Các thánh tử đạo thăng hoa văn hóa Việt Nam: Tin Mừng Hóa Các Tinh Tuý Văn Hóa Việt Nam

Nghe bài này

maiducvinh16

Nhiều người than phiền và tự hỏi: Tại sao Giáo Hội lại thờ một cây Thập Giá, trên đó Đức Kitô chịu đóng đanh và chết treo, một cách khổ não chưa từng có trên đời, nom mà phát sợ? – Tôi xin trả lời: Thiên Chúa là tình yêu, Đức Kitô xuống trần gian là để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa cho loài người. Và vì thế, Kitô giáo là đạo tình yêu. Vì thế, cốt yếu của đời sống người Công Giáo là mến Chúa và yêu người.

Nhưng đâu là tột đỉnh của tình yêu? – Chính Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn kẻ hiến mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Đó là lý do Chúa Giêsu đã tự hạ mình chịu chết ô nhục trên Thập Giá. Và khi tôn kính Chúa Kitô tử nạn, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta về dấu chứng tình yêu của Chúa Giêsu: Vì yêu Chúa Cha, vì yêu nhân loại, Ngài đã chấp nhận cái chết đau thương và khổ nhục như vậy.

Từ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta nắm bắt được phần nào những ý nghĩa của cái chết mà các Thánh Tử Đạo tổ tiên chúng ta đã chấp nhận. Theo gương Chúa Giêsu chết trên thập giá, các thánh Tử Đạo chịu chết đau thương để tuyên chứng tình yêu chân thành, vừa dâng lên Thiên Chúa là Cha, vừa đổ xuống thấm nhuần đồng lúa truyền giáo của Giáo Hội, cách riêng đồng lúa truyền giáo tại Việt Nam. Nói cách khác, cái chết của các thánh Tử Đạo Việt Nam mang hai ý nghĩa thâm sâu: 1) Tử đạo là hiến mạng sống để tuyên chứng đức tin kiên vững vào Thiên Chúa tình yêu. – 2) Tử đạo là chết anh dũng để yêu thương đồng bào, của đất nước mình gắn bó và phục vụ, bằng cách đem Tin Mừng đốt sáng lên những giá trị tinh thần hay những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam, hầu làm lớn mạnh Giáo Hội tại Việt Nam.

Sau đây tôi xin gợi lên mấy điểm về ý nghĩa thứ hai qua câu hỏi: Các thánh Tử Đạo tiền nhân đã phúc âm hóa những tinh túy văn hóa của dân tộc Việt Nam như thế nào?

I. TINH TÚY VĂN HÓA VIỆT NAM

1. Khái niệm văn hóa:

Trước hết theo từ ngữ, văn hóa được hiểu như sau: ‘văn’ là ‘vẻ đẹp’, ‘giá trị’; ‘hóa’ là ‘trở nên’, ‘trở thành’. Vậy ‘văn hóa’ là ‘trở nên tốt đẹp’, ‘trở thành giá trị’. Từ ‘văn hóa’ mang nhiều ý nghĩa phong phú, tuỳ theo cái nhìn của mỗi người, tuỳ theo mức độ tiếp cận khác nhau của các chuyên ngành (1).

Giữa nhiều quan điểm khác nhau về văn hóa, ông Federico Mayor, tổng giám đốc UNESCO, cho biết: Cộng đồng quốc tế tại hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venise (Ý) đã nhất trí trên quan điểm: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động” (2).

2. Quan điểm của Công Đồng Vatican II.

Trong Hiến chế Mục Vụ ‘Giáo Hội trong thế giới ngày nay’, công đồng dành chương II của phần II, tức từ số 53-62 để nói về ‘Cổ võ và phát triển Văn Hóa’ (2). Công Đồng nêu bật những điểm:

• Từ ‘Văn Hóa’ chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác. Văn hóa mang nhiều sắc thái: văn hóa lịch sử, văn hóa xã hội, văn hóa chủng tộc (53).

• Thực trạng văn hóa hiện đại: Văn hóa được đổi mới và quốc tế hóa do ảnh hưởng khoa học gây nên (54). Đồng thời con người ý thức về quyền tự trị và về trách nhiệm trong lãnh vực văn hóa (55).

• Có nhiều xung đột giữa văn hóa mới và nếp sống cũ của các dân tộc, giữa các văn hóa ngày một phức tạp và việc dân chúng phải tham dự vào văn hóa, giữa quyền tự trị và đòi hỏi tôn giáo. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp văn hóa phải giúp con người phát triển về mọi phương diện (56).

• Những nguyên tắc để phát triển văn hóa: + Đức tin và văn hóa: Đức tin đòi chúng ta tự hoàn thiện hóa và phục vụ tha nhân, cổ võ việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Văn hóa giúp chúng ta thờ phượng Thiên Chúa và đón nhận đức tin. Tinh thần khoa học quá đáng có thể nguy hiểm cho đức tin, tuy nhiên không vì thế mà phủ nhận các giá trị của khoa học (57). + Phúc Âm và văn hóa: Chúa đã dùng văn hóa Do Thái để tỏ mình ra. Giáo Hội đã dùng các nền văn hóa khác nhau để phổ biến Tin Mừng. Và khi tiếp xúc với các nền văn hóa, Giáo Hội canh tân và tinh luyện mỗi văn hóa cũng như canh tân và tinh luyện chính Giáo Hội (58). + Điều kiện giúp cho văn hóa phát triển: cần biết chiêm ngưỡng và phán đoán – cần có quyền tự do văn hóa – cần có quyền tự do nghiên cứu, suy tư, phát biểu và thông tri. – cần có sự yểm trợ chính đáng của chính quyền (59).

• Nhiệm vụ của Kitô hữu: Mọi người phải được hưởng thụ văn hóa, đi vào các Trường Cao Đẳng. Mỗi người có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người khác, đặc biệt cho nữ giới đồng hưởng thụ văn hóa (60).

• Giáo dục văn hóa nhất thiết phải đề cao nhân vị, bảo vệ đời sống gia đình, xử dụng phương tiện truyền thông xã hội, tìm hiểu ý nghĩa chính xác của văn hóa (61).

• Vai trò của Giáo Hội: dấn thân hết mình vào công trình phát triển và tinh luyện văn hóa, đồng thời bảo toàn tinh thần Kitô giáo. Giáo Hội thận trọng trong những cách ứng xử với các nhà thần học, nghệ sĩ, văn chương, mỹ thuật… để điều hòa văn hóa với giáo lý (62) (3)

3. Tiến trình và thành tố của Văn Hóa Việt Nam.

Việt Nam là nước có nền Văn Hóa. ‘Nền văn hóa Việt Nam trải qua một tiến trình lâu dài với 6 giai đoạn: văn hóa thời tiền sử, văn hóa Văn Lang-Âu Lạc, văn hóa thời chống bắc thuộc, văn hóa Đại Việt, văn hóa Đại Nam và văn hóa hiện đại. Sáu giai đoạn này tạo thành ba lớp chồng chất lên nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với Tây phương. Mỗi lớp văn hóa còn ứng với một thời kỳ phát triển khác nhau của văn tự Việt Nam’ (4).

Như mọi nền văn hóa trên thế giới, nền văn hóa Việt Nam được cấu trúc bởi 4 thành tố văn hóa cơ bản: văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và văn hóa ứng xử với môi trường xã hội (5).

Có văn hóa là có tín ngưỡng và tôn giáo. Tôn giáo là bộ phận không thể thiếu trong nền văn hóa của một dân tộc. Không ai phủ nhận ảnh hưởng to lớn của tôn giáo trên nền văn hóa Việt Nam từ xưa tới nay. Vì thế, là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta có thể nói: Hạt giống Tin Mừng được gieo vào nền văn hóa Việt Nam với những tiến trình lâu dài, nối tiếp nhau, bén rễ và góp phần vào những thành tố cấu trúc của nền văn hóa Việt Nam. Chính các thánh Tử Đạo đã được sinh ra, lớn lên, giáo dục và góp phần đổi mới những tinh túy của nền văn hóa Việt Nam theo tinh thần Phúc Âm và giáo huấn của Giáo Hội.

4. Giáo Hội dạy phải tôn trọng văn hóa của Việt Nam.

Trong số 58 của hiến chế Mục Vụ, Giáo Hội dạy: “Cho dù không bị ràng buộc vào một nền văn hóa nào hay một lối sống tập tục nào, Giáo Hội luôn trung thành với truyền thống và ý thức về sứ mệnh phổ quát của mình nên Giáo Hội hòa mình với nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa đều được phong phú hơn”. Điều mà Công Đồng Vatican II nhắc đến trên đây, thì 400 năm về trước, chính Giáo Hội đã thi hành, khi ban chỉ thị cho hai vị Đại Diện Tông Tòa đầu tiên (1659) được gửi tới Việt Nam, Đức Cha Lambert de la Motte và Đức Cha Francois Pallu. Giáo Hội dặn dò: “Dù nhiệt tâm truyền giáo, quý ngài không được viện lý do nào khuất phục dân bản xứ phải thay đổi nghi lễ, phong tục và tập quán của họ, trừ những điều trái với tôn giáo và luân lý cách hiển nhiên… Quý ngài phải bảo tồn và che chở các nghi lễ và phong tục của bản xứ. Có thể nói, quý ngài phải khích lệ mọi người quý chuộng và yêu mến, phải cho cả thế giới biết những truyền thống tốt đẹp của bản xứ… Quý ngài phải mau mắn làm quen với phong tục bản xứ. Hãy thán phục và khen ngợi những cái gì đáng thán phục và khen ngợi” (6).

Là những người con ưu tú của Giáo Hội, các thánh Tử Đạo đã một trật sống trung thành với những gì là tốt lành của nền văn hóa quê hương và trung thành với giáo lý Phúc Âm, với tinh thần của Giáo Hội. Đây chính là nội dung của bài viết: là người Công Giáo Việt Nam, các thánh Tử Đạo đã đổi mới và tinh luyện văn hóa quê hương bằng chính nếp sống và mạng sống, bằng chính những giá trị Tin Mừng và những đòi hỏi của Đức Tin. Nói khác, các thánh Tử Đạo đã ‘Tin Mừng hóa các tinh túy của nền Văn Hóa Việt Nam’.

5. Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam.

Khuôn khổ bài viết không cho chúng ta trình bày hết mọi khía cạnh của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, chúng ta cũng không thể nêu lên và đề cập đến hết mọi tinh tuý của nền văn hóa Quê Hương. Chúng ta hạn chế bài viết vào hai ‘tinh tuý’ cơ bản sau đây:

• Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam là ‘Đạo Cổ Truyền’: ‘thờ Trời’, ‘tôn kính tổ tiên’ và ‘linh hồn bất tử’.

• Tinh tuý của nền văn hóa Việt Nam là luân lý ‘ngũ thường’: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’.

II. TIN MỪNG HÓA ĐẠO CỔ TRUYỀN

Nói về đạo cổ truyền của Việt Nam, chúng ta dựa vào những truyền kỳ đời trước mà ước đoán rằng: tổ tiên Việt Nam ở thời thượng cổ đã theo tôn giáo đa thần, tin rằng mọi hiện tượng và quyền lực thiên nhiên trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, sông núi… đều có thần linh bá chủ. Tổ tiên ta cũng tin linh hồn bất tử và vẫn liên hệ với người còn sống trong gia đình. Đây là nguồn gốc tự nhiên của đạo thờ cúng ông bà. Về sau, những tín ngưỡng truyền thống này chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng của Trung Hoa.

Ba tôn giáo từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam là Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Ba tôn giáo này không những ảnh hưởng lẫn nhau cách mật thiết, còn dung hòa với những tín ngưỡng cổ truyền của Việt Nam. Những ảnh hưởng và những hình thức dung hòa thật phức tạp, đến độ nhiều điểm không thể phân biệt và nhận ra là thuộc về tôn giáo nào (7). Vào thế kỷ XVI (1533), khi Tin Mừng được bén rễ ở Việt Nam, thì tinh tuý chính yếu của tôn giáo cổ truyền ở Việt Nam là thờ Trời, tôn kính Tổ Tiên và tin Linh Hồn bất tử (8). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem các thánh Tử Đạo Việt Nam đã Tin Mừng Hóa thế nào ba tinh tuý của đạo cổ truyền vừa nêu lên.

A. THỜ TRỜI

1. Theo văn hóa Việt Nam

Không riêng Việt Nam, các nước nông nghiệp vùng Đông Nam Á đều thờ Trời. Hầu hết các gia đình Việt Nam xưa đều có bàn thờ Trời. Về sau với đền Nam Giao, niềm tin vào Trời trở thành như ‘một tôn giáo quốc gia’. Trong văn hóa Việt Nam lòng tin tưởng vào Trời của dân gian được bày tỏ thật phong phú. Đọc ca dao tục ngữ, chúng ta thấy rõ, người Việt Nam tin: Trời dựng nên mọi sự, ‘gẫm suy mọi sự bởi trời’, – Trời lo cho mọi loài, ‘Trời sinh voi Trời sinh cỏ’, – Trời điều khiển vũ trụ và muôn loài, ‘Trời nắng cho lúa chín vàng’, ‘Trời cho hơn lo làm’, – Trời là Đấng Chí Công, ‘Tránh Trời không khỏi nắng’, – Trời nhân từ hay thương xót, ‘Trời đánh còn tránh bữa ăn’, ‘Khi nên trời giúp công cho’. Ngoài ra chúng ta còn đọc được những truyện cổ tích hay truyện lịch sử như chuyện An Tiêm, Thần sông Như Nguyệt, Đồng Tử và công chúa Tiên Dung… chứng tỏ lòng tin của dân Việt Nam vào Trời.

2. Tin Mừng hóa đạo thờ Trời

Trước khi là người Công Giáo, các thánh Tử Đạo đã là công dân Việt Nam, cùng chung niềm tin vào Trời với đồng bào của mình theo đạo cổ truyền. Niềm tin này càng mạnh hơn kể từ khi vào đạo Thiên Chúa. Lúc đó các ngài không chỉ tin vào Trời là Thiên Chúa ‘dựng nên mọi loài’ và ‘lo cho muôn vật’, nhưng còn tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa cao cả nhất, cao hơn đức Phật, cao hơn vua chúa, chỉ mình ngài có quyền tuyệt đối trên mọi quyền bính của vua quan. Do đó, là công dân, các ngài trung thành với vua nhưng trung thành với Thiên Chúa trên hết, vâng lời vua quan nhưng chỉ trong những điều phù hợp lương tâm, lẽ phải, vì luật của Thiên Chúa trọng hơn lệnh của vua quan. Đây chính là những điểm đạo lý các thánh Tử Đạo vừa cương quyết sống và tuyên chứng, vừa muốn đổi mới và tinh luyện đạo cổ truyền của dân tộc. Nói khác, các ngài đã Tin Mừng hóa đạo thờ Trời, vốn được coi là tinh túy cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Chúng ta nêu lên mấy trường hợp cụ thể làm tiêu biểu:

• Thiên Chúa là trên hết và đạo của Ngài là chân thật: Ông Phaxicô Kam (1723) đã tuyên xưng trước tòa án: “Chỉ mình Thiên Chúa là cao cả, chỉ luật của Thiên Chúa là chí thánh và đạo của Ngài là đạo thật. Tôi tin Thiên Chúa, tôi mến Thiên Chúa, tôi sẵn sàng đổ máu để tuyên xưng đạo Chúa trổi vượt trên các đạo khác” (DMAH 1tr.154) (9).

• Vâng lời và trung tín với vua chúa, nhưng trên hết là vâng theo đạo Thiên Chúa và trung tín với Thiên Chúa đến chết: Năm 1664, kỵ binh Phêrô Đang đã thưa với chúa Hiền Vương: ‘Tâu chúa thượng, hạ thần là công dân số một, là bề tôi trung tín của chúa thượng, nhưng trên hết, hạ thần là tôi trung của Chúa Trời Đất’. Ông Phêrô Đang đã chết vì đạo ngày 22.6.1664, lúc 40 tuổi (DMAH i, tr. 55). Năm 1861, khi quan tòa nói ‘Này Khang, đừng coi thường quốc gia và coi khinh đức vua!’, thày giảng Giuse Nguyễn Duy Khang đã khẳng định với quan tòa: ‘Tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trước hết tôi yêu đức Chúa Trời và trọng lề luật của Ngài’ (DMAH 3, tr.283).

• Trung tín với Thiên Chúa cách trọn vẹn: Khi quan án khuyên dụ quan đội Phaolô Tống Viết Bường: ‘Này đội Bường, hãy theo thời mà sống. Bây giờ vua đang cơn thịnh nộ, thì hãy tạm bỏ đạo cho đẹp lòng vua và lấy lại cấp bậc rồi sau sẽ hay, chứ cứng cỏi mà làm gì’. Ông Phaolô Tống Viết Bường thưa: ‘Tôi cám ơn lòng tốt của quan lớn, nhưng xin để tôi trọn niềm trung tín với Thiên Chúa của tôi’ (DMAH 2, tr. 63)

B. THỜ KÍNH TỔ TIÊN

1. Trong văn hóa Việt Nam

Sau ‘thờ Trời’, ‘Thờ kính Tổ Tiên’ là điểm cốt lõi thứ hai của đạo cổ truyền. Theo ông Toan Ánh, ‘dân Việt Nam thờ cúng tổ tiên, nhưng việc thờ cúng tổ tiên không kể được là một tôn giáo. Đây chỉ là một hành động để chứng tỏ lòng hiếu thảo của con cháu’. Dân Việt Nam vốn rất trọng ‘lễ’, và trong ‘lễ’ có ân nghĩa. Vì thế, người ta ý thức rằng: ‘tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, và đã hiếu với cha mẹ, tất phải hiếu với ông bà, tổ tiên tức là nguồn gốc của mình’ (10). Quả thật, dân Việt Nam coi thờ kính tổ tiên là quan trọng, trọng hơn cả việc xuất gia đi tu ‘Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu’. Ông Đồ Chiểu đã cảnh báo nghiêm khắc những người không thờ cha kính mẹ, ‘Dầu đui mà giữ đạo nhà, con hơn sáng mắt mẹ cha không thờ’. Thờ Tổ Tiên là trở về nguồn gốc của gia tộc mình, vì ‘con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn’. Ca dao tục ngữ cũng như nhiều chuyện cổ tích chỉ dạy chúng ta nhiều cách thế thực hiện việc thờ cúng Tổ Tiên. Vì tin rằng ‘việc cúng lễ là cần thiết, và việc thờ phụng tổ tiên không thể không có được’. Nên trong nhà phải có bàn thờ, và mỗi tuần tiết, hoặc ngày kỵ, đều làm lễ gia tiên, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu hỷ… đều là dịp tốt tổ chức lễ cúng gia tiên. Hôm lễ, chủ nhà phải ‘Cung cúc bái trước bàn thờ, kính dâng lễ bạc, hương hoa, rượu trầu. Cùng là phẩm vật trước sau, lòng thành tâm nguyện, thỉnh cầu gia tiên…’ (11). Thật đẹp và ý nghĩa.

2. Tin Mừng hóa đạo thờ kính Tổ Tiên.

Hơn ai hết, các thánh Tử Đạo là những người thấm nhuần tinh thần đạo hiếu của dân tộc. Đọc tích truyện của mỗi vị chúng ta đều thấy nổi bật điểm son này. Không phải bây giờ chúng ta mới biện minh, nhưng ngay trong đời sống của mỗi vị Tử Đạo, các ngài đã làm chứng: ‘sống đạo Thiên Chúa không phải là bỏ cha bỏ mẹ, không phải là bất hiếu với tổ tiên, không phải là quên lãng cội nguồn’, như nhiều người đã vội vã hiểu lầm hay đã xấu miệng vu oan. Lòng biết ơn cha mẹ, tổ tiên là một tình yêu tự nhiên ông Trời đã phú bẩm cho con người. Tình yêu này trở nên mạnh mẽ và đòi buộc hơn đối với những ai tin nhận ‘Thiên Chúa là tình yêu và học biết ‘điều răn thứ bốn Ngài truyền dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, người thụ ơn phải biết ơn người làm ơn cho mình và kẻ dưới phải kính trọng đấng bề trên’ (12). Đức hiếu thảo đã ăn vào xương tủy của các ngài, và một khi hiểu giáo lý của Đạo Chúa, đức hiếu thảo hay tinh thần thờ kính tổ tiên của dân tộc đang ở ‘bậc tự nhiên’ lại được đổi mới, tinh luyện, nâng cao và siêu nhiên hóa: Thiên Chúa là nguồn gốc mọi tình phụ tử (Ep 3,15), hiếu thảo với cha mẹ là ‘vâng lời Chúa’ (Hc 3,6), là ‘làm đẹp lòng Chúa’ (Cl 3,20). Đạo Công Giáo xén bỏ những điều không phù hợp với Giáo Lý với Niềm Tin, nhưng vẫn dạy giáo dân sống trung thành với những điều căn bản của luân lý cổ truyền về lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Chúng tôi đã đề cập đến những điểm này ở bài ‘Tôn kính Tổ Tiên’ đăng trong cuốn ‘Văn Hóa và Đức Tin’: cách thức thể hiện bề ngoài khác nhau, nhưng việc tôn kính tổ tiên của những người Kitô giáo sâu xa, đậm tình, và siêu nhiên (13). Công trình Phúc Âm hóa lòng hiếu thảo hay việc tôn kính tổ tiên trong văn hóa Việt Nam của các thánh Tử Đạo là như vậy. Các ngài đã lấy cái chết để đốt sáng lên nền đạo hiếu của người Việt Nam Công Giáo. Sau đây là ba lời chứng sống động:

• Càng hiếu thảo, tình thương mẹ con càng thắm thiết: Được bà mẹ già giả dạng hành khất vào tù thăm con, linh mục Tomas Đinh Viết Dụ vô cùng cảm động ‘tình thương mẹ con’. Ngài đã thưa với mẹ: ‘Mẹ ơi, từ tấm cám con vẫn hiếu thảo nhớ ơn mẹ… Nhưng giờ đây, xin mẹ đừng lo, tuy con yếu sức phần xác, con vẫn chịu đựng được nhờ Chúa Giêsu nâng đỡ. Thương con, xin mẹ cầu nguyện cho con’ (DMAH 2, tr.332).

• Còn hiếu thảo nào bằng?: Năm 1838 ông Micae Lý Mỹ cùng bị bắt với bố vợ là ông trùm Antôn Đích. Nhiều lần bị đánh đòn, ông Micae Lý Mỹ đã xin quan chịu đòn thế cho bố vợ, vì ông tuổi già sức yếu. Quan chấp nhận… Nhìn con rể bị đánh đòn dữ dằn, ông trùm Antôn Đích đã kêu lên: ‘Ôi con, các quan đánh con dữ thế này, thì con chết mất! Liệu con còn sống đến ngày được chết vì đạo không?’ (DMAH 2, tr. 201).

• Không thờ cúng, nhưng hằng ngày cầu nguyện cho tổ tiên: Khi quan tuần bĩu môi nói ‘đạo Công Giáo bất kính tổ tiên, đó là tội nặng’, linh mục Laurensô Nguyễn văn Hưởng trả lời thẳng thắn: ‘Thưa quan tuần, nói rằng bên đạo chúng tôi không thờ kính cha mẹ là điều vu khống và bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt, trái cây mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng, vì ông bà cha mẹ đã chết rồi, thì không ai ăn được nữa. Nhưng chúng tôi nhớ đến ông bà cha mẹ sáng tối. Hằng ngày cầu xin cho các ngài được hạnh phúc trên thiên đàng. Hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời ông bà cha mẹ răn dạy hầu giữ luật luân lý và làm vinh danh cho các ngài’ (DMAH 3, 114).

C. LINH HỒN BẤT TỬ

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Đức quốc trưởng Bảo Đại viết: “Đối với dân chúng Việt Nam cũng như đối với vua, Trời là bậc chí tôn, độc nhất vô nhị, không hình hài. Người ta khấn vái, nguyện cầu, vì tất cả đều nằm trong tay Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hóa bất diệt và thuần nhất. Tín ngưỡng dân gian coi linh hồn là bất tử” (14). Ông Toan Ánh cũng viết: “Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là hết. Thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn. Thể xác tiêu tan nhưng linh hồn bất diệt” (15). Gần đây, ông Phan Thiết khẳng định thêm: “Một khía cạnh nổi bật trong đời sống tinh thần của dân tộc là người ta tin vào linh hồn hằng sống” (16). Thực tế hơn, người Việt Nam tin tưởng linh hồn của người quá cố vẫn liên hệ mật thiết với gia đình, đến độ cha L. Cadière quả quyết ‘gia đình theo nghĩa rộng không phải chỉ gồm người còn sống mà cả người chết nữa… Tóm lại, đối với đại đa số người dân Việt Nam, ông bà vẫn tiếp tục là thành phần, sống gần gũi với gia đình’. Rồi nếu ông Đào Duy Anh cho ‘việc tin có linh hồn bất diệt là gốc rễ tôn giáo ở Việt Nam’, thì cha L. Cadière lại nói thêm ‘linh hồn bất tử là đối tượng của đạo thờ cúng tổ tiên, và là yếu tố làm cho liên hệ giữa linh hồn người quá cố với gia đình tại thế thêm kiên vững và trường cửu’ (17). Chính vì mối liên hệ mật thiết này mà việc cúng kỵ, cúng giỗ ông bà cha mẹ rất quan trọng trong gia đình Việt Nam, như nhận định của cha Đắc Lộ: ‘Trên trái đất này có lẽ không một dân tộc nào chu toàn bổn phận tôn kính hồn xác người quá cố hơn người dân vương quốc Annam’ (18). Ngay như Phật Giáo, tuy tin nhận thuyết luân hồi, nhưng, để hội nhập với đạo cổ truyền, hầu như mọi chùa đều để bát nhang, bia hậu cho các linh hồn của người đã khuất, và chuyên cần nhắc nhở tín đồ giữ việc cúng giỗ.

2. Tin Mừng hóa niềm tin Linh Hồn bất tử.

Chung một xác tín với đồng bào mình ‘xác là thể phách hồn là tinh anh’, các thánh Tử Đạo đã đổi mới, tinh luyện và Tin Mừng hóa niềm tin linh hồn bất tử về ba khía cạnh cơ bản: Ai dựng nên linh hồn? Bản tính của linh hồn là gì? Ra khỏi xác con người, linh hồn đi về đâu? Các ngài tuyên chứng ‘linh hồn là do Thiên Chúa dựng nên’, ‘Bản tính của linh hồn hình ảnh linh thiêng của Thiên Chúa’. ‘Chết rồi, linh hồn được Chúa Giêsu phán xét, rồi tuỳ theo việc lành dữ đã làm khi còn sống ở đời này mà lên thiên đàng, xuống hỏa ngục hay vào luyện ngục’ (19). Chúng ta hãy nghe những lời tuyên chứng tiêu biểu của tập thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

• Linh hồn và thân xác con người đều do Chúa dựng nên: Ông Augustinô đã khẳng định với chúa Thượng Vương: “Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ. Ngài dựng nên cả thân xác và linh hồn của mỗi người chúng ta…” (DMAH 1, tr.40)

• Linh hồn là ‘quý trọng lắm’ không thể để mất: Cha Phaolô Lê Bảo Tịnh thưa với quan án: “Bẩm quan lớn… Xác tôi hèn, xin quan lớn hành hạ mặc sức, còn linh hồn tôi quý trọng lắm, tôi không thể làm mất linh hồn cho vừa lòng hoàng đế được” (DMAH 3, tr.141)

• Sợ phán xét và sợ hỏa ngục: Thầy giảng Anrê Phú Yên nói với dân chúng đến xem Thầy bị xử trảm: “Quý ông bà thấy rõ… Tôi chẳng sợ bất cứ hình phạt nào người ta bắt tôi phải chịu. Tôi chỉ sợ lửa hỏa ngục đời đời… Xin anh chị em hãy coi chừng, đừng từ chối ơn Đức Chúa Trời ban, phải liệu sao cho khỏi bị xử phạt đời đời” (DMAH 1, tr.31).

• Linh hồn bay lên trời: Khi tổng đốc Trịnh Quang Khanh hỏi ông Martinô Thọ: “Nhà ngươi ước ao về trời lắm hả?”. Ông Thọ thưa “Dạ, thưa quan tổng đốc, khi nào quan thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng về trời’ (DMAH 2, tr. 478).

• Mục đích việc truyền giáo là ‘cứu rỗi các linh hồn’: Năm 1736, cha Cratz đã nhân danh hai thày giảng và ba cha dòng Tên khác, nói với giáo dân trước khi ra pháp trường: “Anh chị em thân mến, chúng tôi sắp đổ máu mình ra làm chứng cho đức tin… Chúng tôi sửa soạn lên trời. Ở đó, chúng tôi biết sẽ cứu rỗi linh hồn anh chị em nhiều hơn, điều mà dưới thế gian này chúng tôi không làm được. Ở trên trời chúng tôi yêu mến anh chị em nhiều hơn” (DMAH 1, tr.164). Cũng năm đó cha Tế đã nói rõ với quan thẩm vấn: ‘Tôi giảng đạo với mục đích cứu rỗi các linh hồn’ (DMAH 1 168).

Thật hãnh diện khi chúng ta tìm đọc những sử liệu ghi lại đời sống và những lời chứng của các thánh Tử Đạo Tiền Nhân. Cái chết của mỗi vị nặng trĩu ý nghĩa thần học, truyền giáo và văn hóa. Máu các ngài đổ ra không chỉ ‘làm nẩy sinh các tín hữu’ mà còn ‘đổi mới và tinh luyện những tinh tuý đạo giáo của dân tộc, tinh tuý văn hóa của quê hương’. Đây là một sự thật cần đào sâu mà chiêm ngưỡng và bắt chước. Tiếp theo những phác họa về công nghiệp Tin Mừng hóa những cốt lõi của đạo cổ truyền, chúng ta sẽ tiếp tục đề cập đến công trình Tin Mừng hóa những nguyên tắc luân lý Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của các Thánh Tử Đạo Tiền bối.

III. TIN MỪNG HÓA LUÂN LÝ NGŨ THƯỜNG.

Ngay từ đầu công nguyên, Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam nhờ các ‘quan thừa sai’ Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp. Dần dần Nho Giáo đã tạo được một giới trí thức quan lại có ảnh hưởng nhiều trong xã hội Việt Nam với nhiều nhà Nho xuất sắc như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Về đạo truyền thống, Nho giáo đề cao ‘ông Trời tối thượng và linh hồn bất tử’, do đó cần phải sống theo mệnh trời và kính hiếu tổ tiên; Về mặt luân lý truyền thống, Nho giáo chủ trương giáo dục con người sống cho đúng ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Sống đầy đủ năm nhân đức luân lý cơ bản này, là đã chu toàn tam cương tức là những tương quan giữa quân – thần, phụ – tử, phu – phụ, cũng như các nhân đức luân lý khác: hiếu, đễ, trung, thứ…

Vì thế, trong phần này, chúng ta tìm hiểu xem các thánh Tử Đạo Việt Nam đã sống và đã Tin Mừng hóa những nhân đức luân lý truyền thống ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ như thế nào. Vì đây cũng là những tinh tuý của nền văn hóa quê hương của chúng ta.

A. ĐỨC ‘NHÂN’

1. Trong văn hóa Việt Nam

Trong tiếng Việt Nam, đức Nhân có nghĩa là nhân ái, nhân hậu, nhân từ, nhân hòa, nhân nghĩa, nhân nhượng, nhân huynh, nhân dũng, bác ái, thương người (20). Tất cả những từ trên đây đều chỉ chung một ý nghĩa: ‘tình thương của con người dành cho nhau’. Giữa người với người không gì quý trọng bằng đức nhân. Vì thế ông bà dạy: ‘Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo’ hay ‘Ai ơi giữ lấy đạo hiền, trồng cây lấy quả dạy người lấy nhân’, hoặc như Mạnh Tử bảo ‘Nghĩa nhân là ngọn đuốc soi đường cho thiên hạ’. Vậy,

• Người có đức ‘nhân’ là người có tình thương bao quát hết mọi người: ‘Tứ hải giai huynh đệ’, ‘Anh em bốn bể một nhà’.

• Người có đức ‘nhân’ là người biết trọng nghĩa ‘đồng bào’, ‘đồng chủng’, ‘đồng quê hương’, để ‘nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng’ hay ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’.

• Người có đức ‘nhân’ sẽ sống tốt tình gia đình: Vì ‘Tình gia đình, nghĩa gia tộc’, ‘chữ ‘hiếu’ chữ ‘trung’ là cha với mẹ, chữ ‘nhân’ chữ ‘nghĩa’ là vợ với chồng’. ‘Đứt tay một chút đã đau, huống chi nhân nghĩa lìa nhau sao đành’. Vì ‘anh em như thủ túc’, nên ‘một nhịn chín lành’.

• Người có đức ‘nhân’ là người có đức tha thứ cao cả: ‘Yêu nhau vạn sự chẳng nề, Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng’, ‘lấy tình yêu xóa hận thù’, hay như ông Nguyễn Trãi nhắn nhủ: ‘Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay cường bạo’.

• Người có đức ‘nhân’ thì bao dung những người thua kém mình, kính trọng người cao niên, nâng đỡ người đau yếu hoạn nạn như ông Nguyễn Trãi dạy trong tập ‘Giáo Huấn Ca’:

Thương người tất tả ngược xuôi,

Thương người lỡ bước thương người bơ vơ,

Thương người ôm dắt trẻ thơ,

Thương người tuổi tác, già nua bần hàn,

Thương người cô quả cô đơn,

Thương người đói rách lầm than kêu đường

• Người có đức ‘nhân’ là người được trời phù hộ, thưởng ân. Vì ‘trời nào phụ kẻ có nhân’

2. Tin Mừng hóa đức ‘Nhân’.

Tuy chỉ nêu lên một cách vắn tắt, chúng ta đã làm nổi bật đức ‘nhân’, một nhân đức luân lý cơ bản, một tinh tuý tuyệt vời của văn hóa Việt Nam. Tinh tuý văn hóa này đã thấm vào xương tuỷ của các thánh Tử Đạo ngay từ lúc đầu thai trong lòng mẹ, nhân đức luân lý này đã được hun đúc và thực thi trong suốt cuộc sống của các ngài, những công dân Việt Nam gương mẫu. Cả tinh tuý văn hóa và cả nhân đức luân lý này lại được tăng cường trọn vẹn hơn nữa nơi các thánh Tử Đạo từ khi các ngài trở nên con cái của ‘Thiên Chúa Tình Yêu’ (1Ga 4, 8), được học biết giới luật ‘mến Chúa yêu người’ (Mc 12, 28-34), và thắm nhuần lời Đức Kitô ‘không tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu’ (Ga 15,13). Trong thực hành, các thánh xác tín rằng ‘đức nhân’ hay ‘đức ái’ là cao trọng, cần thiết và mang giá trị vĩnh cửu. Từ đó, các ngài tránh những điều không phù hợp với đức ‘nhân’ và cố sống vững chắc những đòi hỏi của đức ‘nhân’ theo giáo huấn của thánh Phaolô:

• Người sống đức ‘nhân’ là người không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác…

• Người có đức ‘nhân’ thì nhẫn nhục, hiền hậu, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, chỉ vui khi thấy điều chân thật… (1Cr 13,1-13)

Không thể trưng dẫn hết được, chúng ta chỉ nêu lên mấy trường hợp tiêu biểu về đức ‘nhân’ của các thánh Tử Đạo:

• Trọng sự thật: Khi quan án Nguyễn Khắc Trạch bảo linh mục Phêrô Khanh: “Ông cứ khai là thầy thuốc thì ông sẽ được tha”. Cha Khanh trả lời: “Bẩm quan lớn, quan lớn nói không đúng, tôi là đạo trưởng chứ không phải thầy thuốc. Tôi đã khuyên giáo dân trọng sự thật, thì chính tôi phải nói sự thật. Là đạo trưởng mà lại khai là thầy thuốc, như vậy tôi nói dối tỏ tường. Quan có lòng thương mà tha thì tôi đội ơn, nhưng thà tôi bị chém đầu vì nói sự thật thì quý hơn là tôi được tha vì nói dối trá” (DMAH 3, tr.34).

• Hoàn toàn tin tưởng và phó thác: Được biết án sẽ phải đi đày, ông trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu thưa với cha Đoan: “Thưa cha, xin cha cầu nguyện cho con thêm tin tưởng và phó thác con đang cần. Con sắp sửa được lên đường đi lưu đày. Con phó dâng tất cả trong tay Chúa nhân lành. Con sẵn sàng dâng hy sinh lớn nhất là gia đình, vợ con cho Chúa. Chính Chúa sẽ lo liệu” (DMAH 3,tr.94).

• Cầu nguyện cho chính quyền: Một hôm quan án hỏi cha Theophane Ven (Vénard): “Cha có thù ghét người giết cha không?”. Cha trả lời: “Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dạy chúng tôi phải yêu thương và cầu nguyện cho những người ghét bỏ mình” (DMAH 3 tr.247). Trước khi chịu chém, cha Laurensô khuyên giáo dân lời cuối cùng: “Dù bị hành hạ như thế nào, anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho chính quyền…” (DMAH 3, tr.117)

• Vui với người vui và sống vô vị lợi: Khi đi đày vào Phú Yên, thày Tịnh (tức Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh) thấy quan ngự sử Nguyễn Đình Tân bị đau mắt nặng, thầy đã cắt thuốc cho quan uống và quan khỏi bệnh. Quan vui mừng đem 10 lạng bạc, 2 vòng tay bạc và chè thơm đến tạ ơn. Thày Tịnh nói: “Bẩm quan lớn, chúng tôi thấy quan lớn khỏi bệnh, chúng tôi mừng lắm, song chúng tôi làm thuốc không lấy tiền. Chúng tôi chỉ nhận gói chè để quan lớn vui lòng…” (DMAH 3,tr.135).

• Chấp nhận và tha thứ, không thù hằn: Theo lời chứng của ông Phêrô Tam, ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng rất bình tĩnh khi bị bắt. Ông còn xin gia đình đừng bỏ tiền chuộc ông về và đừng báo thù những người đã tố cáo và dẫn đường cho quan đưa lính đến bắt ông. Và đây chính lời ông trối lại cho các con trước ngày bị xử trảm: “Các con phải trung thành giữ đạo, hãy noi gương cha của các con đây. Các con đừng thù oán những kẻ tố giác cha…” DMAH 3, tr.216-217).

• Gương bác ái: Ông Matthêu Nguyễn Văn Đắc nổi tiếng là con người bác ái. Ngay trong tù, ông nhường cơm cho người khác, chỉ ăn rau cỏ hái được chung quanh nhà tù. Ông mặc quần áo rách, và nhường quần áo lành cho các bạn tù (DMAH 3, tr. 270)

• Nguyện ước của cha Thoma Khuông: “Bẩm các quan, nguyện ước của tôi là: không than trách ai, sẵn sàng chịu chết ngàn lần vì đạo thánh, vì vinh danh Thiên Chúa… và để góp phần cứu rỗi nhân loại” (DMAH 3, tr. 224).

B. ĐỨC ‘NGHĨA’

1. Trong văn hoá Việt Nam.

‘Nghĩa’ là lẽ phải, là tâm tình làm khuôn phép cho cách xử thế, đặc biệt với người thân thuộc, với người thi ân, với bằng hữu… Vì thế, người ta nói đến: ‘Ân nghĩa’, ‘lễ nghĩa’, ‘tình nghĩa’, ‘nghĩa hiệp’, ‘nghĩa đệ’, ‘nghĩa dũng’.

Người có đức ‘Nghĩa’ là người ý thức được thế nào là ‘Ân sâu nghĩa nặng’, ‘Ân thâm nghĩa trọng’, ‘Khinh tài trọng nghĩa’, ‘Khinh tài hiếu nghĩa’, ‘Tình thâm nghĩa nặng’, ‘Nghĩa tử nghĩa tận’, ‘Ơn trả nghĩa đền’, ‘Đường mòn, nhân nghĩa không mòn’.

Người không có đức ‘nghĩa’ là người ‘bội nghĩa vong ân’, ‘giả nhân giả nghĩa’, ‘vô nhân bạc nghĩa’, ‘đa hành bất nghĩa tất tự tệ’.

Chúng ta còn có nhiều câu phương ngôn: ‘Anh ơi biết nói làm sao, bể sâu là nghĩa, núi cao là tình’, ‘người dưng có nghĩa thì đãi người dưng, anh em vô nghĩa thì đừng anh em’, ‘Nghĩa nặng tình sâu chớ quên, Ghi lòng tạc dạ quyết đền nghĩa ân’.

Tất cả những thuật từ, cụm từ hay phương ngôn trên đây đều quy về đối tượng chính yếu của đức ‘Nghĩa’ là lòng biết ơn, là cách sống làm sao cho ‘đúng lẽ phải’ đối với người làm ơn cho mình: cha mẹ, cô thầy, bạn bè… Người không sống đức ‘nghĩa’ là người vô ơn.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với cha mẹ là sống đức hiếu thảo’, là ý thức sâu đậm rằng ‘công cha như núi thái sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra’ và ‘thờ cha mẹ ở hết lòng, ấy là chữ hiếu, dạy trong luân thường’.

• Sống đức ‘nghĩa’ với anh chị em trong nhà là nhìn nhận ‘Anh em đâu phải người dưng, cùng chung bố mẹ, cùng chung một nhà’, và cố gắng ‘yêu nhau như thể tay chân, anh em hòa thuận song thân thỏa lòng’, cho nên “ai ơi chữ ‘đễ’ là ‘nhường’, nhường anh nhường chị như nhường người trên”.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với thầy cô là hiểu rõ lời ông bà thường nhắn nhủ ‘nhất tự vi sư, bán tự vi sư’, ‘không thày đố mày làm nên’, ‘tôn sư trọng đạo’.

• Sống đức ‘nghĩa’ đối với bạn bè là trung tín với bạn trong mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh của cuộc đời: ‘Bạn bè là nghĩa tương thân, khó khăn thuận lợi ân cần có nhau’, ‘Bạn bè là nghĩa trước sau, tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai’, ‘Bạn bè là nghĩa tương tri, sao cho sau trước quý nhau vững bền’.

• Không sống đức ‘nghĩa’ là sống ‘vong ơn bạc nghĩa’, ‘ăn cháo đá bát’, ‘Được chim bẻ ná, được cá quên nơm’, ‘Tệ bạc, lấy oán trả ơn’…

2. Tin Mừng hóa đức ‘Nghĩa’.

Tuy không đi vào chi tiết, phần trình bày trên đây cũng đã cho chúng ta thấy cốt lõi của đức ‘Nghĩa’ trong luân lý cổ truyền: lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ, người thi ân, thầy cô, bằng hữu… Một điều đáng quan tâm, là cơ sở của việc các vua cấm đạo, các quan bắt đạo chỉ nằm trên nền luân lý tự nhiên này, vì cho rằng người dân theo đạo Thiên Chúa là đi ngược lại hay thiếu sót đức ‘nghĩa’ đối với vua, quan, cha mẹ, chứ không bao giờ nói ‘vì họ đi ngược lại hay thiếu sót đức ‘nghĩa’ đối với Trời, với Thượng đế. Mười điều huấn dụ của vua Minh Mệnh (DMAH 2, tr. 64-67) hay các sắc lệnh cấm đạo của các chúa các vua đều chỉ đặt cơ sở trên nền luân lý cổ truyền, nghĩa là ‘đòi phải tôn trọng tam cương ngũ thường, phải theo bản tính con người mà biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Đó là cuộc sống của con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người’ (Vua Minh Mệnh, điều dụ 1). Đàng khác, nếu tôi không lầm, không có một câu ca dao tục ngữ hay một chuyện cổ tích nào bày tỏ rõ ràng tâm tình ‘tạ ơn’, ‘ghi ơn’, ‘đội ơn’ Trời hay Thượng Đế. Chỉ có mấy câu ‘mọi sự nhờ Trời’, ‘Trời cho mới được’ là biểu lộ phần nào đức ‘nghĩa’ đối với Trời. Một thí dụ điển hình, tập ‘Gia Huấn Ca’ của cụ Nguyễn Trãi gồm bốn bài: ‘Bài ca dạy vợ con’, ‘Bài ca dạy con ở cho có đức’, ‘Bài ca dạy con gái ở cho có đức hạnh’, ‘Bài ca vợ khuyên chồng’, ‘Bài ca khuyên học trò phải chăm học’. Thế nhưng không câu nào nói lên ‘lòng biết ơn đối với Trời’. Đang khi đó, cuốn ‘Hiếu tự ca’ của linh mục Trần Lục, thì ngay câu thứ sáu đã kể đến ơn Trời sinh dưỡng:

‘Nói sao cho hết cho rồi,

Biết bao khí huyết tài bồi cho ta,

Phần hồn thì Chúa sinh ra,

Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành…

Lòng mừng, mừng lại thêm lo,

Mừng vì con khỏe Chúa cho yên lành…’

Đức ‘nghĩa’ đối với Trời của người Công Giáo múc lấy ngay từ Thánh Kinh. Thánh Kinh rất phong phú về ‘lòng biết ơn’ hay ‘đức nghĩa’ dâng lên Thiên Chúa. Chẳng hạn những lời Thánh Vịnh:

Lạy Chúa, là Thiên Chúa con thờ, con hết lòng cảm tạ.

Thánh danh Ngài con mãi mãi tôn vinh,

Vì tình Chúa thương con như trời như biển.

Ngài đã kéo con ra khỏi vực thẳm âm ty…(Tv 86,12-13)

Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi,

Toàn thân tôi hãy chúc tụng Thánh Danh,

Chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi,

Chớ quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi.

Thương chữa lành các bệnh tật ngươi,

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

Bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,

Khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng…

Cảm tạ Chúa đi muôn vật Chúa tạo thành,

Cảm tạ Chúa đi hồn tôi hỡi (Tv 102,1-6+22)

Vì thế, khi đọc chuyện các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta vui mừng và hãnh diện, nhận thấy các ngài không chỉ sống trọn vẹn đức ‘nghĩa’ tự nhiên trong luân lý và văn hóa Việt Nam, mà còn anh dũng tuyên chứng đức ‘nghĩa’ đối với Thiên Chúa, nghĩa là anh dũng đổi mới, nâng cao, siêu nhiên hóa đức ‘nghĩa’ luân lý trong văn hóa Việt Nam bằng cách quy hướng mọi thực hành đức ‘nghĩa’ về Thiên Chúa trên hết.

• Sống trọn vẹn đức ‘nghĩa’ theo nền luân lý dân tộc: Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người làm ơn, kể cả những người thù ghét và tác hại mình: Một bà lão 60 tuổi thuộc Xứ Đoài đã thẳng thắn nói với các quan: “Tôi nghĩ rằng các quan và hoàng đế đã mất lương tri rồi. Vì nếu có lương tri một chút thì đã không cấm đoán một tôn giáo thờ Chúa Trời Đất, một đạo dạy tôn kính ông bà, cha mẹ, vua quan và tất cả các bề trên, một đạo khích lệ yêu thương các người khác như chính mình và còn cầu nguyện cho cả kẻ thù của mình, lấy ơn lành đáp trả sự dữ…” (DMAH 1, tr. 248). Lời khai của thánh Matthêô Lê Văn Gẫm thật súc tích và cương quyết: “Thưa quan lớn, đạo tôi là đạo cha ông truyền lại, tôi không thể bỏ được, tôi sợ phạm tội bất hiếu” (DMAH 3, tr. 43). Trước ngày được phúc chết vì đạo, thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Đường đã viết thư cho một cha thừa sai bày tỏ lòng biết ơn: “Thưa cha thày, hôm nay, trước khi lìa bỏ cõi đời, con tự nghĩ đến công ơn nhiều vô kể của cha, như là cây trên rừng và như hạt cát dưới biển, con sợ là vô ơn nếu không ít nhất một lần, viết bày tỏ lòng biết ơn của con đối với cha… Con không quên ơn người cha đã dày công săn sóc chúng con…” (DMAH 2, tr. 279).

• Quy hướng đức ‘nghĩa’ về Thiên Chúa trên hết: Cha Matthêô Đậu tuyên bố rõ ràng trước quan tòa: “Tôi là đạo trưởng, tôi giảng dạy đạo chân thật, tôi dạy giáo dân về Thiên Chúa, và ba bậc cha, đó là Chúa Trời Đất, cha của quốc gia và cha của gia đình. Tôi khuyên dạy giáo dân theo con đường thiện”. Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang trả lời cho quan án: “Tôi hết lòng kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu Đức Chúa Trời và giới luật của Ngài” (DMAH 3, tr.283). Ba thày giảng Hiệp, Xuân và Lộc bị bắt cùng một ngày 27.4.1712. Thày Hiệp ăn học, đọc sách nhiều hơn, đã thay mặt anh em trả lời cho quan hỏi cung: “Đạo chúng tôi sống là đạo chân thật. Đạo dạy chúng tôi trung thành với vua quan, hiếu kính với cha mẹ, nhưng trên hết phải tôn thờ Thiên Chúa” (DMAH 1,142).

C. ĐỨC ‘LỄ’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Nếu đức ‘nghĩa’ là nói về tâm tình, tấm lòng biết ơn thì đức ‘lễ’ dạy cách bày tỏ lòng biết ơn, tâm tình biết ơn. Nói khác, đức ‘nghĩa’ là chiều sâu, là bề trong của lòng biết ơn, còn đức ‘lễ’ là thể thức bên ngoài, là các quy thức thể hiện lòng biết ơn làm sao cho đúng. Vì thế, đức ‘nghĩa’ và đức ‘lễ’ đi kèm với nhau, gọi là ‘lễ nghĩa’. Trong tiếng việt, liên quan tới đức ‘lễ’, người ta thường nói:

• Lễ độ: bày tỏ sự kính trọng theo phép tắc (từ ‘độ’ có nghĩa là phép tắc, luật lệ, ‘chế độ’).

• Lễ giáo: sự dạy dỗ theo phép tắc để cư xử cho phải phép, cho tử tế.

• Lễ phép: phép tắc phải theo để cư xử cho tốt đẹp.

• Lễ vật: quà dâng kính, biếu tặng… để bày tỏ lòng biết ơn.

• Lễ bái, lễ nghi: hình thức tốt đẹp bên ngoài để bày tỏ đức ‘lễ’. (21)

Theo luân lý cổ truyền, đức ‘lễ’ rất cần thiết trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế trong việc giáo dục, phải ‘tiên học lễ, hậu học văn’.

• Trong đời sống cá nhân: người có đức ‘lễ’ là người biết ‘ăn coi nồi, ngồi coi hướng’, biết ‘học ăn học nói, học gói học mở’, …

• Trong đời sống gia đình: Với cha mẹ, thì ‘sáng cơm, trưa cháo, chiều trà, chăm cha chăm mẹ, tuổi già, lúc đau’ hay ‘mắt mờ con dẫn, lưng còng con nâng’. – Giữa vợ chồng thì ‘chồng giận, vợ biết làm hòa’, ‘một câu nhịn chín câu lành’, ‘biết ăn biết ở, vợ chồng thương nhau’… – Giữa anh em: thì ‘kính trên nhường dưới’. – Con cái với cha mẹ, thì ‘đi thưa về trình’, ‘gọi dạ bảo vâng’…

• Trong đời sống xã hội, người có đức lễ là người biết ‘lời chào cao hơn mâm cỗ’, ‘Lời nói gói vàng’, ‘ăn ngay nói thật’, ‘miếng trầu là đầu câu chuyện’…

Kinh nghiệm cho thấy, giữ đức lễ rất khó, như tục ngữ bảo: ‘Thờ thì dễ, giữ lễ mới khó’. Vì khó nên người ta dùng những từ thật khiêm tốn để diễn tả đức ‘lễ’: ‘Lễ bạc lòng thành’, ‘Lễ khinh nhân ý trọng’ hay ‘Lễ khinh, tình nghĩa trọng’. Cả ba câu có ý nói: của dâng bé nhỏ, nghi thức đơn sơ… nhưng lòng biết ơn chân thực, đáng quý… Các vị thâm nho thường nói: ‘Lễ thượng vãng lai, vãng nhi bất lai, phi lễ dã; Lai nhi bất vãng, diệc vi lễ dã’, tức là: về mặt lễ nghĩa phải có đi có lại, chỉ đi mà không lại, thì không phải là lễ, chỉ lại mà không đi cũng không phải là lễ. Đúng là ‘có đi có lại, mới toại lòng nhau’ (22).

Đọc cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi gặp những chuyện ‘Lòng thảo hiếm có’, ‘Ai ơi, chớ vội khoe mình’, ‘Lòng kính yêu chị’, ‘Cái lưỡi’, ‘Thương người’, ‘Làm con phải cho dễ dạy’, ‘Có học phải có hạnh’, ‘Một người anh tốt’, ‘Đạo bằng hữu’ đều là những câu chuyện hướng về đức ‘lễ’ (23). Tóm lại, đức ‘lễ’ là toàn bộ những cử chỉ bên ngoài hay điệu bộ ứng xử, hoặc lời nói trình bày, phải vừa khiêm nhu, phép tắc, lịch sự làm cho người khác nhận ra đức ‘nghĩa’, đức ‘nhân’ của tâm hồn, của lòng thành. Văn hóa Việt Nam rất trọng sự thật, rất trọng nội dung bên trong vì ‘tấm lòng quý hơn của lễ’, ‘xanh vỏ nhưng đỏ lòng’. Tuy nhiên với tinh thần trung dung, văn hóa Việt Nam không coi nhẹ cái vẻ bề ngoài ‘ngoài có tốt thì trong mới lành’, ‘vẻ bên ngoài vẽ nét bên trong’, ‘người làm sao chiêm bao làm vậy’, ‘văn là người’, ‘mái tóc là góc con người’… Trong mọi khía cạnh của đức ‘lễ’, lời nói hay miệng lưỡi được trân trọng nhất, bởi vì ‘lời hay thì lẽ phải’, nhưng trong việc giao tiếp luôn có ‘những lời vô lễ, cục cằn, hiểm độc, đãi buôi, độc ác…’, luôn có những trường hợp ‘lưỡi không xương nhiều đường lắt léo’, ‘khẩu phật tâm xà’.

Cho nên sống trọn vẹn đức ‘lễ’ là chuyện khó. Những người biết sống theo đức ‘lễ’, họ biểu dương tinh tuý của nền luân lý quê hương, của nền văn hóa dân tộc. Đời sống của họ trở thành ‘đất tốt trồng cây văn hóa xanh tươi, sai hoa nhiều trái’. Hoa trái văn hóa không trổ nở như một truyện hoang đường xa xôi, nhưng rất thực và rất gần gũi, cụ thể trong đời sống của những người biết sống với người khác đúng theo đức ‘lễ’. Các thánh Tử Đạo thuộc số những người này: các ngài biết sống tốt đức ‘lễ’ để đốt sáng văn hóa quê hương, để tinh luyện và Tin Mừng hóa nền luân lý cổ truyền.

2. Tin Mừng hóa đức ‘Lễ’.

Trước tiên các thánh Tử Đạo Việt Nam đã biết múc lấy từ Tin Mừng những gương sáng và những giáo huấn thiết yếu để sống đức ‘lễ’:

• Gương sáng của Chúa Giêsu: Ngài luôn sẵn sàng vâng ý Chúa Cha (Ga 5, 30; 6, 38), phục tùng Đức Mẹ và thánh Giuse (Lc 2,51), chấp nhận sự thương khó (Mc 14,36) Gương sáng của Đức Mẹ (Lc 1,38) và thánh Giuse (x Mt Mt 1,18-25) như Tin Mừng kể lại: các ngài luôn sống tinh thần ‘Xin vâng’!…

• Giáo huấn của Chúa Giêsu: Các con sẽ bị ghen ghét bách hại vì Danh Thày… Nhưng các con đừng sợ… Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy các con điều phải nói… Phúc cho các con khi bị bắt bớ vì sự công chính… Hãy yêu thương chính kẻ thù của các con, hãy chào hỏi họ.., hãy cầu nguyện cho họ… (x Mt 5+ 10). Các con đừng thề bồi, có nói có, không nói không, đừng thêm bớt (Mt 5,37), ‘phải thật thà như con bồ câu, nhưng cũng phải khôn như con rắn’ (Mt 10,16).

• Giáo huấn của thánh Phaolô: ‘anh chị em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Giêsu’ (1Cr 11,1). Chính thánh nhân đã khuyên môn đệ Titô ‘phải có lời nói đúng đắn đàng hoàng, không có gì đáng trách, để kẻ thù phải kính nể, không dám nói xấu về chúng ta’ (Tt 2,8). Cũng vậy, thánh Giacôbê khuyên nhủ chúng ta ‘hãy coi chừng cái lưỡi’… ai điều khiển được miệng lưỡi, người đó là thánh… (x Gc 10, 1-12).

Tin Mừng đã cung cấp cho các thánh dư dật chất liệu cao quý để sống theo đức ‘lễ’ trong nền luân lý và văn hóa dân tộc. Đức ‘lễ’ mà chúng ta đọc thấy được nơi các ngài, làm sáng lên tinh tuý văn hóa của dân tộc và giá trị tin mừng. Chúng ta nêu lên mấy trường hợp làm tiêu biểu.

• Thưa bẩm đúng lễ độ: Khi ra trước mặt vua chúa, quan quyền các thánh Tử Đạo từ già tới trẻ, từ giáo sĩ đến giáo dân luôn bắt đầu bằng câu ‘thưa’, ‘bẩm’ ‘lạy’ thật lễ độ. Đây là một điều quá thông thường, đọc thấy trong truyện các thánh từ trẻ tuổi, như cậu Stêphanô 12 tuổi, đến cụ già Gioan Vương 75 tuổi (DMAH 1, tr. 57+53).

• Cách nói rất từ tốn, tình nghĩa. Khi đi dẹp giặc ở Quãng Ngãi về, cai đội Phaolô Tống Viết Bường được vào triều yết vua Minh Mệnh. Vua hỏi ‘Cai Bường có vào viếng chùa Non Nước không?’. Cai Bường trả lời khôn khéo: ‘Vì bệ hạ chẳng có dạy bảo nên thần không dám đi’. – ‘Thường thường các quan khi dẹp giặc yên trở về, hay đi viếng chùa, sao ngươi lại không đi?’ – ‘Tâu bệ hạ, vì thần là người có đạo Công Giáo nên thần không đi viếng chùa’ (DMAH 3,59). Khi người ta nài ép cha Bênađô Vũ Văn Duệ nằm giường có màn chứ đừng nằm đất, không chăn màn, cha trả lời dịu dàng: ‘Cả đời tôi, tôi đã hy sinh và chịu khó rất ít, bây giờ tôi muốn bù lại một chút thì sao?’ (DMAH 3, tr.162). Thật là từ tốn, lời của Đức Cha Phêrô Cao thưa với quan bố chánh khi vị này bảo lính ‘vả vào mặt Đức Cha’: “Thưa quan, nếu tôi có thưa lời nào vô phép thì xin quan tha cho” (DMAH 2, tr. 258).

• Trả lời bình tĩnh và cương quyết: Ông Phanxicô trả lời cho một hoàng thân: ‘Tôi thật là người Công Giáo và đức tin dạy tôi sống bác ái. Không quyền lực nào trên đời có thể ép tôi chối bỏ đức tin được. Còn việc hầu hạ hoàng thân tôi không hề sao nhãng, xin hoàng thân tin tưởng lòng trung thành của tôi, nhưng xin đừng ép tôi bỏ đạo…’. Linh mục Giacôbê Năm trả lời quan tòa: ‘Bẩm lạy quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi lại bỏ đạo hay đạp Thánh Giá làm sao được! Nếu chính đạo trưởng không sẵn sàng chết vì đạo, thì còn ai dám chịu chết nữa. Bẩm quan, tôi bằng này tuổi đầu thì tôi đâu còn sợ chết!…’ (DMAH 3, tr.174)

• Không giận dỗi thù oán ai, kể cả những người tác hại mình: Cha Thoma Khuông khi được hỏi ‘có oán trách những người tố cáo cha không?’, đã trả lời: ‘Tôi thà chết ngàn lần mà không than trách ai. Vì chết đối với tôi là lấy tình yêu đáp lại tình yêu’ (DMAH 3, tr.224). Cũng vậy, khi người ta hỏi cha Têôphan Ven ‘Ông có ghét những người giết ông không’, cha trả lời cương quyết: ‘Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dạy phải yêu thương ngay những người làm hại mình’ (DMAH 3,247). Sau cùng, cha Luca Vũ Bá Loan nói: ‘Thưa quan, tôi già rồi… Tôi nhất định không đạp ảnh Chúa tôi. Nếu như quan án muốn lên án tử cho tôi, tôi sẵn sàng và còn vui lòng nữa’ (DMAH 2, tr.423).

• Còn an vui xin mau mau thi hành án lệnh vua đã ra: Cha Khoan nghe lời quan án khuyên dụ ‘hãy vâng lời hoàng đế’, đã trả lời: “Thưa quan lớn, tôi rất cảm kích lòng tốt của ngài đối với tôi, nhưng tôi buộc lòng làm phiền quan lớn mà nói ra lời từ chối. Tuy nhiên, tôi dám xin quan lớn cho tôi được biết trước sớm hết sức ngày xử để tôi kịp thu xếp công việc riêng” (DMAH 2, tr.397). Còn cha Giuse Đỗ Quang Hiền lại xin các quan: ‘Thưa các quan, tôi đã thưa nhiều lần là tôi sẵn sàng chết chứ nhất định không bỏ đạo… Xin các quan mau thi hành chiếu chỉ của hoàng đế, đừng mất thời giờ thuyết phục tôi làm chi… Đội ơn các quan’ (DMAH 2, tr.416).

• Nhưng tột đỉnh của đức ‘lễ’ là tình yêu và lòng mến hướng về Thiên Chúa: Quỳ xuống tấm chiếu trải sẵn, ông Augustinô Nguyễn Mới cầu nguyện: ‘Lạy Chúa tôi, xin Chúa chữa tôi, tôi phó cả linh hồn và xác tôi trong tay Chúa’ (DMAH 2 tr. 365). Cho đến khi gươm của lý hình đã đè lên cổ thày giảng Phanxicô Chiểu, người ta vẫn còn nghe thày kêu ‘Tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần’ và sau cùng cầu nguyện: ‘Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa’ (DMAH 2,tr.125)

Đ. ĐỨC ‘TRÍ’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Trong cuốn ‘Tiếng nói nôm na’, ông Lê Gia nêu lên nhiều ý nghĩa tích cực của đức ‘trí’ bày tỏ khả năng hiểu biết và chủ đích của nền giáo dục luân lý:

• ‘Trí dục’: bồi dưỡng cho sự hiểu biết mỗi ngày một thăng tiến. Đây là một trong ba cột trụ cơ bản của công trình giáo dục: Thể dục, trí dục và đức dục.

• ‘Trí khôn’: khả năng hiểu biết và cách sống đúng lễ nghĩa (đức ‘nghĩa’ và đức ‘lễ’).

• ‘Trí năng’: túi khôn, chỉ sự khôn ngoan có thừa.

• ‘Trí thức’: sáng suốt, khôn ngoan, hiểu biết nhiều (thức có nghĩa là biết, hiểu biết).

• ‘Trí đức’: Khôn ngoan và lòng dạ tốt lành.

• ‘Trí huệ’: khôn ngoan hiểu biết, biết phân biệt rõ ràng.

• ‘Trí dũng’: khôn ngoan, can đảm (dũng là can đảm không sợ sệt (khóc rằng: trí dũng có thừa) (24).

Tóm lại ‘trí’ là khả năng nhận thức, khả năng hiểu biết, ghi nhớ và phán đoán sự việc cách đúng đắn, khôn ngoan, sáng suốt. Trong ca dao tục ngữ chúng ta thường gặp những câu: ‘Trí dũng song toàn’, ‘Trí đức kiêm toàn’, ‘Hiền minh thánh trí’, ‘Lao tâm khổ trí’, ‘Lợi linh trí khôn’, ‘Nhiệm trọng trí viễn’, ‘túc trí đa mưu’, ‘nhân bần trí đoản’, ‘Tài sơ trí thiển’, ‘nhân bất học bất tri lý’, ‘Lao tâm khổ trí’.

Muốn sống đức ‘trí’ một cách toàn vẹn, nghĩa là muốn có khả năng nhận thức sáng suốt mọi vấn đề của đời sống như vậy, cần phải học hỏi, học từ những kinh nghiệm thực tế cho đến những lời dạy cao sâu của tiền nhân.

• Học kinh nghiệm thực tế. Có rất nhiều trong văn thơ bình dân, trong các truyện cổ tích, trong các sách giáo khoa. Ở đây, tôi chỉ đưa ra một thí dụ về kinh nghiệm nuôi gà:

Nuôi gà phải chọn giống gà,

Gà ri bé giống nhưng mà đẻ mau.

Nhất to là giống gà nâu,

Lông gà thịt béo về sau đẻ nhiều.

• Học theo những lời dạy thâm sâu của tiền nhân: “Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu (Minh Tâm Bửu Giám) – ‘Làm việc nghĩa thì chớ tính lợi hại, luận anh hùng thì chớ kể nên thua’ (Lư Khôn) – Người biết ‘đạo’ tất không khoe, người biết ‘nghĩa’ tất không tham, người biết ‘đức’ tất không thích tiếng tăm lừng lẫy (Trương Cửu Thành), – Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ là bốn cái giường để duy trì và giữ vững quốc gia. Bốn giường ấy, nếu không căng được lên, nghĩa là người trong nước mà vô lễ, vô nghĩa, vô liêm, vô sỉ, thì tất quốc gia phải sụp đổ tiêu vong (Quán Tử). Câu nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai, không tài nào rút ra được nữa (Lục Tài Tử) – Vật trong thiên hạ chẳng gì mềm nhũn bằng nước, thế mà to vô hạn, sâu vô cùng, không sức nào địch nổi (Hoài Nam Từ) – Đức nhỏ mà địa vị cao, trí cạn mà mưu sự lớn, nếu không gặp họa thì cũng thật hiếm đấy (Kinh dịch) – Không gì giỏi bằng hay bàn, không gì yên bằng hay nhẫn, không gì hơn người bằng có đức, không gì sướng thân bằng làm lành (Hoàng Thạch Công). – Lửa bốc cao, nước chảy xuống thấp, thế mà lửa bao giờ cũng thua nước (Văn Trung Tử). – Lấy oán báo oán thì oán chồng chất, lấy đức báo oán thì oán tiêu tan (Thích Ca) – Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng (Tôn Tử) – Sai một li đi một dặm (Hậu hán Thư).- Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, có nhân, có trí, có anh hùng (Nguyễn Trãi).

• Nói về cách mở mang đức ‘trí’, bồi dưỡng đức ‘trí’ bằng cách phải học hỏi chuyên cần, sách Luân Lý Giáo Khoa Thư trong bài ‘Bổn phận phải đi học’ viết: “Sự học rất ích lợi, học để biết suy nghĩ phải trái. Có học thì trí tuệ mới mở mang, phẩm giá mới cao lên được. Những người không có học, thì dẫu làm nên chức phận gì, có nhiều của đến đâu, vẫn là người không có tư cách hoàn toàn”. Tiếp đến, bài ‘Sự học vấn và sự giáo dục’ lại khuyên nhủ thêm: “Sự học là quý, nhưng đi học mà chỉ vụ lấy bằng cấp mà không lo luyện tập tính tình thì vẫn chưa đủ. Có học vấn lại phải có giáo dục nữa mới được. Giáo dục là nói chung mọi cách để mở mang trí tuệ, luyện tập tính tình, giữ gìn thân thể, khiến cho có đủ tư cách làm một người hoàn toàn trong xã hội” (25)

2. Tin Mừng hóa đức ‘Trí’.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam không phải là những người có bằng cấp cao, nhưng tất cả các ngài là những người có giáo dục tốt, được dạy dỗ để mở mang trí tuệ, trí đức, để biết sống đức ‘trí’ theo lẽ khôn ngoan của lương tri hướng thiện. Chính Thiên Chúa đã phú bẩm cho các ngài đức khôn ngoan (Kn 8,21), đã thánh hiến các ngài trong sự thật (Ga 17,19) và ban cho các ngài sức mạnh (Tv 67,36; Kn 40,29). Nhờ đó, các ngài biết trung thành giữ luật Chúa (Tv 118,73; Hc 15,33), mà hai giới luật trọng nhất là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức, và yêu thương người khác như chính mình (Mc13,29).

Đọc đời sống hay đúng hơn đọc những tài liệu lịch sử về cuộc tử đạo của các thánh tiền nhân, chúng ta nhận thấy các ngài sống đức ‘trí’ thật khôn ngoan và siêu thoát, trổi vượt cách hiểu hay cách sống đức ‘trí’ theo lẽ thông thường. Nhận định trên đây cho phép chúng ta khẳng định: Các thánh đã đổi mới, nâng cao, tinh luyện hay Phúc Âm hóa đức ‘trí’ của nền luân lý Việt Nam. Dưới đây là mấy trường hợp, giữa muôn trường hợp, mà chúng ta đọc được trong chuyện tử đạo của các thánh tiền nhân:

• Sống đức ‘trí’ đối với Thiên Chúa: Ông Augustinô tuyên xưng trước mặt chúa Thượng Vương: “Thưa chúa Thượng Vương, tôi không biết phải thưa lại với chúa thượng làm sao cho rành rẽ về đạo Thiên Chúa, vì tôi không có học. Tuy nhiên dù không có học, tôi cũng có tai để nghe giảng về đạo Chúa Trời và có trí để suy hiểu và tin theo. Vậy tôi tuyên xưng, Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất, tất cả mọi sự trong vũ trụ, cả hồn cả xác chúng ta, và vì vậy chúng ta có bổn phận phải cám ơn Ngài” (DMAH 1, tr. 40).

• Sống đức ‘trí’ trong nhận thức ‘đặt Thiên Chúa trên hết, trên vua chúa, trên cha mẹ’: Như lời chứng của ông Phêrô Đang: “Tâu chúa thượng, hạ thần là công dân số một, là bề tôi của chúa thượng, nhưng hạ thần thờ lạy Thiên Chúa trên hết” (DMAH 1, tr. 55); hay như lời thầy Hiệp: “Đạo Đức Chúa Trời là đạo thật. Đạo dạy các tín hữu phải trung thành với triều đình, hiếu thảo với cha mẹ, nhưng trên hết phải tôn thờ Thiên Chúa” (DMAH 1, tr. 142).

• Sống đức ‘trí’ trong việc từ chối không đạp lên ảnh Thánh Giá. ‘Đạp ảnh Thánh Giá’ hay ‘bước qua ảnh Thánh Giá là một hình thức các vua quan đòi các kitô hữu bị bắt phải làm để chứng tỏ ‘mình bỏ đạo’, ‘mình chối đạo’. Các thánh Tử Đạo hiểu thâm ý của vua quan nên từ chối không làm, dù Thánh Giá là một ảnh tượng thật (DMAH 2, tr. 137), hay là ‘hai thanh gỗ để chéo lại theo hình thập tự’, hay ảnh Thánh Giá vẽ trên đất, hoặc tiêu biểu bằng ‘cửa tử cửa sinh’ (DMAH 1, tr.224); dù là bị kéo qua hay khiêng qua ảnh (DMAH 2, tr.103, 302). Sau lời tuyên xưng cương quyết của thày giảng Phanxicô Cần ‘Tôi không bao giờ dám bước qua cũng chẳng dám đụng chân vào Thánh Giá Chúa’, quan tỉnh nói với quan huyện Thanh Oai: “Hãy cho người này về nhà, hắn không phải trộm cướp hay nghịch tặc. Nếu các quan muốn giết những người không chịu đạp ảnh, thì cả nước này sẽ trở thành một lò sát sinh khổng lồ” (DMAH 2, tr.107).

• Sống đức ‘trí’ theo luật luân lý cổ truyền: Sau khi đọc 10 điều răn của Đức Chúa Trời cho chúa Thượng nghe, thầy giảng Phanxicô quả quyết: “Đạo Đức Chúa Trời là đạo thật, sửa sai các tội phạm, không được trộm cắp, không được giết người, không được cướp vợ của kẻ khác” (DMAH 1,tr.37). Đi vào nền tảng hơn, cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng xác quyết ‘người Công Giáo Việt Nam rất gắn bó với việc tôn kính tổ tiên’ cho dù cách thể hiện siêu nhiên và không có những dấu dị đoan’ (DMAH 3, tr.114)

• Sống đức ‘trí’ ngay trong việc ‘chọn lựa’ cái chết: Thày giảng Phêrô tuyên bố công khai: “Tôi sẵn sàng chịu chết, không phải như người phạm pháp nhưng là người kitô đã rao giảng đức tin cứu rỗi. Tôi đã giảng bằng miệng lưỡi… bây giờ tôi xin đổ máu ra để tuyên chứng những điều tôi đã rao giảng” (DMAH 1 tr.46). Bà Maria Mạc (Dinh Cát, Quảng Bình) cả khi bị treo ngược đầu xuống, vẫn can đảm tuyên bố: “Xin các quan cứ hành hạ thêm nữa, vì như vậy, tôi mau đến với Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì tôi” (DMAH 1, tr. 68). Một quân nhân Công Giáo cũng thưa với quan án Phú Yên: “Dù chỉ là người Công Giáo đơn sơ, chất phác, tôi thà chết chứ không để mất thiên chức cao quý ấy” (DMAH 1, tr.212).

• Sống đức ‘trí’ bằng việc cương quyết bảo toàn gia sản thiêng liêng cao quý mà bố mẹ để lại: Đó là lời tuyên xưng tập thể của 400 người Công Giáo Phú Yên, “Chúng tôi không chối bỏ đức tin của cha ông chúng tôi. Mặc quan muốn làm gì chúng tôi thì làm”; hay của một quan chức Công Giáo: “Cha mẹ tôi để lại, không có cái gì cao quý hơn là đạo thánh mà tôi tuyên xưng. Đó là điều duy nhất tôi quý chuộng và không bao giờ tôi chối bỏ cả. Các của cải khác, tôi sẵn sàng để vua tước đoạt như ngài muốn” (DMAH 1,tr.212). Tuy mới 18 tuổi, chủng sinh Thoma Thiện đã trả lời cho quan tỉnh Bùi Ngọc Quý: “Cha ông tôi đều theo đạo Công Giáo. Tôi được vinh dự nối gót các ngài. Tôi nhất định không bỏ đạo” (DMAH 2, tr.246).

E. ĐỨC ‘TÍN’

1. Trong văn hóa Việt Nam.

Đức ‘Tín’ là đức thứ năm trong luân lý ngũ thường, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trong tiếng Việt, đức ‘tín’ bao hàm ý nghĩa:

• ‘Tín Nghĩa’ là thành thật, đáng tin tưởng, ăn ở theo lẽ phải.

• ‘Tín nhiệm’ là lòng thành thật và có khả năng đáng tín nhiệm và trao phó cho một công việc hay một sứ mệnh để thi hành.

• ‘Tín phục’ là tin tưởng và nghe theo.

• ‘Tín ngưỡng’ là tin tưởng, ngưỡng mộ, kính trọng và yêu mến.

Cho nên:

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến lòng thành thật, sự chân thành, ‘lòng nghĩ sao miệng nói vậy’, phải ‘tâm hành đồng nhất’. Thành thật với Trời, với tha nhân và với chính mình. Trái với lòng thành thật là giả dối, gian trá, là ‘ngôn hành bất nhất’, là ‘hiền lành trước mặt, làm giặc sau lưng’, là ‘tự lừa bản thân’. Một người không sống thành thật với tha nhân, thì cũng không thành thật với chính mình, và do đó cũng không thành thật với Trời hay với Thượng Đế. Họ quên rằng ‘Trời có mắt’, ‘Trời nhìn thấu tâm can’, ‘Thiên bất dong gian’, ‘Tránh Trời không khỏi nắng’, ‘Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt’.

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến sự trung tín, nghĩa là cách ứng xử ngay thẳng, trước sau như một, như sự chung thủy giữa vợ chồng, trung tín với bạn hữu, nhất là chung thủy với Trời, với Thượng Đế. Trái với lòng trung tín là phản bội, là thất trung, thất nghĩa và vô ơn. Người ta quên rằng ‘nói lời phải giữ lấy lời’, ‘một lần thất tín, vạn lần khó tin’, ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên’.

• Nói đến đức ‘tín’ là nói đến sự tự tín, nghĩa là tin tưởng vào chính bản thân, thấy mình đủ khả năng chu toàn trách nhiệm, tự luyện cho mình biết kiên trì để thành công, sáng suốt để thành tựu công tác và quyết tâm xây dựng sự nghiệp. Một người không biết tự tín là người thiếu tự trọng, ươn hèn suy nhược, không can đảm vươn lên. Họ không biết ‘tự lực cánh sinh’, ‘tự lực tự cường’, ‘tự nguyện tự giác’, ‘tự làm Trời giúp’, ‘gắng sức mà lo, Trời trợ lực cho’.

Sau đây, chúng ta đọc lại hai câu chuyện lịch sử nói lên tầm quan trọng của đức ‘tín’: Hai câu chuyện này xảy ra cách nhau hai thế kỷ và được ông Ngô Thời Sĩ ghi lại trong cuốn ‘Việt Nam tiêu án’ viết vào năm 1755.

• Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào thế kỷ XIII, dưới triều vua Trần Nhân Tông: Sau khi thắng quân Nguyên lần thứ ba, Vua Trần Nhân Tông đã hứa với vua Mông Cổ trao trả lại tất cả các tù nhân chiến tranh. Nhưng ban đêm vua Trần Nhân Tông cho người đục thủng thuyền của tướng Ô Mã Nhi, tướng quân Nguyên đã gây nhiều tội ác cho nhân dân Việt Nam, khiến ông tướng này bị chết đuối. Vua Trần Nhân Tông nói dối vua Mông Cổ rằng ‘vì bão mà thuyền của tướng Ô Mã Nhi bị chìm và tướng Ô Mã Nhi bị chết’.

• Câu chuyện thứ hai xảy ra vào thế kỷ XV, dưới triều Lê Thái Tổ: 200 năm sau, khi thắng được quân Minh của Trung Quốc, vua của Đại Việt là Lê Thái Tổ đã hứa với vua nhà Minh ‘trao trả các tù binh về nước, và đã làm theo lời hứa’. Vua Lê Thái Tổ còn cung cấp thực phẩm và mọi nhu yếu để đoàn quân bại trở về nước an lành.

So chiếu hai cách xử của vua Trần Nhân Tông và vua Lê Thái Tổ, ông Ngô Thời Sĩ nhận định: “Chữ tín là quý báu nhất của nước ta. Đã bảo cho về, lại còn dùng kế giết đi. Quỷ quyệt như thế, thất tín với lân bang sao được. Đến sau này vua Lê Thái Tổ cũng trả người Minh về nước, có người nói đến sự đục thuyền cho đắm. Vua Lê Thái Tổ không nghe. Người Minh cũng không nghi gì. Như thế mới thật là Vương giả có đại tín” (26)

Tuy vắn gọn, những suy nghĩ trên đây khẳng định rằng: chân thành, trung tín, tự tín và tinh thần trách nhiệm thuộc phạm vi đức ‘tín’. Đức ‘tín’ chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nền luân lý và nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Ứng dụng đức ‘tín’ vào cuộc sống hằng ngày chúng ta phải nằm lòng lời của Đức Khổng Tử “Không có đức ‘tín’ thì không đứng vững được ở đời” (Luận Ngữ).

2. Tin Mừng hoá đức ‘Tín’.

Nếu đức ‘tín’ mời gọi chúng ta sống thành thật, sống trung tín với người khác, với bản thân và với Thiên Chúa, thì quả thật, đây là những điểm nổi bật trong lịch sử tử đạo của các thánh tiền nhân. Các ngài sống đức tín dựa trên hai cơ sở bổ túc cho nhau: nền luân lý cổ truyền của dân tộc và giáo huấn phong phú của Thánh Kinh. Thánh Kinh biểu dương đức ‘tín’ tuyệt đối toàn hảo của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu và trung tín (Xh 34,6), mọi công trình Chúa thực hiện đều biểu lộ lòng trung tín của Ngài (Tv 32,4). Vì thế, mọi người phải phụng thờ Thiên Chúa với lòng trung thành và đức trung tín (Gs 24,14), là trung thành đi đúng con đường Chúa đã chỉ vẽ (Xh 6,17) và cẩn thủ giới luật Chúa truyền (Mt 28,20). Đức trung tín làm đẹp lòng Chúa (Kn 1,34), và Chúa dành phần thưởng bội hậu cho những ai trung tín với Ngài (Lc 21,19). Đọc truyện các thánh, dù chỉ một lần, không ai có thể phủ nhận các ngài đã sống tích cực và nâng cao đức ‘tín’ đến độ “đem đức ‘tín’ vào Tin Mừng và nhờ Tin Mừng tinh luyện đức tín”. Dưới đây là những bằng chứng sống động.

• Sống đức ‘tín’ với Thiên Chúa: Ông Laurensô Ngôn, bị chém đầu ngày 22.5.1862, đã thưa với quan huyện Đông Quan, Nam Định rằng: “Tôi trung thành giữ đạo Đức Chúa Trời, tôi không bao giờ đạp ảnh chối Chúa. Nếu quan muốn giết, tôi sẵn sàng. (DMAH 3, tr.312). Khi lính đến đeo vào cổ tấm thẻ viết tên tuổi và bản án, cha Quý nói với ông trùm Phụng: “Đây là giờ Thiên Chúa ấn định cuộc chiến đấu cuối cùng, chúng ta hãy can đảm chịu đựng vì Ngài” (DMAH 3, tr.223).

• Sống đức ‘tín’ theo luật Chúa và Giáo Hội: Lúc đang bị giam tù, một viên thơ ký tên là Hằng, đến xin ông Matthêô Nguyễn Văn Đắc: nếu ông gả cho y người con gái đang tu dòng Mến Thánh Giá, thì hắn sẽ cứu ông được về nhà tự do. Ông Đắc đã trả lời thẳng thắn: “Chết thì chết, tôi không bao giờ gả con cho người ngoại giáo” (DMAH 3, tr.270). Khi thấy ông trùm Phụng bị trói và đeo gông, dân trong họ đạo ra từ giã ông và khóc lóc, ông trùm đã khuyên nhủ họ: “Tại sao anh chị em lại khóc, anh chị em ở lại bằng an, hãy tuân giữ các lề luật của Giáo Hội, hãy cầu nguyện sáng tối và hãy thương yêu nhau theo luật Chúa dạy” (DMAH 3, tr. 217).

• Sống đức ‘tín’ với vua, chúa, quan quyền và tổ quốc: Thày Giuse Nguyễn Duy Khang thưa với quan án: “Bẩm quan, tôi yêu tổ quốc, tôi trung tín với vua, nhưng trên hết, tôi trung tín với Thiên Chúa và giới luật của Ngài” (DMAH 3, tr.283). Cha Thoma Khuông trả lời cho quan huyện Cao Xá: “Đạo chúng tôi truyền buộc phải giữ trọn lề luật, phải trung thành với vua quan, phải cầu nguyện cho tổ quốc được hưng thịnh” (DMAH 3,tr.226)

• Sống đức ‘tín’ với các Đấng Bề Trên: Thày Giuse Nguyễn Duy Khang đã nhảy lên đánh võ với lính đến bắt Đức Cha Girolamo Vọng. Vì lính đông số nên thày Khang bị đánh trúng ngực và phải đầu hàng. Thế nhưng khi được Đức Cha xin với quan huyện cho thày về với bổn đạo, thày đã tuyên bố: “Thưa quan lớn, tôi không muốn về, các quan đã bắt Đức Cha của tôi, xin bắt cả tôi đi theo. Nếu ngài phải chết, tôi cũng xin được chết” (DMAH 3, tr.280).

• Sống đức ‘tín’ với ông bà cha mẹ: Cha Laurensô Nguyễn Văn Hưởng trả lời cho quan tòa: “Thưa quan lớn, nói rằng: bên đạo chúng tôi không hiếu thảo với cha mẹ là điều bỏ vạ… Chúng tôi không dùng những thức ăn để cúng bái… nhưng sáng tối chúng tôi vẫn tưởng nhớ đến ông bà, hàng ngày chúng tôi cầu nguyện cho ông bà được hạnh phúc trên thiên đàng, hơn nữa, chúng tôi tuân giữ các lời cha mẹ răn dạy hầu làm vẻ vang các ngài” (DMAH 3, tr. 114).

• Sống đức ‘tín’ với vợ con: Chúng ta hãy nghe lời quan cai Phanxicô Trần Văn Trung khuyên con và vợ. Khuyên cô con gái: “Điều cha mong ước hơn hết là vua kết án tử cho cha. Con không học đạo ở đây được vì hằng nghe những lời xấu xa của người ngoại, vậy con hãy về với mẹ thì hơn. Song con phải nhớ chắc điều này là dù phải túng cực thế nào thì cũng đừng ở chung với người không có đạo, nhưng hãy ở giữa những người có đạo. Hễ cha sở Quang khuyên bảo điều gì thì con hãy hết lòng mà giữ”. Khuyên người vợ hiền: “Nếu tôi phải chết phen này, xin mình hãy thương mấy đứa con, coi sóc chúng tận tình. Xin mình đừng đi lấy chồng nữa. Nếu mắc nợ ai, mình hãy bán đồ đạc trả cho xong, kẻo sau này sinh nhiều điều bất lợi cho gia đình, hoặc chủ nợ bên lương đến bắt con đi ở đợ, thì thiệt hại phần linh hồn của con” (DMAH 3, tr.193-194).

• Sống đức ‘tín’ với xứ sở đến phục vụ. Sau đây là mấy vần thơ của cha thánh Ven: “Ôi Bắc Việt cao quý, Đất được Chúa chúc lành, Quê hương của bao anh hùng đức tin, Tôi đến để phục vụ ngươi. Hạnh phúc được sống và chết vì ngươi”. (DMAH 3, tr.249).

• Sống đức ‘tín’ với giáo dân: Khi bị bắt, Đức Cha Girôlamô Vọng đưa tay cho lính trói và nói với quan huyện để bênh vực các giáo dân chở ngài trên thuyền: “Tôi trong tay quan rồi, xin đừng đánh những người chèo thuyền vô tội, xin quan làm phước tha cho họ về” (DMAH 3, tr.280).

• Sống đức ‘tín’ với dân làng: Khi bị lính từ Nam Định về vây bắt và lấy hết đồ đạc, quan án Đaminh Phạm Viết Khảm xin quan tuần một điều: “Các quan đã tịch thu hết của nhà thờ và của tôi. Nhưng xin đừng xâm phạm đến tài sản của dân làng vì họ không có tội vạ gì” (DMAH 3, tr.202).

Tuy muộn màng và thiếu sót, bài viết trên đây nhằm tuyên dương các anh hùng tử đạo Việt Nam đã lấy chính đời sống và cái chết của mình, để không những làm chứng cho đức tin mà còn Tin Mừng hóa những tinh túy của nền văn hóa dân tộc. Trước khi là người sống đức tin, các ngài đã là những người sống gương mẫu về đạo lý và luân lý cổ truyền Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam hãnh diện về trên 130.000 nhân chứng anh dũng này. Trong số đó, 117 vị đã được phong Hiển Thánh, một vị được nâng lên bậc Chân Phước và 300 vị khác đang chờ đợi ngày vinh quang.

Cốt lõi hay tinh túy của đạo lý và luân lý Việt Nam là thờ Trời, là tôn kính Tổ Tiên, là tín tưởng Linh Hồn bất tử ư? Mỗi vị anh hùng tử đạo là một công dân tuân giữ, đổi mới và tinh luyện những tinh túy đạo lý ấy. Nền tảng luân lý Việt Nam dựa trên cơ sở Ngũ Thường, hay trên năm nhân đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ư? Mỗi vị anh hùng tử đạo là một bó đuốc đốt sáng những nhân đức luân lý ấy.

Là con cháu của các anh hùng tuẫn giáo, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu trong đời sống của các ngài; đồng thời chúng ta hãnh diện và tôn vinh các ngài, noi gương các ngài sống đức tin và luân lý theo giáo huấn Tin Mừng. Trong niềm vui và hãnh diện, trong quyết tâm noi gương các Thánh Tiền Nhân, chúng ta hãy cầu xin:

Lạy Chúa Giêsu, ánh bình minh rực rỡ,

Xin cho hậu duệ các Thánh Anh Hùng:

‘Được tấc dạ trinh bạch như tuyết trắng,

Mãi can tràng trong thử thách đau thương,

Khi tiết độ, khi cầu kinh nguyện ngắm,

Vững tâm sống đường đạo lý, luân thường’ (27)

—————-

(1) Đào Duy Anh, ‘Việt Nam Văn Hóa Sử Cương’, nxb Bốn Phương, 1938 ‘Văn hóa là gì?’, tr. 13-14. – Trần Ngọc Thêm, ‘Tìm về bản sắc Văn Hóa Việt Nam’, nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản lần thứ ba, 1966, ‘Văn hóa và cấu trúc văn hóa’, tr.20-52. – Lm F.X. Tân Yên, ‘Văn Hóa’, lưu hành nội bộ, 2005, ‘Văn Hóa và hội nhập vào văn hóa Việt Nam’, tr. 3-38. – Nguyễn Vinh Sơn SCJ ‘Cơ sở giáo dục nhân bản’, nxb Từ Điển Bách Khoa, 2011, ‘Nhân cách và văn hóa’ tr. 11-36.

(2) Tạp chí Người Đưa Tin UNESCO, tháng 11.1989, tr.5

(3) Hiến chế Mục Vụ tức Constitutio Pastoralis ‘De Ecclesia in Mundo hujus Temporis’, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 07.12.1965. Trên đây là chú giải của bản dịch trong cuốn ‘Thánh Công Đồng Chung Vaticano II’ của Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Đà Lạt 1972, tr. 811-812. Có thể đọc thêm: ‘Công Đồng Vatican II bàn về văn hóa’, trong Linh mục FX Tân Yên, sd, trg. 12-31.

(4) Trần Ngọc Thêm, sd tr.75.

(5) Trần Ngọc Thêm, sd, tr.19.

(6) Guennou J. ‘Les Mission Étrangères’ éd. Saint Paul, Paris, 1950, tr. 49. Giáo Xứ Việt Nam ‘Văn Hóa Đức Tin’, Paris, 2004 tr.110-112.

(7) Đào Duy Anh, sd, tr. 201-203, – Leopold Cadière, ‘Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt’ I, bản dịch của Đỗ Trinh Huệ, nxb Thuận Hóa, Huế, 2010, tr.19-20. – Toan Ánh ‘Tín Ngưỡng Việt Nam’ I, Xuân Thu, tr. 9-15., – Đặng Nghiêm Vạn, ‘Tình hình tôn giáo ở Việt Nam’, nxb Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2001, tr. 205-222.

(8) Cuốn Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục XXXIII, 6 B cho biết về linh mục truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam như sau: «Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tôn nhà Lê (1532-1533), có một người Tây phương (dương nhân) tên là Inêkhu, đi đường bể lén vào giảng đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy (về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay) » – Nguyễn Hồng, ‘Lịch Sử Truyền Giáo Tại Việt Nam I’, nxb Hiện Tại, 1959, tr.14.

(9) Vũ Thành, ‘Dòng Máu Anh Hùng’ 1, 2, 3. Hoa Kỳ, 1987. Trong bài này, chúng tôi trưng dẫn nhiều và viết tắt (DMAH 1, 2, 3, tr….). Chúng tôi trích dẫn hoặc viết theo bộ sách của Vũ Thành, bởi vì đọc các chú giải hoặc thư mục ở phần cuối mỗi cuốn, chúng tôi yên tâm về nguồn sử liệu liên quan đến Giáo Hội Việt Nam và truyện tích các thánh Tử Đạo ở Việt Nam mà tác giả đã dày công nghiên cứu và xử dụng.

(10) Toan Ánh, sd, tr. 20-22. – Léopold Cadière, sd tr. 54-115, – Mai Đức Vinh, ‘Tôn kính Tổ Tiên’ trong cuốn ‘Văn Hóa và Đức Tin’, Giáo Xứ Việt Nam Paris, 2004, tr.299-372.

(11) Toan Ánh, sd, tr. 24+30. Đào Duy Anh, sd, tr.203-207. – Cao Kỳ Hương, ‘Đạo Hiếu của người Công Giáo’, Hà Nội, 2010.

(12) Xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo các số 2214-2245.

(13) Xem: Văn hóa và Đức Tin tr. 299-372. – Cao Kỳ Hương sd. Tr. 154-155 – ‘Tôn kính tổ tiên, một hướng đi hội nhập văn hóa khẩn thiết của Giáo Hội tại Việt Nam’ (1999), tập tài liệu cuộc hội thảo ở Huế, lưu hành nội bộ.

(14) Bảo Đại, ‘Con Rồng Việt Nam’, Hoa Kỳ, 1990, tr. 86, 102.

(15) Toan Ánh, sd, tr. 23.

(16) Phan Thiết ‘Đất Việt, Người Việt và Đạo Việt’, Virginia, USA, 1995, tr. 272.

(17) Đỗ Trinh Huệ ‘Văn hóa, Tôn giáo, Tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadière’, trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương, sd tr. 25-26.

(18) Alexandre de Rhodes, ‘Histoire du Royaume du Tonkin’ 1630, tr.25+76, trích dẫn bởi Cao Kỳ Hương, sd, tr.20, 22.

(19) Sách Giáo Lý ‘Rước Lễ Lần Đầu’ các câu 78-81, – Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: ‘Linh hồn con người chỉ có thể có nguồn gốc nơi Thiên Chúa’ (33). Linh hồn là hình ảnh của Thiên Chúa, có bản tính thiêng liêng (363). Linh hồn bất tử, không bị hủy diệt khi lìa khỏi xác (366), nhưng được Chúa Giêsu phán xét… (1022).

(20) Lê Gia, ‘Tiếng Nói Nôm Na’, sưu tầm dân gian, nxb Văn Nghệ T/P Hồ Chí Minh, 1999, tr.642-644.

(21) Lê Gia, sd. tr. 423

(22) Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, ‘Từ điển giải thích thành ngữ gốc hán’, nxb Văn Hóa, 1994, tr.84-85.

(23) ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ lớp Sơ-Đẳng, Rectorat de L’Université Indochine, nxb Quê Mẹ in lại 1981.

(24) Lê Gia, sd, tr.1247.

(25) Trần Trọng Kim… ‘Luân Lý Giáo Khoa Thư’, nxb Nha Học Chính Đông Pháp, Sài Gòn, 1941, tr. 23-24.

(26) Ngô Thời Sỹ, ‘Việt Sử Tiêu Án’, 1755, tr.82. Trích đăng trong Nguyễn Vinh Sơn SCJ, sd. tr. 273-274.

(27) Thánh Thi, Kinh Sáng, Thứ năm, tuần II.

Lm. Mai Đức Vinh

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Trong năm 2023, số tín hữu hành hương và du khách đến thăm Đền thờ Sagrada Familia (Thánh Gia) ở...
Read More
Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng các bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu...
Read More
Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới các tù nhân của nhà tù Quatre Camins, mời gọi họ kiên...
Read More
Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Nhân dịp lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho các tín hữu Công giáo ở Thánh Địa...
Read More
ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27/3/2024, Đức Thánh Cha...
Read More
Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Bản tin của AsiaNews ngày 20/03/20024 cho hay: Tin đồn gần đây đã được xác nhận: Đảng Cộng sản Việt...
Read More
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

Cha Raymond J. de Souza, trên First Things ngày 25/03/2024, nhận định rằng lễ kỷ niệm 11 năm ngày nhậm...
Read More
Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

Theo thông báo của Vatican, Đức Thánh Cha sẽ thăm “thành phố nổi” Venice của Ý, đi thuyền máy dọc...
Read More
ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã cử hành Thánh lễ tại Markowa, Ba Lan, nhân...
Read More
ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

Ngày 26/3/2024, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina, đang...
Read More
ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS