Kinh Truyền Tin (1/9): Thanh sạch thực sự trong con tim

Nghe bài này

Trưa Chúa Nhật ngày 1/9, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ngài đã có một bài suy tư ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXII thường niên về sự thanh sạch.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay (xem Mc 7,1-8.14-15.21-23), Chúa Giêsu nói về sự thanh sạch và ô uế: một chủ đề rất quen thuộc với những người đương thời với Chúa, chính yếu liên quan đến việc tuân giữ các nghi thức và luật lệ về hành vi, tránh mọi tiếp xúc với những đồ vật hoặc những người bị coi là ô uế và, nếu điều đó xảy ra, thì phải “tẩy uế” (xem Lv 11-15). Đó gần như là một sự ám ảnh của một số chức sắc tôn giáo thời bấy giờ: sự thanh sạch và ô uế.

Một số luật sĩ và người Pharisêu, những người tuân giữ nghiêm ngặt các quy tắc này, tố cáo Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ của Người dùng bữa mà không rửa tay. Chúa Giêsu nhận lấy sự khiển trách này của những người Pharisêu đối với các môn đệ để nói về ý nghĩa của sự “thanh sạch”.

Chúa Giêsu nói, sự thanh sạch không liên quan đến những nghi thức bên ngoài, nhưng trước hết liên quan đến những gì bên trong. Vì vậy, để được thanh sạch, thì rửa tay nhiều lần cũng chẳng có ích gì nếu lúc đó bên trong bạn còn nuôi dưỡng những cảm xúc ác độc như tham lam, đố kỵ và kiêu ngạo, hoặc những ý định xấu xa như lừa dối, trộm cắp, phản bội và vu khống (xem Mc 7,21- 22). Chúa Giêsu thu hút sự chú ý để nói về chủ nghĩa nghi thức, không làm cho người ta lớn lên về sự tốt lành; thậm chí, đôi khi nó có thể dẫn đến việc sao lãng, hoặc thậm chí biện minh, với bản thân hay với người khác, về những lựa chọn và thái độ trái ngược với đức ái, làm tổn thương tâm hồn và khép kín con tim.

Và điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chẳng hạn, chúng ta không thể khi vừa rời khỏi Thánh lễ, lúc còn ở sảnh nhà thờ, đã dừng lại tám những chuyện xấu và thiếu thương xót về mọi thứ và mọi người. Hoặc tỏ ra ngoan đạo trong cầu nguyện nhưng ở nhà lại đối xử lạnh lùng và tách biệt với những người trong gia đình, hoặc bỏ bê cha mẹ già, những người cần sự giúp đỡ và đồng hành (xem Mc 7,10-13). Đây là cuộc sống hai mặt và chúng ta không thể như vậy. Đây là điều những người Pharisêu đã làm: sự thanh sạch bề ngoài mà chẳng có thái độ tốt lành bên trong, thái độ thương xót đối với người khác. Hoặc cũng không thể tỏ ra rất công bằng với mọi người, thậm chí có thể thực hiện một số hoạt động tình nguyện và một số cử chỉ từ thiện, nhưng bên trong lại nuôi dưỡng lòng hận thù đối với người khác, coi thường người nghèo và người kém cỏi hoặc cư xử không trung thực trong công việc.

Khi làm như vậy, tương quan với Thiên Chúa chỉ còn là những cử chỉ bên ngoài, còn bên trong thì vẫn trơ cứng trước hoạt động thanh luyện của ân sủng Chúa, bằng cách đắm chìm trong những suy nghĩ, thông điệp và hành vi thiếu tình thương.

Chúng ta được tạo dựng cho một điều khác. Chúng ta được tạo dựng cho sự thanh sạch thực sự của cuộc sống, cho sự diệu dàng và cho tình yêu.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi: tôi có sống đức tin của mình một cách nhất quán, nghĩa là những gì tôi làm trong nhà thờ, tôi cũng cố gắng thực hiện bên ngoài với cùng một tinh thần không? Bằng cảm xúc, lời nói và hành động, tôi có thể hiện cụ thể những gì tôi nói trong cầu nguyện, trong sự gần gũi và tôn trọng đối với anh chị em mình không?

Xin Mẹ Maria, Người Mẹ thanh sạch nhất, giúp chúng ta biến cuộc sống của chúng ta, trong tình yêu, trở thành một việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1).

Kính mời quý vị hiệp ý đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha

—-

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc đến những cuộc chiến ở Ucraina, Israel, Palestine… gây ra đau khổ cho người dân. Bên cạnh nhiều người chết và bị thương, hàng triệu người ở Ucraina khốn khổ vì mất điện, không có nước. Chúng ta hãy nhớ là tiếng kêu của họ vang lên đến Thiên Chúa. Chúng ta không thể dửng dưng với họ.

Kế đến, Đức Thánh Cha nhắc đến hôm nay là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo. Ngài kêu gọi tất cả mọi người, các thể chế, hiệp hội, gia đình và mỗi người có những dấn thân cụ thể để chăm sóc ngôi nhà chung. Tiếng kêu của Trái đất bị thương tổn ngày càng trở nên khẩn thiết và đòi hỏi một hành động kiên quyết.

Đức Thánh Cha cũng nhắc, bắt đầu từ thứ Hai (2/9), ngài sẽ bắt đầu chuyến tông du đến một số nước Châu Á và Châu Đại Dương. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho chuyến tông du này đạt được nhiều hoa trái.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS