Sorting by

×

ĐHY Phó Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả mở Cửa Thánh Đền thờ

Nghe bài này

Nhân lễ trọng kính Đức Maria Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, Đức Hồng y Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả cử hành nghi thức Năm Thánh. Trong bài giảng ngài nhắc lại rằng chúng ta được mời gọi đến với niềm hy vọng vui tươi. Ngài suy tư về món quà thời gian, “thụ tạo của Chúa” và cảnh báo về tác động của các công nghệ mới có nguy cơ không định giá được nó. Không phải chúng mang đến sự “an ủi” trước những khó khăn, lo lắng, mà là khuôn mặt của Đức Trinh Nữ, “con tàu an toàn giữa cơn lũ”.

Cửa Thánh được mở ra giữa tiếng vang của quả chuông “Người Lạc đường”. Chuông này được đưa đến tháp chuông mới của Đền thờ Đức Bà Cả vào năm 1376, điểm cao nhất của trung tâm Roma, và được đặt tại đây cho đến năm 1884. Khi chuông bị nứt và được gỡ xuống và đưa đến Bảo tàng Vatican. Chuông được gióng lên vào lúc 9 giờ tối để nhắc nhớ câu chuyện về người hành hương bị lạc trong đêm và nhờ tiếng chuông đã tìm được đường trở lại thành phố. Từ nay trở đi, câu chuyện về “Người Lạc Đường” sẽ không chỉ đề cập đến người hành hương trẻ tuổi mà còn đề cập đến chính chiếc chuông lịch sử đã quay trở lại Đền thờ sau 140 năm.

Trong bài giảng, Đức Hồng y đã liên kết ý nghĩa của những thánh tích quý giá được lưu kính tại Đền thờ Đức Bà Cả với ý nghĩa của Năm Thánh. Ngài cũng nhắc rằng “Không phải những ý tưởng hay công nghệ sẽ mang lại cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng, mà là khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa”.

Tiếng Chuông “Người Lạc Đường” – tiếng Mẹ Thiên Chúa kêu gọi chúng ta

Trước tiên là chuông “Người Lạc Đường”. Đức Hồng y nói rằng tiếng chuông “Người Lạc Đường” là tiếng Mẹ Thiên Chúa gọi chúng ta. Ngài nói: “Từ đỉnh đồi Esquilino, điểm cao nhất của trung tâm Roma, kể từ Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội, tiếng chuông tiếp tục tỏa lan âm thanh của nó khắp Kinh thành muôn thưở, mang đến niềm an ủi cho mọi người hành hương”.

Ngài giải thích rằng âm thanh của chiếc chuông này không chỉ đánh dấu giờ và giờ cầu nguyện, mà còn biến thành âm thanh hình ảnh truyền thống được gán cho Đức Maria, hình ảnh người hướng dẫn và biển chỉ dẫn, Stella Maris (Sao Biển), soi sáng con đường trong đêm tối”.

Thời gian – thụ tạo của Thiên Chúa

Ngài nói tiếp: “Không chỉ âm thanh của chuông “Người Lạc Đường” mà cả những lời của Tông Đồ Phaolô: ‘Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người sinh ra bởi một người phụ nữ’ (Gl 4,4), hôm nay soi sáng và hướng dẫn suy tư của chúng ta trong Thánh lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và trong hoàn cảnh đặc biệt của việc mở Cửa Thánh của Đền thờ Giáo hoàng này”.

“Thời gian viên mãn”, Đức Hồng y giải thích, là “khi Thiên Chúa trở thành con người và nhập thể trong lòng một người phụ nữ là Đức Maria. Mẹ là con đường Chúa đã chọn; Mẹ là điểm đến của nhiều người và nhiều thế hệ đã chuẩn bị cho việc Chúa đến trong thế giới”. Do đó, “Thời gian đạt được sự viên mãn khi nó được kết hợp với vĩnh cửu, nghĩa là với thời gian vô tận của Thiên Chúa”.

Đức Hồng y lưu ý rằng thời gian do Chúa tạo dựng. Con người thường muốn gia tăng hoặc hoàn thiện thời gian theo những cách khác nhau bằng các công nghệ mới, nhưng mọi nỗ lực đều kết thúc bằng sự mất mát hoặc theo cách mà chúng ta có thể định nghĩa là “sự mệt mỏi về thời gian”. Ngài đưa ra ví dụ về computer hoặc điện thoại di động: được thiết kế để tiết kiệm và làm phong phú thêm thời gian, nhưng chúng thường trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của thời gian.

Tuy nhiên, Đức Hồng y nhấn mạnh, “con người không bao giờ có thể cảm thấy lạc lõng, lạc hướng hay mệt mỏi bởi thời gian dành cho Chúa. Đức Trinh Nữ Maria là tâm điểm của thời gian này: Thiên Chúa vui lòng thay đổi lịch sử và thời đại của chúng ta qua Mẹ, Người Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội của dân được tuyển chọn”.

Ảnh Đức Maria là Phần rỗi của dân thành Roma – Mẹ nhận biết các thời gian và sự khẩn cấp của các con của Mẹ

Tiếp tục bài giảng, Đức Hồng y suy tư về bức ảnh Đức Maria là Phần rỗi của dân thành Roma và nói rằng Mẹ nhận biết các thời gian và sự khẩn cấp của các con của Mẹ. Ngày lễ hôm nay các tín hữu đặc biệt tôn vinh bức ảnh được tôn kính trong Đền thờ. Đây cũng là lòng sùng kính của người Roma và của các tín hữu trên thế giới đối với Đức Mẹ. Đức Hồng y nhắc lại lời của Đức Thánh Cha khi cử hành Thánh lễ tại Đền thờ cách đây 7 năm.

“…Mẹ bảo vệ đức tin, bảo vệ các tương quan, cứu giúp khi thời tiết xấu và bảo vệ khỏi sự dữ. Nơi có Đức Mẹ, ma quỷ không vào. Ở đâu có Mẹ, rối loạn không thắng thế, sợ hãi không thống trị. Ai trong chúng ta không cần điều này, ai trong chúng ta không đôi khi bối rối hay bồn chồn?”

“Biết bao lần trái tim là biển giông bão, nơi những làn sóng khó khăn chồng lên nhau và những cơn gió lo âu không ngừng thổi! Đức Maria là chiếc tàu an toàn giữa đại lụt. Không phải những ý tưởng hay công nghệ sẽ mang lại cho chúng ta niềm an ủi và hy vọng, mà là khuôn mặt của Mẹ Thiên Chúa”.

“Bàn tay của Mẹ Maria vuốt ve cuộc đời chúng ta, áo choàng của Mẹ che chở chúng ta, cũng như Mẹ bảo vệ chúng ta trong vòng tay của Mẹ – vòng tay của một người trong chúng ta! – Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ”.

Đức Hồng y nói rằng các tín hữu hành hương bước qua Cửa Thánh của Đền thờ Đức Bà Cả trong Năm Thánh và cầu nguyện trước Linh ảnh Mẹ Thiên Chúa và trước Nôi Thánh Chúa Giêsu sẽ có ảm giác và sự chắc chắn rằng Mẹ Thiên Quốc đang ở bên mình. Mọi người sẽ bắt đầu từ đây với sự chắc chắn rằng mình được ân sủng, sự bảo vệ, chăm sóc và dịu hiền mẫu tử của Đức Maria đồng hành.

Ngài nhấn mạnh rằng việc chúng ta đến với Mẹ sẽ trở thành việc Mẹ đi đến với chúng ta và ở với chúng ta. “Như Mẹ đã đi theo Chúa Giêsu Con của Mẹ – từ khi sinh ra cho đến khi chết, trong những lúc vui tươi cũng như trong những giờ phút đau đớn đen tối – Mẹ, với tư cách là một Người Mẹ, đồng hành cùng toàn thể Giáo Hội và mỗi tín hữu hướng tới Con của Mẹ. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, Mẹ là người quyết định trong thời viên mãn, Mẹ cũng là người quyết định đối với cuộc sống của mọi Kitô hữu. Bởi vì không ai biết rõ thời gian và sự cấp bách của con cái mình hơn Mẹ”.

Chiếc Nôi Thánh – chứng nhân thầm lặng về việc Chúa Giêsu giáng sinh.

Cuối cùng, Đức Hồng y nói đến Chiếc Nôi Thánh được lưu kính tại Đền thờ Đức Bà Cả, một chứng nhân thầm lặng về việc Chúa Giêsu giáng sinh.

Đền thờ Đức Bà Cả còn được gọi là Bêlem của phương Tây, bởi vì nơi đây có lưu kính thánh tích Nôi Thánh, ngôi nhà khiêm nhường và nghèo khó đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức Hồng y lưu ý rằng từ chứng nhân âm thầm về sự giáng sinh của Con Thiên Chúa, nhân loại đã bắt đầu đếm những năm của kỷ nguyên Kitô giáo: “thời gian của chúng ta được xác định chính xác bắt đầu từ Cái nôi đó!”.

Ngài nhắc lại rằng những người hành hương Kitô giáo đầu tiên đến máng cỏ của Chúa Giêsu là các mục đồng. Các mục đồng, trong đêm thánh đó, mang theo cốt lõi của Kitô giáo: lên đường gặp Chúa, đi theo ngôi sao của Người.

Đền thánh Đức Bà Cả cổ kính này nằm ở trung tâm Roma, ngay trung tâm của một con đường có cấu trúc hình ngôi sao gợi nhớ đến Ngôi sao Bêlem. Theo Đức Hồng y, ngôi sao này gói gọn một cách hoàn hảo sứ mạng của Đền thờ: trở thành một ngôi sao sáng, phục vụ Ánh sáng Chân thật, biểu thị Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa thật và là người thật, được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Do đó, từ 1.600 năm qua, Đền thờ này đã như ngôi sao Bêlem, nơi truyền bá lời loan báo của thiên thần gửi đến các mục đồng: đừng sợ hãi, nhưng lên đường đến với Chúa.

Mọi người đều được mời gọi đến với cùng niềm hy vọng

Kết thúc bài giảng, Đức Hồng y mời gọi cộng đoàn cầu xin “ân sủng để Năm Thánh này thúc đẩy chúng ta bước về phía Chúa với mối quan tâm đích thực và chân thành đối với những người thân yêu của chúng ta, đối với người nghèo, người bệnh, đối với những người đã mất đi con đường chân lý, niềm vui và của hòa bình”.

Bởi vì “Tất cả chúng ta đều được mời gọi đến với cùng niềm hy vọng này, không có sự phân biệt. Tất cả chúng ta đều có thể bước đi trên con đường hy vọng vui tươi này. Mọi người! Và Mẹ Maria ở bên cạnh tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Giống như một người mẹ, Mẹ yêu thương tất cả các con và luôn chăm sóc tất cả”.

Cảm nghiệm được sự gần gũi nhất trìu mến nhất của người mẹ

Và Đức Hồng y mời gọi cộng đoàn đón nhận lời Đức Thánh Cha, trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh Spes non confundit, “mời gọi những người hành hương đến Roma hãy dừng lại cầu nguyện tại các đền thánh Đức Mẹ của thành phố để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria và cầu xin sự bảo vệ của Mẹ”. Đức Thánh Cha viết: “Tôi tin tưởng rằng tất cả mọi người, đặc biệt là những người đau khổ và sầu khổ, sẽ có thể cảm nghiệm được sự gần gũi nhất trìu mến nhất của những người mẹ, những người không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Đối với Dân thánh của Thiên Chúa, Mẹ là ‘dấu hiệu của niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi’ (Niềm Hy vọng không làm thất vọng, số 24)”.

Phó thác cuộc đời, thời gian của chúng ta cho Mẹ Thiên Chúa

Và Đức Hồng y kết thúc với lời mời gọi: “Hôm nay, vào đầu Năm Thánh, chúng ta hãy phó thác cuộc đời, thời gian của chúng ta cho Mẹ Thiên Chúa, để Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu: thời gian viên mãn, của mọi thời gian, của thời gian của mỗi người chúng ta. Amen”.

Vatican News

BÀI ĐỌC HẰNG NGÀY

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS