Khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị đến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, ngài nhấn mạnh đến sự phục vụ người nghèo hơn là củng cố giáo điều.
“Tôi cần phải bắt đầu thực hiện các sự cải tổ ngay từ bây giờ”. Đây là lời ngài nói với sáu người bạn ngài là dân Á Căn Đình hai tháng sau khi 115 Hồng Y đã bầu ngài làm giáo hoàng trong mật nghị. Đối với nhiều quan sát viên – một số rất vui thích, một số lại thất vọng – Đức Thánh Cha mới dường như đã thay đổi mọi sự trong một thời gian ngắn. Ngài là giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, giáo hoàng đầu tiên không sanh trưởng tại Âu Châu trên một ngàn năm qua, và là giáo hoàng đầu tiên chọn tên Phanxicô, để tôn vinh Thánh Phanxicô thành Assissi, vị thánh chuyên lo cho người nghèo.
Ngay sau khi được bầu lên ngày 13 tháng 3, 2013, vị lãnh đạo mới của Giáo Hội Công Giáo xuất hiện trên ban công của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô không mang áo choàng mầu đỏ cũng như giây stola đỏ thêu vàng. Ngài chào đón đám đông hò reo bằng một lời nói giản dị: “Fratelli e sorelle, buona sera” (Anh chị em thân mến, thân chào), và ngài kết thúc bằng lời xin mà dân Á Căn Đình đã quen thuộc: “Xin cầu nguyện cho tôi.” Khi ngài rời khỏi Vương Cung Thánh Đường, ngài bước qua chiếc xe limousine lộng lẫy để lên xe buýt đi cùng với các Hồng Y vừa mới chọn ngài làm bề trên của họ.
Sáng hôm sau, vị tân giáo hoàng tự ý trả tiền phòng khách sạn tại nơi ngài trú ngụ, bỏ qua tư gia truyền thống của các giáo hoàng tại Cung Điện Tông Đồ và dọn vào một căn hộ hai phòng tại Nhà Thánh Mác Ta, là nhà khách của Vatican.
Trong buổi họp báo đầu tiên với các ký giả quốc tế ngài đã tuyên bố kỳ vọng chính của ngài: “Tôi muốn có một Giáo Hội khó nghèo và cho người nghèo khó”. Và thay vì dâng Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh để tưởng niệm Bữa Tiệc Ly tại một vương cung thánh đường và rửa chân cho các linh mục như thông lệ, ngài đã giảng tại một khám đường giam giữ các thanh thiếu niên, và rửa chân cho mười hai tù nhân trong đó có cả phụ nữ và người Hồi Giáo, đây là hành động đầu tiên của một giáo hoàng. Và tất cả những điều này đã xẩy ra trong tháng đầu tiên của triều đại ngài.
Đối với thế giới bên ngoài Đức Thánh Cha Phanxicô dường như một vì sao xẹt từ trời rơi xuống, ngài rất nổi tiếng và là một nhân vật tôn giáo đôi khi hay tranh biện và rất bướng bỉnh, theo các bạn đồng hương với ngài. Là con của một kế toán viên di cư từ miền Piedmont phía bắc nước Ý. Bergolio đã xuất sắc ngay khi ngài nhập chủng viện năm 1956, lúc 20 tuổi, sau khi đã làm một chuyên viên phòng thí nghiệm, và trong môt thời gian ngắn làm “bouncer” (người gác cửa cho một hộp đêm). Ngay sau đó ngài đã chọn lối đi khó khăn của Dòng Tên làm con đường trở thành linh mục. Tại Colegio Máximo ở San Jose năm 1963, ngài tỏ ra có khả năng nhận định về linh đạo và có nhiều năng khiếu về chính trị, theo linh mục Juan Carlos Scannone, một giáo sư của ngài. Do
đó ngài mau chóng trở thành vị linh hướng cho các sinh viên khác cũng như cả các giáo sư. Ngài trở thành viện trưởng Colegio Máximo và là một nhân vật nổi tiếng tại các khu phố nghèo khó trên khắp thủ đô Buenos Aires. Và ngài cũng mau chóng thăng thưởng trong Dòng Tên và khéo léo du hành trong chính trường mờ ám của thời đại Juan Perón và sau đó là thời chính quyền quân sự độc tài. Ngài mất sự tin cẩn của bề trên Dòng Tên, rồi lại được phục hồi nhờ một Hồng Y mến chuộng ngài và phong cho ngài làm giám mục năm 1992, tổng giám mục năm 1998, và Hồng Y năm 2001.
Ngồi trong phòng khách của tư gia một buổi sáng, ngài đã tâm sự với các bạn thân là có nhiều thách thức ngài phải đối phó. Tình trạng tài chánh tệ hại của Ngân Hàng Vatican. Tệ trạng trì trệ của tổ chức hành chánh trung ương mang tên Roman Curia. Việc tiếp tục tiết lộ các hành vị xâm phạm tính dục trẻ vị thành niên của các linh mục đang được các giới chức trong Giáo Hội che đậy. Đối phó với các tệ trạng này, Đức Thánh Cha mong muốn cải tổ ngay, mặc dù ngài biết sẽ tạo ra thật nhiều kẻ thù.
Bạn ngài nói xin ngài coi chừng, ngài không chịu mang áo giáp chống đạn. Ngài trả lời: “Chúa đã đặt để tôi vào chỗ này, Người sẽ phải lo lắng cho tôi.” Mặc dầu ngài không xin làm giáo hoàng, nhưng ngài nói khi tên ngài được gọi lên trong mật nghị, ngài đã cảm nhận một sự bình an hết sức. Và mặc dầu có nhiều sự chống đối có thể xẩy ra, ngài cam đoan với các bạn là ngài vẫn cảm nhận một sự bình an vô cùng.
Dường như sứ mệnh của Đức Thánh Cha là khởi xướng một cuộc cách mạng bên trong Vatican và bên ngoài. Nhưng theo De la Serna, một bạn hữu người Á Căn Đình của ngài, ngài nói: “Ngài sẽ không thay đổi giáo thuyết, mà muốn Giáo Hội trở về với học thuyết chân chính – là giáo điều bị quên lãng, là phải đặt con người ở chính trọng tâm.”