Trong Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đã tuyên phong 44 Chân Phước tử đạo, trong danh sách có tên thầy giảng Anrê Phú Yên.
Khi đạo Công giáo được truyền bá vào Việt Nam, nhiều thế hệ thầy giảng đã sát cánh cùng các vị truyền giáo ngoại quốc để đi rao giảng Tin Mừng cho đồng bào của mình.
Mặc dù thầy giảng Anrê Phú Yên chỉ đi rao giảng trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng Đức Tin vững mạnh của thầy đã được lưu truyền cho người Công giáo Việt nam trong hơn 350 năm nay.
Cha Alexander de Rhodes là người đã chứng kiến cuộc bắt bớ, cuộc xử án, cuộc giam giữ cầm tù và cuộc hành quyết thầy Anrê. Cha đã ghi chép lại đầy đủ chi tiết cuộc tử đạo của thầy.
Thầy Anrê sinh năm 1625 tại Phú Yên, là con trai thứ của một bà quả phụ đạo đức.Thầy là người có thể xác yếu đuối nhưng rất thông minh và có một tâm hồn trong sáng luôn hướng về sự thiện. Mẹ thầy đã khẩn khoản Cha thâu nhận thầy làm môn đệ. Thầy học hành rất chăm chỉ và trội hơn các đồng bạn.
Lúc thấy lên 17 tuổi, thầy được chịu phép rửa tội cùng một lúc với mẹ mình. Một năm sau khi chịu phép rửa, thầy trở thành thầy giảng và khấn hứa phục vụ Giáo Hội cho đến trọn đời. Thầy được tử đạo lúc thầy vừa tròn 20 tuổi.
Chúa Nguyễn ra lệnh cấm đạo khi nhận thấy đạo Công giáo bành trướng trong xứ sở. Vào tháng 7 năm 1644, quan Tổng trấn Quảng Nam, ông Nghè Bộ ra lệnh cấm các giáo sĩ ngoại quốc đi truyền đạo và bắt giam các thầy giảng Việt nam.
Vào ngày 25 tháng 7, quân lính được sai đến bao vây nhà Cha Alexander de Rhodes để tìm bắt thầy giảng Ignatius, nhưng thầy đi vắng nên chúng bắt thầy Anrê Phú Yên. Chúng đã đánh đập, trói lại và giải đến quan Nghè và giải thích thầy cũng là một thầy giảng như thầy Ignatius, người này đã đến các làng mạc nói về luật lệ của vua Kitô và khuyến dụ dân làng theo đạo mới.
Trước công đường quan Nghè khuyến dụ thầy Anrê “đừng dại dột mà mang họa vào thân, hãy chối đạo thì sẽ được tha để trở về với gia đình.” Thầy Anrê đã khẳng khái tuyên xưng mình là Kitô hữu và muốn chịu tất cả mọi thứ cực hình chứ chẳng bao giờ chối bỏ những điều mình đã rao giảng. Dù bị hăm dọa dùng những cực hình ghê rợn cũng không làm nao núng ý chí cương quyết chịu chết để bảo vệ đức tin, chấp nhận đau khổ để được chết vinh quang. Thầy Anrê bị khép vào tội tử hình.
Ngày kế tiếp, Cha Alexander de Rhodes và vài thương gia người Bồ Đào nha vào thăm thầy trong nhà tù, thầy tỏ ra rất bình tĩnh và an vui chịu khốn khổ vì Chúa Kitô. Nước mắt rưng rưng họ cầu nguyện cho thầy, thầy xin họ cũng cầu cho chính họ được bền đổ trung thành với tình yêu vô biên của Chúa, “đấng đã hy sinh mạng sống của mình cho nhân loại”. Thầy lập lại ý tưởng đó và kết luận: “Chúng ta hãy trao tình yêu của chúng ta cho Chúa như Chúa đã yêu thương chúng ta, hãy trao mạng sống cho Chúa như Chúa đã chết cho chúng ta.”
Trưa ngày 26 tháng 7 năm 1644, ba mươi người lính đến nhà giam dẩn thầy Anrê ra pháp trường. Thầy cám ơn Chúa đã cho thầy được hy sinh tử đạo, thầy chào từ biệt các bạn tù. Cha De Rhodes xin phép được dùng một chiếc chiếu trải ra nơi hành hình để hứng lấy máu của thầy như phong tục của người Việt nam, nhưng thầy đã từ chối vì muốn máu mình sẽ thấm vào lòng đất quê hương. Thầy tiếp tục khích lệ những giáo dân giữ vững đức tin, đừng buồn về cái chết của thầy, chỉ xin cầu cho thầy được trung tín cho đến giây phút cuối cùng. Một người lính dùng chiếc dáo đâm bên hông trái, một người khác dùng mã tấu chặt đầu trong lúc thầy kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa hãy chứng giám lòng trung tín của con.”
Cha De Rhodes xin nhận lảnh xác của thầy chở về Macao để chôn cất. Khi tàu ở trên biển thì bị bọn hải tặc đánh cướp, tàu đụng phải đá. Như một phép lạ, một tảng đá lớn từ trên núi rớt xuống làm vở đầu tàu rồi rơi xuống biển, làm cho bọn hải tặc bỏ đi và tàu đã chạy được về đến bến bình yên.
Qua nhiều thế kỷ, dù thầy Anrê chưa được phong hiển thánh, nhưng người Công giáo Việt nam luôn tưởng nhớ tôn kính đấng tử đạo thứ nhất đã để máu mình thấm vào lòng đất mẹ, với ước nguyện sẽ sinh hoa kết trái đức tin Kitô cho đến muôn đời.
(Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)