Cha Graciano Santos Barros, Tổng Đại diện của Tổng Giáo Phận Dili, nói rằng khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại quốc gia – “Đức tin của anh chị em trở thành văn hoá của anh chị em” – là lời mời gọi sống đức tin trong sự hoà hợp với văn hoá. Các mục tử Giáo hội dự tính có khoảng 700.000 người từ khắp Đông Timor, Indonesia và các quốc gia khác tham dự các sự kiện của Đức Thánh Cha, đặc biệt là Thánh lễ vào chiều ngày 10/9.
Cha Bento Pereira, phụ trách truyền thông của Hội đồng Giám mục, cho biết việc chuẩn bị không chỉ về mặt vật chất nhưng còn về mặt tinh thần. Giáo hội địa phương đã chuẩn bị một lời cầu nguyện đặc biệt cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, được đọc mỗi ngày trong các nhà thờ, cộng đoàn tu sĩ.
Cha giải thích tại sao cuộc viếng thăm tập trung vào mối quan hệ giữa đức tin và văn hoá: Có mối quan hệ giữa đức tin và lịch sử của đất nước Đông Timor. Lịch sử của quốc gia, lịch sử đau khổ và tự do của Đông Timor, thực chất được đánh dấu và đi cùng với đức tin. Cuộc viếng thăm ghi dấu kỷ niệm 25 năm ngày đất nước giành được độc lập khỏi Indonesia.
Cha nói: “Trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, chúng tôi có thể nhìn lại lịch sử của chúng tôi với trái tim hòa giải, nhìn nhận công trình của Chúa đã soi sáng tâm trí và trái tim con người trong nhiều thời khắc quan trọng”.
Nhắc lại thời kỳ đấu tranh giành độc lập cha cho biết, Giáo hội Công giáo và các nhà truyền giáo đã ủng hộ nền độc lập của Đông Timor và được đánh giá cao vì vai trò của Giáo hội trong việc hỗ trợ các nạn nhân cuộc xung đột. Cha nói: “Vào thời điểm đó, các nữ tu, linh mục, giáo lý viên và tu sĩ là những thiên thần hộ mệnh của chúng tôi. Các vị luôn gần gũi, chia sẻ vận mệnh của chúng tôi. Chúng tôi cầu nguyện rất nhiều trước mọi quyết định và mọi sự kiện. Đức tin đồng hành với từng bước chân, đau khổ và hy vọng của chúng tôi”.
Thống kê của Giáo hội cho thấy Công giáo ở Đông Timor đã phát triển mạnh mẽ kể từ những năm 1970, tăng từ 30 lên khoảng 95 phần trăm trong số 1,4 triệu người dân của đất nước ngày nay.
Cha Barros kết luận: “Trong thời kỳ áp bức, đức tin là trụ cột cơ bản của người dân. Với tấm lòng rộng mở, người dân Đông Timor đã hiểu và coi Tin Mừng là con đường, là sự cứu rỗi duy nhất. Đức tin vào Chúa Kitô là điều thiết yếu trong lịch sử và văn hóa của chúng tôi, và vẫn tiếp tục như thế”.
Vatican News