Cuộc họp của các giám mục, do Đức Thượng phụ Louis Raphaël Sako chủ trì, đã diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 7 tại tòa thượng phụ Al-Mansour với nhiều chủ đề khác nhau được thảo luận. Các giám mục của Thượng Hội đồng đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” và “lên án bạo lực dưới mọi hình thức”. Do đó, các giám mục kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện những nỗ lực nghiêm túc “để bảo vệ và khẳng định hòa bình trong mọi thời điểm”, nhằm “chấm dứt chiến tranh ngay lập tức”.
Về các giải pháp khả thi, các giám mục Calcedonia tán thành quan điểm mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ, đó là quan điểm về hai dân tộc ở hai “quốc gia láng giềng sống trong hòa bình, an ninh, ổn định và tin tưởng lẫn nhau”.
Các giám mục Calcedonia cũng nhìn đến những Kitô hữu sống trong khu vực, một dân tộc “đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong hai thập kỷ qua do bị tước đoạt các quyền lợi, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị loại trừ khỏi xã hội và bị tịch thu của cải và tài sản”. Những việc lạm dụng “đã đẩy nhiều Kitô hữu đến chỗ phải di cư để tìm kiếm một môi trường tốt hơn”.
Do đó, các giám mục kêu gọi chính phủ “đối xử công bằng với cộng đồng Kitô giáo, tạo niềm tin và tăng cường hợp tác ở cấp quốc gia, tận dụng tài năng của mỗi người để phát triển đất nước này”. Thượng Hội đồng cũng kêu gọi chính phủ “tôn trọng đầy đủ các quyền của các Kitô hữu với tư cách là công dân, với quyền phát biểu và việc làm bình đẳng”.
Về tương lai của các Kitô hữu ở Trung Đông, Thượng Hội đồng Calcedonia lặp lại “lời kêu gọi hiệp nhất và liên đới của Thượng Phụ Sako. Đức tin và miền đất của chúng ta là những trụ cột sự hiệp nhất của chúng ta”.
Cuối cùng, Thượng Hội đồng “hy vọng rằng chính phủ, cùng với các bên, sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể để xây dựng hòa bình và ổn định, bằng cách áp dụng luật pháp, khôi phục sự đoàn kết dân tộc, củng cố khái niệm công dân và cung cấp các dịch vụ công đầy đủ để đảm bảo một cuộc sống xứng đáng cho mọi công dân”, điều này cũng giải thích lời kêu gọi “ưu tiên lợi ích của người dân Iraq”.
Vatican News