Cuộc khủng hoảng ở Chile bắt đầu vào ngày 18/10/2019 bằng những cuộc biểu tình ôn hòa, và sau đó là bạo lực, tội phạm, phá hủy các tòa nhà công cộng và các nơi thờ phượng. Cuộc khủng hoảng mà theo Đức Hồng y Raúl Silva Henríquez, Tổng Giám mục Santiago nhận định, lộ rõ những thiếu sót, bất công và lỗ hổng làm tổn thương “linh hồn Chile”.
Giữa cuộc khủng hoảng, vào tháng 7/2020, Tổ chức Tiếng nói Công giáo và phân khoa mục vụ của đại học Giáo hoàng Chile đã đề xuất sáng kiến “Bàn của chúng ta: các cuộc đối thoại cho Chile”, tập hợp các chuyên gia Công giáo thuộc các lĩnh vực khác nhau cùng đọc một cách thanh thản về thực tế đầy biến động, và từ đó đề xuất các hành động để vượt qua khủng hoảng, đồng thời thúc đẩy xây dựng một xã hội nhân bản và huynh đệ hơn. Như thế, chín nhóm làm việc đã được thành lập, và trong ba tháng đã đề xuất các giải pháp liên quan đến đời sống kinh tế và xã hội, quyền con người, gia đình, sức khỏe và môi trường.
Kết quả làm việc của các chuyên gia Công giáo được tổng hợp trong tập sách “Đối thoại cho Chile: 60 thách đố cho việc canh tân chung sống quốc gia”. Phát biểu trong ngày công bố tập sách, bà María Soledad Herrera, Chủ tịch Tổ chức Tiếng nói Công giáo nói: “Nhân phẩm, bình đẳng, nghèo đói, hòa nhập, giáo dục, phụ nữ, là những vấn đề cấp bách nằm trong giáo huấn của Chúa Kitô cách đây hai ngàn năm và ngày nay tiếp tục thách đố chúng ta”.
Được Học thuyết Xã hội của Giáo hội soi sáng, tài liệu đưa ra những suy tư và đề xuất cụ thể cho quá trình soạn thảo Hiến pháp mới, nhưng cũng mời gọi tất cả công dân hợp lực và với những thách đố này, khuyến khích họ mơ ước về một Chile mới. Ông Alfredo Zamudio, Giám đốc Trung tâm Đối thoại và Hòa bình Nansen, nói tại buổi giới thiệu sách rằng: “Năm nay, chúng ta đã chứng kiến khả năng đối thoại rất lớn. Nhiều người muốn lên tiếng, họ cũng có lo lắng, đau đớn, nhưng chúng ta hiểu rằng Chile có một mong muốn lớn cho đất nước. Đây là cơ hội duy nhất, đó là một lời mời gọi”.
Trong 150 trang, bản văn thường xuyên trích dẫn các thông điệp Fratelli tutti và Laudato si’, lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để thúc đẩy một nền văn hóa gặp gỡ dựa trên tình huynh đệ, và đặc biệt chú ý đến những người đã bị gạt ra ngoài lề. Tài liệu cũng nhắc lại nhiều bài phát biểu của Đức Thánh Cha dành cho xã hội Chile trong chuyến thăm lịch sử vào năm 2018.
Ngọc Yến – Vatican News