CHÚA NHẬT LỄ LÁ: BA NGÃ RẼ !

Nghe bài này

10178051_1587461451479863_4374419028749904898_nHôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Trước khi bước vào khổ nạn, Chúa Giêsu lên thủ đô Giêrusalem lần cuối cùng. Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi như cuộc biểu tình vĩ đại, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng, chặt những nhánh cây rải lối để Chúa đi qua. Tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô “Hoan hô con vua Đavid”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như một vị vua. Chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô, dân Do Thái lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa Giêsu theo sự xúi giục của giới lãnh đạo tôn giáo. Người đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Caipha, rồi đến trước tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng phạm của xã hội.

Lễ Lá có một khởi đầu vui và một kết thúc buồn. Chúa Giêsu long trọng vào thành thánh Giêrusalem trong lời hoan hô chúc tụng và sau đó chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá.

Con đường vào thành Giêrusalem vinh quang vương giả với đám đông ngưỡng mộ, cành lá và quần áo trải thảm đường đi. Con đường lên Núi Sọ với thân kẻ tội đồ vác thập giá, những lời nhục mạ, roi đòn tơi tả và hai tội nhân đồng hành.

Tiến bước theo Chúa trên đường thương khó để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.
Từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ lối khác. Tại sao như thế ?
Theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ trên hành trình cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu, của Giuđa, Phêrô và đám đông (ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt).

1. Ngã rẽ của đám đông.
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu nổi bật trong mầu nhiệm đau thương và cứu độ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông, gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét…
Dân thành Giêrusalem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những cành lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Thế mà sau đó không lâu, nghe lời xúi giục của tư tế, kinh sư, pharisiêu, họ lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la, gào thét đòi “đóng đinh nó đi !”. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười.

Đám đông đã rẽ sang lối nào ? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án. Đám đông thật nông nổi nhẹ dạ. Đám đông thường dễ bị lôi cuốn, người ta làm gì mình làm nấy mà nhiều khi chẳng biết tại sao. Có nhiều người trong đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu. Có lẽ còn có nhiều người đã từng nhận ân huệ của Chúa Giêsu! Thế nhưng, họ đã bị đám đông lôi cuốn vào việc kết án người công chính. Giữa cuộc đời hôm nay, biết bao người công chính, thanh liêm, trung trực, chính nghĩa đã chịu vu vạ cáo gian dẫn đến tù tội do đám đông nông nổi bị lừa dối, bị tuyên truyền!!!

2. Ngã rẽ của Giuđa.
Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt ba năm. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quản lý. Một ngày kia Chúa Giêsu đang cùng các môn đệ dùng bữa tại nhà ông Simon, bỗng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, rồi chị lấy dầu xức lên chân Chúa. Giuđa phản đối “Sao lại phí thế! Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi giúp người nghèo có phải thực tế hơn không?”. Giuđa có đầu óc biết tính toán và thực tế của người quản lý tài chánh.
Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông biệt vắng. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền. Một con người bạc bẽo, vô tình vô nghĩa. Trong tình yêu có gì đẹp bằng nụ hôn! Vậy mà Giuđa dùng nụ hôn làm dấu hiệu nộp Thầy. Trong tình yêu, tội phản bội làm tổn thương và đau đớn vô cùng. Tình yêu càng lớn lao bao nhiêu, khi bị phản bội càng đau đớn bấy nhiêu. Ngã rẽ Giuđa biểu tượng cho những người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa, phản bội người khác, kể cả ân nhân của mình.

3. Ngã rẽ của Phêrô.
Phêrô là môn đệ thân tín của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá, Phêrô ở bên Chúa. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chẳng thấy bóng ông đâu. Phêrô đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng, thích hưởng thụ và sợ bị liên lụy. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Thầy thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa. Phêrô chối Chúa cũng vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Chúa Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu. Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo rồi ông cũng bị bắt luôn.

Phêrô đã theo Chúa Giêsu suốt ba năm. Phêrô nếm trải biết bao gian khổ, ông đón nhận tất cả mà không kêu ca nề hà gì. Nhưng hôm nay ông chối Chúa vì sợ bị liên lụy, vì an toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó thôi.

Phêrô là người được Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc, lo lắng, và được Ngài ban cho biết bao là ân huệ. Nào là vai trò thủ lãnh của Nhóm Mười Hai, nào là nhiệm vụ cầm giữ chìa khóa Nước Trời: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19); và còn được gọi là Kêpha, nghĩa là đá … vậy mà khi đối mặt với một đứa hầu gái vô danh tiểu tốt, đá lại mềm ra như bún, ông chối phăng không biết Giêsu là ai, ông lại còn dám cả gan thề độc: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” (Mc 14,71). Ông là người nhiệt tình nhất với Chúa Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Thầy. Thế mới biết, bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Phêrô đã sa ngã. Vậy mà ông cứ luôn tưởng rằng mình mạnh mẽ.
Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, sợ bị liên lụy và của theo hướng của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.

Nếu có mặt trong ngày Chúa chịu khổ nạn, tôi và bạn có rẽ sang lối nào không? Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa ? Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô ? Tôi và bạn sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ ? Tôi và bạn sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa ? Hay tôi và bạn cũng theo quân lính đánh đập Chúa ? Tôi và bạn có kết án bất công như Philatô không? Tôi và bạn có hùa với kẻ mạnh đàn áp bắt nạt người thấp cổ bé miệng như đám đông dân chúng không? Tôi và bạn phải dứt khoát lựa chọn một con đường.
Con đường theo Chúa không êm ái nhẹ nhàng và thênh thang đâu. Đó là con đường thập giá: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đường thập giá là đường một chiều. Đường thập giá là đường lên dốc. Và đường thập giá là đường có nhiều ổ gà dằn xóc. Vì thế mà có nhiều người bỏ cuộc nên rẽ sang một hướng đi khác. Nhận diện ba ngã rẽ của tiền bạc dẫn lối, thích an nhàn hưởng thụ, sợ liên lụy bản thân và hùa theo dư luận để chúng ta tỉnh táo mà bước đi trên hành trình đức tin cuộc đời. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những bệnh tật, thất bại, đau khổ, bất công…như những thử thách của lòng tin để vững bước theo Chúa đến cùng.

Tuần Thánh, chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu. Đó là con đường đau khổ, nhưng cũng là con đường tình yêu và là con đường cứu độ. Trên con đường khổ giá của Chúa, chúng ta sẽ gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Vượt trên tất cả, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Ước mong mỗi người có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, xin cho con luôn mạnh mẽ và kiên trì tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa dẫn con đi. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Trong năm 2023, số tín hữu hành hương và du khách đến thăm Đền thờ Sagrada Familia (Thánh Gia) ở...
Read More
Trong năm 2023 có gần 5 triệu người viếng thăm Đền thờ Thánh Gia ở Barcelona

Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo rằng các bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại đấu...
Read More
Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô viết các bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Colosseo

Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video tới các tù nhân của nhà tù Quatre Camins, mời gọi họ kiên...
Read More
Đức Thánh Cha khích lệ các tù nhân đừng lo sợ, hãy tiến về phía chân trời

ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Nhân dịp lễ Phục Sinh, Đức Thánh Cha đã gửi thư cho các tín hữu Công giáo ở Thánh Địa...
Read More
ĐTC Phanxicô nói với các tín hữu Thánh Địa: Chúng tôi không để anh chị em đơn độc

Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27/3/2024, Đức Thánh Cha...
Read More
Tiếp kiến chung 27/3/2024: Nhẫn nại là chứng tá thuyết phục về tình yêu của Chúa Kitô

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Bản tin của AsiaNews ngày 20/03/20024 cho hay: Tin đồn gần đây đã được xác nhận: Đảng Cộng sản Việt...
Read More
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, người thúc đẩy đối thoại với Đức Phanxicô, từ chức

Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

Cha Raymond J. de Souza, trên First Things ngày 25/03/2024, nhận định rằng lễ kỷ niệm 11 năm ngày nhậm...
Read More
Một năm nhiều gập gềnh trên đường đi cho ĐGH Phanxicô

ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

Theo thông báo của Vatican, Đức Thánh Cha sẽ thăm “thành phố nổi” Venice của Ý, đi thuyền máy dọc...
Read More
ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Máccô ở “thành phố nổi” Venice

ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã cử hành Thánh lễ tại Markowa, Ba Lan, nhân...
Read More
ĐHY Semeraro cử hành Thánh lễ kỷ niệm 80 năm tử đạo của gia đình Ulma

ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

Ngày 26/3/2024, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina, đang...
Read More
ĐTC gửi sứ điệp đến các tín hữu của thành phố Rosario ở Argentina

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS