Hai vị giáo hoàng sắp sửa được phong thánh trong giây lát đã đạt được rất nhiều thành quả đáng kể trong triều đại giáo hoàng của các ngài. Riêng Đức Gioan XXIII, chỉ sau khi được bầu không lâu, ngài đã nổi danh là “Giáo Hoàng Tốt Lành”. Được nhìn nhận là vị giáo hoàng đã có công triệu tập Công Đồng Vatican II, ngài cũng nổi danh nhờ tinh thần bác ái đơn sơ từng kéo dài suốt triều đại của ngài và gây tác động lâu dài trên đời sống Giáo Hội. Sau đây là tám thành quả hàng đầu của ngài
Một lịch sử mới
Đức Giáo Hoàng Tốt Lành đã thực hiện nhiều thay đổi đơn giản nhưng rất quan trọng. Ngài tạo ra truyền thống đọc kinh Sai Thiên Thần công khai từ cửa sổ Tông Dinh vào các ngày Chúa Nhật và cung cấp cho các khách hành hương một bài giáo lý ngắn.
Gần gũi bản thân
Là giáo hoàng và giám mục, Đức Gioan XXIII luôn muốn được gần gũi tín hữu. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên rời khỏi tường thành Vatican đi thăm các giáo xứ, các bệnh viện và nhà tù quanh Rôma. Đôi khi, ngài còn “trốn” các vệ sinh Thụy Sĩ để một mình đi dạo trong kinh thành.
Độc đáo
Đức Gioan XXIII can đảm chọn tên của một ngụy giáo hoàng thuộc thế kỷ 15 và khi làm thế, đã “cứu chuộc” tên hiệu đó. Đức Hồng Y Roncalli đã không sợ hãi lấy tên của một kẻ mạo danh, một cái tên trong suốt 500 năm ai cũng tránh.
Hòa bình
Trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan XXIII chứng kiến hai cuộc chiến tranh từng phân chia thế giới thành hai chế độ chính trị trái ngược nhau. Ngài nhận thấy nhu cầu phải xây dựng những chiếc cầu hòa bình, thậm chí còn trao đổi thư từ với các nhà lãnh đạo thế giới như Khrushchev, lãnh tụ Liên Bang Xô Viết.
Sứ điệp
Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Gioan XXIII ngỏ lời không phải chỉ với người Công Giáo mà là “mọi người có thiện chí” trong thông điệp “Hòa Bình Trên Trái Đất”. Thông điệp này lý luận chống lại việc sử dụng tranh chấp có vũ trang làm phương tiện đạt hòa bình.
Cải cách
Chỉ vài tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã công bố một mật nghị để đề cử các tân Hồng Y, mà hơn phân nửa không phải là người Ý. Ngài bổ nhiệm các Hồng Y từ Nhật, Châu Phi, Phi Luật Tân, và Venezuela, cũng như đem lại cho Giáo Triều một sự đại diện lớn lao hơn.
Vatican II
Công trình quan trọng nhất của Đức Gioan XXIII chắc chắn là việc triệu tập Công Đồng Vatican II, một hội nghị gồm các giám mục khắp thế giới để nghiên cứu và thảo luận tình hình của Giáo Hội. Dù là vị giáo hoàng già nua, vốn được coi như một giáo hoàng chuyển tiếp, ngài đã thực hiện được những thay đổi sâu sắc nhất trong Giáo Hội của thời hiện đại.
Đại kết
Đức Gioan XXIII có công gia tăng cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và mọi hệ phái khác, thậm chí mời người Hồi Giáo, người Da Đỏ Mỹ, và thành viên của nhiều hệ phái Kitô Giáo làm quan sát viên tại Công Đồng Vatican II. Ngài cũng thiết lập bộ sở đầu tiên tại Vatican chuyên lo cổ vũ sự hợp nhất giữa các Kitô hữu.
Khi qua đời, Ngài được công chúng hô vang “phong thánh ngay bây giờ” khi họ viếng thăm thi hài ngài, một cử chỉ sẽ được lặp lại sau này lúc Đức Gioan Phaolô II qua đời. Cả hai vị giáo hoàng này đều sẽ cùng tiếp diễn lịch sử chung khi cùng được nâng lên hàng hiển thánh một lúc vào Chúa Nhật ngày mai.
Mười thành quả hàng đầu của Đức Gioan Phaolô II
Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II tạo ra nhiều kỷ lục mới. Đáng kể hơn cả là tài lãnh đạo của ngài đã hướng dẫn Giáo Hội vượt qua nhiều thách đố gian nan trong thời hiện đại.
Chiến đấu cho tự do: “Đừng sợ!”
Một trong các thách đố vĩ đại nhất là Chiến Tranh Lạnh, và hai khối đã đặt thế giới vào thế kình chống nhau liên miên. Đức Gioan Phaolô II từng trực tiếp chịu đựng sự áp chế của Quốc Xã và Cộng Sản. Ngài đóng vai chủ chốt trong việc phá sập chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Một trong các cuộc tông du đầu tiên của ngài là trở về quê hương Ba Lan năm 1979. Cuộc tông du này là thời điểm quyết định đã khuyến khích người Ba Lan vùng dậy chiến đấu cho tự do.
Một triều giáo hoàng có tính hoàn cầu
Đức Gioan Phaolô II là nhà du hành dầy dạn, từng đặt chân lên khắp mọi ngả thế giới. Ngài đã thực hiện 104 cuộc du hành quốc tế, và thăm viếng 130 quốc gia. Nói về đường dài, ngài đã vòng quanh thế giới 30 lần. Nhưng có hai quốc gia ngài không thể tới được là Trung Quốc và Nga.
Đối thoại với Hồi Giáo và Do Thái Giáo
Đức Gioan Phaolô II gọi người Do Thái là “anh cả” và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bước vào một hội đường kể từ thời Chúa Giêsu. Ngài cũng đã cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc tại Giêrusalem. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên hôn kính sách Kôrăng và bước chân vào một đền thờ Gồi Giáo.
Cuộc tụ tập Assisi
Nói về việc thúc đẩy cuộc đối thoại liên tôn, Đức Gioan Phaolô II đi tiên phong trong việc kêu gọi cầu nguyện chung cho hòa bình. Buổi cầu nguyện chung đầu tiên đã được tổ chức tại Assisi năm 1986. Hơn 150 phái đoàn thuộc 12 tôn giáo thế giới đã đáp lại sáng kiến này.
Nói không đối với chiến tranh: “Chiến tranh, đừng bao giờ diễn ra nữa!”
Trong triều giáo hoàng của ngài, nhiều tranh chấp lớn đã diễn ra: Rwanda, Kosovo, Sudan, Iraq và chiến tranh Balkan. Từng sống sót Thế Chiến II, Đức Gioan Phaolô II không thể im lặng được. Ngài đã trở thành tiếng nói của nhân loại, tích cực cổ vũ chống bạo lực.
Các thánh
Về việc phong thánh, vị giáo hoàng người Ba Lan này hướng về thời hiện đại. Ngài nâng lên bàn thờ hàng trăm người từng sống cuộc sống gương mẫu đối với Kitô hữu ngày nay. Thí dụ, và là lần đầu tiên, ngài phong chân phước cùng một lúc cho một cặp vợ chồng: ông Luigi Beltrame và vợ là bà Maria Beltrame.
Thư gửi phụ nữ
Đức Gioan Phaolô II quan tâm đặc biệt tới phụ nữ. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên viết tông thư nói về phụ nữ, đó là tông thư Mulieris Dignitatem (phẩm giá phụ nữ). Trong tông thư này, ngài thúc giục phụ nữ suy tư các trách nhiệm bản thân, văn hóa, xã hội và Giáo Hội của họ.
Phẩm giá người bệnh
Bị yếu vì bịnh, Đức Gioan Phaolô II vẫn tích cực cho tới những giờ phút cuối đời. Ngài sử dụng các kinh nghiệm bản thân làm phương tiện giáo huấn đối với một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của “nền văn hóa vứt bỏ”.
Tha thứ
Trong Năm Đại Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II chính thức xin lỗi vì các lầm lẫn trong quá khứ của Giáo Hội. Đó là thời khắc lịch sử, được ngài định nghĩa là để thanh tẩy ký ức, giúp các Kitô hữu cởi mở hơn đối với Thiên Chúa khi bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba.
Một giáo hoàng cho tuổi trẻ
Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ: tuổi trẻ cần được chú ý và giám hộ đặc biệt. Ngài nghĩ tới những cuộc tụ họp đặc biệt dành riêng cho họ: Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngài nói rằng ngài cảm thấy mình giống người trẻ giữa đám đông: “muốn sống với tuổi trẻ, bạn phải trở thành người trẻ”.
Trong suốt gần 27 năm trong triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã thắng vượt nhiều trở ngại và đạt được nhiều mục tiêu. Nhưng trên hết, ngài đã vươn tới hàng triệu Kitô hữu, nói chuyện trực tiếp với họ, bằng chính trái tim mình.