ĐHY Parolin: Cuộc cải cách của ĐTC Phanxicô sẽ tiếp tục

Nghe bài này

Trong buổi giới thiệu cuốn sách mới, “Năm câu hỏi đánh động Giáo hội”, của nhà nghiên cứu Vatican nổi tiếng Ignazio Ingrao, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin nói rằng các dự án cải cách do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng – không chỉ về các tổ chức như Giáo triều Rôma, mà cả các thái độ và cách tiếp cận mục vụ – sẽ không bị thay đổi, mặc dù một số dự án có thể có những hình thức khác trong tương lai.

Cuốn sách của tác giả Ignazio Ingrao đa dạng và có phạm vi rộng bao gồm nhiều tin tức và sự kiện thời sự, bao gồm cả cuộc thảo luận về Huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô và các tài liệu khác nhau được ban hành trong triều đại giáo hoàng của ngài.

“Chính vì đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần nên không thể có sự quay ngược lại”

Trả lời câu hỏi thứ năm: “Điều gì sẽ xảy ra với những cải cách được Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện?” Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh đến sự cần thiết của cầu nguyện và kiên nhẫn, đồng thời nói rằng sự phân định sẽ chỉ ra, theo tốc độ riêng của nó, “làm thế nào để tiếp tục và những gì cần thể chế hóa”. Mặc dù một số người có thể lo lắng – hoặc hy vọng – những sự đảo ngược, nhưng theo Quốc vụ khanh Tòa Thánh: “Chính vì đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần nên không thể có sự quay ngược lại”.

Trong phần giới thiệu của cuốn sách, ông Ingrao nói về “các tiến trình không thể đảo ngược” cần phải đi đôi với một “phản ứng mục vụ” cần thiết cũng như “một phản ứng mang tính đạo đức và luân lý”.

“Giáo hội luôn cần được cải cách”

Nhắc lại ý tưởng đó, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh cụm từ tiếng Latinh Ecclesia semper Reformanda, “Giáo hội luôn cần được cải cách”. Ngài giải thích điều này có nghĩa là “Giáo hội phải luôn được đưa trở lại hình thức đúng đắn của nó”, như Hiến chế Lumen gentium dạy rằng Giáo hội, trong khi thánh thiện, luôn cần được thanh tẩy, bởi vì Giáo hội bao gồm các tội nhân.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng tựa đề của cuốn sách, đề cập đến từ “đánh động”, mời gọi người đọc xem xét các câu hỏi “với nhận thức và sự thận trọng khi chúng ta tiếp cận những tình huống hỗn loạn hoặc đáng sợ”, nhưng cũng với niềm tin tưởng vào Chúa như các môn đệ đã có khi họ đang ở trên một chiếc thuyền bồng bềnh trên Biển hồ Galilê.

Thử thách cũng là cơ hội

Hành trình vượt biển của các môn đệ cho thấy mỗi cuộc vượt biển đều ẩn chứa những thử thách, điều có thể được coi không chỉ là khó khăn, nguy hiểm mà còn là cơ hội; và những điều này, Đức Hồng Y nói, là “một phần trong phương pháp sư phạm khôn ngoan của Thiên Chúa mà qua đó Người giáo dục chúng ta, và làm cho chúng ta trưởng thành và tiến bộ”. Chúng giúp chúng ta hiểu rằng các môn đệ chúng ta cũng luôn cần được sửa chữa vì chúng ta có thể ảo tưởng rằng việc mục vụ của chúng ta – và chính Giáo hội – được an toàn trước mọi thiếu sót”.

Quốc vụ khanh Tòa Thánh nói: “Mặc dù chúng ta trải qua rất nhiều khó khăn, rất nhiều căng thẳng là một phần của cuộc sống hàng ngày, chúng ta biết rằng chúng ta có những điểm cố định và sẽ không thất bại”.

Bốn câu hỏi khác

Bốn câu hỏi còn lại trong cuốn sách là: Giáo hội ngày nay nói với ai? Giáo hội có thể phản ứng thế nào trước sự suy thoái trong việc thực hành tôn giáo? Sự cởi mở đối với giáo dân và phụ nữ có thực sự hay chỉ là bề ngoài? Làm thế nào Giáo hội có thể nói với con người hiện đại về giới tính, sự khởi đầu và kết thúc của sự sống?

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS