Khi nhà đấu tranh lâu năm cho nhân quyền kỷ niệm sinh nhật của mình trong tuần này, một số bạn bè và cộng sự của ngài nói với Edward Pentin của tờ National Catholic Register về những đóng góp liên tục của ngài cho Giáo hội ở Trung Quốc và các nơi khác.
Pentin tường thuật rằng những người bạn thân thiết của Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân sẽ tổ chức một bữa ăn trưa kỷ niệm cho vị giám mục danh dự bất khuất của Hồng Kông và người bảo vệ trung thành cho quyền tự do tôn giáo và dân sự, người sẽ bước sang tuổi 90 vào thứ Năm tuần này.
Mặc dù đây sẽ là một lễ kỷ niệm nhỏ do bị giới hạn bởi COVID-19, mỗi vị khách sẽ mang các món ăn để nấu cho vị Hồng Y có kỹ năng nấu nướng của riêng ngài. “Ngài là một đầu bếp giỏi!” một trong những vị khách được mời nói thế với tờ Register vào ngày 11 tháng 1. Vị này nói thêm rằng “món ăn nổi tiếng nhất của ngài là món thịt heo”.
Lễ kỷ niệm nhỏ và khiêm tốn không cho thấy mức độ mà vị Hồng Y dòng Salêdiêng này được quý mến và ủng hộ ở Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và ngoài những nơi như thế nữa, những nơi mà nhiều người Công Giáo và không Công Giáo đánh giá cao việc ngài lớn tiếng bảo vệ tự do tôn giáo và chính trị đối đầu với chính sách áp bức và bắt bớ của cộng sản Trung Quốc hàng thập niên nay.
Ngài [Lord] David Alton của Liverpool, người Công Giáo Anh phò sinh và ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc, người từng so sánh ngài với Đức Hồng Y Ignatius Kung Pin-Mei, phát biểu, “Ngài hết sức được ngưỡng mộ ở Hồng Kông, qua nhiều thế hệ”.
Đức Hồng Y Kung đã ở trong các nhà tù của Trung Quốc 30 năm vì thách thức các mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát người Công Giáo trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, do nhà nước điều hành. Ngài Alton nói, Đức Hồng Y Zen đang “bước theo vị Hồng Y này” bằng cách “không nao núng trong lòng dũng cảm và quyết tâm không phản bội tất cả những ai từng chịu đau khổ vì Đức tin của họ dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Một nguồn tin ở Hồng Kông, nhạy cảm với cuộc đàn áp liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với dân chủ và nhân quyền ở Hồng Kông, đề nghị giấu tên, cho biết vị Hồng Y này là “một món quà tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho Hồng Kông”. Nguồn tin nói với tờ Register ngày 11 tháng 1 rằng ngài “ủng hộ hết mình và đang làm điều mà rất nhiều người Công Giáo ở Hồng Kông đồng ý. Họ hoan nghênh những gì ngài đang làm”.
Sinh ra tại thị trấn Yan King-pang, gần Thượng Hải ở miền Đông Trung Quốc, Joseph Trần Nhật Quân được thụ phong linh mục vào năm 1961 và trở thành Bề trên tỉnh dòng Salêdiêng Trung Quốc trong sáu năm trước khi được bổ nhiệm làm phó Giám mục giáo phận Hồng Kông vào năm 1996. Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục thứ sáu của Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông vào năm 2002, nơi ngài phục vụ cho đến năm 2009. Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI nâng ngài lên hàng Hồng Y năm 2008.
Theo bạn bè của ngài, Đức Hồng Y Trần vẫn hoạt động, dù với một tốc độ chậm hơn nhưng sức khỏe vẫn tốt. Gần đây nhất, ngài đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc Bắc Kinh xâm phạm quyền tự do dân sự ở Hồng Kông, đặc biệt liên quan đến luật an ninh quốc gia hà khắc do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt đối với thuộc địa cũ của Anh vào tháng 6 năm 2020. Đức Hồng Y nói với tờ Register năm ngoái, luật này đã dẫn đến một “tình huống khủng khiếp” cho lãnh thổ, “lấy mất mọi bảo đảm về quyền công dân – không còn gì là an toàn nữa”.
Với mục tiêu trấn áp các cuộc biểu tình và quyền tự do ngôn luận, nhiều vụ bắt giữ và giam giữ đã được thực hiện, bao gồm cả yếu nhân truyền thông Công Giáo Jimmy Lai, một người bạn lâu năm của vị Hồng Y, người, vào tháng 12, đã bị bỏ tù 13 tháng vì tham gia một buổi canh thức đánh dấu vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989.
Mark Simon, cựu giám đốc điều hành cấp cao của Apple Daily, tờ báo ở Hồng Kông của Ông Lai, bị nhà cầm quyền đóng cửa mùa hạ qua, cho biết: “Jimmy Lai và Đức Hồng Y Trần giống như hai hạt đậu trong một chiếc vỏ. Họ diễu hành theo cùng một tiếng trống cao hơn”.
‘Người khổng lồ về luân lý và tâm linh’
Benedict Rogers, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hong Kong Watch, người từng biết vị Hồng Y trong hơn 20 năm, cho biết vị Hồng Y là “một người khổng lồ về luân lý và tâm linh”, người mà “lòng dũng cảm, sự khiêm tốn, lòng trắc ẩn và niềm tin” đã là nguồn cảm hứng đối với ông. Rogers nói với tờ Register, ngài là người đã “liên tục thể hiện lòng dũng cảm to lớn trong việc lên tiếng chống lại sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như cho Giáo hội ở Trung Quốc và tự do ở Hồng Kông”.
Ngài Christopher Patten, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, người đã dành nhiều năm đàm phán với Bắc Kinh trước khi bàn giao thuộc địa cũ cho Trung Quốc vào năm 1999, đã mô tả Đức Hồng Y Trần là “một hoàng tử thực sự của Giáo hội – dũng cảm, mục vụ và đứng về phía phải của lịch sử”.
Chính trị gia Công Giáo hồi hưu nói với tờ Register, “Tôi e rằng bạn sẽ không nhận được cái nhìn rất cân bằng của tôi về ngài vì tôi không có lời chỉ trích nào về lập trường can đảm mà ngài đã thực hiện về nhân quyền, đặc biệt là ở Trung Quốc, và tôi biết rất rõ về mối quan tâm mục vụ mà ngài đã thể hiện với những người Công Giáo ở Hồng Kông, bao gồm một hoặc hai người mà ngài không đồng ý về các vấn đề chính trị”.
Ngài Patten nói thêm, “Ngài là một người tốt, và tôi không nghĩ rằng lịch sử sẽ đưa ra bất cứ phán đoán nào khác về ngài”.
Đức Hồng Y Trần đã lên tiếng rộng rãi thay mặt cho những người Công Giáo ở Trung Quốc đại lục, nêu bật những vi phạm nhân quyền và cả những phản đối trước những động thái gần đây của Tòa thánh nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp với một Bắc Kinh ngày càng đàn áp.
Những nỗ lực trên đã đạt kết quả cao vào năm 2018 với Thỏa hiệp tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, cho đến nay vẫn chưa được công bố, về việc bổ nhiệm các giám mục (được gia hạn vào năm 2020), và văn kiện hướng dẫn mục vụ năm 2019 của Vatican khuyến khích các giáo sĩ Công Giáo gia nhập giáo hội do nhà nước quản lý.
Đức Hồng Y Trần tin rằng qua những văn kiện này, Vatican đã phản bội nhiều giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo, những người trong nhiều thập niên vốn chống lại việc gia nhập Hiệp hội Yêu nước do Giáo Hội và nhà nước điều hành, và thay vào đó chọn trung thành với Rôma bằng cái giá bị bắt bớ và bỏ tù. Về phần mình, Vatican cho rằng các biện pháp này là nhằm bảo vệ tự do tôn giáo và cần có sự kiên nhẫn.
Ngài Alton cho biết “điều hối tiếc lớn nhất của ông là Đức Hồng Y Trần đã không được lắng nghe khi ngài lên tiếng chống lại thỏa thuận bí mật của Vatican với Đảng Cộng Sản Trung Quốc – hoặc thậm chí không được tiếp đón ở Vatican khi ngài đến đó để trình bầy mối quan tâm của mình”.
Ngài Alton nói với tờ Register, “Nó nói khá nhiều về Đức Hồng Y Trần rằng ngài đã vác thánh giá đó một cách có phẩm giá và chấp nhận xiết bao”.
Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, ca ngợi vị Hồng Y vì “sự hiện diện đầy cảm hứng” của ngài trong “thời kỳ đen tối đối với tự do tôn giáo và nhân quyền ở Hồng Kông”. Đặc biệt, cô cho biết “những lời cảnh báo của ngài rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn giết Giáo hội hầm trú từng giúp Đạo Công Giáo vượt qua cuộc Cách mạng Văn hóa, đã được biện minh một cách đáng buồn”.
Shea cho biết cô “vô cùng vinh dự” khi vị Hồng Y này đến thăm cô vào năm 2011 tại Washington D.C. và cảnh báo chống lại “chính sách Ostpolitik, hiện đã được định chế hóa, [đó] đang được theo đuổi bởi các nhà ngoại giao Vatican, quá sẵn lòng thỏa hiệp với Bắc Kinh”.
Thánh lễ truyền thống
Đức Hồng Y cũng không ngại lên tiếng về những vấn đề khác, chẳng hạn như những hạn chế gần đây đối với Thánh lễ truyền thống. Trong các nhận định vào tháng 7 năm ngoái, ngài nói tự sắc Traditionis Custodes (Duy trì Truyền thống) của Đức Phanxicô chứa “nhiều tổng quát hóa gây tranh cãi” đã “làm tổn thương trái tim của nhiều người tốt lành hơn mong đợi”. Ngài cũng bày tỏ “nỗi đau buồn và phẫn nộ” trước việc dẹp bỏ các thánh lễ không đồng tế tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào tháng 3 năm ngoái.
Với sự thẳng thắn của mình, Đức Hồng Y Trần dĩ nhiên có các đối thủ, không những trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn ở cả Vatican và các nơi khác.
Năm 2015, một linh mục người Trung Quốc bí mật có tên là Cha Paul Han đã tố cáo ngài gây ra “rất nhiều chuyện”. Và vào năm 2020, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, đã giải thích trong một bức thư công khai gửi các Hồng Y tại sao ngài cho rằng Đức Hồng Y Trần đã sai về nhiều điểm liên quan đến Giáo hội ở Trung Quốc (sau đó Đức Hồng Y Trần đã trả lời từng điểm một trong số này).
Trong các bình luận với tờ Register, nguồn tin ẩn danh của Hồng Kông giải thích lý do tại sao vị Hồng Y lại kiên quyết chống lại sự bất công, đặc biệt liên quan đến cách tiếp cận hiện nay của Tòa thánh đối với Trung Quốc.
“Nếu bạn từng là giám mục, linh mục hoặc thành viên bình thường của Giáo Hội Công Giáo vốn từ chối gia nhập Giáo Hội yêu nước, do nhà nước điều hành trong 20-30 năm và thay vào đó biểu lộ lòng trung thành với Vatican, gặp rất nhiều rủi ro, có thể bị tù nhiều năm, nhưng nay bạn được cho hay bạn không nên làm điều đó nữa và tốt hơn nên tham gia Hiệp hội Yêu nước, bạn sẽ phản ứng ra sao?” nguồn tin hỏi thế. “Đây chỉ là một lý do tại sao ngài nhận được rất nhiều sự ủng hộ”.
Simon nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Trần “đôi khi bị buộc tội chia rẽ Giáo hội, nhưng ngài không thay đổi. Chính những người đó đang cố làm ra vẻ rằng Trung Quốc đã thay đổi. [Đức Hồng Y] Trần chưa bao giờ thay đổi, và chính những người như Carrie Lam [một thứ tổng đốc Công Giáo của Hồng Kông] đã điều chỉnh đức tin để phù hợp với hệ tư tưởng của họ”.
Rogers tin rằng “cho dù, một cách đáng tiếc, ngài chưa thành công trong việc đánh thức lương tâm ở Vatican,” Đức Hồng Y Trần đã “giúp đánh thức lương tâm của thế giới”.
Ngài Alton dự đoán rằng trên hoàn cầu, “bạn bè và những người ngưỡng mộ của Đức Hồng Y Trần ngày nay sẽ chúc ngài Ad multos [trường thọ] và cảm tạ vì lòng dũng cảm và tấm gương của ngài”.