Các học giả Kinh Thánh nói Thánh Giuse đã từng thất nghiệp. Ai không có công ăn việc làm hãy chạy đến với ngài

Nghe bài này

Trong tình trạng thất nghiệp hàng loạt vẫn còn cao khi đại dịch coronavirus kéo dài, hai linh mục học giả Kinh Thánh khích lệ người Công Giáo tìm đến Thánh Giuse như một đấng bầu cử đặc biệt.

Trích dẫn cuộc chạy trốn của Thánh Gia sang Ai Cập, Cha Donald Calloway, một nhà văn chuyên viết các sách thiêng liêng về việc sùng kính các thánh, cho biết Thánh Giuse “rất đồng cảm” đối với những người đang chịu cảnh thất nghiệp.

“Bản thân ngài lúc này lúc khác đã từng thất nghiệp, chẳng hạn như trong chuyến lánh nạn sang Ai Cập”, vị linh mục nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA. “Thánh Gia đã phải thu dọn mọi thứ trong một thời gian ngắn và đến một đất nước xa lạ mà không có gì cả. Các ngài không có kế hoạch về điều đó”.

Cha Calloway, tác giả của cuốn sách “Tận hiến cho Thánh Giuse: Những điều kỳ diệu của Người Cha Linh hồn của chúng ta”, là một linh mục Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Ohio.

Ngài khẳng định rằng Thánh Giuse “một lúc nào đó chắc chắn khá lo lắng: làm sao ngài đi tìm việc ở nước ngoài, trong hoàn cảnh không biết tiếng, không biết người?”

Vào cuối tháng 11 vừa qua, khoảng 20.6 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo các báo cáo gần đây. Nhiều người khác đang làm việc tại nhà trong điều kiện hạn chế đi lại do coronavirus, trong khi vô số công nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiễm coronavirus ở nơi làm việc và mang nó về nhà cho gia đình.

Cha Sinclair Oubre, một người ủng hộ nhiệt thành tầng lớp lao động, cũng nghĩ rằng chuyến lánh nạn sang Ai Cập là thời kỳ thất nghiệp của Thánh Giuse — và cũng là thời kỳ cho thấy một tấm gương về các nhân đức.

“Ngài vẫn tập trung: luôn cởi mở, tiếp tục vật lộn với cuộc sống, mà không bị suy sụp. Ngài đã có thể xây dựng kế sinh nhai cho mình và gia đình”, Cha Oubre nói. “Đối với những người thất nghiệp, Thánh Giuse cho chúng ta một gương mẫu không để mặc cho những khó khăn trong cuộc sống đè bẹp tinh thần của mình, nhưng phải tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và thêm vào đó là sự quan tâm của chính chúng ta, củng cố thái độ và đạo đức làm việc mạnh mẽ hơn”.

Cha Oubre là người điều hành mục vụ của Mạng lưới Lao động Công Giáo và là giám đốc Tông đồ Biển của giáo phận Beaumont, chuyên phục vụ những người đi biển và những người khác sinh sống bằng các công việc trên biển.

Theo Cha Calloway, hầu hết mọi người trong cuộc sống đều là những người lao động, dù là lao động chân tay hay lao động trí óc.

“Họ có thể tìm thấy một mô hình nơi Thánh Giuse Thợ”, ngài nói. “Bất kể công việc của anh chị em là gì, anh chị em có thể mang Chúa vào trong công việc của mình và điều đó có thể mang lại lợi ích cho anh chị em, gia đình anh chị em và xã hội nói chung”.

Cha Oubre cho biết có nhiều điều để học hỏi từ việc suy tư về công việc của Thánh Giuse, là đấng đã nuôi dưỡng và bảo vệ Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Ngài cũng là một mô hình thánh hóa thế giới.

“Nếu Thánh Giuse đã không làm những gì ngài đã làm, không có cách nào Đức Trinh Nữ Maria, một thiếu nữ đang mang thai khi chưa chính thức kết hôn, có thể sống sót trong môi trường đó”, Cha Oubre nói.

“Chúng ta phải nhận ra rằng công việc chúng ta làm không chỉ dành cho thế giới này, nhưng chúng ta có thể làm việc để giúp xây dựng Nước Chúa. Công việc mà chúng ta làm là chăm sóc các thành viên trong gia đình và con cái của chúng ta và giúp xây dựng các thế hệ tương lai từ đó”.

Cha Calloway cảnh báo chống lại “những ý thức hệ về công việc”.

“Nó có thể nô lệ hóa chúng ta. Mọi người có thể biến thành những người nghiện công việc. Có một sự hiểu lầm về ý nghĩa của công việc”, ngài nói.

Thánh Giuse đã coi trọng công việc “bởi vì, với tư cách là người được chọn làm cha của Chúa Giêsu trên trần gian này, ngài đã dạy Con Thiên Chúa cách thức lao động chân tay. Ngài được giao trách nhiệm dạy con Thiên Chúa làm thợ mộc và điều hành công việc”.

“Chúng ta làm để sống chứ không phải sống để mà làm. Nói cách khác, chúng ta không được kêu gọi trở thành nô lệ cho một thương nghiệp, hay tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong phạm vi hạn hẹp công việc của mình, nhưng phải làm sao để công việc của chúng ta tôn vinh Chúa, xây dựng cộng đồng nhân loại, trở thành nguồn vui cho mọi người. Thành quả lao động của anh chị em là để bản thân và người khác được hưởng, nhưng không được làm tổn hại đến người khác hoặc tước đi mức lương vừa phải hoặc buộc họ phải làm việc quá sức của họ, hoặc tạo ra có những điều kiện làm việc chà đạp phẩm giá con người”.

Cha Oubre đã tìm thấy một bài học tương tự. Ngài nói rằng “công việc của chúng ta phải luôn hướng tới việc phục vụ gia đình, cộng đồng, xã hội của chúng ta và thế giới”.

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS