ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Nghe bài này

Vào lúc 9:30 sáng thứ Tư 17/2/2021, lễ Tro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em.

Hàng năm, theo truyền thống, Đức Thánh Cha cử hành lễ Tro vào chiều thứ Tư lễ Tro tại vương cung thánh đường thánh Sabina của dòng Đaminh, trên đồi Avventino ở Roma. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha thực hiện cuộc hành hương thống hối, đi bộ từ vương cung thánh đường thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến vương cung thánh đường thánh Sabina. Năm nay do đại dịch, Đức Thánh Cha không thực hiện nghi thức truyền thống này; trái lại, ngài cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô với sự tham dự giới hạn của khoảng hơn 100 tín hữu, như trong các Thánh lễ trong thời gian đại dịch.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng y thuộc giáo triều Roma. Trong nghi thức xức tro, sau khi Đức Thánh Cha làm phép tro, Đức Hồng y Angelo Comastri, giám quản đền thờ thánh Phê-rô, đã bỏ tro cho Đức Thánh Cha, và sau đó Đức Thánh Cha đã bỏ tro cho các Hồng y.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau… Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.

Mùa Chay: thời gian phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu

Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu – về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim “dao động”, tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?

Cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do

Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.

Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.

Trở về với Chúa Cha

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.

Trở về với Chúa Giêsu

Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giê-su và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giê-su, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giê-su, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”

Trở lại với Chúa Thánh Thần

Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Thiên Chúa đến trước với chúng ta

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phao-lô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giê-su, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.

Làm hòa với Thiên Chúa

Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giê-su nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.

Mùa Chay: hạ mình trong nội tâm và hướng đến người khác

Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giê-su: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.

Hồng Thủy – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS