Thời gian đầu cuộc chiến thật là bi thương. Người dân sống trong tâm trạng căng thẳng. Đám đông chạy trốn ngang qua thành phố Lviv để đi về phía biên giới phía tây. Những chuyến tàu chở đầy người tị nạn đã đến ga Lviv. Những người mệt mỏi, bẩn thỉu và bối rối từ các toa tàu tràn xuống quảng trường trước nhà ga. Họ đi đến thị trấn với hy vọng tìm được nơi trú ẩn.
Sơ Geronima chia sẻ với Đài phát thanh Vatican vào ngày thứ ba của cuộc chiến: “Đặc biệt là bây giờ, trong thời điểm căng thẳng này, chúng tôi thường xuyên cảnh giác và hàng ngày chúng tôi ra đường gặp những người lang thang ở đó và không biết phải làm gì”. Thậm chí ngày hôm qua còn có một nhóm bé gái khóc rất nhiều. Các em đến từ Odessa và không biết nơi nào để trú ẩn. Người dân rất tuyệt vọng, sợ hãi, lo lắng và không chắc chắn về tương lai. Chúng tôi hỗ trợ họ về mặt tinh thần. Nhiều người gọi điện cho chúng tôi để cầu nguyện vì con trai hoặc chồng của họ đã ra trận”.
Nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo
Chúng tôi sớm nhận ra rằng nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, cuộc di cư của người dân đến biên giới Ba Lan có nguy cơ trở thành một thảm họa nhân đạo. Ô tô trên đường ra biên giới xếp hàng dài vài cây số. Những người phụ nữ, những người mẹ, những người bà, những người cô, bế những đứa con nhỏ trên tay, đang tìm kiếm thứ gì đó để ăn. Họ đang tìm kiếm một nơi mà họ có thể sưởi ấm và một lời an ủi và hỗ trợ tốt. Vào thời điểm đó, vào tháng 2 năm 2022, cộng đồng dòng Thánh Alberto ở Lviv có ba nữ tu: các Sơ Geronima, Dorotea và Radosława. Vào ngày thứ sáu của cuộc chiến, các nữ tu đã đến để giúp đỡ những người ở biên giới Ucraina-Ba Lan ở Rawa Ruska. Họ ở gần cơ sở Caritas-Spes, nằm trong tu viện dòng Phanxicô trước đây, cách biên giới khoảng chục phút. Trên thực tế, đó là tu viện cũ vào năm 2022, còn hiện nay chỉ là một đống đổ nát. Nhà vệ sinh di động nhanh chóng được xây dựng. Các nữ tu mặc áo khoác của trụ sở Caritas-Spes của Giáo hội Công giáo Latinh, bắt đầu phân phát đồ uống nóng và bánh mì.
Svetlana, đến từ Zaporizhzhia, đứng cạnh bàn của các nữ tu Alberto, chia sẻ với một nhà báo của Đài phát thanh Vatican: “Tôi muốn cứu mạng sống mình. Tôi muốn tất cả kết thúc vì đây là đất của chúng tôi, đất nước của tôi, thành phố của tôi, nơi ở của tôi. Tôi muốn quay lại đây để mọi việc suôn sẻ với tôi và các con. Tôi muốn cháu tôi sống ở đất nước nơi nó sinh ra. Bởi vì đất đai của mỗi người là quê hương của mình”. Có rất nhiều điều không chắc chắn và nước mắt.
Nơi trú ẩn cho phụ nữ vô gia cư
Ngày nay, chỉ có bốn nữ tu dòng Thánh Alberto ở Ucraina: Hai người Ba Lan và hai người Ucraina. Cho đến năm 1945, các nữ tu đã có nhiều nơi tạm trú và nhà ở ở Ucraina. Họ quan tâm đến người nghèo. Khi chính quyền Xô Viết nắm quyền sau Thế chiến thứ hai, họ không cho phép các nữ tu ở lại Ucraina thuộc Liên Xô. Nhà nước khi đó phải chăm sóc người nghèo. Sẽ không còn người nghèo nữa – đây là điều mà các ủy viên Đảng Cộng sản đã hứa.
Cách đây vài năm, các nữ tu Dòng Thánh Alberto đã trở lại Lviv. Tại nghĩa trang Janów nổi tiếng, các chị tìm thấy những ngôi mộ bị lãng quên của các nữ tu sống ở đây trước năm 1945. Họ đã dựng lên một tượng đài mang tính biểu tượng cho các nữ tu. Nhiệm vụ của họ là xây dựng một nơi trú ẩn cho những người vô gia cư và phụ nữ gặp khó khăn. Ngôi nhà được khánh thành vào tháng 9 năm 2023. Vào ngày hôm đó, Đức Hồng Y Krajewski đã đến gặp họ. Đại diện của Đức Thánh Cha đã làm phép ngôi nhà nhân danh ngài, người đã ủng hộ công việc này ngay từ đầu.
Đức Hồng y Krajewski đã đến đây lần đầu tiên vào năm 2020. Vào thời điểm đó, đã có nghi thức đặt viên đá đầu tiên. Khi đó, không ai ngờ rằng một cuộc chiến tranh quy mô lớn sẽ nổ ra và tên lửa Nga sẽ vươn tới Lviv.
Sơ Geronima, bề trên của Dòng Nữ tu Alberto ở Lviv, đã bình luận về sự kiện này: “Đây sẽ là ngôi nhà dành cho những phụ nữ vô gia cư và những bà mẹ có con nhỏ. Chúng tôi muốn biến ngôi nhà này, đúng như tên gọi ‘nơi trú ẩn’, một nơi chào đón tất cả mọi người. Bất kể tôn giáo nào, chúng tôi muốn mang đến cho những người phụ nữ này sự ấm áp và an toàn để họ tìm lại được phẩm giá của họ”. Hiện tại, gần một trăm bữa ăn mỗi ngày được cung cấp ở ngôi nhà này, các bà mẹ trẻ và phụ nữ chạy trốn khỏi các thành phố bị quân đội Nga ném bom đều được chào đón.
Trên đường phố giữa những người nghèo
Các nữ tu biết rất rõ đường phố Lviv. Họ còn biết rõ hơn người nghèo đang ẩn náu ở đâu. Họ sống trong những túp lều và bới rác tìm thức ăn. Khi đại dịch ập đến, không ai muốn đến gần họ. Không có khách du lịch trong thành phố và việc phục vụ ăn uống cũng dừng lại; các nhà hàng cũng có ít rác hơn. Nạn đói hoành hành giữa những người nghèo. Các nữ tu đeo mặt nạ và mang theo những túi đầy thức ăn đi khắp thành phố để tìm kiếm những người cần giúp đỡ. Vào thời điểm đó, Sơ Radosława nói: “Đương nhiên là chúng tôi sợ lây nhiễm Covid, nhưng tình yêu dành cho người nghèo, xuất phát từ đặc sủng dòng Thánh Alberto của chúng tôi, mạnh mẽ hơn nỗi sợ virus”. Bất chấp tình hình sức khỏe vô cùng nguy hiểm, trong suốt đại dịch, các nữ tu đã đến thăm những người già nghèo và bị bỏ rơi tại nhà của họ.
Ngày nay, những phụ nữ khác liên tục đến nơi trú ẩn ở Lviv. Có người nói với họ rằng có nơi như vậy, và sẽ có người khác đến. Công việc bắt đầu phát triển. Phố Chlebowa ở Lviv đang trở nên nổi tiếng, không chỉ vì tiệm bánh đã tồn tại ở đó trong nhiều năm, mà còn vì Nhà Thương xót Đại kết.
Mariusz Krawiec, SSP – Ucraina