Theo tin của Tyler Arnold thuộc hãng tin CNA Ngày 21 tháng 8 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Dành riêng lo về Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Năm đã cảnh báo về những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm lật đổ Kitô giáo bằng cách thay đổi các phần của Kinh thánh.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang viết lại Kinh thánh,” Dân biểu Mike Gallagher, R-Wisconsin, cho biết như thế trong một thông điệp được ghi âm trước gửi tới cuộc họp định kỳ hai năm một lần của Nghị viện Tôn giáo Thế giới ở Chicago được tổ chức từ ngày 14 tháng 8 đến ngày 18 tháng 8.
Gallagher đã thảo luận về hai thí dụ trong đó chính phủ Trung Quốc đã viết lại một số phần của Kinh thánh và dạy nó như sự thật. Trong một thí dụ, ông lưu ý đến sự trình bày sai về câu chuyện trong Tin Mừng Gioan, trong đó Chúa Kitô nói, “Hãy để người vô tội trong các ngươi ném viên đá đầu tiên” khi một phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.
Gallagher nói, “Đó là một câu chuyện hay về sự tha thứ và lòng thương xót – tất nhiên trừ khi bạn là quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lúc đó, câu chuyện là về một người bất đồng chính kiến thách thức chính quyền nhà nước. Người ta có thể thoáng thấy việc một cuốn Kinh thánh có đặc điểm xã hội chủ nghĩa trông ra sao trong sách giáo khoa của một trường đại học Trung Quốc vào năm 2020. Đoạn trích Tin Mừng Gioan được viết lại kết thúc không phải bằng sự thương xót mà bằng việc chính Chúa Giêsu ném đá người phụ nữ ngoại tình cho đến chết.”
Như Liên minh Tin tức Công Giáo Châu Á đưa tin vào tháng 9 năm 2020, một cuốn sách giáo khoa do Nhà xuất bản Khoa học và Công nghệ Điện tử do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành đã khẳng định sai rằng câu chuyện kết thúc bằng việc Chúa Kitô ném đá người phụ nữ đến chết, tuyên bố mình là tội nhân và nói “ nếu luật pháp chỉ có thể được thực thi bởi con người một cách không tì vết thì luật pháp đó sẽ chết.”
Trong một thí dụ khác, Gallagher nói rằng các quan chức địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã buộc các nhà thờ phải thay thế việc trưng bày Mười Điều Răn bằng những câu trích của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Gallagher lưu ý: “Những câu trích như ngươi không được có vị thần nào khác trước ta’ đã trở thành những mệnh lệnh như ‘kiên quyết đề phòng sự xâm nhập của hệ tư tưởng phương Tây’. “… Tập Cận Bình không có vấn đề gì với Điều răn thứ nhất trừ khi ông ấy và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đóng vai Thiên Chúa.”
Tòa Thánh đã ký một thỏa thuận tạm thời kéo dài hai năm với Trung Quốc vào năm 2018, được gia hạn vào năm 2020 và 2022. Tuy nhiên, một số viên chức Vatican đã cảnh cáo rằng thỏa thuận này không đảm bảo đủ quyền tự do tôn giáo cho người Công Giáo. Vào tháng Tư, một giám mục đã được bổ nhiệm đến Thượng Hải mà không có sự chấp thuận của Vatican, nhưng cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận việc bổ nhiệm vào tháng Bảy.
Gallagher lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ công nhận hợp pháp năm tôn giáo nhưng các tôn giáo ít được công nhận hơn thậm chí còn phải đối mặt với sự đàn áp nhiều hơn những tôn giáo được công nhận hợp pháp. Thí dụ, ông lưu ý rằng “đôi khi, một nửa dân số Trung Quốc bị cải tạo thông qua các trại lao động, hay các gulags hiện đại, là những học viên Pháp Luân Công, và hàng nghìn người được cho là đã bị tra tấn đến chết”. Ông cũng đề cập đến cuộc đàn áp “những người theo đạo Phật và người Hồi giáo ở vùng viễn Tây của đất nước [những người] đang phải đối đầu với nỗ lực tiêu diệt đức tin của họ và trong một số trường hợp là dân số của họ”.
Bất chấp sự đàn áp các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc, Gallagher cũng lưu ý rằng đức tin vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
Gallagher nói: “Tôi đã nghe những câu chuyện không thể tưởng tượng được về cuộc đàn áp tôn giáo. Nhưng tôi cũng đã lắng nghe lời tường thuật của các giáo hội hầm trú, các giáo sĩ dũng cảm và các tín hữu kiên định cũng can đảm như các vị thánh của Giáo hội sơ khai”