Gần 12.000 khách hành hương đã đứng chật kín quảng trường nhỏ bên ngoài Dinh Thự Castel Gandolfo trong Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do Đức Thánh Cha chủ sự.
Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện đằng sau cánh cửa mang tính biểu tượng như là nơi đã khép lại triều đại giáo hoàng vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngài tiến đến bàn thờ dã chiến trong chiếc áo lễ đơn giản. Bài giảng của ngài tập trung vào những đóng góp cho Giáo Hội của Đức Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô giảng giải: “Qua ánh sáng của biểu tượng xinh đẹp này của Mẹ chúng ta, chúng ta có thể phân tích đoạn Kinh Thánh của bài đọc hôm nay. Chúng ta có thể tập trung vào ba chữ: chiến đấu, phục sinh, và hy vọng”.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, chữ đầu tiên đề cập đến cuộc chiến đấu liên tục từ đời này đến đời kia giữa thiện và ác, và Đức Mẹ đóng vai trò quan trọng ra sao trong việc dẫn dắt thế giới dọc theo cuộc chiến này.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức Maria hiệp cùng chúng ta, Mẹ chiến đấu bên cạnh chúng ta. Mẹ nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại sức mạnh của sự ác. Nhất là qua lời cầu nguyện, qua kinh Mân Côi. Hãy nghe tôi nói, kinh Mân Côi … Anh chị em có cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày không? Tôi không biết, anh chị em có chắc không? Thế thì chúng ta bắt đầu! ”
Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng Đức Mẹ đã dự phần trong cuộc chiến đấu của con Mẹ, là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ chịu đau đớn cùng Chúa, và vì thế khi Chúa Giêsu phục sinh, Mẹ nhận được hoa quả đầu mùa của ơn cứu chuộc.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mẹ của chúng ta, chúng ta có thể nói thêm, là người đại diện cho chúng ta. Mẹ là Chị của chúng ta, Chị Cả của chúng ta được ban ơn cứu độ và được đưa về Thiên Đàng”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng vì sự đau khổ và được cứu chuộc của Mẹ, Đức Mẹ cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của hy vọng. Mẹ gần gũi những người đau khổ trên khắp thế giới, và ngài đem đến cho họ niềm hy vọng để vượt qua cuộc chiến của họ.
Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với kinh Truyền Tin. Ngài ở lại Castel Gandolfo cả ngày. Sau chuyến viếng thăm một giáo xứ địa phương, ngài trở về Vatican.
Lã Thụ Nhân