Đức Hồng Y Becciu bị kết tội

Nghe bài này

Trong bản tin ngày 16 tháng 12, tạp chí Pillar tường trình rằng vào cuối phiên tòa tài chính ở Vatican, Đức Hồng Y Angelo Becciu bị kết án 5 năm 6 tháng tù.

Phiên tòa xét xử tài chính kéo dài của Vatican đã kết thúc hôm thứ Bảy với bản án kết tội dành cho Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu cùng với các bản án dành cho một số cựu viên chức Vatican khác, cùng với các doanh nhân làm việc với Vatican.

Thẩm phán Giuseppe Pignatone đọc các bản án rất được chờ đợi vào ngày 16 tháng 12 chống lại 14 bị cáo – 10 cá nhân và 4 công ty – những người phải đối diện với 49 cáo buộc.

Sáu cá nhân bị kết tội đã nhận được các phán quyết sau đây, theo giám đốc biên tập của Vatican:

*Đức Hồng Y Becciu, cựu Phó (Sostituto) Phủ Quốc vụ khanh, đã nhận bản án 5 năm 6 tháng. Luật sư của ngài nói rằng ngài sẽ kháng cáo bản án.
* Enrico Crasso, cố vấn tài chính cho Phủ Quốc vụ khanh Vatican, bị kết án bảy năm.
* Cecilia Marogna, một nhà tư vấn an ninh tự phong, nhận ba năm tù.
* Raffaele Mincione, một doanh nhân người Ý, bị kết án 5 năm.
*Fabrizio Tirabassi, cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao, bị kết án 7 năm.
* Gianluigi Torzi, một doanh nhân người Ý, nhận bản án 6 năm tù.

Vatican vẫn chưa chính thức công bố kết quả đối với các bị cáo khác trong vụ án.

Phiên tòa kỷ lục có 69 lời khai của nhân chứng, 124,563 trang in và điện tử, cùng 2,479,062 hồ sơ do bên công tố trình bày. Bên bào chữa đã đệ nạp hơn 20,000 trang tài liệu đính kèm, trong khi các bên dân sự trình bày 48,731 trang.

Đức Hồng Y Becciu đã phải đối diện với các cáo buộc chính thức về lạm dụng chức vụ, tham ô, âm mưu và giả mạo nhân chứng. Bên công tố đã yêu cầu mức án bảy năm tù cho vị Hồng Y này.

Trong suốt phiên tòa, Đức Hồng Y Becciu liên tục khẳng định mình vô tội và thường xuyên đổ lỗi cho nhân viên bộ phận của mình, viện dẫn những sai sót trong trí nhớ của mình và tìm cách chuyển trách nhiệm về hành động của mình cho Đức Phanxicô.

Phiên tòa đã có 85 phiên điều trần sau khi bắt đầu cách đây hơn hai năm, sau khi chính thức nộp đơn buộc tội 10 bị cáo và 4 công ty có liên quan vào ngày 3 tháng 7 năm 2021.

Bốn công ty phải đối diện với cáo buộc là Logsic Humitarne Dejavnosti, thuộc sở hữu của Marogna, và ba công ty có liên quan đến Crasso: Prestige Family Office Sa; Sogenel Capital Investment và HP Finance LLC.

Các công tố viên đã đệ trình một bản cáo trạng dài hơn 500 trang sau cuộc điều tra kéo dài hai năm về các vấn đề tài chính của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cũng như các viên chức và cố vấn bên ngoài có liên hệ với bộ giáo triều.

Cuộc điều tra đó được bắt đầu vào mùa hè năm 2019, sau khi các lãnh đạo cấp cao của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, bao gồm cả Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Pietro Parolin, tìm cách gây áp lực với Viện Công trình Tôn giáo (IOR), một ngân hàng của Vatican, để cấp khoản vay 150 triệu euro cho Phủ Quốc Vụ Khanh.

Ngoài áp lực từ Phủ Quốc Vụ Khanh, chủ tịch Viện Công trình Tôn giáo còn làm chứng trước tòa rằng ông bị áp lực phải phê duyệt khoản vay bởi các cơ quan giám sát tài chính được cho là độc lập của Vati-can, những người ban đầu bị đánh dấu là đáng ngờ.

Chủ tịch ngân hàng làm chứng rằng ông đã được các nhà lãnh đạo của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican đề nghị “bảo vệ” nếu Viện Công trình Tôn giáo từ bỏ đơn yêu cầu.

Tạp chí Pillar trước đây đã đưa tin rằng chủ tịch lúc bấy giờ của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican, René Brülhart, đã có một hợp đồng không được tiết lộ trước đó với Phủ Quốc Vụ Khanh trong tư cách cố vấn đầu tư, cung cấp cho ông mức lương đầy đủ thứ hai để tư vấn về các giao dịch tài chính của bộ mà ông ta có ý định giám sát.

Cả Brülhart và cấp phó cũ của ông, Tommaso Di Ruzza, đều bị buộc tội lạm dụng chức vụ trong phiên tòa.

Khoản vay từ Viện Công trình Tôn giáo đã được Phủ Quốc Vụ Khanh tìm kiếm để tái cấp vốn cho khoản thế chấp lãi suất cao gắn liền với một tòa nhà ở London tại 60 Sloane Ave mà Vatican đã mua lại như một phần trong điều khoản tách khỏi Raffaele Mincione, doanh nhân người Anh gốc Ý mà với ông, Phủ Quốc Vụ Khanh đã đầu tư 200 triệu euro, tiền vay từ các ngân hàng Thụy Sĩ bằng các quỹ và tài sản ký thác của Vatican.

Quỹ đầu tư đó và nỗ lực của Vatican rút khỏi quỹ này sớm vài năm, vào năm 2018, là đối tượng của một số cáo buộc hình sự trong vụ án, bao gồm cả việc chống lại Mincione, người đã nói với Tạp chí Pillar trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước rằng ông đã tuân thủ các hợp đồng của mình với Vatican, mà ông cáo buộc đã nhắm mục tiêu vào ông để bù đắp những tổn thất do sự kém cỏi của giáo triều.

Quyết định rút sớm của Vatican khỏi Quỹ Athena Global Opportunities của Mincione đã khiến họ bị mất số dư đầu tư, trả hàng chục triệu euro tiền phạt và nhận được khoản thế chấp 150 triệu euro cùng với tòa nhà ở London, vốn là tài sản chính của quỹ.

Tổng cộng, Vatican đã trả khoảng 350 triệu euro cho tòa nhà, vốn ban đầu được dự định tái phát triển thành các căn hộ dân cư cao cấp. Tòa nhà sau đó được Vatican bán với mức lỗ hơn 100 triệu euro.

Thực hiện theo lời khuyên pháp lý của Ni-cola Squilace, luật sư cũng nằm trong số các bị cáo, Phủ Quốc Vụ Khanh đã chỉ định Gianluigi Torzi làm trung gian cho việc tách khỏi Mincione và chuyển quyền sở hữu tòa nhà, điều mà Torzi có ý định chuyển đạt thông qua Công ty cổ phần Luxembourg, Gutt SA của ông.

Nhưng trong quá trình chuyển quyền sở hữu công ty mẹ, Torzi đã tái cấu trúc cổ phần của Gutt, tự trao cho mình quyền lợi thiểu số nhưng kiểm soát Gutt, chuyển phần lớn cổ phần của công ty cho Vatican, nhưng để anh ta toàn quyền kiểm soát nó.

Torzi sau đó đã bị tố cáo và buộc tội cố gắng tống tiền Tòa thánh hàng triệu euro để đổi lấy cổ phần kiểm soát – một thỏa thuận mà Torzi tranh luận trong phiên tòa đã được Phủ Quốc Vụ Khanh, bao gồm cả Hồng Y Parolin, đồng ý.

Phủ Quốc Vụ Khanh khẳng định rằng họ đã đồng ý với kế hoạch dưới sự tư vấn gian lận từ Squilace.

Ngược lại, Torzi cáo buộc một cựu cố vấn đầu tư khác, Enrico Crasso, cùng với Fab-rizio Tirabassi, một nhân viên tại Phủ Quốc Vụ Khanh, đã cố gắng hối lộ, đe dọa và tống tiền ông để chuyển quyền kiểm soát tòa nhà cho họ.

Cả hai người đàn ông này cũng nằm trong số các bị cáo tại phiên tòa.

Ngoài việc liên quan đến việc thành lập khoản đầu tư của Phủ Quốc Vụ Khanh với Mincione, vốn bị cho là đã trái với luật và quy định tài chính của Vatican, Đức Hồng Y Becciu còn phải đối diện với cáo buộc giả mạo nhân chứng trong nỗ lực bịt miệng cựu cấp phó và nhân chứng hàng đầu của công tố, Đức ông Alberto Perlasca.

Becciu cũng phải đối đầu với cáo buộc liên quan đến Cecilia Marogna, cũng đang bị xét xử, một người tự nhận là nhân viên tình báo tư nhân, người mà vị Hồng Y đã trả hàng trăm nghìn euro bằng tiền của Vatican và số tiền mà bà dường như đã chi cho hàng hóa và khách sạn xa xỉ.

Marogna và Becciu đều khẳng định tại phiên tòa rằng họ đang thực hiện một dự án bí mật được Giáo hoàng phê duyệt nhằm đảm bảo việc thả một nữ tu bị bắt cóc ở Mali.

Đức Phanxicô liên tục từ chối yêu cầu của Becciu rằng ngài phải xác nhận câu chuyện của Hồng Y, cả việc Becciu đi xa đến mức bí mật ghi âm các cuộc điện thoại với Đức Phanxicô.

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng đã viết thư cho Becciu để nói rõ rằng hồi ức của họ về các sự kiện khác nhau đáng kể, đồng thời cáo buộc vị Hồng Y “việc phân bổ các nguồn tài chính một cách tùy tiện và thiếu thận trọng đã chuyển hướng khỏi các mục đích thông thường và nhằm mục đích… để thỏa mãn những khuynh hướng hưởng lạc bản thân”.

Đức Hồng Y Becciu cũng phải đối đầu với cáo buộc biển thủ hàng trăm ngàn euro trong quỹ của Giáo hội và giao chúng cho các thành viên trong gia đình ngài.

Một giao dịch quan trọng là 250,000 euro được Becciu gửi đến tài khoản ngân hàng do anh trai ông, Antonio Becciu, người điều hành Hợp tác xã Spes, một tổ chức từ thiện Công Giáo ở Sardinia kiểm soát.

Đức Hồng Y đã nói trong phiên tòa rằng ngài đã cho phép khoản vay ban đầu là 100,000 euro, sau đó được chuyển đổi thành khoản quyên góp 50,000 euro từ hội đồng giám mục Ý, bởi vì ngài “rất phấn khích” trước công việc từ thiện của anh trai mình, điều mà ngài nói đã khiến ngài “đỏ mặt trong tư cách một linh mục.”

Khi được hỏi về hai khoản thanh toán nữa, một trong số đó được thực hiện từ tài khoản của Phủ Quốc Vụ Khanh, được chuyển vào tài khoản ngân hàng cá nhân của anh trai ngài và tổng cộng là 130,000 euro, Becciu nhấn mạnh rằng việc các quỹ của Vatican được gửi cho các cá nhân, kể cả các thành viên trong gia đình là thông lệ, vì mục đích từ thiện.

Cảnh sát tài chính Ý xác định biên lai giao hàng giả của gần 20 tấn bánh mì, được cho là do Spes giao đến các giáo xứ để phân phát cho người nghèo.

Vào tháng 11 năm ngoái, các công tố viên Vatican nói với tòa án rằng các công tố viên Ý của họ đã tìm thấy những biên lai giả trong gần 1,000 trang giấy tờ mà họ đã kiểm tra.

Các công tố viên cho biết, khi giấy tờ cho các chuyến giao hàng được cho là được xuất trình, không ai có thể nhận ra chữ ký trên tài liệu và cảnh sát tài chính Ý kết luận rằng các hóa đơn được tạo ra chỉ vài tuần trước khi cảnh sát khám xét và được làm giả để bao gồm các khoản giao hàng được cho là từ năm 2018, mà không có hồ sơ nào khác tồn tại.

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS