Đoàn thủ lãnh giáo dân
Thực vậy, thứ hai 2/9 này, Ban lãnh đạo Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức, gọi tắt là ZdK sẽ về Roma lần đầu tiên từ 8 năm nay để đối thoại với các vị lãnh đạo Tòa Thánh đến 4/9, mặc dù biết rằng sẽ không gặp được Đức Thánh Cha vì ngài tông du từ ngày 2 đến 13/9 tại 3 nước Á châu và Papua New Guinea thuộc Úc châu.
Đoàn gồm có 5 người, đứng đầu là bà chủ tịch Irme Stetter-Karp, 66 tuổi (1956), tiến sĩ xã hội học, tiếp đến là ông tổng thư ký Marc Frings và 3 phó chủ tịch, 2 nam 1 nữ, trong đó có ông Thomas Soeding, Giáo sư Kinh Thánh Tân Ước tại phân khoa thần học thuộc đại học Bochum.
Cách đây 5 năm, Ủy ban ZdK đã cùng với HĐGM Đức tổ chức và tiến hành Con đường Công nghị với 5 khóa họp toàn thể, với mục đích cải tổ Giáo hội Công giáo tại nước này sau những vụ Giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây: cải tổ trong 4 lãnh vực cũng là 4 diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Khóa họp toàn thể của Công nghị có 230 đại biểu, đa số là giáo dân.
Sau 5 khóa họp toàn thể của Con đường Công nghị kết thúc hồi tháng 2 năm 2022, đây là đầu tiên ban lãnh đạo ZdK về Roma gặp các vị lãnh đạo liên hệ trong giáo triều Roma. Đoàn đã có hẹn với Bộ Loan báo Tin Mừng, Bộ giáo lý đức tin, Bộ giải thích giáo luật. Ưu tiên của phái đoàn là trình bày chủ trương cải tổ Giáo hội của Con đường Công nghị Đức, vì xác tín rằng Con đường này bị Roma nhìn với cái nhìn “rất ngờ vực”.
Trong những thư công bố gần đây, Tòa Thánh nhiều lần nhấn mạnh rằng Hội đồng Con đường Công nghị, dự kiến bắt đầu hoạt động từ tháng 3 năm 2026, trong đó các Giám mục và giáo dân bình quyền với nhau trong việc quyết định về những vấn đề cơ bản của Giáo hội, là điều trái ngược với đạo lý Công giáo và giáo luật. Gần đây nhất, các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, trong đó có ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, và ĐHY Victor Fernandez, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ 4 vị lãnh đạo trong HĐGM Đức ở Roma hồi tháng 6 năm nay rằng “Hội đồng Con đường Công nghị” là điều không được phép và cơ quan này không ở trên cũng như không bình quyền với Hội đồng Giám mục. Điều này trái ngược với quyết định đã được Đại hội của Con Đường Công nghị gồm các Giám mục, giáo dân và giáo sĩ, tu sĩ thông qua với đại đa số phiếu.
Phái đoàn ban lãnh đạo Ủy ban trung ương giáo dân Công giáo Đức không hy vọng chuyến đi này sẽ làm cho các vị lãnh đạo Tòa Thánh thay đổi ý kiến. ĐTC cũng như ĐHY Quốc vụ khanh Parolin đều vắng mặt vì chuyến tông du, nhưng dù sao chuyến đi này cũng được coi là một bước tiến tích cực. (Katholische.de 27-8-2024)
Giám mục giáo phận Haarlem-Amsterdam lên tiếng
Trong bối cảnh trên đây, dư luận cũng để ý đến một cuộc phỏng vấn của 1 Giám mục Hà Lan, Đức Cha Jan Hendriks, Giám mục giáo phận Haarlem-Amsterdam, dành cho tuần báo “Die Tagespost” xuất bản tại thành phố Wuerzburg ở Đức, số ra ngày 23/8 vừa qua, trong đó ngài kêu gọi Giáo hội Công giáo tại Đức đừng đi vào vết xe của Giáo hội Hà Lan khiến cho Giáo hội tại nước này bị băng hoại từ sau Công đồng Mục vụ Hà Lan trong thập niên 1960.
Đức Cha Hendriks năm nay 70 tuổi (1954), vốn là một chuyên gia giáo luật, giám đốc đại chủng viện giáo phận Haarlem-Amsterdam và từ 13 năm nay làm Giám mục giáo phận này. Từ 2 năm nay, ngài cũng là cố vấn Bộ giáo sĩ.
Công đồng Mục vụ Hà Lan
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Hendriks trình bày tình hình cũng như kinh nghiệm của Giáo hội tại Hà Lan, nhất là Công đồng Mục vụ của Giáo hội này, tiến hành từ năm 1966 đến 1970, ít lâu sau Công đồng chung Vatican II. Đức Cha nói:
“Công đồng Mục vụ cũng có cùng những ý tưởng như Con đường Công nghị của Công giáo Đức hiện nay, những ý tưởng ấy đã tạo nên nhiều chia rẽ và xáo trộn giữa các tín hữu, trong tương quan với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ, đồng thời dẫn tới một sự tục hóa mạnh mẽ. Dân chúng quay lưng lại với đức tin. Tại Đức hiện nay, người Công giáo nghĩ rằng phải gắn liền với thực tại thời nay. Những thực tại trong cuộc sống của dân chúng ngày nay trở thành kim chỉ nam cho Giáo hội, giống như dân Công giáo Hà Lan đã trải qua:
Cụ thể là câu trả lời do các Giám mục Hà Lan hồi đó đề ra đối với trào lưu tục hóa trong xã hội là tục hóa chính Giáo hội với Công đồng Mục vụ. Họ đã từ bỏ một số ý tưởng đức tin Công giáo để gọi là khỏi mất tiếp xúc với xã hội đời. Đó là một câu trả lời sai lầm và nó càng đẩy mạnh tiến trình tục hóa Giáo hội. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không thể phát minh một đức tin mới. Giáo hội không thể thay đổi những gì mình đã tuyên dạy và tin, ví dụ niềm tin theo đó hôn nhân là khuôn khổ thích hợp cho tính dục”.
Bãi bỏ luật độc thân
Đức Cha Hendriks nhắc đến sự kiện sau khi ĐGH Phaolô 6 công bố thông điệp về luật độc thân linh mục thì Công đồng Mục vụ Hà Lan quyết định bãi bỏ luật này. Cũng vậy đối với hôn nhân và tính dục: Công đồng Hà Lan đưa ra những ý tưởng hoàn toàn mới, chấp nhận các hoạt động tính dục ngoài hôn nhân. Đức Cha nói: “Thật là khó chống lại tình trạng ấy và thuyết phục các Giám mục Hà Lan bấy giờ rằng đó là điều không ổn. Công giáo Đức hiện nay cũng đang ở trong tình trạng tương tự”.
Nhà thờ trống rỗng
Trang mạng của HĐGM Đức cho biết từ năm 2000 đến nay đã có 500 nhà thờ Công giáo ở Đức bị đóng cửa, hoặc dùng vào việc khác. Và hôm 30/8 vừa qua, trang mạng này đưa tin một nhà thờ Công giáo cùng với nhà xứ và khu đất đi kèm rộng tổng cộng 5 ngàn mét vuông ở Hettsted bang Sachden-Anhalt, miền Đông Đức đã được bán đấu giá với 163 ngàn Euro.
Về phần Đức Cha Henricks cho biết hiện nay 60 các nhà thờ Công giáo trong giáo phận Haarlem-Amsterdam của ngài phải đóng cửa vì lý do tài chính, không còn giáo dân đóng góp bảo trì, và chính phủ Hà Lan không tài trợ việc này, trừ khi nhà thờ đó là một di tích hoặc đền đài lịch sử. 60% dân Hà Lan hiện nay không theo một tôn giáo nào.
Dấu chỉ hy vọng
Tuy nhiên, Đức Cha Hendriks cũng ghi nhận một dấu chỉ hy vọng đó là tại Hà Lan đang sa mạc về phương diện tôn giáo, thì ngày càng xuất hiện những người trẻ tìm đến đức tin. Đức Cha nói: “Năm nay chúng tôi có 250 người trẻ tìm đến đức tin Công giáo, trong đó cũng có một số người trẻ Hồi giáo. Và khuynh hướng này đang gia tăng”. Người trẻ đang trở về với căn cội đức tin. Còn những người già thì đang lấy lại những đề tài của Công đồng Mục vụ cách đây 60 năm. Có những người trẻ dấn thân cho tình thân hữu, những người trẻ dấn thân giúp đỡ người nghèo, những người quan tâm đến phụng vụ, thường là những phụng vụ theo hình thức cổ điển. Đức Cha cũng kể rằng:
“Mới đây tôi đã nói chuyện với một cụ già trong giáo xứ chúng tôi, bà ấy nói với tôi không thích thánh lễ được cử hành theo cách thức truyền thống trong tuần, nhưng người cháu nội của bà thì nghĩ rằng phụng vụ thánh lễ này thật là tuyệt vời!”
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Henricks cho biết mở Tivi mỗi tối, chỉ cần lướt qua các đài, người ta thấy các đề tài thường được nói tới là các Drag queen, những người nam hóa trang thành nữ, những người nữ đồng tính luyến ái, hoặc đồng tính nam, lưỡng tính, đổi giống, LGBT+. Các lá cờ cầu vồng ngũ sắc nhan nhản trong thành phố. Có nhiều sức ép về vấn đề này, nhưng trong các cuộc bầu cử chính trị gần đây, đảng chống lại LGBT+ mạnh hơn các đảng khác.
Sau cùng, Đức Cha Henricks nhận định rằng trong Giáo hội, vấn đề đồng tính luyến ái đôi khi cũng giữ một vai trò nào đó, tuy là ở bên lề. Thỉnh thoảng có những vụ được nói tới, ví dụ mới đây một người dấn thân tích cực trong phong trào đồng tính luyến ái muốn trở thành linh mục. (Die Tagespost 23/8/2024)
G. Trần Đức Anh, O.P.