồn và thần tính Chúa Kitô” (dù, dĩ nhiên, trọn vẹn Chúa Kitô đều hiện diện trong Bánh Thánh). Một lần nữa, vì trong Chén Thánh chỉ máu Chúa Kitô hiện diện ex vi verborum, nên phụng vụ chỉ nhắc đến Chén Thánh như “máu Chúa Kitô” chứ không như “mình, máu, linh hồn và thần tính Chúa Kitô” (mặc dù, một lần nữa, toàn diện Chúa Kitô đều hiện diện trong Máu Cực Thánh).

Một câu hỏi có tính suy đoán của Thánh Tôma Aquinô

Trong Summa Theologica III, q.81, a.4, Tiến sĩ Thiên thần đặt ra một câu hỏi mà thoạt đầu có vẻ như là suy đoán hoang đường: Nếu Bí tích này đã được lưu giữ trong một hộp đựng mình thánh mang cho bệnh nhân [pyx] hay được thánh hiến vào lúc Chúa Kitô chết bởi một trong các tông đồ, thì liệu chính Chúa Kitô cũng chết ở đó sao? Nói cách khác, nếu Bí tích Thánh Thể được giữ lại từ Thứ Năm Tuần Thánh, thì chúng ta có thể nói gì về sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích này? Liệu Người có còn sống không? Liệu cả thể xác và máu của Người có hiện diện trong Mình Thánh không? Liệu linh hồn của Người có hiện diện trong đó không? Liệu Người có được tôn vinh không? Và cuối cùng, liệu thần tính của Người có hiện diện trong Bánh Thánh đó không?

Xét rằng Sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, vì đó là sự hiện diện mang tính bí tích, phụ thuộc một cách hợp lý vào sự hiện diện của Đấng Cứu Rỗi trong hình sắc [species] riêng của Người (tức là trong phương thức hiện hữu tự nhiên của Người); rõ ràng là, nếu chúng ta muốn biết cách Chúa Kitô hiện diện trong Bánh Thánh được duy trì vào Thứ Sáu Tuần Thánh, thì chúng ta phải xem Chúa Kitô hiện hữu như thế nào trong thân xác đích thực của Người vào ngày đó.

Thánh Tôma, khi thiết lập những nguyên tắc mà sau này được Công đồng Trent xác nhận, đã kết luận rằng Chúa Kitô đã chết trong Bánh Thánh cũng như Người đã chết trên Thập Giá ngày hôm đó. Hơn nữa, linh hồn Chúa Kitô bị tách rời khỏi Mình và Máu Người, nên nó cũng bị tách khỏi Bí tích. Một lần nữa, như máu Chúa Kitô đổ ra từ thân xác Người trên Thập Giá, thân xác và máu Chúa Kitô cũng sẽ được tách biệt trong Bí tích. Và, như chúng ta mong đợi bây giờ, vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta chưa được tôn vinh theo hình sắc đích thực của Người, nên Sự Hiện Diện Thực Sự của Người trong Bánh Thánh cũng không được tôn vinh. Tuy nhiên, vì thân xác và máu vô hồn của Chúa Kitô không bị cái chết tước mất sự kết hợp ngôi vị, nên Chúa chúng ta đã hiện diện trong Mình Thánh trong thần tính của Người. Bánh Thánh chỉ là thân xác (ex vi verborum) và thiên tính của Chúa Kitô (per conmitantiam), chứ không phải là máu hay linh hồn của Người.

Chúng ta có thể nhanh chóng nhận ra rằng câu hỏi của Vị Tiến sĩ Thiên Thần không chỉ là một thao tác suy đoán, mà thực ra là một công cụ sư phạm để dạy về sự khác biệt giữa sức mạnh của việc đồng kết thực sự và sức mạnh của lời thánh hiến.

Thánh lễ là hy lễ ra sao

Như chúng tôi đã viết trong bài viết trước, việc thừa nhận sự kiện Bánh Thánh là Mình Thánh Chúa Kitô trong khi Chén Thánh là Bí tích Máu Chúa Kitô không chỉ là trò chơi suy đoán. Đúng hơn, đây là điều thiết yếu để hiểu cách thức trong đó Thánh Lễ là một hy lễ.

Thật vậy, có vẻ như một trong những lý do chính khiến nhiều người Công Giáo ngày nay không tin vào bản chất hy lễ của Thánh lễ là vì họ không hiểu Giáo hội muốn nói gì khi nói rằng Thánh lễ là một hy lễ. Không có gì bất thường khi nghe những lời giải thích sai lầm được đưa ra bởi những người theo chủ nghĩa bảo thủ thậm chí có ý tốt – có thể quan niệm sai lầm phổ biến nhất là ý tưởng cho rằng Thánh lễ trở thành hy lễ tại thời điểm trong đó linh mục nhận lãnh cả hai hình Thánh Thể (hoặc, cách khác, khi ngài bẻ Bánh Thánh).

Tuy nhiên, khi chúng ta nhận ra rằng Bánh Thánh là Bí tích Mình Thánh Chúa Kitô và Chén thánh là Bí tích Máu Chúa Kitô, chúng ta nhanh chóng hiểu được điều gì khiến Thánh lễ trở thành một hy lễ. Như Mình và Máu Chúa Cứu Thế đã được tách biệt theo đúng hình sắc của chúng trên Thập Giá (vì máu Người đổ ra từ thân thể thánh thiêng của Người), Mình và Máu Chúa cũng được tách biệt một cách bí tích trên bàn thờ.

Thân xác sống động và vinh quang của Chúa Kitô, hiện diện thực sự trong Bánh Thánh, là bí tích của thân xác đã chết và không còn sự sống của Đấng Cứu Thế khi bị treo trên Thập Giá. Tương tự như vậy, máu sống và vinh quang của Chúa Kitô, hiện diện một cách bản thể trong Chén thánh, là bí tích của máu chết và vô hồn của Chúa đổ ra từ thân thể của Người khi bị treo trên Thập Giá. [đây là luận điểm trọng tâm của cuốn sách xuất sắc của Tu viện trưởng Anscar Vonier, A Key to the Doctrine of the Eucharist [Chìa khóa dẫn đến Tín lý Thánh Thể]

Đây là điều làm cho Thánh Lễ trở thành một hy lễ: Đó là một hy lễ bí tích. Và, giống như sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một sự hiện diện thực sự, thì hy lễ bí tích của Thánh Lễ cũng là một hy lễ thực sự và đích thực – nó là một với hy lễ Thập Giá.

Thánh lễ là một hy lễ ra sao và tại sao có quá nhiều người phủ nhận giáo lý này

Là người Công Giáo, chúng ta biết và tin một sự thật chắc chắn và không thể lay chuyển rằng Thánh lễ là một hy lễ. Tất nhiên, không phải mỗi Thánh lễ là một hy lễ riêng biệt hay Thánh lễ là một hy lễ khác với hy lễ mà Chúa Kitô đã dâng một lần đủ cả trên Thập Giá; đúng hơn, hy lễ trong Thánh Lễ là một với hy lễ hoàn hảo bằng thịt của Chúa Kitô, mà Người đã dâng lên Chúa Cha hằng hữu của Người.

Với sự rõ ràng tối đa, Công đồng Trent đã dạy rằng Thánh lễ là một hy lễ, chống lại tà giáo Tin lành. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, thực sự là Sách Giáo lý của Công đồng Vatican II, cũng nhấn mạnh rằng Thánh lễ là một hy lễ và là một với Hy lễ Đồi Canvê.

Tuy nhiên, sự kiện vẫn là nhiều người (và thậm chí một số người Công Giáo) phủ nhận sự thật này. Hoặc qua sự bác bỏ trực tiếp giáo lý này (như trong trường hợp của những người lạc giáo) hoặc qua một sự bác bỏ ngầm và gián tiếp được thể hiện bằng các hành động bên ngoài trong Phụng vụ (như trong trường hợp của vô số người Công Giáo và thậm chí một số linh mục), nhiều người phủ nhận rằng Thánh lễ là một hy lễ thực sự.

Tuy nhiên, bất kể gốc rễ của sự phủ nhận này là gì, vấn đề có lẽ có thể được giải quyết (ít nhất là ở một bình diện lớn hơn) nếu nhiều tín hữu biết và hiểu không những rằng Thánh lễ là một hy lễ, mà cả Thánh lễ là một hy lễ như thế nào. Vì, mặc dù có nhiều người Công Giáo tin vào bản chất hy lễ của Thánh lễ, nhưng thực sự rất ít người có thể giải thích điều gì khiến Thánh lễ trở thành một với Thập giá. Hơn nữa, tôi cho rằng một số cách hiểu nổi bật về Sự Hiện Diện Thực Sự (đặc biệt giữa những người Công Giáo sùng đạo) đã dẫn đến một sự nhầm lẫn nghiêm trọng mà cuối cùng đã che khuất bản chất hy lễ của Bí tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể là một bí tích nên là dấu chỉ và biểu tượng

Câu hỏi 574 của Giáo lý Baltimore định nghĩa bí tích như sau: “Dấu chỉ bên ngoài do Chúa Kitô thiết lập để ban ân sủng”. Các bí tích là dấu chỉ, là hình ảnh; nhưng chúng không chỉ là những dấu chỉ và hình ảnh, vì chúng mang lại một điều gì đó, đó là chúng ban ân sủng. Để một bí tích trở thành một bí tích, nó phải là một thực tại có hai mặt: Nó phải là một dấu chỉ bên ngoài hoặc hữu hình và nó phải chuyển tải một điều vô hình bên trong (ân sủng). Nếu một thực tại nhất định không phải là một dấu chỉ, một hình ảnh hay một biểu tượng, thì nó không thể là một bí tích. Nếu một thực tại nhất định chỉ là một dấu chỉ, hình ảnh hoặc biểu tượng thì nó không thể là một bí tích.

Bí tích Thánh Thể là một bí tích. Đây là một giáo huấn mà chúng ta tuân theo bằng đức tin thần thiêng và Công Giáo. Học thuyết này không phải lúc nào cũng được giữ vững, hoặc ít nhất nó không phải lúc nào cũng được thể hiện theo cách này. Đối với nhiều Giáo Phụ trong Giáo Hội sơ khai, Bí tích Thánh Thể không chỉ là một bí tích đơn thuần, mà còn hơn cả một bí tích. Do đó, mặc dù một số Giáo phụ liệt kê thậm chí 12 bí tích (và một số vị kể hơn 300 bí tích), nhiều vị đã không đưa Bí tích Thánh Thể vào danh sách.

Trong thời kỳ Kinh viện, đặc biệt nhờ ảnh hưởng của Peter Lombard, thần học về các bí tích đã phát triển và mang một hình thức gần giống với hình thức chúng ta đang nắm giữ hiện nay. Thống nhất ý tưởng về res (vật) và Sacramentum (dấu chỉ hoặc biểu tượng), các tiến sĩ Kinh viện hiểu rằng tất cả các bí tích đều là những sự vật truyền tải ân sủng. Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể là một trong bảy bí tích đã trở thành vấn đề tín lý.

Ngay cả Thánh Thể cũng là một dấu chỉ và một biểu tượng, mặc dù nó không chỉ là một biểu tượng. Công đồng Trent thường xuyên coi Thánh Thể như một biểu tượng – nó là biểu tượng của sự hiệp nhất sẽ đến trên thiên đàng. Để phản ứng lại những nhà cải cách lạc giáo Thệ Phản, khái niệm “dấu chỉ” không còn được sử dụng để tránh nhầm lẫn. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn tiếp tục khẳng định rằng các bí tích là “dấu chỉ”, mặc dù chắc chắn chúng không chỉ đơn thuần là dấu chỉ.

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ và biểu tượng của điều gì? Sự Hiện Diện Thực Sự như sự hiện diện bí tích

Thứ dường như là bánh chính là bí tích Mình Thánh Chúa Kitô. Trong khi thứ dường như là rượu là bí tích máu Chúa Kitô. Hiển nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong thân xác, máu, linh hồn và thần tính dưới cả hai hình sắc – ai đón nhận dù chỉ một phần nhỏ nhất của Bánh Thánh, là đón nhận Chúa Kitô trọn vẹn; và ai lãnh nhận dù chỉ một giọt Máu Thánh cũng là lãnh nhận Chúa Kitô trọn vẹn. Tuy nhiên, có lý do chính đáng khi cho giáo dân rước lễ, linh mục trao Bánh Thánh, gọi là Mình Thánh Chúa Kitô; và ngài trao chén thánh, gọi thứ chứa trong đó là Máu Chúa Kitô. Bánh Thánh là bí tích Mình Thánh. Hình sắc trong chén thánh là Bí tích Máu.

Như một vấn đề đức tin, chúng ta phải không những khẳng định rằng Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể “thực sự, đích thực và theo bản thể”, vì chúng ta cũng phải tuyên xưng rằng Chúa cũng hiện diện “một cách bí tích”. Sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là nền tảng của tất cả những sự hiện diện khác, vì nếu Bí tích Thánh Thể không phải là một bí tích thì Chúa Kitô sẽ không hiện diện dưới bất cứ cách nào.

Để phản ứng phong trào Thệ Phản, nhiều người trong Giáo hội đã phủ nhận hoặc ít nhất là phớt lờ bản chất bí tích cơ bản về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Thông thường, khi đọc các tác giả Công Giáo sùng đạo, dường như việc nói về Sự Hiện diện Thực sự như một sự hiện diện mang tính bí tích ít nhất chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Rất thường xuyên, các tín hữu ngay lập tức bị dẫn đến những cuộc tranh cãi về sự biến thể [transubstantiation] ngược với đồng bản thể [consubstantiation]– một điểm chắc chắn là quan trọng, nhưng chỉ có thể hiểu được sau khi khẳng định rằng Bí tích Thánh Thể là một bí tích. Thật vậy, chúng ta có ấn tượng rằng bất cứ việc nói nào về Bí tích Thánh Thể như một “dấu chỉ” hay “biểu tượng” (ngôn ngữ phổ biến không chỉ trong các Giáo phụ, mà ngay cả trong các tiến sĩ Kinh viện, và ở một bình diện thấp hơn nhiều, Công đồng Trent) ngay lập tức bị nghi ngờ là lạc giáo.

Một số người thậm chí sẽ bắt đầu nói về Bí tích Thánh Thể theo những thuật ngữ rất vật lý, như thể sự hiện diện của Chúa Kitô là vật lý. Ở đây, vấn đề thực sự nằm ở giả định tiềm ẩn rằng, trừ khi một vật là vật chất, nó không có thật – do đó, có vẻ như bí tích không thực sự có thật, nếu không có sự thay đổi vật lý.

Một lời trích dẫn của Đức Hồng Y Ratzinger sẽ đủ để sửa lỗi này: “Nhưng đây [học thuyết về sự biến thể] không phải là một tuyên bố vật lý. Có thể nói, chưa bao giờ người ta khẳng định rằng tự nhiên thay đổi theo nghĩa vật lý. Sự biến đổi đạt tới một bình diện sâu sắc hơn. Truyền thống cho rằng đây là một quá trình siêu hình. Chúa Kitô chiếm hữu điều, theo quan điểm thuần túy vật lý, là bánh và rượu, trong hữu thể sâu xa nhất của nó, để nó được biến đổi từ bên trong và Chúa Kitô thực sự trao ban chính mình Người trong chúng. […] [Thánh Thể] không phải là một vật. Tôi không nhận được một mảnh nào của Chúa Kitô. Đó thực sự sẽ là một điều vô lý.” (Thiên Chúa và Thế giới, 408) Đức Giáo Hoàng tương lai nói điều đó một cách cực kỳ rõ ràng: “Theo quan điểm thuần túy vật lý”, hình Thánh Thể là “bánh và rượu” bởi vì sự thay đổi không thể hiểu được “theo nghĩa vật lý”. Tuy nhiên, ở một bình diện sâu sắc hơn, ở bình diện hữu thể và yếu tính, thực ra ở bình diện bản thể; có một sự thay đổi triệt để mà qua đó những gì trước kia là bánh và rượu giờ đây đã trở thành Mình và Máu Chúa Cứu Thế.

Hy lễ Thánh lễ là một hy lễ bí tích

Một thực tại bí tích cũng có thật (có lẽ còn thực hơn) so với một thực tại vật lý. Chỉ sự kiện một sự thay đổi mang tính bí tích không có nghĩa là nó không có thật – không, những điều có thực nhất ở bên này thiên đàng là các bí tích! Do đó, chúng ta không cần phải sợ hãi khi nói rằng Thánh Lễ là một hy lễ trong chừng mực nó là một bí tích. Hy lễ mang tính bí tích.

Hình sắc Bánh Thánh là bí tích Mình Thánh Chúa Kitô, và theo bản thể, là thân xác được tôn vinh của Chúa Kitô. Hình sắc chứa trong chén thánh là bí tích Máu Chúa Kitô, và theo bản thể, là máu vinh hiển của Chúa Kitô. Tuy nhiên, các tiến sĩ kinh viện (đặc biệt là Thánh Tôma Aquinô) còn đi xa hơn và khẳng định rằng thân xác vinh hiển của Chúa Kitô, hiện diện theo bản thể trong Bánh Thánh, tự nó là một bí tích của một thực tại khác: Đó là bí tích xác chết của Chúa Kitô bị treo trên Thập Giá. Hơn nữa, máu vinh hiển và sống động của Chúa Kitô, hiện diện thực chất trong chén thánh, tự nó là một bí tích của máu chết của Chúa Kitô đổ ra từ thân xác vô hồn của Người.

Thánh Lễ là một hy lễ như thế này: Như Mình và Máu Chúa Kitô được tách ra khi Người bị chết treo và bị đâm xuyên qua trên Thập Giá như thế nào, thì trong Thánh Lễ, bí tích Mình và bí tích Máu Chúa Kitô cũng được tách biệt trên bàn thờ như vậy… Ở đây chúng ta có một bí tích: Một dấu chỉ bên ngoài mang lại ân sủng. Như bánh và rượu đã trở thành bí tích Mình và Máu Chúa Kitô thế nào, thì sự hiện diện theo bản thể của Mình và Máu Chúa Kitô cũng đã trở thành Bí tích Thập Giá như vậy. Việc tách Bánh Thánh và Chén Thánh là bí tích của hy lễ, chính sự tách biệt này làm cho Thánh Lễ trở thành một hy lễ.

Để có một nghiên cứu sâu sắc (và dễ tiếp cận) về chủ đề này, hãy xem cuốn “A Key to the Doctrine of the Eucharist [Chìa khóa của Tín lý Thánh Thể]” của Đan viện trưởng Anscar Vonier và có sẵn trong ấn bản mới của Zaccheus Press.

Tại sao nhiều người không tin Thánh Lễ là một hy lễ

Cần phải rõ tại sao rất nhiều người Công Giáo phủ nhận bản chất hy lễ của Thánh lễ – đó là vì họ phủ nhận bản chất bí tích của Thánh lễ. Chính vì rất ít người Công Giáo (sùng đạo cũng như vô đạo) có ít thời gian hoặc quan tâm đến Thánh Thể như một bí tích, dấu chỉ và biểu tượng, nhiều người Công Giáo đã mất đi quan niệm về Thánh lễ như một hy lễ. Nếu Thánh Thể không phải là bí tích thì cũng không phải là hy lễ.

Nếu chúng ta không tin rằng sự hiện diện bí tích là một sự hiện diện thực sự, và nếu chúng ta không chấp nhận rằng bí tích là có thật, thì chúng ta sẽ sớm không tin rằng hy lễ bí tích trong Thánh Lễ là một hy lễ thực sự. Nếu toàn bộ sự hiểu biết của chúng ta về Bí tích Thánh Thể chỉ dựa trên một số khái niệm về tính vật lý, thì chúng ta sẽ không có chỗ cho Đồi Can-vê – vì chắc chắn rằng chúng ta không có mặt tại Đồi đó khi chúng ta tham dự Thánh lễ.

Hơn nữa, nếu chúng ta đánh mất quan niệm Thánh Thể như một bí tích, chúng ta sẽ sớm không tin vào thực tại của các bí tích khác (vì chúng không mang lại bất cứ thay đổi đáng kể nào). Thật vậy, điều này đã bắt đầu xảy ra với các bí tích như Hôn nhân và Xưng tội. Đối với các bí tích ban cho một ấn tích [character] (cụ thể là Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh), không có gì lạ khi nghe một số nhà thần học nói về ấn tích này như một “sự thay đổi đáng kể” – như thể dấu ấn không thể xóa nhòa được gọi là ấn tích “bản thể” chứ không phải là một ấn tích “bí tích”. Trong những cách tiếp cận hiện đại về các bí tích, tất cả đều có xu hướng bị giản lược thành những thay đổi “bản thể”; và toàn bộ ý tưởng về sự thay đổi bản thể được giản lược thành sự thay đổi vật lý. Và tất cả bắt đầu khi người ta bắt đầu nói rằng Chúa Kitô là vật chất hiện diện một cách vật lý trong Thánh Thể; hãy nhớ rằng Giáo hội tuyên bố Người hiện diện chân thực, đích thực, một cách bản thể và bí tích, nhưng Giáo hội chưa bao giờ nói rằng Người hiện diện về mặt thể lý (mặc dù Người hiện diện trong thực tại thể lý của Người, tức chiều kích số lượng).

Để phục hồi niềm tin của chúng ta vào các bí tích nói chung, chúng ta phải khôi phục lại niềm tin vào Thánh Thể như một bí tích. Và có lẽ không có cách nào tốt hơn để mang lại một sự đổi mới trong cách hiểu bí tích về Thánh Thể hơn là nghiên cứu bản chất hy lễ của Thánh lễ.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS