Buổi cầu nguyện đại kết tại Lund

Nghe bài này

TOPSHOTS-VATICAN-POPE-INAUGURATION-MASS

Chuyến tông du Lund của Đức Thánh Cha Phanxicô chủ yếu để cùng chủ tọa với các nhà lãnh đạo Liên Minh Luthêrô Thế Giới buổi cầu nguyện chung nhằm kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách do Martin Luther khởi xướng.

Buổi cầu nguyện trên nhấn mạnh tới 3 chủ đề: tạ ơn, thống hối và làm chứng chung. Ba chủ đề này tóm gọn trong lời kinh chung mở đầu sau đây:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của Giáo Hội, xin Chúa sai Thánh Thần Chúa xuống! Xin Chúa soi sáng tâm hồn chúng con và hàn gắn ký ức chúng con. Lạy Chúa Thánh Thần: xin giúp chúng con biết hân hoan trước các hồng phúc đã đến với Giáo Hội qua Phong Trào Cải Cách, xin chuẩn bị để chúng con biết thống hối vì các bức tường chia rẽ mà chúng con, và cha ông chúng con đã xây nên, và xin trang bị để chúng con cùng nhau làm chứng tá và phục vụ trong thế giới. Amen”.

Phản ứng của người Công Giáo

Nhiều người Công Giáo cau mày trước buổi cầu nguyện chung này và lên tiếng chỉ trích nặng nề vì nhiều lời cầu nguyện quả khiến người ta có cảm tưởng Giáo Hội Công Giáo đang ca ngợi ly giáo.

Thực vậy, lời cầu nguyện mở đầu có câu: “xin giúp chúng con biết hân hoan trước các hồng phúc đã đến với Giáo Hội qua Phong Trào Cải Cách”. Lời cầu nguyện tạ ơn thì nhấn mạnh tới “nhiều tầm nhìn thông sáng có tính hướng dẫn về thần học và tâm linh mà tất cả chúng con đã nhận lãnh qua Phong Trào Cải Cách. Chúng con cảm tạ Chúa vì các biến đổi và cải cách tốt lành đã được Phong Trào Cải Cách khởi động…”. Lời cầu nguyện thống hối thì ngầm cho thấy: “ngay các hành động cải cách và canh tân tốt thường lại có các hậu quả tiêu cực vô ý”.

Một số người Công Giáo cho rằng dấn thân chung thì dễ hiểu, nhưng không biết ta nên hối lỗi và cám ơn vì điều gì? Ý niệm cám ơn Phong Trào Cải Cách vì bất cứ điều gì cũng làm họ thấy không ổn. Phong Trào này là một điều để than phiền chứ không phải để cử hành. Nó không những xé nát Kitô Giáo, biến nó thành hàng ngàn hệ phái Thệ Phản. Cải Cách cũng đã dẫn tới nhiều thập niên chiến tranh, cách mạng, và chia rẽ cùng tranh chấp liên miên tại Âu Châu. Thay vì cử hành, Đức Giáo Hoàng nên mời người Thệ Phản ăn năn về cuộc nổi loạn của họ và “trở về với Rôma”.

Một tập san nhằm duy trì “đức tin và gia tài Công Giáo của chúng ta” gọi việc cử hành “cuộc nổi loạn của Luther” là một cuộc cử hành “nạn dịch có tính khải huyền”. Một nhà văn Chính Thống Giáo là Rod Dreher tỏ ra không tài nào hiểu nổi việc người Công Giáo sát lại gần người Luthêrô tại Lund: “Nó vô nghĩa đối với tôi. Giống như thể một người đàn ông và một người đàn bà hội ngộ để cử hành việc họ ly dị nhau”.

Có người còn cho rằng hàng triệu người Luthêrô bảo thủ không có đại diện trong Liên Minh Luthêrô Thế Giới; những người này có tổ chức riêng của họ, gọi là Hội Đồng Luthêrô Quôc Tế (International Lutheran Council), và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo gần đây đã mở 3 cuộc đối thoại không chính thức với nhóm này.

Ký giả Edward Pentin thì cho rằng “Nhìn bên kia sự lạc quan, các hoài bão lớn lao và các bản văn gây tranh cãi, không hẳn điều gì ở hậu cảnh đều có mầu hồng cả, nhất là ở Thụy Điển, nơi các vết hằn của Phong Trào Cải Cách khá sâu xa. Vì càng ngày càng sợ rằng biến cố này sẽ được sử dụng để che đậy các khác biệt quan trọng với người Luthêrô, một số người Công Giáo Thụy Điển nản lòng cảm thấy mình bị đẩy qua một bên và bị loại ra khỏi biến cố kỷ niệm sắp tới, mà phần lớn do người Luthêrô chủ động”. Họ còn sợ rằng đây là một cố gắng nhằm thúc đẩy việc hai bên có thể rước lễ tại các nhà thờ của nhau cũng như việc phục hồi Martin Luther, người sáng lập Phong Trào Cải Cách và hiện vẫn bị Giáo Hội Công Giáo coi là ly giáo.

Pentin cũng cho rằng Giáo Hội Luthêrô ở Thụy Điển bị chính trị hóa và tục hóa cao độ. Họ ủng hộ ngừa thai và phá thai và từ năm 2009, vốn cho phép các đám cưới đồng tính. Đầu năm nay, Giáo Hội này còn hợp tác với Qũy Dân Số LHQ trong việc cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo tôn giáo chấp nhận phá thai và ngừa thai và công nhận trẻ em có quyền làm tình không bị ngăn cản. Nữ Tổng Giám Mục Jackelén, người đứng đầu Giáo Hội này, thậm chí còn cho rằng việc Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu mà vẫn còn đồng trinh chỉ là một huyền thoại; bà ủng hộ một tuyên bố cho rằng đeo thánh giá là “phi Kitô Giáo”!

Nhiều người Công Giáo Thụy Điển cho rằng biến cố này gần như không đếm xỉa gì tới những vết hằn do người Luthêrô gây ra cho người Công Giáo tại đây, ngay Vatrican xem ra cũng làm ngơ đối với những điều xẩy ra ở đây cách nay 500 năm.
Trang mạng Varldenidag.se cho rằng người Công Giáo không hề được lưu ý chi trong biến cố “đại kết” lần này và chỉ do áp lực của họ, nên Đức Giáo Hoàng mới chịu cử hành Thánh Lễ cho họ vào ngày hôm sau. Chương trình thoạt đầu không hề có Thánh Lễ này. Khổ một điều, Thánh Lễ này sẽ được cử hành tại một sân túc cầu, rất có thể gặp mưa, bão tuyết, chứ không tại Hội Trường Malmo có mái che như người Luthêrô!

Kỷ niệm chứ không cử hành

Thực ra, Đức Phanxicô tới Lund là để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách, chứ không hẳn là để viếng thăm mục vụ người Công Giáo Thụy Điển. Ngài cũng không đến thăm Thụy Điển, dù có gặp Thủ Tướng và hoàng gia nước này, nhưng không tại Stockholm là thủ đô, mà là tại Lund, nơi thành lập ra Liên Minh Luthêrô Thế Giới.

Thứ đến, cả phía Giáo Hội Luthêrô lẫn Giáo Hội Công Giáo đều chính thức gọi biến cố này là biến cố “kỷ niệm” (commemoration) chứ không phải “cử hành” (celebration) Phong Trào Cải Cách. Tài liệu làm căn bản cho biến cố này, tựa là “Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông”, nói rõ: đây không phải là để cử hành “cuộc chia rẽ Giáo Hội Phương Tây. Không ai có tinh thần trách nhiệm thần học lại có thể cử hành sự chia rẽ của các Kitô hữu với nhau”. Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo cũng cho hay: Người ta “không nên nói tới một năm thánh, nhưng nói tới một cuộc kỷ niệm Phong Trào Cải Cách, vì chúng ta không thể cử hành một tội lỗi (chia rẽ)”

Mà đã là lễ kỷ niệm Phong Trào Cải Cách, thì nhắc đến “công lao” của họ cũng là chuyện bình thường, ai lại nhắc tới các “lỗi lầm” của họ. Có chăng là lỗi lầm chung, không phải chỉ của thời 500 năm về trước, mà nhất là của thời tiếp sau và hiện nay, chính những lỗi lầm này đã làm gia trọng các chia rẽ, vun chúng thành núi mà hiện nay khó có thể vượt qua, nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua. Không nhìn nhận lỗi lầm của nhau không thể có hòa giài. Có thể nói, đây vẫn là cuộc đối thoại còn đang tiếp diễn.

Về khía cạnh trên, tháng Mười năm 2013, Đức Phanxicô đã nói với các người Công Giáo và Luthêrô rằng: lễ kỷ niệm phải diễn ra trong tinh thần đối thoại và khiêm nhường. Ngài nói: “Người Công Giáo và người Luthêrô có thể xin tha thứ vì các tai hại họ đã gây cho nhau và vì các xúc phạm họ đã phạm trước mặt Thiên Chúa”.

Thứ ba, nói rằng Phong Trào Cải Cách chỉ có những điều tiêu cực đến độ ta không cần phải hối lỗi và cám ơn họ là sai với lịch sử và đi ngược lại tâm tư của Giáo Hội, ít nhất từ Công Đồng Vatican II đến nay.

“Từ Tranh Chấp Tới Hiệp Thông” nhắc tới các trọng điểm cho thấy Luther vốn “không có ý định thiết lập ra một Giáo Hội mới mà chỉ ước mong một cuộc cải tổ sâu rộng và nhiều mặt mà thôi”. Cuộc cải tổ này đã được Giáo Hội Công Giáo cẩn trọng xem xét và thực hiện qua việc triệu tập Công Đồng Trent và nhất là Công Đồng Vatican II.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cũng dạy rằng không thể trách cứ các Kitô hữu sinh ra trong các định chế Giáo Hội tách biệt khỏi Rôma về tội chia rẽ.

Năm 1983, nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Luther, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giảng tại một nhà thờ Luthêrô ở Rôma. Dịp ấy, ngài gọi Luther là một người “có lòng đạo sâu sắc” luôn được “thúc đẩy bởi việc khảo sát ơn cứu rỗi đời đời”. Tại Erfurt năm 2011, Đức Bênêđíctô XVI cho hay: tâm điểm nền thần học của Luther là Kitô học. Với ông, Thiên Chúa chân thật và sống động không còn là một giả thuyết triết học nữa.

Ngài cho biết: “Thiên Chúa có một bộ mặt, và Người đã lên tiếng với chúng ta. Người trở nên một người giữa chúng ta dưới cái tên Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là người thật. Suy tư của Luther, trọn nền linh đạo của ông, hoàn toàn là qui Kitô: ‘điều gì cổ vũ chính nghĩa của Chúa Kitô’, với Luther, đều là tiêu chuẩn giải thích dứt khoát đối với khoa giải thích sách thánh”.

Thực ra từ năm 1939, Joseph Lortz, tác giả cuốn The Reformation in Germany (Phong Trào Cải Cách tại Đức), đã cho rằng “Trong chính ông, Luther đã vật lộn và ném bỏ thứ Đạo Công Giáo không Công Giáo chút nào”.

Trong một tường trình dài 276 trang tựa là The Reformation in Ecumenical Perspective (Phong Trào Cải Cách trong Viễn Ảnh Đại Kết) của Ủy Ban Đại Kết, Hội Đồng Giám Mục Đức, để kỷ niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách, Martin Luther được ca tụng như một “chứng nhân Tin Mừng và là thầy dậy đức tin”.

Đức Cha Farrell, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, rất đúng khi nhận định rằng: điều rõ ràng là Luther nói sự thật khi ông phản kháng nhiều lạm dụng trong Giáo Hội, những lạm dụng mà Công Đồng Trent thời đó đã cố gắng sửa chữa. Trong các cuộc đấu tranh và tranh chấp tiếp theo sau Cuộc Cải Cách, hai bên trở nên cứng rắn trong việc bác bỏ nhau “đến nỗi ý niệm cho rằng Luther đúng” trong một số vấn đề đã bị mất hút.

Còn việc lễ kỷ niệm diễn ra tại Thụy Điển, thì như trên đã nói Lund là nơi ra đời của Liên Minh Luthêrô Thế Giới. Hơn nữa, Thụy Điển hiện là một quốc gia hầu như hoàn toàn theo phái Luthêrô và là một nước không có truyền thống tranh chấp hệ phái một cách sắc nét. Ngoài ra, người Luthêrô Thụy Điển duy trì phần lớn truyền thống phụng vụ và lễ phục Tây Phương, và Nhà Thờ chính tòa Lund giữ lại được dáng dấp trung cổ của nó, nên cả người Công Giáo lẫn người Luthêrô đều cảm thấy thoải mái ở đây.

Nói tóm lại, khi tưởng niệm Phong Trào Đại Kết, ta nên trung thực và thực tiễn. Phong Trào Cải Cách của Thệ Phản quả có xét nát thế giới Kitô Giáo Tây Phương và dẫn tới chiến tranh, ly giáo, chia rẽ, lạc giáo, và tranh chấp. Nhưng ta cũng nên trung thực trong việc nhìn nhận phần lỗi của mình và xem xét các đóng góp của Luther cũng như của các Giáo Hội Cải Cách đối với thế giới Kitô Giáo trong 500 năm qua, mà đóng góp lớn nhất là việc canh tân Giáo Hội Công Giáo được biết dưới danh hiệu Phản Cải Cách. Làn sóng vĩ đại canh tân và nhiệt thành truyền giáo của hai thế kỷ 16 và 17 chắc chắn có được là nhờ các chỉ trích Giáo Hội Công Giáo của người Thệ Phản.

Việc kỷ niệm này, vì thế, là một dịp để ta nhìn thấy Thiên Chúa đã làm việc ra sao: qua các thất bại, phá hoại, và nổi loạn của con người, Người đã đem đến một vinh quang còn lớn lao hơn vinh quang trước đó. Và đây cũng là cơ hội để bước thêm nhiều bước tiến mới trên con đường thăm thẳm đầy gian khó của việc hợp nhất thân thể Chúa Kitô.

Thiển nghĩ Nicolaus, một người Công Giáo Thụy Điển và là chủ tịch miền Nam của Giới Trẻ Công Giáo Thụy Điển, là người có cái nhìn bình thản và trung thực hơn cả. Anh bảo: “Người Công Giáo chúng tôi dù sao cũng không cử hành Phong Trào Cải Cách. Dưới mắt tôi, nó là một trong những điều tệ hại nhất đã xẩy ra cho lịch sử Giáo Hội Thụy Điển. Phần lớn nền văn hóa và lòng đạo đức đã biến mất khi Thụy Điển chạy theo chủ nghĩa Luther vào thế kỷ 16. Nhưng đây là lý do ta cần lưu ý tới nó vào lúc này và ráng bắc các cây cầu giữa người Công Giáo và người Thệ Phản… Chúng ta đang đi tìm sự hợp nhất”.

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS