Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thưa cha, cha có thể nêu ra các văn kiện nào liên quan đến việc một giáo dân đọc thư của Giám mục hoặc của Hội đồng Giám mục trong nhà thờ không? Có một thói quen là người ta đọc các thư như thế thay cho bài giảng lễ. Một thừa tác viên chức thánh làm việc này ư? Có lý do thần học nào không? Nếu một giáo dân có thể đọc thư thánh Phaolô gửi từ Tarsus trong nhà thờ, tại sao người ấy (nam hay nữ) không thể đọc một thư của Hồng Y Christoph Tổng giáo phận Vienna chẳng hạn trong nhà thờ? – H. S., Krakow, Ba Lan.
Đáp: Bạn thân mến, có rất ít điều trong các qui định liên quan đến nơi chốn và thời gian thích hợp cho việc đọc các lá thư mục vụ. Do đó, chúng tôi nói nhiều trong lĩnh vực ý kiến mà thôi.
Một lá thư mục vụ được định nghĩa là “một lá thư ngỏ của một Giám mục gửi cho hàng giáo sĩ hay giáo dân, hoặc gửi cho cả hai, trong giáo phận của ngài, lá thư chứa hoặc là lời khuyên chung, chỉ dẫn hoặc lời an ủi, hoặc các hướng dẫn cho việc hành xử trong các hoàn cảnh cụ thể. Trong Giáo Hội Công Giáo, các lá thư như vậy cũng được gửi đều đặn vào các mùa phụng vụ đặc biệt, đặc biệt là vào đầu mùa chay”.
Tôi không nghĩ rằng việc đọc một lá thư mục vụ là hoàn toàn bị loại trừ khỏi thời gian dành cho bài giảng lễ, miễn là nó đáp ứng mục tiêu thích hợp của thời điểm này, như được ghi trong huấn thị “Redemptionis Sacramentum”:
“[64.] Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ, “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”.
“[67.] Đặc biệt, phải quan tâm theo dõi bài giảng được hoàn toàn tập trung vào mầu nhiệm cứu độ, bằng cách trình bày, suốt năm phụng vụ, từ các bài đọc kinh thánh và những bản văn phụng vụ, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống Kitô-hữu, và bằng cách chú giải các bản văn của phần Chung hay phần Riêng của Thánh Lễ, hay nữa của nghi lễ khác của Giáo Hội. Tất nhiên là tất cả những giải thích Thánh Kinh phải hướng về Đức Kitô như là cột trụ tuyệt đỉnh của kế hoạch cứu độ; tuy nhiên, việc đó phải được thực hiện cũng có quan tâm đến bối cảnh đặc thù của việc cử hành phụng vụ. Người giảng phải chăm lo chiếu rọi ánh sáng Đức Kitô vào các sự kiện của đời sống, mà không phải vì thế tước đi ý nghĩa chân chính và đích thật của lời Thiên Chúa, ví dụ, bằng cách chỉ dựa vào các nhận xét chính trị hay những luận chứng ngoại đạo, hay bằng cách dựa theo các quan niệm vay mượn của những phong trào tôn-giáo-giả phổ biến trong thời đại của chúng ta” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Nhiều Giám mục viết lá thư mục vụ trong năm phụng vụ, để cổ vũ các tín hữu thấm nhuần một mùa như Mùa Chay hay mùa Giáng sinh, với lòng nhiệt thành đặc biệt, hoặc mời họ thực hành một nhân đức Kitô giáo cụ thể nào đó. Các lá thư này thường được thiết kế rõ ràng để đọc thay cho bài giảng, và thường gợi lên ý các bài đọc của ngày ấy.
Trong các trường hợp này, thật là bình thường và tự nhiên khi chính chủ tế đọc lá thư ấy. Cha xứ cũng có thể đọc nó ở tất cả các Thánh Lễ trong ngày, để nhấn mạnh sự hiệp thông với Giám mục.
Nhưng sẽ là không thích hợp, khi một người không có chức thánh đọc một lá thư như thế vào thời điểm ấy. Đó là bởi vì lá thư này là bài giảng, do mọi hiệu quả thực hành của nó.
Nếu một linh mục phải đọc một bài giảng do người khác soạn sẵn, mặc dù cố gắng hết sức để làm cho nó thành của riêng mình, nó vẫn là bài giảng. Trong một cách tương tự, lá thư của Giám mục là một bài giảng, và nó còn quan trọng hơn so với trường hợp trước, vì nó là một sứ điệp của vị mục tử giáo phận, và Ngài có quyền và nghĩa vụ rao giảng và dạy bảo đàn chiên của mình.
Còn các lá thư mục vụ khác nói về các tình hình chính trị và xã hội hiện nay, hoặc kêu gọi đóng góp tiền bạc, thì tốt nhất chúng được đọc sau Lời nguyện Hiệp lễ và trước Phép lành cuối lễ. Theo Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 166, đây là thời điểm thích hợp để loan báo các điều cần cho giáo dân.
Tuy nhiên, nếu một Giám mục xét một tình hình xã hội hoặc mục vụ là nghiêm trọng đáng lưu ý, ngài có thể ra lệnh đọc lá thư ấy trong giờ giảng lễ.
Nếu lá thư được đọc vào cuối Thánh Lễ, một giáo dân có phẩm cách có thể đọc sứ điệp của Giám mục, mặc dầu nếu cha xứ đọc thì tốt hơn.
Các lá thư được chuẩn bị để đọc trong Thánh Lễ thường là ngắn gọn và đi vào vấn đề.
Các lá thư mục vụ, mà trong đó các Giám mục mong muốn trình bày chi tiết về một chủ đề, thì đôi khi nên được tóm tắt trong Thánh Lễ, và sau lễ nó sẽ được phân phát đầy đủ cho giáo dân, bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông thích hợp. (Zenit.org 7-1-2014)
Nguyễn Trọng Đa