Chung quanh việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin

Nghe bài này

Cho đến nay, có thể nói chưa có vị Giáo Hoàng nào gây tranh luận vì bất cứ cuộc bổ nhiệm nhân sự cao cấp nào của Tòa Thánh bằng Đức Giáo Hoàng đương nhiệm và không cuộc bổ nhiệm cấp cao nào của ngài gây tranh cãi bằng việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández làm Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thực vậy, vào Google, chỉ cần đánh tên Víctor Manuel Fernández, bạn đọc cũng đọc được cả hàng chục bài báo nói tới ngài, ngay trong mấy ngày sau ngày 1 tháng 7 năm 2023, ngày Tòa Thánh công bố việc bổ nhiệm ngài.

Trước khi bàn tới những điều gây tranh cãi về Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández, chúng tôi mời bạn đọc đọc bài phỏng vấn ngài qua e-mail của Elise Ann Allen trên tạp chí CruxNow ngày 8 tháng 7 năm 2023, trong đó ngài nhấn mạnh: Tôi ở đây để thi hành Huấn quyền ‘gần đây’.

Tân cố vấn thần học hàng đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cố gắng trấn an những tiếng nói ở Hoa Kỳ và những nơi khác, những người đã đặt câu hỏi về việc tuân thủ giáo huấn và truyền thống Công Giáo của ngài, thề rằng ngài không phải là “gián điệp Soros xâm nhập vào Giáo hội”.

“Tôi không phải là Hội Tam điểm, cũng không phải là đồng minh của Trật tự Thế giới Mới, cũng không phải là gián điệp của Soros xâm nhập vào Giáo Hội. Đó là những tưởng tượng thuần túy,” Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández nói thế; ngài là một nhà thần học người Á Căn Đình được Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngày 1 tháng 7 trong tư cách tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, theo truyền thống là cơ quan giám sát tín lý của Vatican.

Đức Tổng Giám Mục Fernández nói, “tôi thường thú nhận tôi cố gắng trở thành một người trung thực, tôi yêu mến Giáo hội và tín lý của Giáo hội, hầu hết các bài viết của tôi là về linh đạo và cầu nguyện. Tôi không thể hình dung cuộc sống của mình nếu không có Thiên Chúa”.

Đức Tổng Giám Mục Fernández, người sẽ bước sang tuổi 61 vào ngày 18 tháng 7, nói: “Vì vậy, [họ có thể] tin tưởng, và tốt hơn là [họ] nên tìm kiếm kẻ thù của đức tin ở nơi khác”.

Các nhận xét được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Crux vào ngày 5 tháng 7, được thực hiện qua email và bằng tiếng Tây Ban Nha. Nó đánh dấu cuộc trò chuyện đầu tiên của Fernández với một hãng tin tức tiếng Anh kể từ khi ngài được bổ nhiệm vào vai trò mới mà ngài sẽ chính thức đảm nhận vào giữa tháng 9.

Là một đồng minh quan trọng của Đức Giáo Hoàng và là người viết ẩn danh một số tài liệu quan trọng của Đức Giáo Hoàng, kể từ khi được bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Fernández đã sử dụng mạng xã hội để trả lời những người chỉ trích ở Hoa Kỳ, những người mà theo ngài là đã dịch sai một số cụm từ nào đó trong các bài viết của ngài, nhưng ngài nói với Crux rằng ngài không có định kiến nói chung về người Mỹ.

Ngài nói, “Ở Hoa Kỳ, dân chúng được giáo dục rất tốt, và sự phát triển vượt bậc mà Hoa Kỳ có được chỉ trong vài thập niên nói lên năng lực tuyệt vời của người dân đó. Tôi sẽ không bao giờ có ý chê bai một dân tộc cao quý và có năng lực như vậy”.

“Nhưng cũng có những nhóm thiểu số có thể có khuynh hướng cuồng tín, thù hận, và điều này dẫn đến cái nhìn phiến diện chỉ tìm kiếm mặt tối của kẻ thù,” Đức Tổng Giám Mục Fernández nói thế, đồng thời khẳng định rằng “một số đánh giá về Đức Giáo Hoàng và thậm chí về con người tôi là không công bằng và không khách quan lắm.”

Đức Tổng Giám Mục Fernández đã nói về việc đào tạo thần học của chính ngài và nói rằng về vai trò mới của ngài, theo các hướng dẫn của Đức Phanxicô, ngài sẽ tập chú vào việc thúc đẩy “đối thoại và đào sâu suy nghĩ” hơn là các hành động kỷ luật đối với các nhà thần học ương ngạnh.

Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một trách nhiệm khác do Đức Phanxicô giao cho ngài, đó là bảo đảm rằng tất cả các cơ quan của Vatican đều tuân theo “huấn quyền gần đây”.

Đức Tổng Giám Mục Fernández nói: “Có thể xảy ra việc các câu trả lời được đưa ra cho một số vấn đề thần học mà không chấp nhận những gì Đức Phanxicô đã nói là mới về những vấn đề đó. “Không những chỉ chèn một cụm từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà còn cho phép suy nghĩ được biến đổi theo tiêu chuẩn của ngài. Điều này đặc biệt đúng đối với thần học luân lý và mục vụ.”

Toàn bộ cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám Mục Fernández xuất hiện dưới đây, trong bản dịch của Crux từ tiếng Tây Ban Nha:

Crux: Đến bây giờ, ai cũng biết rằng Đức Tổng Giám Mục và Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ một mối quan hệ thân thiết. Đức Tổng Giám Mục gặp ngài lần đầu khi nào, và tình bạn của các vị đã phát triển như thế nào?

Đức Tổng Giám Mục Fernández: Bạn biết đấy, tôi chưa bao giờ phô trương mối quan hệ này, nhưng sự thật là kể từ năm 2007, đó là một mối quan hệ rất đáng tin cậy. Trước đó, tôi không biết rõ về ngài. Khi tôi là phó khoa trưởng Khoa Thần học Buenos Aires và ngài là tổng giám mục, đôi khi chúng tôi gặp nhau và nói về một người bạn chung. Sau đó, ngài chúc mừng tôi về một bài báo của tôi và đề xuất rằng Hội đồng Giám mục Á Căn Đình mời tôi tham dự Hội nghị Châu Mỹ Latinh ở Aparecida. Ở đó, ngài phụ trách nhóm soạn thảo và đã có lúc nhờ tôi giúp đỡ vì không đủ thời gian để viết tài liệu cuối cùng. Ngài lo lắng đến mức có thể ở lại đến 3 hoặc 4 giờ sáng, và tôi là người cuối cùng rời đi cùng với ngài. Ở đó, một mối quan hệ thân thiết đã được sinh ra. Tôi không nói về tình bạn, bởi vì tôi rất tôn trọng ngài.

Đức Tổng Giám Mục sẽ nói gì về việc đáo tạo thần học của Đức Tổng Giám Mục? Những bài viết và nhà thần học nào đã có ảnh hưởng lớn nhất đến tư tưởng và cách tiếp cận thần học của Đức Tổng Giám Mục?

Trong thời gian học đại học ở Rôma, tôi chuyên về Kinh Thánh. Điều này cũng hướng tôi đến với nghiên cứu ngành chú giải, và tôi trở nên đặc biệt thân thiết với triết gia [Hans-Georg] Gadamer, người đã ảnh hưởng sâu sắc đến tôi. Sau đó, tôi lấy bằng tiến sĩ thần học về tư tưởng của Thánh Bonaventura, đặc biệt về mối tương quan giữa nhận thức và đời sống, một vấn đề cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong cách hiểu thần học của tôi và sự phục vụ của các nhà thần học, hướng đến việc nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Đối với các nhà tư tưởng hiện đại, tôi đặc biệt tập trung vào những người vĩ đại: Rahner và Von Balthasar. Tôi đã nhận được rất nhiều từ cả hai vị.

Tại Khoa Thần học, tôi đã dạy các lớp về Thần học (Pneumatology [Thần khí học], chuyên luận về Ân sủng, Nhân chủng học) và cả Kinh thánh (Nhất lãm, khoa chú giải và giảng thuyết, v.v.). Bên cạnh nhiều trước tác phổ thông, chắc chắn tôi đã viết nhiều bài viết phức tạp và mang tính suy lý nhiều hơn: nhiều bài báo về chú giải Kinh thánh, sách giáo khoa về Ân sủng, sách giáo khoa về Thần học linh đạo, các bài báo về Trung trạng (giữa lúc chết và lúc sống lại) và Ngôi vị Chúa Cha (trong tạp chí Angelicum), các bài báo về tư tưởng của thánh Phaolô, về quan hệ với Do Thái giáo và về hội nhập văn hóa (trong Nouvelle Revue Théologique), chỉ đơn cử một số thí dụ.

Với kinh nghiệm và sự đào tạo thần học của Đức Tổng Giám Mục, đâu là tầm nhìn của Đức Tổng Giám Mục đối với vai trò mới của Đức Tổng Giám Mục và đối với chính thánh bộ?

Tầm nhìn của tôi được minh họa đặc biệt nhờ bức thư của Đức Giáo Hoàng. Một tuần trước, tôi ở Rôma với ngài và chúng tôi đã nói chuyện đôi lần về những ấn định này. Sau đó, chính ngài đã cho tôi hay ngài đang nghĩ đến việc viết nó ra. Nhiều nhà thần học, Công Giáo Tin lành và Do Thái giáo đã gửi cho tôi những thông điệp nêu bật giá trị của bức thư này và coi đó là một “bước ngoặt”.

Tôi thấy rõ rằng Đức Phanxicô muốn chức năng của bộ trưởng hoàn toàn hướng tới một suy tư thần học trong đối thoại giúp trưởng thành tư tưởng của Giáo hội. Tôi hiểu rằng điều này có nghĩa là đặc biệt coi trọng hai ủy ban báo cáo trực tiếp cho tôi: các ủy ban thần học và Kinh thánh (vì lý do này, chuyên môn kép của tôi trong tư cách nhà thần học và nhà nghiên cứu Kinh thánh là rất quan trọng).

Nhưng điều này cũng sẽ có tác động đến các câu trả lời mà Bộ đưa ra cho các câu hỏi thần học (và thậm chí cả những lời buộc tội) tới với Bộ. Nghĩa là, cần phải tận dụng lợi thế để những can thiệp này không chỉ đáp ứng với một “dạng thức” [format] nhất định đã được củng cố mà còn mở ra khả năng đào sâu hơn. Mặt khác, tôi rất coi trọng điều cuối cùng mà bức thư nói: rằng tôi phải bảo đảm để cả tài liệu của thánh bộ và của những thánh bộ khác “chấp nhận Huấn quyền gần đây”.

Đây là điều chủ yếu cho sự mạch lạc nội tại của tư tưởng trong Giáo triều Rôma. Bởi vì có thể xảy ra việc câu trả lời được đưa ra cho một số vấn đề thần học mà không chấp nhận những gì Đức Phanxicô đã nói là mới về những vấn đề này. Và nó không những chỉ chèn một cụm từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà còn để cho suy nghĩ được biến đổi theo tiêu chuẩn của ngài. Điều này đặc biệt đúng đối với thần học luân lý và mục vụ.

Trong lá thư gửi cho các Đức Tổng Giám Mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài không muốn Đức Tổng Giám Mục bách hại những sai lầm về giáo lý, cũng như vai trò lịch sử của thánh bộ, nhưng Đức Tổng Giám Mục nên khuyến khích đối thoại thần học. Điều này đặt ra hai câu hỏi cho con. Đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục nghĩ thế nào về việc nhiệm vụ của thánh bộ của Đức Tổng Giám Mục đã thay đổi kể từ khi được thành lập vào năm 1542? Tức là đã có lúc cần phải phân biệt rạch ròi giữa tà thuyết và dị giáo? Tại sao bây giờ lại cần một cách tiếp cận khác?

Coi này, trên thực tế, tôi muốn minh xác điều này: không nên giải thích là tôi phải làm điều gì đó mà Đức Hồng Y [Luis] Ladaria đã làm một cách tồi tệ. Không phải như vậy, vì thực ra chúng ta biết Đức Hồng Y Ladaria không lên án ai cả, ngài là người rất hiểu biết và đối thoại. Theo nghĩa đó, những năm làm bộ trưởng của ngài đã tạo ra một sự thay đổi. Nhưng chính ngài đã nói với tôi trong chuyến viếng thăm ad limina của các giám mục Á Căn Đình rằng các vấn đề kỷ luật chiếm hầu hết thời gian, và hầu như không còn thời gian cho thần học. Điểm này rất quan trọng, bởi vậy giờ đây Đức Thánh Cha yêu cầu tôi cống hiến hết mình cho thần học và thúc đẩy việc đào sâu tư tưởng.

Thứ hai, đối thoại thần học có ý nghĩa gì đối với Đức Tổng Giám Mục? Làm thế nào để Đức Tổng Giám Mục hình dung nhiệm vụ này? Nó ám chỉ điều gì?

Nếu bà nhìn vào những người tạo thành Ủy ban Thần học Quốc tế, bà sẽ thấy rằng họ là những người thuộc các đường hướng khác nhau, nhưng họ có nhiệm vụ soạn thảo một tài liệu chung. Kinh nghiệm của Aparecida, và mục tiêu của Bergoglio vào thời điểm đó, bao gồm việc đạt được một tài liệu cuối cùng phản ảnh sự phong phú và đa dạng của cuộc thảo luận trong những tuần đó. Một mặt, đối thoại thần học bao hàm việc tìm kiếm một sự đồng thuận nào đó, nhưng không phải mọi sự đều bị giản lược vào sự đồng thuận.

Một bản văn cũng có thể thu thập và cho thấy rằng ngoài những sự đồng thuận này, còn có nhiều ý kiến khác nhau có thể làm phong phú thêm chủ đề đó, cần phải tiếp tục đào sâu. Không phải tất cả mọi thứ nên được “đóng cửa”. Chẳng hạn, chúng ta hãy nhớ lại cuộc tranh luận nổi tiếng về de auxiliis [về ơn Thiên Chúa hộ trợ], trong đó hai trường phái thần học [Dòng Đa Minh và Dòng Tên] tranh cãi và lên án nhau. Vị Giáo hoàng lúc bấy giờ [Đức Clêmentê VIII] không muốn khép lại vấn đề và nói rằng đây vẫn là vấn đề tự do thảo luận cần được tìm hiểu thêm.

Mặt khác, ngày nay chắc chắn cần phải kết hợp các yếu tố phát xuất từ cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, nhưng phải chấp nhận rằng điều này không có nghĩa là tất cả chúng ta sử dụng cùng các phạm trù thần học hoặc cùng một ngôn ngữ. Cần phải chấp nhận một lần và mãi mãi rằng có những ngôn ngữ thần học khác nhau. Thánh Augustinô và Thánh Tôma đã nói rằng thần học cũng được làm với các phép ẩn dụ. Chẳng hạn, trong đối thoại liên tôn, không gian phong phú và huynh đệ nhất diễn ra giữa các đan sĩ, những người phát biểu từ kinh nghiệm tâm linh nơi tìm thấy những điểm tiếp xúc quý giá.

Một số người rõ ràng không thoải mái với sự thay đổi trong cách tiếp cận này và sợ rằng “đối thoại thần học” sẽ dẫn đến sự thay đổi trong các giáo huấn và tín lý quan trọng nhất của Giáo Hội, chẳng hạn như giáo huấn về hôn nhân và đồng tính luyến ái. Đức Tổng Giám Mục có coi những giáo huấn này sẵn sàng để được thay đổi không? Đối thoại về những vấn đề như vậy có ý nghĩa gì đối với Đức Tổng Giám Mục?

Tất cả các giáo huấn của Giáo hội đều có một sự phong phú to lớn. Đối với tôi, có vẻ hơi viển vông khi tin rằng mọi thứ đều rõ ràng về những vấn đề này. Nơi chúng, mầu nhiệm gây phấn khích về các cuộc đời nhân bản đang diễn ra, nơi không phải mọi thứ đều là toán học. Há Thánh Tôma chẳng đã nói rằng “càng đi sâu vào chi tiết, ý muốn của Thiên Chúa càng trở nên rối rắm” đó sao?” Và ngài không phải là người theo thuyết tương đối. Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi về rất nhiều điều, và hãy nói thật rõ ràng: tín lý của Tin Mừng không thay đổi, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về tín lý này thay đổi, và thay đổi rất nhiều.

Tương tự như vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như nhiều người trước ngài, thường sử dụng cụm từ “sự phát triển của tín lý”. Điều này khiến một số người lo lắng, bởi vì đối với họ, phát triển có nghĩa là thay đổi. Đức Tổng Giám Mục hiểu tín lý ra sao? Và do đó, Đức Tổng Giám Mục sẽ mô tả ra sao tiến trình khi học thuyết “phát triển”?

Như tôi đã nói với bà, ý nghĩa là “phát triển trong sự hiểu biết của chúng ta về tín lý”. Nhưng thông thường, điều này dẫn đến sự thay đổi trong cách diễn đạt tín lý, vì sự hiểu biết nhiều hơn đòi ngôn ngữ được điều chỉnh hoặc làm phong phú hơn để diễn đạt điều đã được hiểu rõ hơn. Đó là, “sự phát biểu tín lý” cũng được phát triển.

Mặt khác, nếu chúng ta cho rằng mối quan tâm thường xuyên của Đức Giáo Hoàng là đạt được mục tiêu truyền giảng Tin Mừng và sự nhạy cảm mục vụ, thì chúng ta có thể nói rằng hình thức, cách diễn đạt, trở thành một phần của nội dung, bởi vì nó có thể gây khó hiểu. Thí dụ, nói rằng Thiên Chúa là bất biến là đúng và không thể chối cãi, nhưng phải bổ sung cho cách diễn đạt đó với những người khác, vì ngày nay khi nhiều người nghe điều đó, họ hiểu rằng Thiên Chúa thật nhàm chán hoặc không có năng động tính.

Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta nói rằng trong Chúa Kitô, chỉ có một ngôi vị thần linh, Chúa Con, không phải là một ngôi vị nhân bản. Đó là tín điều, nhưng người ta phải làm phong phú cách diễn đạt đó với những người khác để tránh nó bị hiểu sai hoặc người ta hiểu rằng Chúa Kitô không phải là người thật. Điều này có thể giúp hiểu tại sao Đức Giáo Hoàng muốn có một vị tổng trưởng là một nhà thần học nhưng đồng thời cũng là một linh mục quản xứ, giáo lý viên và giáo viên. Liên quan đến điều này là một vấn đề mà Đức Phanxicô đã nhấn mạnh rất nhiều: phẩm trật các chân lý, không chỉ hàm ý một thứ bậc quan trọng nhất định, mà còn bao hàm một số chân lý được hiểu dưới ánh sáng của các chân lý khác.

Trong một số bài đăng trên mạng xã hội của Đức Tổng Giám Mục, ngài đã nói rằng có một số người Công Giáo ở Hoa Kỳ đã chỉ trích ngài và một số bài viết của ngài, bao gồm cả tập sách trước đây của ngài về nụ hôn, để chỉ trích Đức Giáo Hoàng. Ngài có nghĩ rằng điều này là do sự hiểu lầm ngài và Đức Giáo Hoàng Phanxicô không? Ngài nghĩ người Công Giáo ở Hoa Kỳ có những hiểu lầm nào về vị giáo hoàng này và làm thế nào để làm sáng tỏ những hiểu lầm đó?

Bà phải nói “một số” người Mỹ, chẳng hạn như trường hợp của một số người Tây Ban Nha, Pháp hoặc Ba Lan. Ở Hoa Kỳ, dân chúng được giáo dục rất tốt, và sự phát triển vượt bậc mà Hoa Kỳ có được chỉ trong vài thập niên nói lên năng lực tuyệt vời của người dân đó. Tôi sẽ không bao giờ chê bai một dân tộc cao quý và có năng lực như vậy.

Nhưng cũng có những thiểu số có khuynh hướng cuồng tín, thù hận, và điều này dẫn đến cái nhìn phiến diện chỉ tìm kiếm mặt tối của kẻ thù. Khi điều này được thêm vào sự kiện những nhóm thiểu số này có rất nhiều quyền lực kinh tế, có thể họ sẽ đạt được tác động lớn hơn trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Nhiều khi không phải ác mà là đam mê nên tôi không phán đoán họ, nhưng tôi phải nói rằng một số lượng giá về Đức Thánh Cha và cả về cá nhân tôi là không công bằng và không khách quan lắm.

Không có gì bí mật khi những lời chỉ trích có thể sẽ tiếp tục, vì không phải ai cũng chia sẻ tầm nhìn của ngài. Ngài muốn nói gì với những người còn hoài nghi về cách thức mà ngài sẽ thi hành nhiệm vụ mà ngài sắp đảm nhận?

Tôi muốn nói rằng tôi không phải là Hội Tam điểm, cũng không phải là đồng minh của Trật tự Thế giới Mới, cũng không phải là gián điệp của Soros xâm nhập vào Giáo Hội. Đó là những tưởng tượng thuần túy. Tôi thường thú nhận: tôi cố gắng trở thành một người trung thực, tôi yêu mến Giáo hội và tín lý của Giáo hội, hầu hết các bài viết của tôi là về linh đạo và cầu nguyện. Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi mà không có Thiên Chúa. Vì vậy, [họ có thể] tin tưởng, và tốt hơn là [họ] nên tìm kiếm kẻ thù của đức tin ở nơi khác.

Cuối cùng, người ta đã nói rõ rằng ngài sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề thần học và giáo lý và sẽ để lại những nỗ lực chống khủng hoảng lạm dụng cho các chuyên gia trong bộ mới của ngài. Tuy nhiên, bảo vệ trẻ em vẫn là một phần lớn về những gì bộ của ngài làm và đó là một chủ đề quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo. Ngài sẽ hỗ trợ những nỗ lực bảo vệ trẻ em như thế nào và cuộc khủng hoảng lạm dụng nằm ở đâu trong các ưu tiên của ngài khi ngài bước vào vai trò mới của mình?

Tôi sẽ khuyến khích công việc của bộ phận kỷ luật, tránh can thiệp vào những vấn đề không thuộc chuyên môn của tôi. Chúng ta phải để các chuyên gia làm việc. Trong những năm gần đây họ đã thể hiện sự nghiêm túc và tính chuyên nghiệp cao.

Vì lý do này, quyết định của Đức Thánh Cha để tôi tập trung vào các vấn đề tín lý không hề giảm thiểu tầm quan trọng của cuộc chiến chống lạm dụng, nó cho thấy sự tin tưởng của ngài đối với những người hiểu biết [tốt nhất về những vấn đề này] để họ tiếp tục đi đúng hướng, một hướng từng chút một đang được củng cố. Tôi sẽ không ngừng khuyến khích họ, dành cho họ sự hỗ trợ và lòng biết ơn của tôi, giúp đỡ họ bằng mọi cách họ cần, nhưng không qui định họ trong nhiệm vụ chuyên môn của họ.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS