Trong số các thành viên của nhóm nghiên cứu có Đức Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Luciano Russo, Đức Tổng giám mục Salvatore Pennacchio, Giám đốc Học viện đào tạo các nhân vật ngoại giao của Tòa Thánh. Nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra những đề nghị nhắm cải thiện vai trò của các Sứ thần, để họ có thêm tinh thần truyền giáo và tính hiệp hành. Nhóm đã bắt đầu công việc với các cuộc họp với các viên chức của Phủ Quốc vụ khanh và các Chủ tịch các Hội đồng Giám mục ở các châu lục.
Sau phiên họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, Đức Thánh Cha đã xác định một số vấn đề cần được nghiên cứu đặc biệt, trong đó có vai trò của các Sứ thần. Ngài muốn chuyển trọng tâm của các Sứ thần Tòa Thánh.
Vai trò của các Sứ thần: giúp đỡ các giám mục địa phương
Theo Đức Hồng y Gracias, có lo ngại rằng các Sứ thần có thể trở nên quá quan liêu nếu họ chủ yếu hoạt động như các đại sứ của Tòa Thánh. Do đó, Đức Thánh Cha đang cố gắng chuyển trọng tâm này trở lại và giúp họ thấy vai trò của họ là giúp đỡ các giám mục địa phương. Cuối cùng, họ không nên hoàn toàn tách khỏi vấn đề hiệp hành.
Đức Hồng y giải thích rằng Đức Thánh Cha nhấn mạnh vào vai trò kép của Sứ thần Tòa Thánh là đại sứ của Tòa Thánh tại chính quyền tương ứng và đồng thời là đại diện của Đức Thánh Cha tại các giáo hội địa phương. Ngài nói: “Đức Thánh Cha hiện nhấn mạnh rằng làm việc với giáo hội địa phương và các giám mục là quan trọng hơn”.
Hồng y Tổng Giám mục Bombay giải thích rằng các Sứ thần có tinh thần truyền giáo có thể theo nghĩa là họ khuyến khích các giám mục, giúp đỡ họ và nhìn thấy sứ vụ của Giáo hội có thể được phát triển thế nào.
Ngài cũng cho biết: “Tại một số cuộc họp và cũng với Đức Thánh Cha, tôi đã nói rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nhiều với các Sứ thần và Hội đồng Giám mục địa phương. Điều này sẽ giúp ích cho giáo hội địa phương bởi vì các Sứ thần thường đến từ một quốc gia và nền văn hóa khác. Do đó các Sứ thần cần có cái nhìn hiệp hành với Giáo hội địa phương.
Hồng Thủy – Vatican News