Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Nghe bài này

Cardinal_Stanislaw_Dziwisz_CNA_World_Catholic_News_1_14_11Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dzwisz, Tổng Giám Mục Cracovia

Sáng Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 150 Hồng Y và 700 Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc. Có 10.000 linh mục cùng hiện diện trong thánh lễ với 800.000 tín hữu, đứng chật quảng trường thánh Phêrô, quảng trường Pio XII, đại lộ Hòa giải, lâu đài Thiên Thần trên hai cầu và các đường chung quanh quảng trường. Khoảng 3 triệu tín hữu còn lại đã theo dõi thánh lễ trên các màn truyền hình khổng lồ bố trí tại Circo Massimo và tất cả mọi quảng trường lớn trong thành phố Roma như quảng trường thánh Gioan Laterano, quảng trường Popolo, quảng trường Navona, quảng trường Risogimento vv… Ngoài ra dân chúng đó đây trên thế giới có thể theo dõi thánh lễ trong hàng trăm rạp Cine ba chiều kích, và đã có 2 tỷ người có thể theo dõi thánh lễ qua các đài truyền hình quốc tế.

Lễ phong Hiển Thánh nói trên đã là biến cố duy nhất trong lịch sử dài hơn 2.000 năm của Giáo Hội: hai Giáo Hoàng còn sống phong Thánh cho hai Giáo Hoàng tiền nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô II trong 39 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Hồng Y đã quen Đức Gioan Phaolô II khi nào?

Đáp: Tôi đã biết Đức Karol Wojtila khi ngài còn là giáo sư và chưa là Giám Mục. Ngài dậy môn dẫn nhập Triết và Thần học năm thứ I tại đại chủng viện. Chúng tôi đã nhận ra ngay một con người rất đặc biệt, có nền tu đức sâu xa và cũng là một giáo sư rất giỏi, luôn luôn được chuẩn bị, các bài dậy học của ngài rất hay. Vì thế ngài đã chinh phục được cảm tình lớn của các sinh viên chúng tôi ngay lập tức. Điều gì đã đánh động chúng tôi? Khi tới giờ nghỉ, ngài luôn luôn vào nhà nguyện. Khi ngài ở trong nhà nguyện thì không có gì khác hiện hữu nữa. Và chúng tôi từ xa khâm phục ngài…

Hỏi: Các sinh viên như Đức Hồng Y đã hiểu ngay là mình đang đứng trước một người đặc biệt. Thế rồi Đức Hồng Y đã ở bên cạnh Đức Karol Wojtila gần 40 năm trời, và chính ngài đã truyền chức Linh Mục cho Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng mà tôi còn có các điều khác nữa: truyền chức Giám Mục, tất cả… tất cả là từ tay của ngài. Tôi đã phục vụ ngài trong 39 năm: 12 năm tại Cracovia và 27 năm tại Roma. Tôi đã sống với một vị thánh.

Hỏi: Từ sự cường tráng của một người trẻ cho tới sự yếu đuối trong bệnh tật và tuổi già, cho tới các giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế lúc 21 giờ 37 phút chiều ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y đã là chứng nhân sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, một sự thánh thiện được diễn tả ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Đức Hồng Y, có một hình ảnh đặc biệt nào diễn tả hay nhất sự thánh thiện của ngài hay không?

Đáp: Tôi đã bị đánh động sau vụ mưu sát. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài còn tỉnh ngài đã cầu nguyện nhỏ tiếng cho kẻ mưu sát ngài. Ngài không biết là ai nhưng ngài đã tha thứ cho họ, và ngài dâng sự khổ đau của ngài để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Ngài đã không cầu nguyện cho chính mình được tai qua nạn khỏi, nhưng cầu nguyện cho kẻ khác. Và vì thế đây là một điều ngoại thường. Tất cả mọi sự luôn luôn đi qua lời cầu nguyện. Người ta đã hỏi tôi ngài cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ. Nhưng ngài cầu nguyện suốt cuộc đời ngài.

Ngài cầu nguyện với cuộc sống. Không thể tách rời lời cầu nguyện khỏi công việc làm. Toàn cuộc sống của ngài là một lời cầu nguyện. Và mọi điều ngài làm đều đi qua lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho ai? Có nhiều người nói tới lời cầu nguyện theo vùng địa lý, nghĩa là hết nước này sang nước khác, hết quốc gia này tới quốc gia khác. Và ngài cầu nguyện cho nhiều điều: cho hòa bình, cho công lý, cho việc tôn trọng con người, cho việc tôn trọng các quyền con người, và ngài cũng cầu nguyện cho các cá nhân cụ thể. Thế rồi toàn cuộc sống của ngài đã bị ghi dấu bởi đau khổ: trước hết ngài đã mất mẹ, tiếp đến là mất anh, rồi ngày 13 tháng 5 năm 1981 lại đã bị mưu sát.

Hỏi: Đức Gioan Phaolô II là một con người cầu nguyện, một nhà thần bí, một người chiêm niệm, đã chọn khẩu hiệu ”Totus tuus – Tất cả là của Mẹ” như sợi chỉ dẫn đường trong suốt cuộc sống, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Totus tuus: tất cả là của Mẹ diễn tả lòng sùng kính của Đức Gioan Phaolô II đối với Mẹ Maria, nhưng mà ngài cũng có lòng sùng kính rất lớn đối với Chúa Thánh Thần. Điều này ngài đã học được từ thân phụ của ngài. Thế rồi ngài cũng rất sùng mộ Kinh Mân Côi, qua đó ngài cùng với Mẹ Maria suy niệm cuộc đời của Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khía cạnh chiêm niệm này của Đức Gioan Phaolô II đi chung với ý thức cụ thể mạnh mẽ của ngài, và thật ra ngài là một vị thánh nhân bản một cách sâu xa. Ngài là một Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng một cách sâu xa trong lịch sử…

Đáp: Chắc chắn rồi. Ngài rất gắn bó với quê hương mình, nhất là với Cracovia, gắn bó với nền văn hóa, với Giáo Hội Ba lan, nhưng rất cởi mở cho toàn Giáo Hội, cho toàn thế giới, đối với các quốc gia, và cả đối với tất cả các tôn giáo… Ngài có nhiều tình bạn với các người Do thái và cũng có các tiếp xúc với các người Hồi và các nhân vật của các tôn giáo khác. Ngài luôn luôn nói: ”Chúng ta xây cầu, chứ không xây tường”.

Hỏi: Khi nghĩ tới các Thánh, người ta thường tưởng tượng phải đi xa trong lịch sử. Trong trường hợp này chúng ta không cần phải nhìn lại thời gian xa đàng sau: chúng ta nói tới một Giáo Hoàng Thánh chỉ chín năm sau khi người qua đời. Như thế Đức Gioan Phaolô II thuộc thời đại của chúng ta, là người có một sứ điệp rất là thời sự, có phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cả ngày nay nữa Đức Gioan Phaolô II cũng gợi hứng cho con người, nhất là giới trẻ: tôi đã trông thấy các người trẻ ở Rio de Janeiro, các người trẻ thuộc thế hệ mà tôi đã không biết. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tên ngài, đã có một sự nhiệt tình rất lớn, cũng như nhiệt tình khi họ nghe loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới tại Cracovia, trên quê hương và trong thành phố của Đức Gioan Phaolô II. Trong các môi trường khác nhau: môi trường xã hội, môi trường thần học – ngài đã luôn luôn hiện diện, ngài đã để lại một gia tài giáo lý cần đào sâu và thực hiện, nhất là trong lãnh vực bảo vệ các quyền con người và sự tự do của con người và của các quốc gia… Có thể đề cập tới các đề tài khác nhau: ngài luôn luôn hiện diện.

Hỏi: Thật thế, vì đã không có lớp người nào mà Đức Gioan Phaolô II không tiếp xúc. Đức Hồng Y vừa nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng mà Đức Gioan Phaolô II cũng gần gũi người già cả, bệnh tật, người nghèo, trẻ em, các cặp vợ chồng, và các người sống đời thánh hiến nữa, người đã là vị Giáo Hoàng của việc bênh vực sự sống… Tóm lại là một Giáo Hoàng đã thực sự nói với toàn nhân loại…

Đáp: Chắc chắn rồi, người đã là vị Giáo Hoàng bênh vực sự sống con người một cách tuyệt đối. Người cũng đã là vị Giáo Hoàng của gia đình. Ngài đã có một tương quan tình bạn với giới trẻ, tình bạn với con người. Ngay từ đầu ngài đã hiểu rằng người trẻ nhạy cảm, họ xin được đồng hành và trả lời cho các vấn nạn của họ. Ngài là vị Giáo Hoàng đã nói thay cho những người nghèo, nói với các quốc gia nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tại sao người viếng thăm các quốc gia thuộc thế giới thứ ba? Đó là để lên tiếng và kêu gọi người giầu ”Anh chị em phải trợ giúp người nghèo, nếu không sẽ xảy ra một thế chiến mới”. Người đã công du rất nhiều lần sang Phi châu, hay Á châu, nhất là viếng thăm các nước nghèo, để kêu lên, để nói thay cho người dân đau khổ vì nghèo túng, và cũng để kêu gọi những người giầu trên thế giới, để họ thay đổi cung cách hành xử đối với các nước nghèo đang cần được trợ giúp.

Hỏi: Nghĩa là Đức Gioan Phaolô II lắng nghe mọi người, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều này không có nghĩa là ngài đồng ý với tất cả những gì ngài nghe, nhưng ngài tôn trọng con người, không phải chỉ đối với các tín hữu kitô, nhưng đối với cả những người không tin, các người không phải là kitô hữu, người do thái, người hồi giáo, một sự tôn trọng rất lớn. Vì thế ngài đã là vị lãnh đạo tôn giáo đối với tất cả mọi người. Ngài đã chiến đấu chống lại mọi bức tường phân cách. Tôi nghĩ rằng chính ở đây ngài đã rộng mở Giáo Hội cho thế giới và đã khiến cho thế giới tới gần với Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống biến cố tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaolô II như thế nào?

Đáp: Tôi không biết… Tôi không biết. Chắc chắn đối với tôi đó là một điều phi thường nghĩ rằng từ nay trở đi tôi sẽ gọi người là Thánh. (RG 27-4-2014)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS