Đi từ mục đích của Hội nghị: Thư viện Vatican muốn mở ra đối thoại với thế giới, Đức Thánh Cha nói với các tham dự viên Hội nghị gồm các ân nhân, các đại diện của 23 thư viện lớn trên thế giới rằng, Thư viện Vatican muốn đối thoại với các tổ chức thân hữu về một số điểm chính, đưa ra các bản nghiên cứu mà ngài hy vọng có thể tiếp tục làm phong phú lẫn nhau.
Với thực tế công nghệ phát triển, giúp hoạt động thư viện mau chóng hơn, nhưng cũng có nguy cơ khó kiểm soát, chi phí cao cho việc quản lý các bộ sưu tập bằng giấy, Đức Thánh Cha khích lệ những người làm việc trong các thư viện tiếp tục làm việc để những nơi này trở thành một nơi bình an, ốc đảo gặp gỡ và tự do thảo luận.
Để nâng đỡ sự dấn thân này, Đức Thánh Cha nói ngài muốn giao phó cho mọi người bốn tiêu chí mà ngài đã đề xuất trong Evangelii Gaudium-Niềm Vui Tin Mừng (số 222-237).
Thứ nhất: thời gian vượt không gian. Những người làm việc trong lĩnh vực thư viện gìn giữ kho tàng kiến thức to lớn. Những kho tàng này có thể trở thành những nơi dành thời gian suy ngẫm, mở ra chiều kích tâm linh và siêu việt. Và do đó, họ có thể khuyến khích các nghiên cứu dài hạn mà không bị ám ảnh về kết quả ngay lập tức, khuyến khích sự phát triển của một chủ nghĩa nhân văn mới trong thinh lặng và suy tư.
Thứ hai: sự thống nhất chiếm ưu thế hơn xung đột. Nghiên cứu hàn lâm chắc chắn sẽ nảy sinh những khoảnh khắc gây tranh luận, điều này phải được thực hiện trong một cuộc tranh luận nghiêm túc, để không dẫn đến lạm quyền. Thư viện phải mở cho tất cả các lĩnh vực kiến thức, thể hiện mục đích chung giữa các quan điểm khác nhau.
Thứ ba: thực tế quan trọng hơn ý tưởng. Điều tốt là tính cụ thể của các lựa chọn và sự quan tâm đến thực tế phát triển trong mối liên hệ chặt chẽ với cách tiếp cận phê bình và suy lý, để tránh bất kỳ sự đối lập sai lầm nào giữa suy nghĩ và kinh nghiệm, giữa sự kiện và nguyên tắc, giữa thực hành và lý thuyết. Có một tính ưu việt của thực tại mà sự suy tư phải luôn tôn trọng nếu muốn chân thành tìm kiếm sự thật.
Thứ tư: toàn thể lớn hơn bộ phận. Chúng ta được mời gọi hòa giải sự căng thẳng giữa địa phương và toàn cầu, nhớ rằng không ai là cá nhân cô lập, nhưng mọi người đều là người sống với các mối quan hệ và mạng lưới xã hội, để tham gia một cách có trách nhiệm.
Sau cùng Đức Thánh Cha khích lệ mọi người đừng sợ sự phức tạp của thế giới trong đó chúng ta được mời gọi làm việc. Ngài cầu chúc những gì mọi người đã chia sẻ sẽ giúp phát triển, trong thư viện, những “kinh sư” khôn ngoan được Chúa Giêsu ca ngợi, những người biết rút ra những điều mới và cũ từ kho tàng của mình, vì lợi ích của mọi người (Mt 13, 52).
Vatican News