Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực

Nghe bài này

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register ngày 24 tháng Hai, 2021, ngài đã trình bày một số nhận định liên quan đến việc Đức Hồng Y Robert Sarah thôi giữ chức tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cardinal Robert Sarah, an Authentic Spiritual Guide
By Father Raymond J. de Souza
Đức Hồng Y Robert Sarah, một Người Hướng dẫn Tinh thần đích thực

Ở tuổi 75 và sức khỏe rõ ràng còn rất tốt, Đức Hồng Y Robert Sarah có thể còn nhiều năm phục vụ với nhiều thành quả phía trước, nhưng việc nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích kết thúc một trong những chuỗi nhiệm vụ đáng chú ý nhất đối với bất kỳ vị giám mục nào trong Giáo Hội.

Đức Hồng Y Sarah, được thụ phong linh mục năm 1969, thuộc thế hệ thứ nhất của các hoa trái từ các hoạt động truyền giáo thuở ban đầu ở Phi Châu. Ngài thường nhắc nhớ rằng tấm gương của các linh mục truyền giáo trong làng của ngài đã đánh thức trong ngài tình yêu cầu nguyện và lòng kính trọng đối với chức tư tế như thế nào. Ngài là một trong những linh mục bản xứ đầu tiên ở quê hương Guinea của mình.

Tổng Giám Mục có tên trong danh sách bị ám sát

Đức Hồng Y Sarah được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Conakry, thủ đô của Guinea, vào năm 1979, chỉ sau 10 năm làm linh mục, ở tuổi 34. Guinea đang rơi vào khủng hoảng chính trị, và không rõ ai có thể lãnh đạo Giáo hội địa phương một cách hiệu quả chống lại những kẻ giết người trong chế độ của Ahmed Sékou Touré.

Đức Tổng Giám Mục Raymond-Marie Tchidimbo của Conakry đã bị Sékou Touré bắt giam vào năm 1971 trong một chiến dịch đàn áp trên quy mô lớn, bao gồm cả đàn áp tôn giáo. Ngài bị giam giữ tại trại tập trung khét tiếng Camp Boiro trong tám năm. Vào tháng 8 năm 1979, một thỏa thuận đã đạt được với Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Tchidimbo được trả tự do, lưu đày đến Rôma và từ chức.

Tổng giám mục của Conakry trong hoàn cảnh như vậy không phải là một chức vụ hấp dẫn. Tòa Thánh đã giao trách nhiệm ấy cho Cha Sarah trẻ, người không ảo tưởng về viễn cảnh tử đạo đang chờ đợi ngài. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã can đảm thách thức chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác xít và khiến Sékou Touré thù hận.

Năm 1984, Sékou Touré đột ngột gặp vấn đề về tim trong một chuyến đi đến Ả Rập Xê Út và được đưa đến Hoa Kỳ để cấp cứu y tế, tại đây hắn ta đột ngột qua đời. Trên bàn làm việc của hắn ở Conakry là danh sách những người sẽ bị ám sát, có lẽ sẽ có hiệu lực nếu hắn ta trở lại. Đức Tổng Giám Mục Sarah đã có tên trong danh sách.

Sau khi Sékou Touré qua đời, Giáo hội và xã hội bị bao vây bởi xung đột liên tục với chế độ. Sau hơn 20 năm làm tổng giám mục, khi được bổ nhiệm vào Giáo triều Rôma, Đức Tổng Giám Mục Sarah đã nói thẳng thừng:

“Tôi biết rằng người dân Guinea rất quý trọng và yêu mến tôi. Nhưng tôi rời Guinea với ấn tượng rằng tôi bị chính phủ ghét bỏ vì tôi nói sự thật”.

Các hoàng tử Phi Châu ở Rome

Khi Đức Tổng Giám Mục Sarah đến Rome vào năm 2001, ngài đã bước vào bóng tối của các giám mục Tây Phi cao ngất ngưởng, cũng được phong chức giám mục ở các quốc gia bản địa của các ngài vào đầu những năm 30 tuổi.

Đức Hồng Y vĩ đại Bernardin Gantin của Benin đã được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đưa đến Rôma vào những năm 1970, được phong làm Hồng Y trong nhiệm kỳ cuối cùng của ngài vào năm 1977 cùng với Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm vào chức vụ tổng trưởng Bộ Giám Mục. Đến năm 2002, Đức Hồng Y Gantin được ngưỡng mộ vô cùng đã trở thành niên trưởng của Hồng Y Đoàn. Là một người thánh thiện mang vẻ đẹp vương giả, nếu Đức Gioan Phaolô II qua đời 10 năm trước đó, vị Hồng Y người Phi Châu này có lẽ đã được nhiều người ưu ái đưa lên kế vị ngài.

Năm 2002, Đức Hồng Y Gantin nghỉ hưu tại quê hương Benin của mình, và vai trò lãnh đạo Phi Châu ở Rôma được trao cho Đức Hồng Y Phanxicô Arinze của Nigeria. Người đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã được thăng chức cùng năm đó với công việc mà Đức Hồng Y Sarah cuối cùng sẽ nhận được, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Đức Hồng Y Arinze, một thành quả khác của hoạt động truyền giáo ban đầu của Giáo Hội ở Phi Châu, là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong Giáo triều của Đức Gioan Phaolô và thường xuyên hiện diện tại Hoa Kỳ, nơi ngài nhận được vô số lời mời.

Sau khi Đức Hồng Y Arinze nghỉ hưu vào năm 2008, chiếc áo choàng được chuyển sang Tổng Giám Mục Sarah, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 phong Hồng Y vào năm 2010. Đức Bênêđíctô cũng là người đã bổ nhiệm ngài đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng “Cor Unum”, điều hành các công việc bác ái của Đức Giáo Hoàng.

Có vẻ như Đức Hồng Y Sarah đã học được từ những người Tây Phi của mình rằng vai trò của ngài bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ quản lý bộ phận của mình.

Là một người phát ngôn thực sự cho Giáo Hội tại Phi Châu, mà Đức Phaolô Đệ Lục gọi là “quê hương mới của Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Sarah sẽ mang đến cho cuộc thảo luận Công Giáo toàn cầu kinh nghiệm của sứ vụ truyền giáo trong Giáo Hội trẻ và trưởng thành, một sự tương phản so với sự mệt mỏi và thối chí của nhiều người đến từ “các quốc gia Công Giáo cũ” đã làm xuất huyết sức sống và năng lượng.

Bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội – và Hồng Y Sarah

“Bản chất sâu xa nhất của Giáo hội được thể hiện trong một bộ gồm ba trách nhiệm của mình”, Đức Bênêđíctô XVI viết trong thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình yêu, 25). “Công bố lời Chúa (kerygma-Martyria), cử hành các bí tích (leitourgia), và thi hành sứ vụ bác ái (diakonia). Các nhiệm vụ này giả định lẫn nhau và không thể tách rời”.

“Trách nhiệm” hay “nghĩa vụ” là cách dịch của thuật ngữ tiếng Latinh munus (số ít) hoặc munera (số nhiều), vốn có ý nghĩa phong phú hơn nhiều. Một munus không chỉ là một sứ vụ hay nhiệm vụ, mà còn là một nhiệm vụ trang trọng, một sứ mệnh, thậm chí là một căn tính. Thánh Phaolô VI đã bắt đầu thông điệp Humanae Vitae (Sự sống con người liên quan đến việc điều hòa sinh sản) của ngài bằng cách nói về những munera nghiêm trọng nhất mà cha mẹ phải gánh vác trong việc lưu truyền sự sống của con người.

Đức Hồng Y Sarah lần đầu tiên được đưa đến Rôma vào năm 2001 bởi Đức Thánh Gioan Phaolô II, người đã bổ nhiệm ngài làm thư ký tại Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc (Propaganda Fidei), là cơ quan của Vatican chịu trách nhiệm giám sát việc truyền giáo cho muôn dân, tức là việc công bố lời Chúa – kerygma-Martyria.

Sau đó, ngài được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm người đứng đầu “Cor Unum”, là hội đồng thực thi các công việc bác ái – diakonia – của Đức Giáo Hoàng.

Cuối cùng, vào năm 2014, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô thăng chức lên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nơi ngài được phụ trách về leitourgia, đời sống bí tích của Giáo hội. Đức Hồng Y Sarah đã sống – không chỉ trong phạm vi các bổ nhiệm, mà bằng lòng nhiệt thành và sự tận tâm – đối với bộ ba nghĩa vụ của Giáo Hội.

Một nhà tiên tri và người hướng dẫn

Trước tin tức nghỉ hưu của ngài, nhiều bài bình luận đã cho thấy Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế chương trình cải cách phụng vụ của Đức Bênêđíctô XVI. Có sự thật trong đó. Trọng tâm của tầm nhìn của Đức Bênêđíctô đối với việc cải cách phụng vụ không phải là một hình thức ngoại thường, hay Tridentine, của Thánh lễ, mà theo định nghĩa vẫn là ngoại thường. Đúng hơn, Đức Bênêđíctô đã nhìn thấy con đường phía trước trong cử hành ad orientem của hình thức thông thường, hoặc Novus Ordo [ad orientem nghĩa là ‘hướng đông’. Thánh Basilô Cả quả quyết rằng ‘cầu nguyện quay mặt về hướng đông là luật bất thành văn lâu đời của Giáo Hội’. Trong các tác phẩm của các ngài, Đức Bênêđíctô và Đức Hồng Y Sarah dùng từ ‘ad orientem’ không giới hạn theo nghĩa đen là phương hướng địa lý, nhưng ‘ad orientem’ là hướng về Thiên Chúa, để đề cao phục vụ trang nghiêm và phê phán các cử hành như một màn trình diễn trong đó các linh mục là nhân vật chính – chú thích của người dịch] Đức Hồng Y Sarah đã cố gắng hết sức để thúc đẩy thực hành đó với những thành công hạn chế; dự án đó sẽ tiếp tục khi những người khác tiếp nối.

Đức Hồng Y Sarah là người thừa kế của Đức Bênêđíctô nhiều hơn nữa trong việc trở thành một tiếng nói tiên tri và hướng dẫn tinh thần thông qua ba cuốn sách phỏng vấn của ngài, tất cả đều là những tác phẩm Công Giáo được chào đón ở tầm mức quốc tế. Đức Hồng Y Ratzinger đã đi tiên phong trong hình thức này vào năm 1984 với cuốn “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”; bây giờ mỗi vị Hồng Y và cả những người phụ tá cho các ngài đều có sách phỏng vấn. Sự kiện những cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah đến được với đông đảo khán giả trong bối cảnh lộn xộn như vậy thật đáng chú ý; hơn thế nữa, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra khoảng chục cuốn sách phỏng vấn cùng một lúc, không cuốn nào tạo nên những ảnh hưởng như “The Ratzinger Report” – “Báo cáo Ratzinger”, “Crossing the Threshold of Hope” – “Vượt Qua Ngưỡng Hy Vọng” của Đức Gioan Phaolô II hay bộ ba cuốn sách của Đức Hồng Y Sarah: “God or Nothing” – “Có Chúa Hay Không Có Gì”, “The Power of Silence” – “Sức Mạnh Của Sự Im Lặng” và “The Day Is Now Far Spent” – “Ngày Đã Tàn”.

Một phần là tự truyện, một phần là những cảnh báo tiên tri, một phần là duyệt lại văn hóa Giáo Hội, những cuốn sách này trên hết là lời mời gọi khôi phục lại địa vị nguyên thủy của Thiên Chúa – trong cầu nguyện, trong công bố, trong sứ mệnh, trong phụng vụ và trật tự xã hội. Trong các cuốn sách của mình, Đức Hồng Y Sarah đã tiếp cận một lượng khán giả vượt xa giới hạn của Giáo triều Rôma, trở thành một người cha và người hướng dẫn tinh thần thực sự.

Chuyện gì tiếp theo?

Nhiều mục tử đã nghỉ hưu nói rằng, được giải phóng khỏi gánh nặng của công việc hành chính, họ có thể “trở lại làm linh mục”. Điều này có vẻ đúng hơn đối với các Hồng Y và giám mục. Không nghi ngờ gì nữa, với cuộc sống nội tâm mãnh liệt của mình – ba ngày không ăn trong vùng hoang dã là một dấu ấn của cuộc sống khổ hạnh của ngài ở Guinea – có thể mong đợi rằng Đức Hồng Y Sarah sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống ẩn dật, cô độc và cầu nguyện.

Người ta cũng mong đợi rằng ngài sẽ tiếp tục vai trò hướng dẫn tinh thần của mình. Ngài nhận được nhiều lời mời thuyết giảng hơn nhiều so với khả năng ngài có thể nhận khi giữ các chức vụ trong Giáo triều Rôma. Bây giờ ngài có thể tự do đảm nhận công việc đó.

Sự phát triển của Internet đã làm cho một giám mục, hoặc thậm chí một linh mục, có thể có một tác động rất lớn. Đồng thời, thế giới kỹ thuật số của những tranh cãi được thổi phồng đang là mối nguy hiểm hiện nay. Chính Đức Hồng Y Sarah đã vượt qua mối nguy hiểm đó vào năm ngoái khi được cho là đã tán thành tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò về đại dịch; ngài nhanh chóng tránh xa cuộc tranh cãi này. Giờ đây, Đức Hồng Y Sarah sẽ có cơ hội thuyết giảng với thế giới đó mà không rơi vào những cuộc luận chiến phân cực. Nó có thể mất một chút sức mạnh của sự im lặng.

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS