Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II

Nghe bài này

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Three pontificates and Vatican II”, nghĩa là “Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vào sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mới được bầu đã đồng tế thánh lễ với Hồng Y Đoàn và cam kết rằng chương trình giáo hoàng của ngài sẽ là việc thực hiện đầy đủ Công Đồng Vatican II. Đó là “nhiệm vụ tối hậu của ngài”, vì Công đồng là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất” trong hai thiên niên kỷ của lịch sử Kitô giáo. Như tôi giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” nghĩa là “Để Thánh Hóa Thế Giới: Di quản quan yếu của Vatican II” do nhà xuất bản Basic Books in, 26 năm rưỡi tiếp theo chứng kiến Đức Gioan Phaolô II thực hiện lời cam kết đó, vì triều đại giáo hoàng của ngài là một bản hùng ca về giáo huấn và chứng tá đã giúp cung cấp cho Công Đồng các diễn giải chủ yếu mà chính Công Đồng đã không đưa ra.

Không giống như 20 công đồng chung trước đây, Công đồng Vatican II đã không trình bày rõ ràng hoặc xác định một chìa khóa cuối cùng để giải thích đúng đắn Công Đồng: một điều gì đó làm rõ rằng “Đây là ý của chúng tôi”. Các Công Đồng khác đã viết các tín điều, xác định tín điều, lên án dị giáo, lập pháp thành luật Giáo hội và xác lập các giáo lý. Công đồng Vatican II đã không làm những điều đó, đó là một lý do tại sao một tình huống mơ hồ liên quan đến ý định và ý nghĩa của Công đồng đã xảy ra sau đó.

Trong tông huấn năm 1975 Evangelii Nuntiandi (Công bố Tin Mừng), Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bắt đầu quá trình trao cho Công đồng không-có-chìa-khoá một cách giải thích có thẩm quyền bằng cách nhắc lại ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng: Công đồng Vatican II là để khởi động Giáo hội trên một sự hồi sinh sứ mệnh truyền giáo lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Đức Gioan Phaolô II đã điền vào chỗ trống về những gì mà nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa sẽ liên quan đến huấn quyền rộng lớn của ngài – và bằng chuyến thăm mục vụ của ngài đến Thánh Địa vào tháng 3 năm 2000, điều này nhắc nhở Giáo hội rằng Kitô giáo bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Phục sinh, Đấng phải luôn luôn là trung tâm của mọi đề xuất và công bố của Giáo hội cho thế giới.

Ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II trong công việc vĩ đại nhằm cung cấp các chìa khóa diễn giải cho Công đồng là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sẽ kế vị Đức Giáo Hoàng người Ba Lan với tư cách là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Giống như vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Hồng Y Ratzinger là người của Công đồng; trên thực tế, nhà thần học trẻ người Bavaria đã từng là một trong ba cố vấn thần học có ảnh hưởng nhất đối với các giám mục trong công đồng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong bài diễn văn Giáng Sinh đầu tiên của mình trước Giáo triều Rôma năm 2005, Đức Bênêđictô XVI đã thẳng thắn đề cập đến câu hỏi về cách giải thích đúng đắn Công đồng Vatican II.

Giống như người đã triệu tập Công Đồng, là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Bênêđíctô biết rằng Công đồng không được triệu tập để tái tạo Công Giáo; đó không phải là những gì các Công Đồng Chung thực hiện. Đúng hơn, Công Đồng nhằm mục đích khơi lại niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô và đổi mới kinh nghiệm của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, để, giống như các môn đệ sau Lễ Hiện Xuống Kitô đầu tiên, Giáo hội sẽ được khích lệ cho việc truyền giáo triệt để. Thành ra, ngài dạy rằng Công đồng Vatican II, nên được hiểu như một Công đồng đã phát triển truyền thống của Giáo hội một cách hữu cơ. Công đồng Vatican II không phải là một sự đoạn tuyệt với truyền thống, mà là sự đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội trong sự liên tục sự mặc khải của Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao, trong cuốn “Để Thánh Hóa Thế Giới”, tôi đề nghị rằng các triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI nên được hiểu như một cung đường diễn giải liên tục, kéo dài 35 năm, cung cấp những chìa khóa mở ra giáo huấn có thẩm quyền và sức mạnh truyền bá Phúc âm của Vatican II.

Còn triều đại giáo hoàng hiện nay thì sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên sự tôn trọng của ngài đối với Công đồng. Và lời kêu gọi của ngài về một Giáo hội “truyền giáo vĩnh viễn” chắc chắn phản ánh ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II, mà Đức Giáo Hoàng Gioan đã tóm tắt trong một câu ngắn gọn vào tháng 9 năm 1962: “Mục đích của Công đồng là…. Phúc âm hóa”. Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng hiện nay đã khác xa với giáo huấn của Công đồng về một số phương diện.

Chính sách hiện tại liên quan đến Trung Quốc của Vatican mâu thuẫn với giáo huấn của Công đồng rằng không có quyền lực nào hoặc đặc quyền nào được trao cho các chính phủ trong việc bổ nhiệm giám mục – một giáo huấn hiện được thể hiện hợp pháp trong Giáo luật 337 triệt 5. Việc Tòa Thánh tuân thủ Tuyên bố Abu Dhabi năm 2019 và tuyên bố rằng sự đa dạng của các tôn giáo là sự thể hiện thánh ý của Thiên Chúa không dễ dàng tương hợp với tuyên bố của Công đồng về Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc độc tôn, và duy nhất của nhân loại: Chúa là trung tâm của lịch sử và vũ trụ. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Công đồng Vatican II là sự khẳng định mạnh mẽ về thẩm quyền cai quản được trao bằng bí tích truyền chức cho hàng giám mục; những cải cách gần đây của Giáo triều Rôma, việc phế truất các giám mục mà không theo thủ tục hợp pháp và các quy định của giáo triều về việc cử hành Thánh lễ đúng cách (và thậm chí cả nội dung của các bản tin giáo xứ!) đã cắt xén thẩm quyền đó. Và cách giải thích hạn hẹp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đối với giáo huấn của Công đồng về phụng vụ đã làm cho việc thực hiện Công đồng Vatican II thậm chí còn gây tranh cãi hơn nữa.

Những khác biệt này sẽ là trọng tâm của mật nghị giáo hoàng tiếp theo.

VietCatholic Media

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS