Đức Thánh Cha cho biết, vào mỗi chiều tối lúc 7 giờ ngài đều gọi điện thoại cho giáo xứ ở Gaza. Có 600 người đang sống ở đó và họ thuật lại những gì đã chứng kiến: đó là một cuộc chiến. Chiến tranh được tiến hành bởi cả hai, không phải một. Những người vô trách nhiệm là những người thực hiện cuộc chiến. Rồi không chỉ có chiến tranh quân sự, còn có chiến tranh du kích, ví dụ như Hamas, một phong trào không phải là một quân đội. Đây là một điều tồi tệ.
Về cuộc chiến ở Ucraina, phóng viên hỏi Đức Thánh Cha về việc có người kêu gọi đầu hàng, cờ trắng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều này sẽ hợp pháp hoá kẻ mạnh hơn, Đức Thánh Cha trả lời: “Đó là một cách giải thích. Nhưng tôi tin rằng người mạnh hơn là người nhìn thấy tình hình, biết nghĩ đến dân chúng, có can đảm giương cờ trắng và đàm phán. Và ngày nay người ta có thể đàm phán với sự giúp đỡ của các cường quốc quốc tế. Đàm phán là một cụm từ can đảm. Khi thấy mình thất bại, mọi chuyện không được suôn sẻ, bạn cần phải can đảm để đàm phán. Bạn xấu hổ, nhưng nó sẽ kết thúc với bao nhiêu cái chết? Hãy đàm phán kịp thời, tìm nước nào đó đứng ra làm trung gian. Ngày nay, chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Ucraina, có rất nhiều người muốn làm trung gian hòa giải. Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đề nghị cho việc này. Và còn nhiều quốc gia khác nữa. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn”.
Đức Thánh Cha khẳng định thêm rằng đàm phán không bao giờ là một sự đầu hàng. Đó là sự can đảm để không đưa đất nước đến chỗ tự sát.
Vatican News