Ngọc Yến – Vatican News
Giáo dân không có Thánh lễ, linh mục không có giáo dân
Vào một buổi tối kia. Một buổi tối người Pháp phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày, từ thói quen, cách làm việc, cách sống đến cách cầu nguyện. Vào ngày 16/3/2020, tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố cách ly xã hội trong ít nhất hai tuần để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Hai tuần sau đó đã kéo dài thành hai tháng và trong hai tháng này giáo dân không có Thánh lễ … và linh mục thì không có giáo dân. Một cách nhanh chóng, các linh mục bắt đầu tiến hành việc quay phim cử hành Thánh lễ trực tuyến. Nhưng cha David Lerouge, linh mục chánh xứ của giáo xứ Notre-Dame de la Baie lại không cảm thấy thoải mái với hình thức này. “Một mình dâng lễ trước điện thoại. Không, tôi không muốn như thế. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều khác, và tôi nghĩ đến việc viết thư. Tôi phải làm cách nào để có thể tiếp tục giúp giáo dân trong khi tôi sống một mình tại nhà xứ”, cha nói.
Sáng kiến viết thư cho giáo dân
Thế là hàng ngày, qua email cha bắt đầu gửi thư đến những người cha quen biết, các giáo dân. Đây là cách cha Lerouge đã chọn để nâng đỡ và gần gũi với cộng đoàn của cha.
Từ 400 người nhận thư khi đại dịch bắt đầu, rồi ngày tháng trôi qua dần dần tăng lên 800. Một số người đã chuyển tiếp các thư này qua mạng internet. Mỗi thư cha viết khoảng 2.000 từ. Lúc đầu cha thảo những lá thư này vào buổi sáng, và gửi vào buổi trưa. Sau vài ngày, cha quyết định phải gửi các thư đó vào lúc 6 giờ sáng để mọi người có thể theo dõi trong suốt cả ngày.
“Nhưng những lá thư này sẽ nói về điều gì đây?”, cha tự hỏi và chia sẻ tiếp: “Giống như mọi người trong giai đoạn đầu của đại dịch, tôi không biết mọi người sẽ hoạt động như thế nào trong những ngày tiếp theo. Nhưng tôi tin sự bất an và xáo trộn này có thể biến thành sức mạnh và năng động thực sự”. Và đó là những điều cha Lerouge muốn nói đến trong các lá thư. Những câu hỏi, những nghi ngờ nhưng cũng đầy hy vọng, sáng tạo và niềm vui, tất cả những điều này mang lại hương vị rất đặc biệt cho cuộc sống hàng ngày.
Thứ Tư 25/3, cha Lerouge viết: “Chúng ta chỉ muốn giữ lại một khoảnh khắc, nhưng Thiên Chúa loan báo trong một thời gian dài để trao tặng hồng ân. Chúa Kitô đến để đưa chúng ta trở về hiệp nhất với cuộc sống của chính chúng ta, nơi mà sự nhiệt tình và thử thách, sự đơn giản và khó khăn đều hiện hữu”.
Thư truyền tải sứ điệp tích cực
Trong các lá thư, cha Lerouge cũng không ngần ngại kể lại những câu chuyện riêng của cha với mục đích truyền tải một sứ điệp. Ví dụ, trong một cuộc gọi mà cha nhận được từ người chị vào ngày 01/4. Một cuộc gọi đường truyền không ổn làm cho người chị không nghe thấy cha nói gì. Ngày hôm sau, chị viết thư cho cha và kể: những đứa con của chị, muốn chơi một trò đùa “Cá tháng Tư” nên đã dán miếng băng keo lên điện thoại. Cha nói về điều này như sau: “Tất nhiên đây là một câu chuyện thú vị, nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời để tự hỏi về ‘những miếng băng keo’ của chúng ta! Tôi tưởng tượng rằng trong thời điểm khó khăn này, chúng ta cũng có những miếng băng keo làm Chúa phiền lòng. Mặc dù vậy, chúng tôi không làm việc quá tệ … Cho dù ngày giờ của chúng ta bị kéo dài bởi thời gian biểu và sự im lặng nặng nề của xã hội, người ta vẫn có thể nghe rõ những âm thanh bị bóp nghẹt bởi một nhịp sống thường ngày của thành phố, vì những miếng băng keo”.
Để gia tăng niềm vui cho cho những người nhận sứ điệp, cha còn trang trí các lá thư với khung cảnh nhà xứ, cảnh hoàng hôn và bình minh. “Thật đơn giản, nhưng đôi khi cũng đủ để sưởi ấm tâm hồn mọi người vào những ngày không không mong muốn này”, cha nói. Như trong bất kỳ mối quan hệ viết thư nào, một số người đã hồi âm khích lệ cha, nói với cha rằng thư của cha đã làm họ xúc động như thế nào. Một số người khác lại chia sẻ với cha sự buồn phiền mà họ cảm nhận khi không có Thánh lễ.
“Đó là cách tôi cảm thấy gần gũi và nâng đỡ cộng đoàn của mình hàng ngày”, cha David Lerouge chia sẻ. Để kết thúc những bức thư cha đã viết như sau: “Tôi đảm bảo với các bạn về tình bạn sâu sắc nhất của tôi”. Một tình bạn thiêng liêng nảy sinh trong suốt thời gian cách ly với “bí tích thiêng liêng”. Cha quả quyết: “Trong cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi đã tiến bước với cùng một tốc độ. Một điều chúng tôi học được trong thời gian này đó là sự khiêm nhường thực sự: Chúng ta không thể kiểm soát được thời gian. Nhưng nhờ có Chúa chúng ta cùng nhau tiến lên theo dòng thời gian, chúng ta học được cách sống trong sự hiện diện của Ngài”.