Việc Đức Bênêđíctô XVI từ chức được cả Giáo Hội và thế giới nhìn nhận là sự thực, sự thực trong tính toàn vẹn và chân thực của nó, nghĩa là ngài thực sự rời bỏ việc thừa hành các sứ vụ của một người thừa kế Thánh Phêrô để lui về cuộc sống cầu nguyện.
Ấy thế mà gần đây, Vittorio Messori, một chuyên viên hàng đầu về Vatican, lại cho đăng một tiểu luận khá hấp dẫn ngụ ý: thực ra, Đức Bênêđíctô XVI không thực sự từ nhiệm ngôi vị giáo hoàng, mà chỉ chính thức từ bỏ các sứ mệnh cai trị và giảng dạy toàn thể Giáo Hội mà thôi.
Tiểu luận của Messori không hẳn chỉ là diễn đoán của một nhà báo ưa đưa tin giật gân. Nó dựa vào một nghiên cứu gần đây của nhà giáo luật học người Ý tên là Stefano Violi, là người “lục lọi” từng chữ từng câu bản tuyên bố từ chức ngày 11 tháng Hai năm 2013 của Đức Bênêđíctô XVI. Hai tác giả này kết luận rằng Đức Bênêđíctô XVI chưa bao giờ thực sự thoái vị cả. Mà thực ra, ngài chỉ từ bỏ việc thi hành thừa tác vụ giáo hoàng mà thôi. Hai điều này rất khác nhau, đến độ, trên thực tế, Giáo Hội có tới hai vị giáo hoàng cùng một lúc.
Hai tác giả này còn cho rằng Đức Bênêđícô XVI thực sự chưa hoàn toàn từ bỏ thi hành chức vụ giáo hoàng của ngài. Theo họ, làm giáo hoàng có hai thành tố căn bản: agendo et loquendo (hành động và giảng dạy) và orando et patendo (cầu nguyện và chịu đau khổ). Họ tin rằng Đức Bênêđíctô XVI chỉ rời bỏ hai điều trước chứ chưa bao giờ rời bỏ hai điều sau. Điều này giải thích tại sao ngài vẫn tiếp tục cư ngụ trong Vatican và vẫn mặc phẩm phục giáo hoàng. Đúng thế, hai tác giả này tin rằng ngài vẫn tiếp tục hành xử cách nào đó như một vị giáo hoàng, dù đã nhường việc cai trị cho người kế vị.
Violi viết rằng Đức Bênêđíctô XVI “không từ bỏ chức vụ, vì chức vụ này bất khả thu hồi, mà chỉ từ bỏ việc thi hành cụ thể chức vụ này”, mà ngay trong phạm vi này, ngài cũng chỉ từ bỏ một phần.
Messori thì cho rằng Đức Phanxicô cũng quan niệm sự việc như thế. Có lẽ điều này giúp ta giải thích tại sao ngài thích dùng tước hiệu “giám mục Rôma” là tước hiệu chắc chắn chỉ có ngài mới có trong lúc này, hơn là tước hiệu “giáo hoàng” mà hiện giờ có thể có tới hai vị.
Messori tỏ ra hân hoan đối với việc này, ông viết “quả là một hồng ân cho Giáo Hội vì thực sự đang chen vai sát cánh, một vị lãnh đạo và giảng dạy còn vị kia thì cầu nguyện và đau khổ, cho mọi người, nhưng trên hết để hỗ trợ cho người em mình trong chức vụ giáo hoàng hàng ngày”.
Một suy nghĩ tuy lạ và rất có thể “lạc giáo”, nhưng nếu nhấn mạnh tới bốn yếu tố hành động, giảng dạy, cầu nguyện và đau khổ lẫn tình anh em, thì suy nghĩ này không hẳn không hấp dẫn. Vì trên thực tế ta đang được hưởng hai sự hiện diện kỳ thú và vô cùng hiếm qúy này, hai lá phổi cùng của một thực tại Giáo Hội.