Tạp chí Catholic Herald, ngày 5 tháng 8, có bài phiếm luận sau đây về viễn ảnh được bầu làm Giáo Hoàng của hai vị Hồng Y hiện đang được nhiều người lưu ý (https://catholicherald.co.uk/erdo-vs-tagle-the-battle-to-be-the-next-pope).
Theo tạp chí trên, cùng với đà suy đoán ngày càng tăng về khả năng từ chức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bất cứ vị Giáo hoàng tiếp theo nào cũng sẽ nói rất nhiều về đường hướng của một Giáo hội đang bị giằng kéo theo nhiều hướng khác nhau và bị đe dọa bởi cuộc ly giáo do Con đường Đồng nghị cấp tiến gây ra. Một ứng viên hàng đầu để kế vị Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Đức Hồng Y Erdő của Hungary, một chuyên gia giáo luật bảo thủ xuất thân từ một quốc gia nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến văn hóa châu Âu. Việc bầu ngài sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ về hướng mà Giáo hội sẽ thực hiện. Mặt khác, một vị Giáo hoàng từ thế giới đang phát triển – chẳng hạn như Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle của Philippines – sẽ được những người theo phe cấp tiến ca ngợi, do các nhân tố nhân khẩu học đang thay đổi của Giáo hội.
Nhưng đây rất có thể không phải là chiến thắng mà những người theo phe cấp tiến mong muốn. Ngay cả khi Hồng Y đoàn ngày càng trở nên ít có tính châu Âu hơn, phe bảo thủ vẫn là động lực của Giáo hội ở Nam bán cầu, nơi – thí dụ – thái độ đối với các vấn đề LGBT mang tính truyền thống hơn nhiều so với các khu vực nói tiếng Anh và Tây Âu. Trong khi nhiều tên tuổi khác đã được đoán định cho vị Giáo hoàng tiếp theo, chẳng hạn như Đức Hồng Y Marc Ouellet người Canada hay Đức Hồng Y người Hòa Lan Wim Eijk thuộc phe bảo thủ – cùng với những nhân vật thỏa hiệp như Đức Hồng Y người Malta Mario Grech hoặc Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi – thì Đức Phanxicô lại được cho là ủng hộ Đức Hồng Y Tagle hay Đức Hồng Y Ý kiêm Ngoại trưởng Vatican Pietro Parolin.
Nhưng Đức Hồng Y Erdő có thể đang xuất hiện như người ở hàng đầu. Như John Gizzi – Phóng viên chính trị của Newsmax – gần đây đã nhấn mạnh, “việc nói về Erdő như một Giáo hoàng tương lai không có gì mới”. Tuy nhiên, như Gizzi đã viết, một người trong Vatican nói với Newsmax rằng Đức đương kim Giáo hoàng “sẽ không ở đây lâu”; vị này nói thêm rằng “cùng lắm ngài sẽ ở đó cho đến tháng 12”. Trong khi đó, nguồn tin này nói với Newsmax rằng “hãy theo dõi Đức Hồng Y Erdő… ngài là người mà Hồng Y đoàn, có nhiệm vụ bầu chọn vị Giáo hoàng tiếp theo, đang bắt đầu nói đến.”
Vị Giáo phẩm người Hungary này – được coi là người theo phe duy truyền thống bày tỏ lòng tôn trọng đối với những người thích Thánh lễ Latinh – cũng tôn trọng những người theo phe cấp tiến và có thể là một lực lượng thống nhất trong Giáo hội. Điều này có thể đặc biệt cần thiết nếu có hai cựu Giáo hoàng còn sống, hoặc nếu và khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô – về hưu – trở thành sao bắc đẩu cho những người theo phe cấp tiến trong trường hợp có người kế vị bảo thủ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Erdő làm “tổng tường trình viên” của Phiên đại hội đồng bất thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục.
Nhưng nếu việc bầu Đức Hồng Y Erdő gây ra một làn sóng chấn động khắp châu Âu – vào thời điểm có sự phân ly văn hóa giữa hai nửa của Lục địa – thì việc bầu một vị Giáo hoàng từ Nam Bán cầu, có lẽ sẽ báo hiệu bộ mặt thay đổi của Công Giáo, và cho thấy rằng hướng cấp tiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô’ đã được tái củng cố. Như Newsweek đã nhấn mạnh: “Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle từ Philippines đã được nhà chủ đánh cá ngựa người Anh OLBG đánh cuộc 5 ăn 1 sẽ được bầu làm giáo hoàng tiếp theo. Cũng rất được ủng hộ để thay thế Đức Phanxicô là Đức Hồng Y người Ghana Peter Turkson, người đã được đưa ra tỷ lệ đánh cuộc là 6/1”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Turkson là một người bảo thủ có tiếng đã nạp đơn từ chức đứng đầu một bộ của Vatican vào năm ngoái, dường như đã chán ngấy với các chia rẽ nội bộ.
Như Newsweek đã đưa tin, Đức Hồng Y Tagle “được xem như một ứng viên hàng đầu của chức Giáo hoàng nhờ một loạt các thăng thưởng từng làm cho việc Đức Phanxicô qúy mến ngài trở nên rõ ràng”. Được gọi là “Đức Phanxicô Châu Á”, ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc vào năm 2019. Điều quan trọng, Đức Hồng Y Tagle được coi là đại diện cho cánh tiến bộ của Giáo hội, trước đó từng chỉ trích “những lời lẽ gay gắt” đối với người Công Giáo LGBT. Nhưng một lần nữa, Đức Hồng Y Tagle đến từ một quốc gia bảo thủ, điều này có thể làm ảnh hưởng đến các tư cách cấp tiến của ngài như người kế vị Đức đương kim Giáo hoàng.
Ngược lại, việc bầu một vị Giáo hoàng từ Trung và Đông Âu sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng theo cách khác, và được coi là một phát súng lớn nhắm vào những người bảo thủ ở khu vực đó. Mặc dù sẽ là sai lầm khi mô tả Đức Hồng Y Erdő như người trực tiếp liên minh với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, nhưng những tuyên bố trước đây của Đức Hồng Y vẫn cho thấy một số thiện cảm nào đó đối với ông ta vì dù sao ông ta vẫn là người Công Giáo hàng đầu trong một quốc gia hiện có 80% là Kitô hữu và thuộc khuynh hướng duy dân tộc bảo thủ trong cuộc phân rẽ lớn về văn hóa ở châu Âu.
Orbán sẽ coi vị Giáo hoàng người Hungary như một thời điểm cực kỳ quan trọng. Trở lại năm 2015, trong thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu, Đức Hồng Y Erdő đã có một giọng điệu có vẻ phù hợp với Orbán. Chính khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi người Công Giáo tiếp nhận người tị nạn, thì Đức Hồng Y nói rằng việc tiếp nhận người tị nạn sẽ tương đương với nạn buôn người. Trong khi đó, Giám mục Laszlo Kiss-Rigo – viên chức cao nhất của Giáo hội ở miền nam Hungary – được trích dẫn nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “không biết tình hình” và Hungary đang bị “xâm lược”.
Như Niall Gooch đã viết cho UnHerd: “Đức Phanxicô và Orbán đại diện cho hai cách tiếp cận cho thấy nền chính trị Kitô giáo sẽ như thế nào trong thế giới hiện đại. Trong tất cả các chính phủ của châu Âu, Orbán có lẽ là người mang cờ dẫn đầu cho điều bạn có thể gọi là ‘chủ nghĩa duy văn minh’. Ông ta quan tâm đến sự bền bỉ và tồn tại của một dân tộc đặc thù, và một nền văn hóa đặc thù, ở một nơi đặc thù – chủ yếu là người Hungary, nhưng cũng cả châu Âu rộng lớn hơn”.
Tuy nhiên, Gooch lập luận: Đức Giáo Hoàng “dựa vào những luồng khác trong tư tưởng chính trị Kitô giáo. Là một tu sĩ Dòng Tên người Argentina, loại côn đồ đang lộ hình lớn trong đầu óc ngài là nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa hung hãn và theo chủ nghĩa sô vanh, kẻ củng cố quyền lực của mình bằng những cuộc tấn công khuyển nho vào người nước ngoài và kẻ thù bên trong. ” Trong mắt Đức Giáo Hoàng, “một đất nước và nền văn hóa Kitô giáo không phải là một đất nước và nền văn hóa bận tâm đến sự toàn vẹn và sự tồn tại của chính mình, mà là một đất nước và nền văn hóa biết tạo nên một mệnh lệnh chính trị bất di bất dịch từ các lệnh truyền của Thiên Chúa trong việc chào đón người lạ và công nhận mọi người như anh em”.
Ở Hungary, các viên chức Công Giáo được biết là liên minh với Orbán, người đã giám sát một hiến pháp có nhắc đến Thiên Chúa và Kitô giáo, đồng thời tài trợ cho các trường Kitô giáo. Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Đức Hồng Y Erdő, một năm sau, ngài bày tỏ lo ngại về các xu hướng muốn làm cho các tôn giáo chống lại nhau. Lúc đó, trong một cuộc phỏng vấn với Valasz On Line vào năm 2019 – khi được hỏi về Hồi giáo và nhập cư – Đức Hồng Y Erdő đã hỏi một cách hùng hồn: “Một quốc gia, một lục địa, có thể được gọi là Kitô giáo không?”. Ngài nói thêm: “mặc dù, tôi sẽ không nhấn mạnh mầu trắng là mầu Công Giáo”, cho thấy ngài có thể tiếp cận những người theo phe cấp tiến.
Một cuộc thi đua giữa Đức Hồng Y Erdő và Đức Hồng Y Tagle sẽ cho thấy một Giáo hội đang ở ngã tư đường, không chỉ giữa những người bảo thủ và cấp tiến, mà giữa cả các lực lượng của phe duy truyền thống ở châu Âu – trung tâm ban đầu của Công Giáo – và bộ mặt đang thay đổi của đức tin, tập chú nhiều hơn vào thế giới đang phát triển, nhưng phần lớn vẫn còn bảo thủ trong quan điểm, đặc biệt là về các vấn đề LGBT. Nếu chủ nghĩa tượng trưng đáng kể, thì cuộc thi đua của Đức Hồng Y Erdő và Đức Hồng Y Tagle sẽ là một cuộc thi đua không những về ý tưởng mà còn về tri nhận và bản sắc.