ĐTC Phanxicô: Hãy nhìn và chạnh lòng thương như người Samaria

Nghe bài này

Trưa Chúa Nhật 10/7/2022, trước khi đọc kinh cùng với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu một vài điểm trong bài Tin Mừng Chúa Nhật XV mùa Thường niên. Ngài mời gọi họ theo gương người Samaria nhân hậu, chú ý và chạnh lòng thương người gặp khó khăn và khốn khổ, để trở thành “các môn đệ của Con Đường” được Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (x. Lc 10,25-37) mà chúng ta đều biết rõ. Bối cảnh của câu chuyện là con đường từ Giêrusalem đi xuống Giêrikhô; dọc con đường đó, có một người đàn ông bị những kẻ cướp đánh đập nhừ tử và cướp sạch. Một thầy tư tế đi ngang qua, nhìn thấy người này, nhưng không dừng lại; ông tránh qua một bên mà đi. Một thầy Lê-vi, người phục vụ trong đền thờ, cũng làm điều tương tự. Phúc Âm cho biết, “Nhưng một người Samaria đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương” (c. 33).

Anh chị em đừng quên câu này: “ông chạnh lòng thương”. Đó là điều mà Thiên Chúa cảm thấy mỗi khi Người nhìn thấy chúng ta gặp vấn đề, phạm tội, đau khổ. Người chạnh lòng thương.

Kitô hữu – người theo Đạo

Thánh sử Luca nói rõ rằng người Samaria này đang trên hành trình. Vì vậy, mặc dù đã có những kế hoạch riêng và đang đi đến một nơi xa, người Samaria đó không viện cớ nhưng để cho mình tham gia vào những gì đã xảy ra trên đường. Chúng ta hãy suy nghĩ: chẳng phải Chúa đang dạy chúng ta làm điều đó sao? Để nhìn về phía xa, để đến đích đến cuối cùng của chúng ta, hãy chú ý đến các bước cần thực hiện, ở đây và bây giờ, để đến được đó.

Thật là ý nghĩa khi các Kitô hữu tiên khởi được gọi là “những người đi theo Con Đường” – (những người theo Đạo) (x. Cv 9,2). Trên thực tế, người tín hữu rất giống người Samaria – giống như người này, người tín hữu đang trong cuộc hành trình, là một người đang lữ hành. Người tín hữu biết mình là người chưa “đi đến đích”, nhưng muốn học hỏi mỗi ngày, bằng cách bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). “Ta là đường”. Môn đệ của Chúa Kitô bước đi theo Người và do đó trở thành “môn đệ của Con Đường”. Người đó đi sau Chúa, không đứng im một chỗ, nhưng luôn bước đi. Trên đường đi, người đó gặp gỡ mọi người, chữa lành bệnh tật, viếng thăm các làng mạc và thành phố. Chúa Giêsu đã làm như thế, luôn luôn trên hành trình.

Nhìn và hiểu đúng thực tế

Do đó, “người môn đệ của Con Đường” – (người theo Đạo) – các Kitô hữu chúng ta, nhận thấy rằng cách suy nghĩ và hành động của mình dần dần thay đổi, ngày càng trở nên phù hợp hơn với suy nghĩ và hành động của Thầy mình. Đi theo bước của Chúa Kitô, người môn đệ trở thành một người lữ hành và – giống như người Samaria – học nhìn thấy chạnh lòng thương. Trước hết là nhìn thấy, nghĩa là đôi mắt của họ đang mở ra với thực tế, chứ không phải khép kín một cách ích kỷ trong vòng suy nghĩ của chính mình. Trái lại, thầy tư tế và thầy Lê-vi nhìn thấy người đàn ông bất hạnh, nhưng họ đi ngang qua như không thấy người này. Tin Mừng dạy chúng ta nhìn thấy, nghĩa là hướng dẫn mỗi người chúng ta hiểu đúng về thực tế, ngày từng ngày, vượt qua những định kiến và chủ nghĩa giáo điều. Rất nhiều tín hữu ẩn trú trong chủ nghĩa giáo điều để biện minh cho mình trước sự thật. Tiếp đến, Tin Mừng dạy chúng ta đi theo Chúa Giêsu, bởi vì việc đi theo Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chạnh lòng thương – chú ý đến người khác, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang gặp khó khăn và can thiệp như người Samaria; dừng lại chứ không tránh đi.

Đừng chỉ dừng lại ở việc nhận ra lỗi của mình nhưng hãy chạnh lòng thương

Đứng trước dụ ngôn này của Phúc Âm, có thể xảy ra là chúng ta đổ lỗi cho người khác hoặc tự trách mình, chỉ tay về phía người khác và so sánh họ với thầy tư tế hoặc thầy Lê-vi; hay thậm chí là tự trách bản thân, kể lể bao nhiêu lần mình thiếu quan tâm chú ý đến những người xung quanh. Nhưng tôi muốn đề ra một loại tập luyện khác cho tất cả anh chị em. Không phải là thứ trách cứ mình. Chắc chắn là chúng ta phải nhận ra khi chúng ta vô tâm và tự biện minh cho mình. Nhưng chúng ta đừng dừng lại ở đó. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta vượt qua sự thờ ơ ích kỷ và đi theo Con Đường. Chúng ta hãy xin Người cho chúng ta nhìn thấychạnh lòng thương những người chúng ta gặp trên đường đi. Đây là một ân sủng và chúng ta phải cầu xin Chúa: “Lạy Chúa xin cho con nhìn thấy, xin cho con biết chạnh lòng thương như Chúa nhìn thấy và chạnh lòng thương con.” Đây là lời cầu nguyện tôi đề nghị với anh chị em. “Xin Chúa cho con nhìn thấy và cho con chạnh lòng thương, như Chúa nhìn thấy con và chạnh lòng thương con.” Xin cho chúng ta chạnh lòng thương những người chúng ta gặp trên đường, trên hết là những người đau khổ thiếu thốn, để đến gần họ và làm những gì chúng ta có thể làm để giúp họ một tay.

Chạm vào người khốn khổ

Nhiều khi tôi gặp một Kitô hữu đến nói chuyện thiêng liêng, tôi hỏi người này có bố thí không. Người này trả lời “có”. Tôi nói: “Hãy nói cho tôi biết, bạn có chạm vào tay của người mà bạn cho tiền không?” – “Không, không, con ném ở đó.” – “Và bạn có nhìn vào mắt người đó không?” – “Không, con không nghĩ tới.” Nếu bạn bố thí mà không đụng chạm đến thực tế, không nhìn vào mắt người khốn khó, thì việc bố thí đó dành cho bạn chứ không phải cho người ấy. Hãy suy nghĩ về nó. Tôi có chạm vào những người khốn khổ không? Tôi có nhìn vào mắt những người cùng khổ, những người tôi giúp đỡ không? Tôi để lại cho anh chị em ý tưởng này: nhìn thấy và chạnh lòng thương.

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta trên hành trình tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng này. Xin Mẹ, Đấng “chỉ cho chúng ta Con Đường”, tức là Chúa Giêsu, giúp chúng ta ngày càng trở thành “môn đệ của Con Đường.”

Hướng về dân tộc Sri Lanka

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha hướng về dân tộc Sri Lanka, đất nước đang rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế. Ngài nói: “Tôi hiệp với nỗi đau của người dân Sri Lanka, những người đang tiếp tục gánh chịu những tác động của bất ổn chính trị và kinh tế. Cùng với các Giám mục của đất nước, tôi lặp lại lời kêu gọi hòa bình và khẩn cầu những người có thẩm quyền đừng bỏ qua tiếng kêu của người nghèo và nhu cầu của người dân.”

Nghĩ đến người dân Libya

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt nghĩ đến người dân Libya, đặc biệt là những người trẻ tuổi và tất cả những người đang phải gánh chịu những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng của đất nước. Ngài kêu gọi mọi người, một lần nữa, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải dân tộc, tìm kiếm các giải pháp có tính thuyết phục.

Gần gũi với người dân Ucraina

Và một lần nữa, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân Ucraina, những người “hàng ngày bị dày vò bởi những cuộc tấn công tàn bạo mà người dân thường phải gánh chịu.” Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình, đặc biệt cho các nạn nhân, những người bị thương, những người bệnh tật; tôi cầu nguyện cho người già và trẻ em. Xin Chúa chỉ cho con đường để chấm dứt cuộc chiến điên cuồng này!”

Chúa Nhật Biển

Chúa Nhật ngày 10/7 là Chúa Nhật Biển. Đức Thánh Cha mời gọi nhớ đến những người làm việc trên biển, kính trọng và biết ơn công việc quý giá của họ, cũng như của các tuyên úy và tình nguyện viên của phong trào “Stella Maris”. Đức Thánh Cha phó thác cho Đức Mẹ tất cả những người làm việc trên biển đang mắc kẹt trong vùng chiến sự, để họ có thể được trở về gia đình.

Sau khi chào các tín hữu hiện diện, Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật bình an và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS