Sau khi bày tỏ lòng biết ơn các tham dự viên vì đã quảng đại đáp lời mời gọi của Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, và là Tổng đại diện của Đức Thánh Cha tại Quốc gia thành Vatican và của Quỹ Fratelli tutti, đến tham dự cuộc gặp gỡ, Đức Hồng Y Parolin nói: “Hôm nay anh chị em quy tụ lại như một dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Sự hiện diện của anh chị em ở đây đã là một dấu hiệu của hy vọng. Anh chị em đã chọn tập hợp sự phong phú của những khác biệt và kinh nghiệm mà mỗi người mang theo, để làm chứng cho những gì liên kết nhân loại chúng ta và cho phép chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em, như Đức Thánh Cha đã dạy.”
Ngài nhận xét nhiều người trong số các tham dự viên của buổi gặp gỡ tình Huynh đệ Nhân loại có thể làm chứng rằng việc dệt mạng lưới đối thoại cần sự kiên nhẫn và nhiều khó khăn, nhưng đó là điều cao quý vì ích lợi cho cộng đồng nhân loại. Trên hành trình gian truân này, Thông điệp Fratelli tutti sẽ nâng đỡ chúng ta trong ý muốn thực hiện các bước hướng tới tình bạn xã hội giữa các dân tộc và giải quyết các cuộc xung đột.
Trong Thông điệp Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng đối thoại “kiên trì và can đảm chẳng ồn ào đưa tin như những bất đồng và xung đột, nhưng âm thầm giúp thế giới có cuộc sống tốt hơn chúng ta nghĩ” (số 198). Vì thế, Đức Thánh Cha đề nghị nuôi dưỡng không chỉ một linh đạo huynh đệ nhưng cần một tổ chức thế giới hiệu quả hơn, để giúp giải quyết các vấn đề cấp bách.
Đức Hồng Y nói tiếp: “Tình huynh đệ là ơn gọi phổ quát, được thực hiện cách cụ thể bắt đầu từ mỗi người, bắt đầu từ chính tôi khi ‘tôi không còn nói tôi có những người thân cận để giúp đỡ, nhưng tôi cảm thấy được mời gọi trở thành người thân cận của người khác’”.
Theo Quốc vụ khanh Toà Thánh, tất cả các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua: địa chính trị, việc làm, khí hậu, xã hội, đều được kết hợp bởi nhu cầu hợp tác vì công ích, xây dựng các mối quan hệ, các quy tắc và thể chế có khả năng nhìn xa hơn những lợi ích cá nhân. Có thể nói, một “hệ sinh thái của tình huynh đệ nhân loại.”
Đức Hồng Y kết thúc bài phát biểu bằng việc khẳng định rằng lịch sử và sự dấn thân của những người tham dự cuộc gặp gỡ này làm chứng rằng hoà bình là có thể. Và một lần nữa ngài cám ơn tất cả vì sự hiện diện và chúc mọi người có một ngày làm việc tốt đẹp, để trong cuộc gặp gỡ này luôn vang lên âm thanh cụm từ “hy vọng”. Một niềm hy vọng mà thế giới đang khao khát, một niềm hy vọng cụ thể, một hy vọng “táo bạo”.
Ngọc Yến – Vatican News