Giáo hội Công giáo Thái Lan đã đạt một bước tiến đáng kể trong hành trình hướng đến việc phong thánh cho tám vị tử đạo, chết vì đức tin anh hùng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
Trước lễ kỷ niệm Lễ Chân phước Nicholas Bunkerd Kritbamrung tại Samphran, tây Bangkok, vào ngày 12 tháng 1, Sứ thần Tòa thánh Thái Lan, Tổng giám mục Peter Bryan Wells, đã trao thánh tích của tám vị tử đạo cho Đức tân Tổng giám mục Francis Xavier Vira Arpondratana của Tổng giáo phận Bangkok và sáu giám mục và đại diện cho các giáo phận: Ratchaburi, Chanthaburi, Nakhon Sawan, Chiang Mai, Chiang Rai và Surat Thani.
Buổi lễ diễn ra sau một sự kiện tương tự được tổ chức vào ngày 14 tháng 12 năm 2024, tại Đền Đức Mẹ các Thánh Tử Đạo Thái Lan ở Songkhon, nơi các thánh tích được trao cho Đức Tổng Giám mục Anthony Weradet Chaiseri của Tổng giáo phận Tharae- Nongseng và ba giáo phận trực thuộc: Ubon Ratchathani, Udon Thani và Nakhon Ratchasima.
Các thánh tích, được đặt trong các hộp mới, tượng trưng cho sự hiệp nhất của tám vị tử đạo này, những người đã sống và chết vì đức tin của mình trong thời kỳ đàn áp vào giữa thế kỷ 20.
Sứ thần Tòa thánh tại Thái Lan, Đức Tổng Giám mục Peter Bryan Wells, trao thánh tích của tám vị tử đạo Thái Lan cho Đức Tổng Giám mục tân cử Francis Xavier Vira Arpondratana của Bangkok trong một buổi lễ đánh dấu một bước tiến trong việc phong thánh cho họ.
Trong bài giảng của mình, Tổng giám mục Wells đã nhấn mạnh đến lòng dũng cảm của các vị tử đạo, mà rằng, “Họ đã được rửa tội trong Chúa Kitô trước tiên bằng nước và sau đó bằng máu.”
Ngài thách đố các tín hữu hãy lấy cảm hứng từ những hy sinh của họ và sống lời hứa rửa tội của mình với niềm tin.
Tám vị tử đạo của Thái Lan: Những chứng nhân của đức tin
và sự hiệp nhất
Năm ngoái, Hội đồng Giám mục Công giáo Thái Lan (CBCT) đã quyết định thống nhất các nguyên nhân phong thánh cho Chân phước Nicholas Bunkerd Kritbamrung của Bangkok và Bảy vị tử đạo chân phước của Songkhon.
Quyết định này nhấn mạnh đến chứng tá chung của họ cho Chúa Kitô trong giai đoạn hỗn loạn chính trị và xã hội từ năm 1940 đến năm 1944, khi Kitô giáo bị coi là “tôn giáo ngoại lai”. Chân phước Nicholas, một linh mục ở Samphran, quê hương của ngài, đã phục vụ cho đàn chiên của mình trong bối cảnh bị đàn áp. Bị kết án 15 năm tù, ngài đã rửa tội cho 66 bạn tù trong thời gian bị giam cầm. Mặc dù phải chịu đựng chín tháng bệnh tật, ngài vẫn kiên định với đức tin và qua đời trong tù vào năm 1944 ở tuổi 49.
Trong khi đó, tại ngôi làng Công giáo Songkhon, giáo lý viên Philip Siphong và sáu người phụ nữ, bao gồm hai nữ tu, đã chọn tử đạo thay vì từ bỏ đức tin của mình. Sự hy sinh của họ đã được Đức thánh Giáo hoàng John Paul II công nhận, người đã phong chân phước cho bảy vị tử đạo Songkhon vào năm 1989 và Chân phước Nicholas vào năm 2000.
Thúc đẩy quá trình phong thánh
Để tôn vinh di sản của các vị tử đạo và thúc đẩy lòng sùng kính đối với các ngài, CBCT đã thành lập Ủy ban phong thánh do Đức Tổng Giám mục Anthony Weradet Chaiseri của Tổng giáo phận Tharae-Nongseng đứng đầu.
Ủy ban đã chuẩn bị các hộp đựng thánh tích chứa thánh tích của cả tám vị tử đạo, sẽ được trưng bày tại các giáo phận trên khắp Thái Lan.
Những hộp đựng thánh tích này nhằm mục đích truyền cảm hứng cho người Công giáo noi theo đức tin kiên định của các vị tử đạo đồng thời làm sâu sắc thêm mối liên hệ tâm linh của họ với những chứng nhân của Chúa Kitô.
Đức ông Andrew Vissanu Thanya-anan, chủ tịch Ủy ban cổ súy việc phong thánh, giải thích với LiCAS rằng: “Chính dân Chúa đã tạo nên ‘fama sanctitatis’, công nhận những vị tử đạo này là chứng nhân của Chúa Kitô và Phúc âm”.
Sáng kiến này là một phần trong các hoạt động chuẩn bị rộng rãi hơn cho lễ kỷ niệm ngày hy sinh và phong chân phước của các vị tử đạo, bao gồm lễ kỷ niệm 25 năm ngày phong chân phước cho Chân phước Nicholas vào năm 2025.
Di sản của lòng dũng cảm và hy vọng
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám mục Wells thúc giục các tín hữu suy ngẫm về tấm gương của các vị tử đạo. “Chúa Thánh Thần đã ban sức mạnh cho họ để họ sống cuộc sống dũng cảm và đức tin phi thường. Cũng chính Chúa Thánh Thần đó sống trong chúng ta, kêu gọi chúng ta nên thánh”.
Sứ thần Tòa thánh cũng thách đố các tín hữu, bao gồm cả chính ngài, hãy tự hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể sống lời hứa rửa tội của mình với lòng can đảm và niềm tin? Chúng ta có sẵn sàng đứng lên cho những gì chúng ta tin tưởng, ngay cả khi khó khăn không? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh sự thoải mái và an toàn của bản thân vì lợi ích của người khác không?”
Khi cộng đồng Công giáo Thái Lan tiếp tục chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong quá trình phong thánh, các vị tử đạo được tưởng nhớ vì đức tin kiên định và sự hy sinh của các ngài.
Thanh Quảng sdb – Chainarong Monthienvichienchai (LiCAS)