Đức Hồng Y Zen và liên hệ Trung Quốc – Vatican

Nghe bài này

Đầu óc ranh mãnh của Trung Quốc đối với Tòa Thánh tỏ rõ trong mấy tuần qua. Chắc chắn việc Tập Cẩn Bình qua Kazakhstan cùng một thời điểm với Đức Phanxicô nhưng từ chối gặp ngài dù được Tòa Thánh yêu cầu và việc họ đưa Đức Hồng Y Zen ra tòa vào tháng này, rõ ràng có liên hệ với những cuộc thương thảo để gia hạn thỏa thuận “tạm thời” giữa đôi bên.

Andrea, một chuyện viên về Vatican, trong bài “Pope Francis extends a hand to China” đăng trên CNA ngày 19 tháng 9, 2022 cũng nối kết vụ ra toà của Đức Hồng Y Zen với cuộc thương thảo trên khi cho rằng trong khi phiên toà xử Đức Hồng Y Zen đang diễn ra tại Trung Quốc, thì Tòa Thánh tiếp tục làm việc để gia hạn thỏa thuận Trung Quốc – Vatican về việc bổ nhiệm các giám mục.

Có vẻ như không có thay đổi đáng kể nào đối với thỏa thuận, và sẽ được gia hạn thêm hai năm nữa bất chấp những lời chỉ trích.

Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp một số diễn biến.

Sự phát triển đầu tiên là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, dưới sự chỉ đạo của Đức Hồng Y Pietro Parolin, đang rục rịch lo việc thành lập một phái bộ của Tòa thánh tại Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Il Messaggero trong chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kazakhstan, Đức Hồng Y Parolin nói rằng việc chuyển “phái bộ nghiên cứu” của Tòa Thánh từ Hồng Kông đến Bắc Kinh không phải là một khái niệm mới lạ và Tòa thánh đã sẵn sàng làm việc này.

“Tôi không nghĩ đó là một ý tưởng mới. Chúng tôi đã luôn làm cho nó hiện diện. Chúng tôi đang chờ tín hiệu từ Bắc Kinh, tín hiệu này vẫn chưa đến”.

“Phái đoàn nghiên cứu” ở Hồng Kông có vai trò rất quan trọng đối với mối liên hệ giữa Trung Quốc và Tòa thánh và là mục tiêu của vụ tấn công tin tặc vào năm 2020.

Theo truyền thống, phái bộ được liên kết với Tòa sứ thần ở Manila, Philippines. Trưởng phái đoàn là Đức ông José Luis Diaz Mariblanca Sanchez, người đã từng làm việc tại Indonesia, Algeria và Phủ Quốc vụ khanh. Vì hai nhà ngoại giao đã được chỉ định từ năm 2007, nó cũng bao gồm Đức ông Alvaro Ernesto Izurieta y Sea, xuất thân từ Buenos Aires, người đã ở Hồng Kông từ năm 2020.

Gagliarducci cho rằng việc di chuyển này có nghĩa mở ra một kênh ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt vào năm 1951.

Đồng thời, vì một phái bộ nghiên cứu không phải là một sứ thần, nó mang ít trọng lượng hơn.

Để mở Tòa sứ thần ở Bắc Kinh, Tòa thánh sẽ phải đóng cửa Tòa sứ thần ở Trung Hoa, hiện có trụ sở tại Đài Bắc, do đó cắt đứt liên hệ với Đài Loan, vì Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.

Tòa thánh là một trong 14 quốc gia duy trì liên hệ với Đài Loan. “Vào lúc này,” Đức Hồng Y Parolin nói, “mọi thứ vẫn như thế.”

Tuy nhiên, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết họ cũng đã làm việc nhằm thay đổi một số điều khoản của thỏa thuận. Đức Hồng Y Parolin nói với CNA như thế, mặc dù không biết điều khoản nào của thỏa thuận có thể được điều chỉnh, vì đây là một thỏa thuận bí mật và các điều khoản của nó vẫn chưa được công khai.

Gagliarducci cũng đề cập đến việc Tòa Thánh muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cẩn Bình và Đức Phanxicô tại Kazakhstan, nhưng họ Tập đã không chịu gặp Đức Giáo Hoàng. Gagliarducci cho rằng trong vụ này, “ông Tập dường như đã chọc tức Đức Giáo Hoàng”.

Tuy nhiên, theo Il Messaggero, Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, nhân dịp này, đã ca ngợi “lòng nhân từ và tình thân ái” trong lời nói của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nữ phát ngôn viên cũng cho biết “Trung Quốc và Vatican duy trì liên lạc tốt” và họ sẵn sàng “duy trì đối thoại và hợp tác với Vatican và thực hiện quá trình cải thiện liên hệ.”

Một diễn biến trước đó là cuộc họp của Hội nghị Munich về An ninh giữa Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, “bộ trưởng ngoại giao” của Vatican và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, vào ngày 14 tháng 2 năm 2020.

Một diễn biến nữa là địa điểm được chọn cho vòng đàm phán mới nhất về việc gia hạn thỏa thuận trong năm nay: đó là Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc.

Vị trí này rất quan trọng về mặt biểu tượng, vì đây là một trong nhiều giáo phận bị trống tòa ở Trung Quốc kể từ năm 2005 – có nghĩa là, không có giám mục được nhà nước công nhận.

Các cuộc họp được tổ chức từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 2 tháng 9, và phái đoàn Vatican, theo báo cáo của Asia News, cũng đã đến thăm giám mục hầm trú Melchior Shi Hongzhen.

Vị Giám Mục 93 tuổi này đã được Giám mục Stephano Li Side của Giáo Hội hầm trú tấn phong bí mật làm giám mục phó của giáo phận với một giáo sĩ khác vào ngày 15 tháng 6 năm 1982.

Ngài kế nhiệm Giám mục Li Side, trở thành Giám mục của Thiên Tân vào ngày 8 tháng 6 năm 2019. Ngài đang sống trong sự quản thúc tại gia và chịu áp lực gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) được nhà nước bảo trợ, theo một báo cáo “Mùa Đông Đắng”.

Trong một thế giới mà mọi điều đều phải được đọc bằng biểu tượng, đó là một tín hiệu mạnh mẽ từ Tòa Thánh: Phái đoàn muốn chứng minh rằng mặc dù mong muốn tiến hành một cuộc đối thoại, tình hình của người Công Giáo ở Trung Quốc vẫn không bị lãng quên.

Diễn biến mới nhất là việc bầu cử Giám mục Joseph Li Shan của Bắc Kinh làm chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.

Hiệp hội trên, được thành lập năm 1957, là cơ quan của chính phủ nhằm kiểm soát Giáo hội. Các linh mục và giám mục Công Giáo buộc phải thể hiện thiện chí và tuân theo các yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Việc bổ nhiệm Li Shan dường như là một dấu hiệu tiếp theo của một mối liên hệ hợp tác: ngài đã được tấn phong vào năm 2007, với sự đồng ý của Tòa thánh, trước khi có thỏa thuận Trung quốc-Vatican vào năm 2018.

Đó là một động thái cho thấy mối liên hệ được cải thiện sau bức thư gây ảnh hưởng của Đức Bênêđíctô XVI gửi người Công Giáo Trung Quốc. Li Shan, người gần đây đã lên tiếng công khai ủng hộ chính sách Trung Quốc hóa tôn giáo của chính phủ, cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn, đã hy vọng vào chuyến thăm của Đức Bênêđictô XVI tới Trung Quốc.

Những phát triển này cho thấy việc gia hạn thỏa thuận đang được tiến hành nhanh chóng.

Theo các nguồn tin truyền giáo, thỏa thuận sẽ được tiếp tục mà không có thay đổi. Do đó, Đức Giáo Hoàng sẽ phải kiên trì trong các nỗ lực đối thoại với Trung Quốc, đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục, không bị cản trở, gây áp lực với các tôn giáo, bao gồm cả Công Giáo.

Theo Gagliarducci, Tòa Thánh biết rõ thế dễ bị tổn thương của mình, nhưng vẫn tiếp tục cuộc đối thoại, ông trích dẫn lời một trong những người tham gia đàm phán nói với ACI Stampa, cơ quan đối tác của CNA ở Ý: “Tòa thánh giơ ra một bàn tay, nhưng nó biết rằng ở phía bên kia có một con dao, và lưỡi dao đang hướng về phía tay chúng tôi. Mỗi khi chúng tôi đưa tay ra, bàn tay của chúng tôi bị chảy máu. Ấy thế nhưng, chúng ta phải tiếp tục giơ tay ra”.

Không nên hy sinh Đức Hồng Y Zen vì Trung Quốc

Đức Hồng Y Gerhard Muller xem ra không thích giơ tay ra khi vết thương là Đức Hồng Y Zen. Theo UCA, ngài bảo: Tòa Thánh “không nên hy sinh Đức Hồng Y Zen vì Trung Quốc”. Ngài chỉ trích việc thiếu hỗ trợ Đức Hồng Y Zen trong mật nghị Hồng Y vừa qua.

Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Ý, Il Messagero (Sứ Giả), ngài nói rằng trong mật nghị ấy, không một viên chức cao cấp nào của Tòa Thánh hay ngay Đức Giáo Hoàng nhắc chi tới Đức Hồng Y Zen hay phiên tòa xử ngài. Ngài phát biểu “Tháng tới sẽ có phiên toà bất công. Không ai nêu câu hỏi nghiêm trọng về người anh em Zen của chúng ta. Cả Niên trưởng [Hồng Y đoàn], Đức Hồng Y Re [Giovanni Batista Re] lẫn Hồng Y Quốc Vụ Khanh Parolin, cả Đức Giáo Hoàng cũng không. Không có một văn kiện liên đới, không có cả sáng kiến cầu nguyện”.

Theo ngài, “đáng lý ra mật nghị đặc biệt nên là cơ hội để tuyên bố tình liên đới trọn vẹn với Đức Hồng Y Zen nhân danh mọi Hồng Y thuộc Hồng Y đoàn”.

Đức Hồng Y Muller nói rằng hiển nhiên có “những lý do chính trị” khiến Tòa Thánh không đưa ra sáng kiến nào để ủng hộ Đức Hồng Y. Ngài phát biểu: “Tôi muốn nói tới thỏa thuận của Tòa Thánh về việc bổ nhiệm Giám Mục [tại Trung Quốc] mà Tòa Thánh mới đây ký với chính phủ Tập Cẩn Bình”.

Ai cũng biết Đức Hồng Y Zen là một trong những người chỉ trích thỏa thuận mạnh mẽ nhất, coi nó như một phản bội đối với Giáo Hội hầm trú Trung Hoa. Với Đức Hồng Y Muller nó không hề phục vụ lợi ích của Tòa Thánh cũng như Thị quốc Vatican. Ngài nghĩ rằng Giáo Hội nên tự do hơn và ít bị ràng buộc vào luận lý thế lực trần tục để có thể tự do hơn trong việc can thiệp và, nếu cần, chỉ trích các chính trị gia đàn áp nhân quyền.

Đức Hồng Y Zen được ca ngợi là “người của Thiên Chúa”

Trong khi ấy, Elise Ann Allen của CruxNow, tường thuật việc một vị Hồng Y có tiếng tăm đã lên tiếng ca ngợi Đức Hồng Y Zen như một người Trung Hoa chân chính và một chứng nhân đáng tin cậy của Chúa Kitô.

Vị Hồng Y ấy không là ai khác mà chính là Đức Hồng Y Fernando Filoni, cựu Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, người từng tới thăm Việt Nam đầu năm 2015.

Thực vậy, trong một bức thư công bố ngày 23 tháng 9, 2022 trên tờ báo Ý Avvenir, vị Hồng Y trên viết: “Ngài [Đức Hồng Y Zen] là một người Trung Hoa chân chính. Không ai trong số những người tôi biết, có thể, tôi xin nói, là chân thực và trung thành như ngài”. Đức Hồng Y Filoni xác tín rằng “Đức Hồng Y Zen sẽ không bị kết án”.

Ngài viết thêm, “Hồng Kông, Trung Quốc, và Giáo Hội có nơi ngài một người con tận tụy không phải xấu hổ vì nó. Đây là một chứng ngôn của sự thật”.

Năm nay 76 tuổi, Đức Hồng Y Filoni hiện là Tổng quyền Dòng Mộ Thánh và là cựu Bộ trưởng Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho các Dân tộc. Chịu chức linh mục năm 1970, ngài phục vụ tại các tòa sứ thần Tòa thánh tại Sri Lanka, Iran, Brazil, và Phi Luật Tân, nơi ngài được cử nhiệm làm sứ thần vào năm 2006, sau 5 năm làm khâm sứ Tòa Thánh tại Iraq và Jordan. Năm 1992, Đức Gioan Phaolô II phái ngài qua Hồng Kông lúc đó còn thuộc Anh, để nghiên cứu tình hình Giáo Hội tại Trung Hoa. Chính tại đây ngài gặp Đức Hồng Y Zen.

Trong lá thư của ngài, Đức Hồng Y Filoni nhắc đến các nhân vật Kinh Thánh từng chết vì nói sự thật, trong đó, có Gioan Tẩy Giả và chính Chúa Giêsu. “Ngày nay, một phiên tòa khác cũng đang diễn tiến, ở Hồng Kông. Một thành phố tôi yêu mến rất nhiều vì đã sống ở đó hơn 8 năm trời”, ngài viết thế, nhắc lại việc ngài gặp Đức Hồng Y Zen lần đầu tiên ra sao, lúc ấy Đức Hồng Y Zen còn là giám tỉnh của Dòng Salêdiêng.

Đức Hồng Y Filoni viết rằng Đức Hồng Y Zen là “một người Trung Hoa trọn vẹn. Rất thông minh, sắc sảo, với nụ cười lôi cuốn”.

Ngài nói, lúc ấy, Zen còn là một giáo sư triết học và đạo đức học được yêu mến. Ngài nói sõi tiếng Ý và hiểu thấu đáo nền văn hóa Âu châu, từng theo học các trường ở Châu Âu lúc còn trẻ. Tuy nhiên, ngài không bao giờ quên nền văn hóa riêng của ngài, và “thực sự vẫn là người Trung Hoa”.

Đức Hồng Y Filoni mô tả Đức Hồng Y Zen như một con người sống “cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa” và là người làm ngài ngạc nhiên như “một nguyên mẫu của tính liên văn hóa’ nhắc ta nhớ các tư tưởng gia xưa của Trung Hoa như Xu Guangqi, hay Giám Mục Dòng tên của Thượng Hải, Aloysius Jin Luxian.

Thượng Hải có lúc đã được mệnh danh là “thành phố tử đạo”, nơi, nhiều thành viên của gia đình Zen là nạn nhân của xâm lược Nhật, buộc phải trốn chạy bỏ lại mọi của cải. “Chàng thanh niên Zen không bao giờ quên được kinh nghiệm ấy và rút tỉa từ đó tính nhất quán cho tính tình và lối sống của mình; và rồi tình yêu vĩ đại dành cho tự do và công lý”.

Cho rằng Thượng Hải cũng là quê hương của nhiều anh hùng, Đức Hồng Y Filoni cho hay, “Đức Hồng Y Zen là một trong những đệ tử cuối cùng của các gia đình này”. Ngài viết, Đức Hồng Y Zen “nhìn phía trước và không hề phán đoán đối với người ta: đó là triết lý sống của ngài; ngài nói, hệ thống chính trị có thể bị xét đoán, và suy nghĩ của ngài về chúng rất rõ ràng, nhưng người ta thì không thể bị xét đoán; xét đoán được giành cho Thiên Chúa, Đấng biết lòng con người”.

Việc Đức Hồng Y Zen tôn trọng và hỗ trợ con người luôn là “trụ cột của viễn ảnh nhân bản và tư tế của ngài. Đến nay vẫn thế, dù hiện nay, ngài đang bị điệu ra tòa.

Đức Hồng Y Filoni viết thêm, “Chính trực về luân lý và lý tưởng được coi là ở cấp độ cao nhất khi Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục và Đức Bênêđíctô XVI nâng ngài lên hàng Hồng Y”. Một số người có thể coi ngài thiếu mềm mỏng. Nhưng “ai mà không như thế khi đối đầu với các bất công và đòi hỏi tự do mà bất cứ hệ thống chính trị và dân sự chân chính nào cũng nên bênh vực?”

Vu Van An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS