ĐTC bổ nhiệm Giám mục người bản xứ đầu tiên ở Papua của Indonesia

Nghe bài này

Ngày 29/10/2022 Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Cha Yanuarius Theofilus Matopai You, 61 tuổi, một người thuộc bộ tộc người bản xứ Mee ở Papua, kế nhiệm Đức cha Phanxicô Leo Laba Ladjar, làm tân Giám mục của Giáo phận Jayapura, một Giáo phận có diện tích 115.350 km vuông và có 67.500 giáo dân thuộc 25 giáo xứ.

Các tín hữu Công giáo ở Papua của Indonesia đã hoan nghênh việc bổ nhiệm vị giám mục bản xứ đầu tiên sau hơn một thế kỷ Công giáo được rao giảng đến vùng cực đông của Indonesia.

Công bố tin bổ nhiệm tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Jayapura, Đức cha hưu trí Ladjar kêu gọi người Công giáo địa phương cầu nguyện cho vị giám mục bản xứ đầu tiên của Papua. Ngài nói: “Lá thư từ Đại sứ Vatican nói với tôi rằng tôi nên thông báo tại Giáo hội địa phương trong giáo phận này rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một người làm giám mục mới của Jayapura. Ngài là người Papua bản xứ.” Và các tín hữu đã vỗ tay hoan nghênh tin bổ nhiệm này.

Đức Giám mục tân cử sẽ lãnh đạo Giáo hội Công giáo trong khu vực đang bị xung đột, nơi có một tổng giáo phận và bốn giáo phận thuộc giáo tỉnh.

Lắng nghe yêu cầu của người dân bản địa

Với việc bổ nhiệm này, Đức Thánh Cha đã chú ý đến lời kêu gọi từ những người Công giáo Papua bản địa, yêu cầu có một người bản xứ làm giám mục.

Từ năm 2020, các linh mục Papua bản địa liên tục kêu gọi các Giám mục lên tiếng về những vi phạm nhân quyền tại khu vực trong bối cảnh xung đột leo thang giữa lực lượng an ninh Indonesia và phiến quân ủng hộ độc lập trong những năm gần đây.

Ông Soleman Italy, một nhà hoạt động giáo dân có mặt tại nhà thờ trong buổi thông báo, nói rằng nhiều người Papua như ông đã không khỏi xúc động khi tin được phổ biến. Ông cảm ơn Đức Thánh Cha đã lắng nghe hy vọng của họ và “hy vọng rằng việc bổ nhiệm vị giám mục được chọn này sẽ làm cho Giáo hội Công giáo bén rễ sâu hơn ở Papua và sự phát triển của nó cũng sẽ vững chắc hơn.”

Papua là một thuộc địa cũ của Hà Lan và đã tuyên bố độc lập vào năm 1961. Tuy nhiên, Indonesia đã sớm sáp nhập lãnh thổ bằng một cuộc trưng cầu dân ý được nhiều người coi là một trò giả dối. Phong trào ly khai đòi độc lập bùng lên, khiến Indonesia phải duy trì sự hiện diện quân sự dày đặc ở nơi giàu tài nguyên nhưng kém phát triển. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Hồng Thủy – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS