Tha thứ để bắt đầu lại, câu chuyện của Jean Paul trong cuộc diệt chủng ở Rwanda

Nghe bài này

Chứng kiến cảnh người thân và dân làng bị sát hại trong cuộc diệt chủng vào năm 1994 ở Rwanda, nhưng Jean Paul không tìm cách trả thù, trái lại anh đã tha thứ, dấn thân đem mọi người lại với nhau, sống chung hoà bình.

Trước khi cuộc diệt chủng xảy ra, cuộc sống hàng ngày của gia đình Jean Paul Habimana ở Nyamasheke rất bình yên, ngôi làng phía tây Rwanda này được coi là ốc đảo hoà bình. Trong nhà của Jean Paul không bao giờ thiếu những giờ cầu nguyện. Tất cả cùng cầu nguyện trước bữa ăn, lần chuỗi Mân Côi vào mỗi chiều tối. Chúa nhật tất cả đều tham dự Thánh lễ. Ở ngôi làng này  Chúa nhật là một lễ hội. Điều này không chỉ thể hiện lòng đạo đức tôn giáo nhưng cả về mặt xã hội. Đó là lý do tại sao dân làng ai cũng chuẩn bị cho mình những bộ quần áo đẹp để tham dự Thánh lễ.

Nhưng rồi khung cảnh gần như hoàn hảo này đã bị tàn phá bởi một cuộc diệt chủng khủng khiếp. Tất cả không còn như xưa.

Trong tâm trí Jean Paul vẫn còn nhớ rõ ngày tháng máu lửa đó. Ngày 06/4/1994, ba ngày sau lễ Phục Sinh, đài phát thanh liên tục gửi những tin tức khủng khiếp kêu gọi người dân không rời khỏi nhà.

Jean Paul kể: “Đó là một ngày kinh hoàng nhưng không có chuyện gì xảy ra với gia đình chúng tôi. Mọi thứ chỉ bắt đầu 24 giờ sau đó, ngày 08/4, khi người trông coi cửa hàng của cha tôi chạy đến báo mọi thứ đã bị cướp phá. Khi nghe tin này, lúc đầu cha tôi quyết định không đi để xem chuyện gì xảy ra. Ông hiểu đó là một sự khiêu khích. Tuy nhiên, càng nhiều giờ trôi qua tin tức khủng khiếp càng đến. Trang trại của chúng tôi bị cháy rụi như những căn nhà hàng xóm. Lúc đó chúng tôi bỏ chạy, thức ăn vẫn còn trên bàn”.

Đó là sự khởi đầu của sự thù ghét của người Hutu đối với người Tutsi, của cái mà người ta gọi là “nạn diệt chủng Tutsi ở Rwanda” và chỉ trong ba tháng sau một triệu người đã bị sát hại. Anh em cùng quốc tịch, cùng dòng máu chống lại nhau. Jean Paul chỉ mới sáu tuổi. Sau cuộc trốn chạy điên cuồng giữa tiếng súng, Jean Paul không còn thấy ai trong gia đình. Chỉ có người anh bảy tuổi tìm được trong một giáo xứ khi bị đám đông xô đẩy vào bên trong để tìm nơi trú ẩn.

Jean Paul không thấy cha mình có lẽ ông đã chết, còn người mẹ cùng với các anh em khác chỉ gặp lại sau khi cuộc diệt chủng kết thúc. Trong khi đó, tại giáo xứ, Jean Paul chứng kiến cảnh mọi người bị giết và đốt bởi những người Hutu đang tìm kiếm những ai tên trong danh sách trên tay.

Jean Paul nhớ lại: “Cảnh sát hại xảy ra gần như hàng ngày, tôi đã quen với việc đó. Nhưng đêm 29 và 30/4/1994 là đêm khủng khiếp nhất. Trong giáo xứ họ nổ súng, tôi ngã xuống đất, bị giẫm đạp bởi những người đang cố gắng trốn thoát. Họ đã giết rất nhiều, rất nhiều. Nhưng họ càng bắn tôi càng cầu nguyện, tôi cầu nguyện với mọi kinh mà tôi thuộc. Họ càng giết, tôi càng cầu xin Chúa tha thứ”.

Việc Jean Paul thoát khỏi cái chết đến từ một nghịch lý: một gia đình Hutu không tham gia vào vụ thảm sát đã đưa hai anh em về nhà. Anh kể: “Chúng tôi rất bẩn thỉu, họ tắm rửa sạch sẽ và cắt tóc cho chúng tôi. Họ coi anh tôi là người thân, trong khi tôi được giấu trong một cái hố phủ đầy lá trên đồn điền chuối của họ. Họ đã cứu mạng chúng tôi”.

Sau đó Jean Paul được được đưa đến Ý. Với thời gian anh đã hoàn thành cuốn sách kể về câu chuyện của mình. Từ đây, sáng kiến Khu vườn những người công chính ở Milan và ở Rwanda đã được hình thành. Gia đình đã cứu mạng anh cũng nằm trong danh sách những người công chính này. Theo anh, đây là cách để tỏ lòng kính trọng đối với một hành động vị tha và quảng đại thực sự.

Hiện nay Jean Paul  đang sống ở Milan, lập gia đình, có hai con và là giáo viên môn tôn giáo. Anh chia sẻ đã từng muốn trở thành một linh mục, gia nhập chủng viện, nhưng sau thời gian phân định, anh hiểu rằng con đường của mình không phải là linh mục. Ba mươi năm sau “nạn diệt chủng Tutsi ở Rwanda” và sự hòa giải của đất nước Đông Phi, anh không ngừng dạy học sinh rằng việc chung sống là có thể chứ không phải là một giấc mơ. Anh làm điều này bằng cách làm chứng về những gì đã xảy ra với anh tại các hội nghị khắp nước Ý nhưng trên hết là không cắt đứt quan hệ với quốc gia, với người dân, ngay cả với những người đã làm hại anh. Giáo viên môn tôn giáo nói: “Giống như những người đồng bào khác của tôi, đối với Rwanda, tôi cố gắng thay đổi lịch sử của đất nước. Hàng năm tôi đều đưa học sinh đi trải nghiệm tình nguyện tại trường tiểu học nông thôn nơi tôi đã theo học. Và kết quả thật đáng ngạc nhiên: trẻ em phương Tây không chỉ giúp đỡ bằng cách chia sẻ mà còn nhận ra rằng có những người trẻ khác cũng có cùng ước mơ: thay đổi cuộc sống của cha mẹ họ. Ngay cả bằng cách này, hòa bình và sự chung sống có thể được xây dựng”.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS